Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

Giáo lý ĐTC về LTX (tt) - 24.02.2016

Bài giáo lý ngày 24 tháng 02 năm 2016 về "Lòng Thương Xót và quyền lực"


Capture CTV - Audience Générale, Place Saint-Pierre, 24 Février 2016

"Sẽ rất đẹp nếu những người khai thác có uy quyền ngày nay biết làm giống như" vua A-kháp đã nhận biết tội lỗi của mình, đã thấu hiểu, đã khiêm nhượng và đã xin tha thứ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lưu ý và ngài liên kết với giáo huấn của ngôn sứ I-sai-a khi bình luận rằng: "Và ngôn sứ I-sai-a không phải là cộng sản!"
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chủ trì triều kiến chung, ngày thứ Tư 24/02/2016 này vào lúc 10 giờ sáng, trên quảng trường Thánh Phêrô nơi ngài đã gặp gỡ các nhóm hành hương và du khách đến từ Italia và trên toàn thế giới.
Trong Bài giáo lý bằng tiếng Ý, Đức Giáo Hoàng đã tiếp nối các bài giáo huấn của ngài về lòng thương xót trong Thánh Kinh, trên chủ đề "Lòng Thương Xót và quyền lực", từ truyện vườn nho của Nabot, đã bị vua A-kháp chiếm đoạt trái phép (1V 21, 1b-4a) trước khi nhà vua hối cải.
"Thiên Chúa nhìn thấy tội ác này và Người đánh động trái tim vua A-kháp và nhà vua, bị đặt trước tội lỗi của mình, đã hiểu ra, hạ mình và cầu xin tha thứ. Sẽ đẹp biết bao nếu những người khai thác có uy quyền ngày hôm nay biết làm như thế! Đức Chúa chấp nhận sự hối cải của nhà vua; tuy nhiên, một người vô tội đã bị giết chết và lỗi lầm đã phạm sẽ có những hậu quả không thễ tránh được. Quả vậy, điều ác một khi đã phạm sẽ để lại những vết hằn đau đớn và lịch sử loài người còn mang thương tích", Đức Giáo Hoàng Phanxicô bình giải.
Ngài đã kêu gọi tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa: "Lòng thương xót cũng cho thấy, trong trường hợp này, con đường chủ đạo phải theo. Lòng thương xót có thể chữa lành các thương tích và làm thay đổi lịch sử. Bạn hãy mở con tim mình ra với lòng thương xót! Lòng thương xót Thiên Chúa mạnh hơn tội lỗi con người. Nó mạnh hơn. Đó là tấm gương của vua A-kháp".
Sau khi tóm lược Bài giáo lý của ngài bằng nhiều thứ tiếng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi lời chào mừng đặc biệt đến các nhóm. Buổi triều kiến đã kết thúc khi mọi người cất tiếng hát kinh Lậy Cha và phép lành Tòa Thánh.
Sau đây là bản dịch toàn văn bài nói của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

A.B.

Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô bằng tiếng Ý
Thân chào quý anh chị em!
Chúng ta tiếp tục các Bài giáo lý về lòng thương xót trong Thánh Kinh. Trong nhiều đoạn, có vấn đề những người quyền thế, các vua chúa, những người ở "thủ lãnh" và cả sự ngao mạn và lạm dụng của họ. Của cải và quyền thế là những thực tế có thể làm tốt và hữu dụng cho công ích, nếu chúng đợc sử dụng để phục vụ người nghềo và mọi người, trong công lý và bác ái. Nhưng khi, như đã thường xẩy ra, chúng được trải nghiệm như một đặc quyền ưu đãi, với lòng ích kỷ và toàn quyền, chúng sẽ biến thành khí cụ của thối nát và của sự chết. Đó là điều xẩy ra trong đoạn viết về vườn nho của ông Nabot, được mô tả trong Sách 1 các Vua, chương 21, và ngày hôm nay, chúng ta sẽ dừng lại ở chương này.
Đoạn văn này kể rằng vua A-kháp của Israel muốn mua vườn nho của một người tên là Nabot, bởi vì vườn nho này ở sát cạnh hoàng cung. Chủ tâm có vẻ chính đáng, và còn là đại lượng nữa, nhưng ở nước Israel, các bất động sản đất đai được coi như bất khả xâm phạm.  Quả vậy, sách Lê-vi dậy rằng: "Đất thì không được bán đứt, vì đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta" (Lv  25, 23). Đất đai là linh thiêng, bởi vì đất đai là một quà tặng của Đức Chúa, và như quà tặng, nó phải được giữ gìn và bảo vệ, như dấu chỉ của phúc lành Thiên Chúa truyền lại từ thế hệ này tới thế hệ khác và như là sự bảo đảm phẩm giá cho tất cả mọi người. Như thế, người ta hiểu được câu trả lời từ chối của ông Nabot với vua: "Xin Đức Chúa đừng để tôi nhượng gia sản của ông cha tôi cho ngài" (1V 21, 3).
Vua A-kháp phản ứng với sự từ chối này một cách cay đắng và khinh mạn. Vua cảm thấy bị xúc phạm – ngài là vua, là người quyền quý - bị hạ giá trong vương quyền của mình và bị thất vọng trong khả năng thỏa mãn ham muốn chiếm đoạt. Nhìn thấy nhà vua suy sụp như thế, vợ vua là l-de-ven, một bà hoàng hậu ngoại giáo đã tích cực thờ cúng thần linh và giết hại các ngôn sứ của Đức Chúa (x. 1V 18, 4), -bà ta không xấu xí, nhưng bà ấy hung dữ! – Đã quyết định can thiệp. Những lời bà nói với vua rất có ý nghĩa. Anh chị em sẽ cảm thấy tính hung dữ đàng sau người đàn bà này khi nghe bà nói: "Ông có phải là vua dân Israel hay không? Ông đứng lên đi, ăn uống đi, và vui vẻ lên đi: tôi, tôi sẽ lấy cho ông cái vườn nho của tên Nabot". Bà ta đã nhấn mạnh đến uy thế và quyền lực của nhà vua, vốn dưới cách nhìn của bà ta, đã bị đem ra thách thức bởi sự từ chối của ông Nabot. Một quyền lực mà bà coi như tuyệt đối và qua đó, mọi ý muốn của vua đầy uy quyền trở thành mệnh lệnh. Vị thánh cả Ambrôsiô có viết một cuốn sách về giai đoạn này. Nó nang tên là Nabot. Trong Mùa Chay này nên đọc cuốn sách đó. Rất hay, và rất cụ thể.
Nhớ tới những điều đó, Chúa Giêsu phán với chúng ta: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em" (Mt 20, 25-27). Nếu mất đi cái khoản phục vụ, quyền lực biến thành sự ngạo mạn và trở thành thống trị và đàn áp. Chính đó là điều đã xẩy ra trong câu chuyện vườn nho của ông Nabot. Bà hoàng hậu I-dê-ven, đã không ngần ngại đưa ra quyết định thủ tiêu ông Nabot và bà ta đã thi hành kế hoạch của bà ta. Bà đã dùng những lớp vỏ giả dối của một nền lề luật tai ác: bà nhân danh nhà vua đã gửi thư cho các bô lão các kỳ mục của thành phố, ra lệnh đưa ra những chứng dối công khai tố cáo ông Nabot là đã chửi rủa Thiên Chúa và nhà vua, một tội đáng tử hình. Như thế, một khi ông Nabot đã chết rồi, nhà vua có thể chiếm lấy vườn nho của ông. Và đây không phải là một chuyện đã xẩy ra ở thời xa xưa, nó cũng là một chuyện của ngày hôm nay, những kẻ quyền thế, để có nhiều tiền của hơn, đã khai thác bóc lột người nghèo, bóc lột kẻ khác. Đó là chuyện buôn người, chuyện cưỡng bách lao động, những người nghèo khổ phải làm chui với đồng lương tối thiểu, để làm giầu cho những kẻ quyền thế. Đó là chuyện của các chính trị gia tham nhng ngày càng muốn vơ vét nhiều hơn! Bởi vậy, tôi đã nói rằng nên đọc cuốn sách của thánh Ambrôsiô, về ông Nabot, bởi vì cuốn sách đó mang tính thời sự.
Sủ dụng quyền lực mà không tôn trọng sự sống, không có công lý, không có lòng thương xót sẽ dẫn đến hậu quả như thế đó. Và khát vọng quyền lực trở nên tham lam, muốn có tất cả sẽ dẫn đến hậu quả như thế đó. Một đoạn văn của ngôn sứ I-sai-a mang tính soi sáng đặc biệt trên đề tài này. Đức Chúa đã cảnh báo chống lại sự tham lam của những đại điền chủ luôn muốn có nhiều nhà nhiều đất hơn nữa. Và ngôn sứ I-sai-a đã nói: "Khốn thay những kẻ tậu hết nhà nọ đến nhà kia, nối thêm ruộng này đến ruộng khác, tới mức không còn chỗ trống nào, và chỉ còn một mình các người ở lại trong xứ (Is 5, 8).
Và ngôn sứ I-sai-a đã không phải là cộng sản! Nhưng Thiên Chúa cao trọng hơn tính độc ác và những trò bẩn thỉu của con người. Trong lòng thương xót của Người, Người sai ngôn sứ Êlia để giúp đỡ vua A-kháp hối cải. Bây giờ hãy giở sang trang khác xem chuyện kết thúc như thế nào? Thiên Chúa nhìn thấy tội ác và đánh động con tim vua A-kháp và nhà vua, bị đặt trước tội lỗi của mình, đã hiểu, đã hạ mình và đã xin tha thứ. Sẽ đẹp biết bao nếu những kẻ quyền thế ngày nay cũng làm như thế! Đức Chúa chấp nhận sự hối cải của nhà vua; tuy nhiên, một người vô tội đã bị giết chết và lỗi lầm đã phạm sẽ có những hậu quả không thể tránh được. Quả vậy, điều ác một khi đã phạm sẽ để lại những vết hằn đau đớn và lịch sử loài người còn mang thương tích.
Lòng thương xót cũng cho thấy, trong trường hợp này, con đường chủ đạo phải theo. Lòng thương xót có thể chữa lành các thương tích và làm thay đổi lịch sử. Bạn hãy mở con tim mình ra với lòng thương xót! Lòng thương xót Thiên Chúa mạnh hơn tội lỗi con người. Mạnh hơn. Đó là tấm gương của vua A-kháp.
Chúng ta không biết đến quyền lực, khi chúng ta nhớ tới sự giáng thế của Con Vô Tội của Thiên Chúa làm người để phá hủy sự ác bằng sự tha thứ của Người. Chúa Giêsu Kitô là Vua đích thực, nhưng quyền lực của Người hoàn toàn khác. Ngai tòa của Người là cây thập giá. Người không phải ông vua giết người, mà trái lại, Người ban sự sống. Bằng cách đi đến với mọi người, nhất là những người yếu hèn, Người phá tan sự cô đơn và số phận phải chết do tội lỗi đưa tới. Chúa Giêsu Kitô, bằng sự gần gũi và lòng nhân ái của Người, dẫn đưa những người có tội vào không gian ân điển và tha thứ. Và đó chính là lòng thương xót của Thiên Chúa.

Bản dịch tiếng Pháp: Constance Roques (Zenit)
Mạc Khải phỏng dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét