Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016

Thư chung ĐGM GPXL - Giáng Sinh 2016


Toà Giám mục Xuân Lộc, ngày 21 tháng 12 năm 2016

Thư Chung

Gửi Gia đình Giáo phận

Dịp lễ GIÁNG SINH 2016

Kính gửi :     Quý Cha, Quý Tu sĩ nam nữ, Các Chủng sinh,

và Anh Chị Em Giáo hữu Giáo phận Xuân Lộc.
 

Anh Chị Em rất thân mến, 

Trong niềm hân hoan mừng Đại Lễ Chúa Giáng Sinh, tôi xin gửi đến mọi người, mọi gia đình, cộng đoàn, giáo họ, giáo xứ; đến các con cái Giáo phận đang đi làm, đi học nơi xa hoặc định cư ở nước ngoài, lời nguyện chúc chân thành và yêu thương: Nguyện xin Chúa Hài Đồng ban cho Anh Chị Em ơn bình an và niềm vui cứu độ mà Ngài đã đem xuống trần gian cho những người thành tâm được Thiên Chúa yêu thương (x. Lc 2,14).

Mới đây, tôi đi tham dự Đại hội Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC) được tổ chức tại Negombo, thuộc Tổng Giáo phận Colombo, Sri Lanka, từ ngày 28/11 đến ngày 04/12/2016. Tham dự Đại hội có 137 thành viên, gồm 11 Hồng Y, 22 Tổng Giám mục, 53 Giám mục, 31 Linh mục, 2 nữ tu và 18 giáo dân. Phái đoàn Việt Nam có 5 Giám mục tham dự. Đại hội đã diễn ra rất tốt đẹp trong bầu khí thánh thiện và huynh đệ của những người con cái Chúa đến từ khắp nơi tại Châu Á. Một điều làm tôi đặc biệt chú ý là lời phát biểu của Đức Hồng y Malcolm Ranjith, Tổng Giám mục Colombo về thành phố Negombo. Ngài nói: “Tại Negombo dân chúng đa số là Công giáo (70%), còn lại là tín đồ Phật giáo, Hồi giáo và một vài Tôn giáo khác. Trong suốt 30 năm nội chiến, Negombo không hề có một thiệt hại về nhân mạng và nhà cửa vật chất. Negombo được coi là một ‘thánh địa’. Bất cứ ai vào Negombo đều được an toàn”.

Lời phát biểu trên đây đã làm tôi nghĩ ngay về Giáo phận chúng ta và nhớ đến ước mơ mà tôi đã thổ lộ trong Thánh lễ cầu nguyện cho sứ vụ mục tử của tôi tại nhà thờ Chính Tòa ngày 31 tháng 5 năm 2016: ước mơ “Giáo phận Xuân Lộc chúng ta sẽ là nơi mọi người, kể cả Anh Chị Em lương dân và di dân, đều cảm nghiệm được sự ngọt ngào của lòng thương xót và không ai không là chứng nhân của lòng Chúa thương xót. Nhờ đó, người nghèo, người đau khổ, bệnh tật, các cụ già neo đơn, các gia đình tăm tối, những cha mẹ khổ đau vì con cái, sẽ tìm được sự cảm thông và an ủi; những người lỡ lầm vẫn được đón nhận và khích lệ để hối cải và biến đổi.

Bài giảng ĐTC ngày 18.12.16 (CN IV MV A) - Thiên Chúa lại gần những kẻ bé mọn


Ngày lễ Giáng Sinh, Thiên Chúa lại gần "những kẻ bé mọn mà thiên hạ khinh khi"


Suy niệm trước Kinh Truyền Tin



Kinh Truyền Tin ngày 18 tháng 12 năm 2016

Ngày lễ Giáng Sinh, Thiên Chúa "đến gần" bao "kẻ bé mọn mà thiên hạ khinh khi", Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh trong giờ Kinh Truyền Tin ngày 18/12/2016, trên quảng trường Thánh Phêrô tại Vatican.

Dẫn nhập vào giờ kinh kính Đức Mẹ, Đức Giáo Hoàng đã suy niệm về hai hình ảnh của đức Maria và thánh Giuse, "là những người đầu tiên đón nhận Chúa Giêsu bằng đức tin" và "đã dẫn nhập vào mầu nhiệm Giáng Sinh".

"Đức Maria, ngài giải thích, giúp cho chúng ta có thái độ sẵn sàng để đón mừng Con Thiên Chúa trong cuộc đời cụ thể của chúng ta, trong con người của chúng ta. Thánh Giuse khuyến khích chúng ta luôn đi tìm thánh ý của Thiên Chúa và đi theo thánh ý Người với tràn đầy tin tưởng".

Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi hãy làm một cuộc xét mình: "Tôi có mở cửa – cho Chúa – không khi tôi cảm thấy một cảm hứng trong lòng, khi tôi cảm thấy Người truyền cho tôi làm một điều gì thêm cho người khác, khi Người kêu gọi tôi cầu nguyện?"

Lời Đức Giáo Hoàng trước Kinh Truyền Tin

Thân chào Quý Anh Chị Em!

Phụng vụ ngày hôm nay, Chúa Nhật thứ tư và cuối cùng của Mùa Vọng, mang đặc tính chủ đề gần gũi, sự gần gũi của Thiên Chúa đối với nhân loại. Đoạn Phúc Âm (x. Mt 1, 18-24) cho chúng ta thấy hai nhân vật, hai nhân vật hơn ai hết đã liên quan đến mầu nhiệm tình yêu này: đó là Đức Trinh Nữ Maria và thánh Giuse, bạn trăm năm của bà. Mầu nhiệm tình yêu, mầu nhiệm gần gũi của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2016

Thư Chung ĐGM GPXL 20.11.2016

TÒA GIÁM MỤC XUÂN LỘC
210 Hùng Vương - Xuân Bình - Long Khánh - Đồng Nai - Việt Nam 
Tel: (0084) 61.3877256 - Fax: (0084) 613784053
EMAIL:  vptgmxl@gmail.com  
-----------------------------------------------------------------

Số: 03-2016/TLL

 


Toà Giám Mục Xuân Lộc, ngày 20 tháng 11 năm 2016


Thư Chung

ĐỊNH HƯỚNG SINH HOẠT MỤC VỤ GIÁO PHẬN
2016 - 2017


Kính gửi :  Quý Cha, Quý Tu sĩ nam nữ, Các Chủng sinh

                   và Anh chị em tín hữu giáo phận Xuân Lộc


Anh chị em thân mến, 

Qua Tông sắc “Dung mạo lòng thương xót” (Vultus Misericordiae), Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi toàn thể Giáo Hội cử hành Năm Thánh ngoại thường “Lòng thương xót”, được khai mạc ngày 08/12/2015 - Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội - và bế mạc ngày 20/11/2016 - Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ.

Giáo phận Xuân Lộc chúng ta đã nỗ lực đáp lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô ngay từ ngày khai mạc và nhất là trong những tháng cuối của Năm Thánh, qua những Tuần Đại Phúc, với việc gia tăng tham dự Thánh lễ, Bí tích Hòa Giải, Chầu Thánh Thể, các việc đạo đức và qua việc thực hiện các công việc bác ái biểu lộ lòng thương xót theo kinh “Thương người có mười bốn mối”. Tuần Đại phúc được kết thúc bằng Thánh Lễ Đại trào tại Nhà thờ hành hương của cụm Giáo hạt. Các Tuần Đại Phúc đã khơi lên trong Giáo phận bầu khí hân hoan của Đức Tin và bầu khí ấm áp của lòng thương xót. Chúng ta cùng nhau cảm tạ Chúa.

Trong tâm tình hiệp thông với Đức Thánh Cha và Giáo Hội hoàn vũ, Giáo phận chúng ta cử hành trọng thể Lễ Bế Mạc Năm Thánh tại Trung Tâm Đức Mẹ Núi Cúi vào ngày 20/11/2016. Vào dịp này tôi công bố chương trình mục vụ năm 2016-2017 với chủ đề:

Gia đình hãy là dấu chỉ lòng thương xót của Chúa:

Chuẩn bị người trẻ bước vào hôn nhân.”


Có hai lý do khiến tôi quyết định chọn chủ đề này:

Lý do thứ nhất là sự hiệp thông. Khi chọn sống chủ đề này, Giáo phận muốn diễn tả sự hiệp thông với Giáo Hội Việt Nam. Trong Thư chung gửi Cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam đề ngày 07/10/2016, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã quyết định chọn chủ đề mục vụ cho ba năm tới là “Mục vụ gia đình”, mỗi năm có một điểm nhấn và điểm nhấn năm 2016-2017 là “chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân”.

Lý do thứ hai là “Lòng Thương Xót”. Giáo phận chúng ta muốn tiếp tục hành trình thiêng liêng của Năm Thánh vừa kết thúc để Lòng Thương Xót thấm nhuần vào tâm tư của mỗi người, vào các gia đình, các giáo họ, giáo xứ và cộng đoàn dòng tu của Giáo phận. Nhờ vậy, “Giáo phận Xuân Lộc chúng ta sẽ là nơi mọi người, kể cả anh chị em lương dân và di dân, đều cảm nghiệm được sự ngọt ngào của lòng thương xót và không ai không là chứng nhân của lòng Chúa thương xót. Nhờ đó, người nghèo, người đau khổ, bệnh tật, các cụ già neo đơn, các gia đình tăm tối, những cha mẹ khổ đau vì con cái, sẽ tìm được sự cảm thông và an ủi; những người lỡ lầm vẫn được đón nhận và khích lệ để hối cải và biến đổi. Con cái Xuân Lộc, chúng ta cùng nhau hăm hở cộng tác để biến các gia đình, các cộng đoàn giáo xứ của chúng ta thành những cộng đoàn có chất lòng thương xót.” (Trích Tâm tình với gia đình Giáo phận sau Thánh lễ cầu nguyện cho Sứ vụ Mục tử tại Nhà thờ Chính Tòa Xuân Lộc ngày 31/5/2016).

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

Huấn từ ĐTC ngày 23.11.2016 - Giáo dục là một hình thức Phúc âm hóa


"Giáo dục là một hình thức Phúc Âm hóa"


Các công trình bác ái "khuyên nhủ người nghi vấn và Giáo dục người dốt nát" (toàn văn)

23 NOVEMBRE 2016 - CONSTANCE ROQUES - PAPE FRANÇOIS



Triều kiến chung tại Hội trường Phaolô VI

Giáo dục là "một hình thức đặc biệt của Phúc Âm hóa", Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khẳng định trong buổi triều kiến chung ngày 23/11/2016 trong hội trường Phaolô VI tại điện Vatican. Ngài đã ca ngợi mọi Kitô hữu đã "cống hiến đời mình trong việc giáo dục" và góp phần "trả lại phẩm giá của những người nghèo".

Đức Giáo Hoàng đã tiếp tục các Bài giáo lý của ngài về những công trình lòng thương xót và dừng lại trên đề tài: "khuyên nhủ những ai nghi vấn và dạy dỗ những người dốt nát". "Ở một thế giới mà những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã đạt tới mức cao như bây giờ, vẫn còn những trẻ em mù chữ! Đó là một sự bất công, ngài tố cáo (…) Không có Giáo dục, người ta dễ trở thành mồi ngon của sự khai thác và nhiều những hình thức bất ổn xã hội".

Ngài cũng đã suy niệm về sự nghi vấn, mà mỗi người đều có thể cảm nhận: "Những nghi vấn liên quan đến đức tin, trên chiều hướng tích cực, là một dấu chỉ chúng ta đang muốn hiểu biết thêm và cặn kẽ về Thiên Chúa, Chúa Giêsu và mầu nhiệm tình yêu của Người đối với chúng ta. Những nghi vấn này làm cho người ta lớn lên! Như thế, thật là một điều tốt lành khi chúng ta đặt những câu hỏi về đức tin của chúng ta, bởi vì như vậy, chúng ta sẽ được thúc đẩy đào sâu thêm về đức tin".

Để vượt qua những nghi vấn, Đức Giáo Hoàng đã khuyên nhủ hãy nghe Lời Thiên Chúa và "sống đức tin hết sức mình": "Chúng ta đừng khiến cho đức tin trở thành một lý thuyết trừu tượng trong đó sinh ra nhiều nghi vấn. Thay vào đó, chúng ta hãy làm cho đức tin trở thành đời sống của chúng ta. Chúng ta hãy tìm cách thực hành đức tin trong sự phục vụ anh em chúng ta, nhất là những người nghèo khổ nhất. Và lúc đó, nhiều nghi vấn sẽ biến mất".

AK

Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Thân chào quý anh chị em!

Năm Thánh đã bế mạc, hôm nay chúng ta trở về đời sống bình thường, nhưng vẫn còn một số suy nghĩ về các công trình lòng thương xót và như thế, chúng ta tiếp tục về đề tài này.

Sự suy nghĩ về các công trình lòng thương xót tinh thần, hôm nay, liên quan đến hai công tác gắn chặt với nhau. Đó là: khuyên nhủ những ai nghi vấn và dạy dỗ những người dốt nát, nghĩa là những người không hiêu biết. Từ ngữ "dốt nát" có vẻ quá mạnh, nhưng nó có nghĩa là những người không hiểu biết một điều gì đó và cần phải được Giáo dục. Đó là những công trình cụ thể tồn tại trong một chiều kích đơn giản, quen thuộc, gần gũi với tất cả mọi người, hay là, đặc biệt công tác thứ nhì, công tác Giáo dục, trên một bình diện mang tính thể chế hơn, có tổ chức hơn. Thí dụ, chúng ta hãy nghĩ tới tất cả những trẻ em còn đang bị nạn mù chữ. Điều này không thể hiểu được: Ở một thế giới mà những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã đạt tới mức cao như bây giờ, vẫn còn những trẻ em mù chữ! Đó là một sự bất công. Biết bao trẻ em còn đang ở trong điều kiện thiếu giáo dục! Đó là một tình trạng bất công to lớn xúc phạm đến cả phẩm giá con người. Không có giáo dục, người ta dễ trở thành miếng mồi ngon của sự khai thác và nhiều những hình thức bất ổn xã hội.

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2016

BẢN TIN ULTREYA SỐ 28 - T.10 & 11/2016


TRI ÂN THẦY GIÊSU

“Thầy đã chọn con” (Ga 15,6)
 
Kính thưa quý Cha, quý Tu sĩ và quý anh chị
Trong tâm tình cảm tạ hồng ân Chúa,
 
MỪNG LỄ CHÚA GIÊSU KITÔ – VUA VŨ TRỤ
MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM
(20/11/2016)
PT CURSILLO XUÂN LỘC
HIỆP THÔNG CHÚC MỪNG QUÝ CHA, QUÝ TU SĨ
QUÝ ANH CHỊ GIÁO CHỨC & GIÁO LÝ VIÊN
NGUYỆN XIN CHÚA BAN MUÔN HỒNG ÂN TRÊN
QUÝ CHA, QUÝ TU SĨ LINH HƯỚNG
VÀ QUÝ ANH CHỊ
TẤT CẢ CURSILLISTAS VỚI VAI TRÒ LÀ
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KITÔ GIÁO TRONG CÁC MÔI TRƯỜNG
CÙNG THEO GƯƠNG THẦY CHÍ THÁNH GIÊSU
ULTREYA! - ULTREYA!
 

Nhân dịp này, BPV Cursillo XL phát hành Bản tin Ultreya số 28
Bản tin ghi nhận những thông tin, hình ảnh và chứng từ chia sẻ trong hai tháng 10 và 11/2016 vừa qua.
Kính xin quý Cha, quý Tu sĩ và quý anh chị vui lòng xem và download theo đường link:
 Xin tiếp tục cầu nguyện cho công tác phát triển Phong trào được đẹp lòng Chúa và mưu ích cho ACE.
De Colores! Ultreya!
BPV Cursillo XL

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2016

Các Thánh là ai?


CÁC THÁNH LÀ...
TÔI LÀ...
  1. Là người biết sống hòa hợp với mọi người.
  2. Là người không e ngại nhìn lại bản thân.
  3. Là người biết xoay vần cùng vũ trụ.
  4. Là người sống đơn giản.
  5. Là người có tâm hồn trẻ thơ.
  6. Là người biết rằng mình rất mỏng dòn.
  7. Là người biết khi nào cần nhún nhường một chút.
  8. Là người biết mình được yêu.
  9. Là người suy nghĩ chín chắn.
  10. Là người không ngừng lên đường.
  11. Là người biết ca hát trong nội tâm.
  12. Là người triển nở như những bông hoa nở đúng mùa.
  13. Là người chấp nhận bị lu mờ.
  14. Là người tôn trọng ý kiến người khác.
  15. Là người sống trong một thế giới thân thiện.
  16. Là người biết cười.
  17. Là người luôn tìm kiếm.
  18. Là người kiên nhẫn chờ đợi.
  19. Là người biết nghỉ ngơi đúng lúc.
  20. Là người biết rằng mình đáng được yêu.

Suy tư - cảm nghiệm: Từ vực thẳm


Từ vực thẳm

Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, Lạy Chúa,

Muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con (Tv 130,1).

Thánh vịnh 130 diễn tả niềm cậy trông của người Do Thái nơi Thiên Chúa là Đấng cứu chuộc. Đây là một thánh thi thuộc thể loại “lên đền”, tức là người hành hương Do Thái thường hát khi tiến vào Đền thánh Giêrusalem. Phụng vụ Kitô giáo thường sử dụng thánh vịnh này trong các thánh lễ cầu hồn. Đây là tiếng kêu từ vực thẳm của những người cảm nhận rõ thân phận hèn yếu tội lỗi của mình trước mặt Chúa để nài xin Ngài đoái thương cứu vớt. Dù được vang lên “từ vực thẳm”, nội dung thánh vịnh không phải là tiếng kêu bi quan vô vọng, mà là lời cầu nguyện với niềm xác tín cậy trông. Trong tháng cầu cho các đẳng linh hồn, chúng ta hãy suy tư về ý nghĩa của thánh vịnh này.

“Vực thẳm” trước hết là lối so sánh giữa sự cao cả của Thiên Chúa và sự hữu hạn của kiếp người. Quả vậy, Thiên Chúa chí thánh vượt xa con người phàm trần tội lỗi. Ý thức được sự bất xứng của mình, tác giả Thánh vịnh vẫn cả dám thân thưa với Chúa. Lời van nài của ông như vọng lên từ đáy vực sâu, và ông vẫn tin rằng Chúa sẽ nghe lời kinh thống thiết ấy. Không mặc cảm vì thân phận phàm hèn, chẳng thất vọng vì Chúa ngàn trùng xa cách, người tín hữu đang gặp thử thách gian nan vẫn vững lòng cậy trông và tin rằng Chúa sẽ nhận lời cầu nguyện của họ. Dẫu biết rằng tiếng kêu của mình giống như tiếng kêu từ vực thẳm, điều mà trong thế giới loài người tưởng chừng như vô nghĩa và vô vọng, tác giả vẫn chắc chắn rằng Chúa sẽ nghe và “lắng tai để ý”.

Khái niệm “vực thẳm” ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người cũng là một cách khiêm tốn thú nhận, nếu Chúa chấp tội theo kiểu người đời, thì chẳng có ai được cứu rỗi. Bởi lẽ con người ta ở đời chẳng lập công gì cho xứng. Nếu Chúa tha tội, là vì Ngài giàu lòng xót thương, chứ không phải vì công lao của chúng ta. Lời Thánh vịnh tóm lược giáo huấn của Cựu ước về lòng khoan dung nhân hậu của Thiên Chúa. Ngài “chỉ giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời” (Tv 29,6). Lời cầu nguyện từ vực thẳm xuất phát từ niềm xác tín: “Bởi Chúa luôn từ ái một niềm”. Là Đấng từ ái bao dung, Thiên Chúa sẽ cứu giúp và sẽ cứu chuộc các tội nhân. Tin tưởng vào tình thương của Chúa, người tin Chúa vẫn tín thác một niềm: “Dù qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (Tv 23,4).

Theo Giáo lý Công giáo, những người đã qua đời mà còn vướng mắc tội lỗi, thì họ cần phải được thanh tẩy trước khi xứng đáng ra trình diện trước nhan Đấng Tối cao. Nơi họ chịu thanh tẩy, được gọi là “Lửa luyện tội”, hoặc “Luyện ngục”. Sự hiện hữu của luyện ngục chứng minh Thiên Chúa vừa là Đấng công bằng, vừa là Đấng bao dung. Vì công bằng, nên những ai trước khi đến với Ngài phải đền bù tội lỗi họ đã phạm; vì bao dung, nên Ngài cho một cơ hội để tội nhân được thanh tẩy hết tội nhơ. Lời kinh “Từ vực thẳm” như một lời tự sự của các linh hồn đang bị giam cầm nơi luyện ngục. Chính từ nơi luyện tội này, mà các linh hồn cảm nhận được vực thẳm của sự yếu đuối tội lỗi, cũng là vực thẳm giữa Thiên Chúa chí thánh và con người phàm trần. Tại nơi này, các linh hồn bị thiêu đốt, không chỉ do ngọn lửa hình phạt, nhưng còn thiêu đốt do lòng khao khát được về với Chúa như về với cội nguồn. Nếu trong cuộc sống trần thế, chúng ta không cảm nhận được sự thánh thiện và vinh quang của Thiên Chúa, thì nơi luyện tội, các linh hồn lại thấy rõ những điều ấy. Vì thế mà lòng khao khát được kết hợp với Chúa càng trở nên mãnh liệt, để rồi, “mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người”.

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

Suy tư - cảm nghiệm: Nên Thánh Giữa Đời


Nên thánh giữa đời

Theo giáo lý Công giáo, các thánh là những người sống tốt lành đạo đức trong cuộc sống trần gian, và nay, sau khi đã kết thúc hành trình trần thế, họ đang được hưởng hạnh phúc thiên đàng. Khi sống ở đời này, họ đã kiên trì cộng tác với ơn Chúa, nỗ lực cố gắng để vượt qua những cám dỗ đời thường và sống trọn lành, thanh tịnh. Giáo Hội Công giáo tôn những tín hữu này là những đấng thánh, vì họ phản ánh trung thành sự thánh thiện của Thiên Chúa. Có những vị thánh đã trung kiên theo Chúa và làm chứng cho Ngài, dù phải đổ máu, như trường hợp các thánh tử đạo. Các vị thánh theo đúng nghĩa là những vị được tôn phong và được tôn kính trên các bàn thờ. Cũng có những vị thánh, dù không được Giáo Hội phong thánh, nhưng trước mặt Chúa, họ tinh tuyền thánh thiện và đang cùng với triều thần ca ngợi vinh quang của Đấng Tối Cao. Trong số đó, có những người thân của chúng ta, có những người suốt đời âm thầm gieo hạt công bình bác ái, có những người chỉ đơn giản chu toàn bổn phận của mình một cách trọn vẹn, có những người dù nghèo khổ, cơ hàn, bệnh tật, nhưng vẫn vững một niềm cậy trông.

Từ buổi sơ khai của Giáo Hội, những người tin Chúa và gia nhập Đạo được gọi là “các thánh” hoặc “dân thánh”. Thánh Phaolô, trong các thư giáo huấn của ngài, đã để lại cho chúng ta những chứng từ này (x. 1Cr 1,2). Họ hiệp thông với nhau trong kinh nguyện, trong đời sống và trong những nghĩa cử chia sẻ bác ái. Nhờ lời giảng dạy của các tông đồ, họ say sưa tìm kiếm Đấng quyền năng vô biên mà họ gọi là Thiên Chúa. Ngài là Đấng ngàn trùng chí thánh, hoặc là Nguồn của mọi cội nguồn. Đức tin khẳng định với họ, Thiên Chúa là Đấng tạo dựng vũ trụ muôn loài. Con tim nói với họ, Chúa là Đấng đáng yêu mến và kính tin. Hành trình đức tin của họ cũng là hành trình tìm kiếm Chúa. Những con tim khao khát Chúa chẳng bao giờ thỏa mãn, vì càng khám phá ra Chúa, thì lòng ao ước muốn kết hợp lại càng thâm sâu mãnh liệt hơn. Thánh Augustinô là một ví dụ điển hình. Ngài đã viết: “Lạy Chúa, Ngài đã dựng nên chúng con để hướng về Ngài, và tâm hồn chúng con không nghỉ ngơi cho đến khi nghỉ yên trong Ngài”.

Huấn từ ĐTC ngày Thế giới truyền giáo 2016


"Hôm nay là thời điểm của truyền giáo và của can đảm!"


Kinh Truyền Tin ngày 23 tháng 10 năm 2016 (toàn văn)




Kinh Truyền Tin ngày 23/10/2016

"Hôm nay là thời điểm của truyền giáo và của can đảm!", Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên bố ngày 23/10/2016, nhân Ngày Thế Giới Truyền Giáo. Khoảng chừng 50.000 người, theo sở Cảnh Sát Vatican, đã có mặt trên quảng trường Thánh Phêrô trong giờ Kinh Truyền Tin với Đức Giáo Hoàng.

Dẫn nhập vào kinh kính Đức Mẹ Maria, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mời gọi các Kitô hữu hãy "tìm lại cái thú ra sức vì Phúc Âm" và hãy "lấy lại tin tưởng vào sức mạnh truyền giáo". Ngài đã khuyến khích hãy dấn thân trong việc truyền giáo "vì kết quả tùy thuộc vào nỗ lực của chúng ta" nhưng "phải biết rằng thành công đích thực trong truyền giáo của chúng ta là món quà của Ân Sủng".

"Có can đảm, ngài giải thích, không có nghĩa là có sự bao đảm thành công. Chúng ta được yêu cầu có can đảm để đấu tranh, chứ không cần thiết phải chiến thắng; để loan truyền, chứ không nhất thiết phải làm cho người ta trở lại đạo. Chúng ta được yêu cầu có lòng can đảm để là những giải pháp thay thế cho thế giới, nhưng không bao giờ để tranh luận hay hung hăng".

Lới Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước Kinh Truyền Tin

Thân chào quý anh chị em!

Bài đọc thứ nhì trong Phụng Vụ Lời Chúa ngày hôm nay trình bầy cho chúng ta lời khuyên nhủ của thánh Phaolô gửi ông Timôtê, cộng sự viên của ngài, trong dó ngài nghĩ lại cuộc đời Tông Đồ hoàn  toàn cung hiến cho truyền giáo (x. 2 Tm 4, 6-8. 16-18). Nhận thấy giờ đây đã gần tới chặng cuối của con đường trần gian, ngài mô tả cuộc đời ngài liên hệ với ba mùa: hiện tại, quá khứ, tương lai.

Hiện tại, ngài giải thích với một ẩn dụ của sự hy tế: "Tôi sắp phải đổ máu ra làm tế lễ" (c. 6).

Liên quan đến quá khứ, thánh Phaolô chỉ ra con đường ngài đã đi qua với những hình ảnh của một cuộc "thi đấu cao đẹp" và một cuộc "chạy đua" của một người đã sống phù hợp với những tham gia và trách nhiệm của mình (x. c. 7); bởi vậy, về tương lai, ngài phó thác cho sự đền trả của Thiên Chúa, Đấng là "vị Thẩm Phán chí công" (c. 8). Nhưng sứ vụ của thánh Phaolô tỏ ra hữu hiệu, đúng đắn và trung thành chỉ nhờ vào sự gần gũi và sức mạnh của Chúa là Đấng đã biến ngài thành một người rao truyền Tin Mừng cho mọi dân tộc. Sau đây là sự thố lộ của ngài: "Có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng" (c. 17).

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2016

Giáo lý Năm Thánh LTX (bài tt) - Lòng thương xót ôm trọn cuộc sống hàng ngày


Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô


Lòng thương xót ôm trọn cuộc sống hàng ngày





Buổi triều kiến chung ngày 12/10/2016

"Lòng thương xót không chỉ dành riêng cho những lúc đặc biệt, mà nó ôm trọn toàn bộ cuộc sống hàng ngày của chúng ta", Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố trong Bài giáo lý mới này, hôm thứ Tư về lòng thương xót trong Tân Ước, ngày 12/10/2016 này trên quảng trường Thánh Phêrô.

"Không phải chỉ trải nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa trong cuộc sống chúng ta: ai nhận được còn phải là dấu chỉ và khí cụ của lòng thương xót đó cho người khác", Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh và mời gọi hãy có những "cử chỉ nhỏ" hàng ngày, những "công trình lòng thương xót" hàng ngày.

Sau đây là bản dịch toàn văn Bài giáo lý do Đức Giáo Hoàng ban ra bằng tiếng Ý.

AB

Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Thân chào quý anh chị em!

Trong những Bài giáo lý trước, chúng ta đã dần dần đi vào mầu nhiệm lớn lao lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta đã suy ngẫm về hành động của Chúa Cha trong Cựu Ước và rồi qua những bài Phúc Âm, chúng ta đã thấy Chúa Giêsu, trong lời nói và trong hành động của Người, đã là sự nhập thể của lòng thương xót như thế nào. Đến lượt Người, Người đã dạy các môn đệ: "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ" (Lc 6, 36). Đó là một sự dấn thân chất vấn lương tâm và hành động của mọi người Kitô hữu. Quả vậy, không phải chỉ trải nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa trong cuộc sống chúng ta: ai nhận được còn phải là dấu chỉ và khí cụ của lòng thương xót đó cho người khác. Lòng thương xót, ngoài ra, không chỉ dành riêng cho những lúc đặc biệt, mà nó ôm trọn toàn bộ cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

Bài chia sẻ Đức Cha Giuse tại Nhà thờ chính tòa XL- Năm Thánh LTX - 9/10/2016


LÒNG THƯƠNG XÓT VÀ SỰ THA THỨ CỦA THIÊN CHÚA 
ĐEM SỨC SỐNG, SỰ AN VUI VÀ BIẾN ĐỔI CUỘC ĐỜI

Kính thưa quý Cụ, quý Ông Bà và quý Anh Chị,
Tuần Đại Phúc Lòng Thương Xót của Hạt Xuân Lộc đã được diễn ra tại các Giáo xứ trong suốt tuần qua. Hôm nay, chúng ta tề tựu về Nhà Thờ Chính Tòa để cùng nhau dâng Thánh Lễ tạ ơn Chúa vì tất cả hồng ân mà chính chúng ta và các anh chị em giáo hữu trong Hạt Xuân Lộc đã lãnh nhận.
Trong giây phút hội ngộ trước khi dâng Thánh Lễ tạ ơn, tôi muốn chia sẻ đôi điều với Anh Chị Em.
1. Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đem sức sống, sự an vui và biến đổi cuộc đời
Một điều hiển nhiên chúng ta đã trải nghiệm trong Tuần Đại Phúc Lòng Thương Xót là bầu khí an bình, hân hoan và niềm vui mừng trong lòng mỗi người, trong gia đình và trong Giáo xứ của chúng ta. Đây là hoa trái của việc đón nhận lòng thương xót của Chúa. Lòng thương xót của Chúa đã biến đổi cuộc đời chúng ta. Chúng ta hãy ghi khắc vào lòng kinh nghiệm sống này, hãy nhắc nhở cho nhau và hãy nói cho những ai chưa mở lòng để đón nhận ơn thánh của lòng thương xót.
Trong cuộc sống, ai cũng có một nghiệm đau thương. Đó là kinh nghiệm của những tội lỗi, lỡ lầm. Thánh Phaolô đã diễn tả kinh nghiệm này trong thư gửi giáo đoàn Rôma: “Điều tốt tôi muốn làm thì tôi không làm, còn điều xấu tối không muốn làm thì tôi lại làm”. Sau đó, ngài than lên: “Ai sẽ cứu tôi được?” Câu trả lời là “Chúa Giêsu Kitô” (x. Rm 7,9-14).
Đứng trước kinh nghiệm đau thương này, người thì nản chí và làm ngơ trước thực tại của lòng mình, người khác thì kiêu căng không chấp nhận những lỗi lầm mình đã vấp phạm. Kinh nghiệm của Tuần Đại Phúc mời gọi chúng ta nhìn nhận thực tại tội lỗi và mở lòng đón nhận lòng thương xót của Chúa, để tìm được niềm vui của ơn tha thứ của Chúa. Lòng thương xót của Chúa tràn đổ vào lòng chúng ta sức sống mới và biến đổi cuộc đời chúng ta.

Thư chung HĐGM VN - T.10.2016


THƯ CHUNG

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA

Anh chị em thân mến,

1. Chúng tôi, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, họp Đại Hội tại Trung tâm mục vụ Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 3 đến 7 tháng 10 năm 2016, kính gửi lời chào thân ái đến cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam. Bình an của Chúa ở cùng anh chị em!

Qua những bản tường trình của các giáo phận và các uỷ ban trực thuộc Hội Đồng Giám Mục, chúng tôi vui mừng trước những thành quả mà Năm Thánh Lòng Thương Xót mang lại cho rất nhiều người cũng như các cộng đoàn qua việc học hỏi giáo lý, cử hành phụng vụ, những cuộc hành hương, các việc đạo đức và những việc lành thực thi lòng thương xót. Lòng thương xót là chủ đề được nêu cao trong Năm Thánh 2016, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta chỉ sống lòng thương xót trong Năm Thánh mà thôi. Ước mong anh chị em tiếp tục sống tinh thần đó trong suốt cuộc đời, để xứng đáng là con cái của Cha trên trời, Đấng giàu lòng thương xót.

2. Với tâm tình đó, chúng tôi ước mong được chia sẻ “vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng” của anh chị em nói riêng và người dân Việt Nam nói chung trong xã hội ngày nay. Nhìn vào tình hình đất nước hiện nay, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta không thể không có những băn khoăn, lo lắng. Làm sao không âu lo trước tình hình đạo đức xuống cấp nghiêm trọng, tội ác gia tăng không những về số lượng mà cả về mức độ dã man, phá thai và nghiện ngập tràn lan, nhất là nơi giới trẻ! Làm sao vui được trước sự hoành hành của tệ nạn tham nhũng, vốn từ lâu đã được coi là quốc nạn nhưng đến nay vẫn không hề suy giảm! Làm sao không lo lắng trước tình trạng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán tại các tỉnh Tây nguyên, thảm hoạ môi trường biển tại miền Trung! Đó là chưa kể đến mối đe doạ hằng ngày từ các thực phẩm bẩn và độc hại, có thể ngay trong các quầy hàng và trên bàn ăn của mỗi gia đình!

Có những nguyên nhân khách quan và ở tầm vĩ mô đã dẫn đến tình trạng đáng buồn trên, chẳng hạn nền giáo dục quá chú trọng đến bằng cấp, nặng hình thức mà không quan tâm đủ đến giáo dục nhân cách và tâm hồn; chính sách kinh tế quá đề cao lợi nhuận và hiệu năng sản xuất mà không lưu ý đến môi trường sống của người dân; tình trạng thiếu minh bạch và yếu năng lực trong việc quản lý kinh tế và điều hành xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho tham nhũng và nhiều tệ nạn khác; khuynh hướng sử dụng bạo lực dưới nhiều hình thức để giải quyết vấn đề hơn là lắng nghe và đối thoại… Cách riêng trong những ngày này, chúng tôi nghĩ đến những đau khổ mà đồng bào bốn tỉnh miền Trung đang phải gánh chịu vì thảm hoạ môi trường biển. Ước mong nhà cầm quyền lắng nghe những nguyện vọng chính đáng của người dân cũng như những góp ý chân thành của các nhân sĩ, trí thức, để thực sự xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh mà mọi người mong ước.

Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2016

Người xa cách (distant ones) - Một mục đích nhắm tới nhưng không hẳn là duy nhất


NHỮNG NGƯỜI “XA CÁCH”

MỘT MỤC ĐÍCH NHẮM TỚI
NHƯNG KHÔNG HẲN LÀ DUY NHẤT

(The “distant ones” – A preferred but not exclusive objective)



Trước tiên, tôi xin được chúc mừng đất nước tuyệt vời này, chúc mừng kỷ niệm 400th năm dâng hiến cho Chúa Thánh Thần. Thật là Thánh Ý Chúa để chúng ta tổ chức Đại Hội vào đúng thời điểm và tại vùng đất này, chúng ta đang vui mừng cử hành cùng lúc hai sản phẩm của Chúa Thánh Linh.

  1. Trước hết, vào ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 14 tháng 5 năm 1606, Pedro Fernandez De Quiroz đã cảm hứng cung hiến vùng đất của miền nam bán cầu này cho Chúa Thánh Linh và từ đó bắt đầu công khai hóa công cuộc truyền bá Phúc Âm một cách nhiệt thành.
  2. Rồi vào cuối thập niên 1930’s, một lần nữa, Chúa Thánh Thần đã dùng Eduardo Bonnin để truyền bá Phúc Âm cũng giống y như vậy, nhưng bằng một phương thức mới được gọi là Cursillo.
    Trong đạo Thiên Chúa, không có sự trùng hợp, mà tất cả là do ý Chúa, và đây là một sự kiện hoàn toàn do Thánh Ý Chúa. Xin được chúc mừng và cám ơn đã cho tôi có cơ hội chia sẻ đến tất cả quý anh chị trong thời điểm ý nghĩa này.
    Trở lại bài Rollo mà tôi được vinh hạnh trình bày hôm nay, với tựa đề “Những người xa cách – một mục đích nhắm tới nhưng không hẳn là đối tượng duy nhất”, và đương nhiên là chúng ta sẽ nói đến mục đích hay là cứu cánh của Ơn Đặc Sủng của Phong trào Cursillo.
    Chúng ta hãy bắt đầu bằng việc phân tích những gì cần làm để gầy đựng và phát khởi Phong trào Cursillo trong giáo phận:

  1. Cần được sự chấp thuận của Đức Giám Mục là điều trước tiên.
  2. Cần lòng quảng đại của một hoặc vài vị Linh mục mà Đức Cha đề cử làm Linh hướng cho Phong trào.
  3. Cần một nhóm giáo dân.
    Do đó, chúng ta luôn nhớ là cần bắt đầu bằng việc tiếp xúc và thỉnh ý với Đức Giám Mục. Ngài là Đấng Bản Quyền và Ngài sẽ chấp thuận hoặc không thuận cho Cursillo hoạt động trong giáo phận.
    Kế đến, chúng ta cần hội ý với nhiều Linh mục, Thầy Sáu, Tu sĩ Nam Nữ để kêu mời sự hỗ trợ về thời giờ và công sức trong nhiệm vụ Linh hướng. Khi đã tìm được vị Linh hướng, chúng ta hãy thông báo để Đức Giám Mục chính thức đề cử.
    Tuy nhiên, chúng ta cần kiên nhẫn và nên hiểu là trong hoàn cảnh thiếu Linh mục và Tu sĩ  hiện nay, Đức Giám Mục có thể sẽ không cử để vị Linh hướng chỉ chăm lo cho riêng Phong trào Cursillo 100%.
    Điều thứ ba, chúng ta cần quy tụ một nhóm giáo dân sẵn sàng bắt tay vào việc. Đây là những giáo dân theo như Đức Cố Giáo Hoàng Pius X nói đến – những người lãnh đạo của các đoàn thể giáo dân cần phải là người Công giáo trưởng thành, với đức tin vững mạnh và là người đạo đức thật sự.

Người xa cách & Tiêu chuẩn Ứng viên PT


THẾ NÀO LÀ NGƯỜI XA CÁCH?

***

  1. Mở đầu
    Thưa quý anh chị,
    Để tiếp tục thực thi kế hoạch Mục vụ 2016 PTXL đề ra, với cái nhìn xuyên suốt tình hình thực tế của Phong Trào Xuân Lộc, Ban Phục vụ thấy rằng, nhu cầu khẩn thiết trước mắt là phải giúp Anh Chị Em hiểu thật đúng về mục đích và đường lối của Phong Trào, để say yêu tinh thần Phong Trào, từ đó, mỗi Cursillista mới thành tâm dấn thân trong ơn gọi Cursillo của mình. Qua cuộc Hội Thảo ngày 07/8 vừa qua, dựa vào đặc sủng của Phong Trào, toàn thể anh chị em tham dự đều nhiệt tình thống nhất với đường hướng Ban Phục vụ đề ra: Chỉnh đốn triệt để giai đoạn Tiền Cursillo. Điểm tối quan trọng là chắt lọc trong việc tìm ứng viên.
    Bài chia sẻ với các anh chị hôm nay, đi vào điểm nhắm: là tìm Ứng viên chắt lọc mà Phong Trào gọi là những “người xa cách Chúa và Giáo Hội”.
    Chúng ta sẽ tìm hiểu cặn kẽ - thế nào là “người xa cách”.
  2. Dựa trên các yếu tố nền tảng.
1. Mặc khải của Thiên Chúa qua Tin Mừng - Thiên Chúa là tình yêu, nên Người không bao giờ muốn cho một thụ tạo nào của Người xa cách Người (x. GLCG 27), chính vì thế, qua Dụ ngôn “Con Chiên Lạc”, Đức Giê-su đã kể rành rẽ rằng, người mục tử tất tưởi bỏ 99 con chiên kia trên rừng để đi tìm một con chiên lạc. Khi tìm được rồi, ông mừng rỡ vác nó lên vai, yêu thương vỗ về nó và kêu mời mọi người: hãy chung vui với ông vì ông đã tìm thấy con chiên bị mất. Cung cách của vị mục tử cho ta rõ chiều sâu của Dụ ngôn -  Đức Giê-su mặc khải rất cụ thể cho chúng ta về tình thương tuyệt vời của Thiên Chúa đối với người đã ở trong đoàn chiên của Người nhưng nay vì nhiều lý do đã xa cách Người và Giáo Hội của Người. Người kết luận: “Cũng vậy, trên trời ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối hơn là chín mươi chín người công chính không cần sám hối ăn năn” (Lc 15, 1-7). Nơi khác, Người xác định một lần nữa: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9, 13). Dẫu rằng, Chúa cũng xác định: “Tôi còn nhiều chiên khác không thuộc về ràn này, tôi cũng phải đem chúng về” (Ga 10, 16).

2. Quan điểm của Giáo Hội – Trung thành với mặc khải của Đức Giêsu, Giáo Hội xác tín: Căn tính của Giáo Hội là truyền giáo. Giáo Hội đã khẳng định qua Thông điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Thế” – Thông điệp nhắm tới việc loan báo Tin Mừng cho “các dân tộc hay các nhóm người chưa tin vào Chúa Kitô, những người xa cách Chúa Kitô”, những người mà Giáo Hội “chưa đâm rễ” nơi họ (x. ĐTC Paul IV, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, ch. 18-20, loc. Cit., 17-19). Bản chất chuyên biệt của sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội, là nhắm đến những người không phải là Kitô hữu.
  • Đức Giáo Hoàng Phanxico xuyên thấu sứ mạng này với chiều kích hiện sinh, Ngài nói: “Truyền giáo là bản chất kết nối với việc loan báo Tin Mừng cho những người “không biết Chúa Giêsu Kitô” và”những người đã được Rửa tội, nhưng lại không sống theo những đòi hỏi của Bí tích Rửa Tội” (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 14).  
    Qua những yếu tố nền tảng trên, chúng ta thấy rõ, “người xa cách Chúa” có 2 nhóm:
  • Nhóm 1: Những người chưa biết và chưa tin vào Chúa Kitô, chưa chịu phép Rửa Tội.
  • Nhóm 2: Những người đã chịu Phép Rửa Tội, nhưng không sống đời sống Kitô hữu.
    Những trích dẫn nêu trên đã minh định sứ vụ truyền giáo là trách vụ hàng đầu, là căn tính của Hội Thánh, đặc biệt là đối với những người chưa nhận biết Chúa, hoặc đã chịu Phép Rửa Tội, nhưng còn sống xa cách Chúa. Trước những nhu cầu khẩn thiết này, Chúa đã ban nhiều đặc sủng cho Giáo Hội, nên như một vườn hoa muôn sắc mầu, Giáo Hội đã có nhiều ơn gọi khác nhau. Chúa ủy thác cho mỗi Dòng tu, mỗi Hội đoàn, mỗi phong trào một cách thức truyền giáo khác nhau.
3. Theo Phong trào Cursillo: Phong trào Cursillo là Phong của Giáo Hội, thuộc về Giáo Hội, nhưng dành cho trần thế, nên cũng mang sứ mạng như Giáo Hội - là Phúc Âm hóa môi trường. Đặc sủng hay Ơn gọi riêng của Phong trào là nhắm tới các đối tượng trong môi trường, ưu tiên phải là những “người xa cách Chúa và Giáo Hội”.
Theo Tư Tưởng Nền Tảng của Phong Trào xác định: Những “người xa cách Chúa” phải được ưu tiên kiếm tìm và tuyển chọn trong giai đoạn Tiền Cursillo. Đặc tính rao truyền của Phong trào trước tiên là ưu ái loan truyền Tin Mừng cho “người xa cách Chúa và Hội Thánh” của Người. Trong giai đoạn Tiền Cursillo, đối với những người xa cách, nên được tiếp cận thân mật, với lòng tin tưởng, là, với phương pháp Cursillo, họ có thể cảm nghiệm được một cách đặc biệt tình thương của Chúa và có cơ hội sống một đời sống mới (TTCB ấn bản 3, số 179).
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho chúng ta thấy rõ những đặc điểm về “người xa cách”: Đó là “Toàn bộ những người đã được rửa tội, nhưng họ đã bị mất cảm giác sống động của đức tin, hoặc thậm chí không còn coi mình là thành viên của Giáo Hội và sống một cuộc sống xa cách Chúa Kitô và Tin Mừng của Người” (x. RM – Sứ Mạng Đấng Cứu Thế số 34).
Theo Tư Tưởng Căn Bản của Phong trào Cursillo, ghi trong Ấn bản 3: Họ là những con người do cảnh sống hay do sự lựa chọn lệch lạc, nên đã xa rời Chúa Kitô và Giáo Hội của Người, đức tin Kitô giáo không còn liên quan đến cuộc sống của họ và không còn quan trọng đối với họ.