Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

Huấn từ ĐTC ngày 23.11.2016 - Giáo dục là một hình thức Phúc âm hóa


"Giáo dục là một hình thức Phúc Âm hóa"


Các công trình bác ái "khuyên nhủ người nghi vấn và Giáo dục người dốt nát" (toàn văn)

23 NOVEMBRE 2016 - CONSTANCE ROQUES - PAPE FRANÇOIS



Triều kiến chung tại Hội trường Phaolô VI

Giáo dục là "một hình thức đặc biệt của Phúc Âm hóa", Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khẳng định trong buổi triều kiến chung ngày 23/11/2016 trong hội trường Phaolô VI tại điện Vatican. Ngài đã ca ngợi mọi Kitô hữu đã "cống hiến đời mình trong việc giáo dục" và góp phần "trả lại phẩm giá của những người nghèo".

Đức Giáo Hoàng đã tiếp tục các Bài giáo lý của ngài về những công trình lòng thương xót và dừng lại trên đề tài: "khuyên nhủ những ai nghi vấn và dạy dỗ những người dốt nát". "Ở một thế giới mà những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã đạt tới mức cao như bây giờ, vẫn còn những trẻ em mù chữ! Đó là một sự bất công, ngài tố cáo (…) Không có Giáo dục, người ta dễ trở thành mồi ngon của sự khai thác và nhiều những hình thức bất ổn xã hội".

Ngài cũng đã suy niệm về sự nghi vấn, mà mỗi người đều có thể cảm nhận: "Những nghi vấn liên quan đến đức tin, trên chiều hướng tích cực, là một dấu chỉ chúng ta đang muốn hiểu biết thêm và cặn kẽ về Thiên Chúa, Chúa Giêsu và mầu nhiệm tình yêu của Người đối với chúng ta. Những nghi vấn này làm cho người ta lớn lên! Như thế, thật là một điều tốt lành khi chúng ta đặt những câu hỏi về đức tin của chúng ta, bởi vì như vậy, chúng ta sẽ được thúc đẩy đào sâu thêm về đức tin".

Để vượt qua những nghi vấn, Đức Giáo Hoàng đã khuyên nhủ hãy nghe Lời Thiên Chúa và "sống đức tin hết sức mình": "Chúng ta đừng khiến cho đức tin trở thành một lý thuyết trừu tượng trong đó sinh ra nhiều nghi vấn. Thay vào đó, chúng ta hãy làm cho đức tin trở thành đời sống của chúng ta. Chúng ta hãy tìm cách thực hành đức tin trong sự phục vụ anh em chúng ta, nhất là những người nghèo khổ nhất. Và lúc đó, nhiều nghi vấn sẽ biến mất".

AK

Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Thân chào quý anh chị em!

Năm Thánh đã bế mạc, hôm nay chúng ta trở về đời sống bình thường, nhưng vẫn còn một số suy nghĩ về các công trình lòng thương xót và như thế, chúng ta tiếp tục về đề tài này.

Sự suy nghĩ về các công trình lòng thương xót tinh thần, hôm nay, liên quan đến hai công tác gắn chặt với nhau. Đó là: khuyên nhủ những ai nghi vấn và dạy dỗ những người dốt nát, nghĩa là những người không hiêu biết. Từ ngữ "dốt nát" có vẻ quá mạnh, nhưng nó có nghĩa là những người không hiểu biết một điều gì đó và cần phải được Giáo dục. Đó là những công trình cụ thể tồn tại trong một chiều kích đơn giản, quen thuộc, gần gũi với tất cả mọi người, hay là, đặc biệt công tác thứ nhì, công tác Giáo dục, trên một bình diện mang tính thể chế hơn, có tổ chức hơn. Thí dụ, chúng ta hãy nghĩ tới tất cả những trẻ em còn đang bị nạn mù chữ. Điều này không thể hiểu được: Ở một thế giới mà những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã đạt tới mức cao như bây giờ, vẫn còn những trẻ em mù chữ! Đó là một sự bất công. Biết bao trẻ em còn đang ở trong điều kiện thiếu giáo dục! Đó là một tình trạng bất công to lớn xúc phạm đến cả phẩm giá con người. Không có giáo dục, người ta dễ trở thành miếng mồi ngon của sự khai thác và nhiều những hình thức bất ổn xã hội.

Suốt nhiều thế kỷ, Giáo Hội đã cảm thấy sự đòi hỏi phải dấn thân vào lãnh vực giáo dục, bởi vì sứ vụ Phúc Âm hóa bao gồm sự cam kết phải đem lại phẩm giá cho những người nghèo khổ nhất. Từ thí dụ đầu tiên của một "trường học" được dựng lên ngay tại Rôma đây bởi thánh Justinô, vào thế kỷ thứ hai, để những Kitô hữu hiểu biết hơn về Thánh Kinh, tới thánh Giuse Calasanz, là người đã mở ra những trường học bình dân miễn phí đầu tiên của Châu Âu, chúng ta có một danh sách dài các thánh nam, nữ, ở những thời đại khác nhau, đã mang giáo dục tới cho những người bị thiệt thòi nhất, biết rằng qua con đường này, họ sẽ vượt lên khỏi sự khốn cùng và những kỳ thị. Biết bao người Kitô hữu, giáo dân, các anh chị em tu sĩ, các linh mục đã cống hiến đời mình cho giáo dục, cho đào tạo trẻ em và thanh thiếu niên! Đó là điều vĩ đại; tôi mời gọi anh chị em hãy tỏ lòng tôn kính họ bằng một tràng pháo tay. [cử tọa vỗ tay]. Những người tiên phong trong giáo dục đã hiểu rõ công trình lòng thương xót và đã biến nó thành một lối sống đến độ làm biến đổi ngay cả xã hội. Qua một việc làm đơn giản và có ít cấu trúc, các vị đã biết trả lại phẩm giá cho một số đông người. Và nền giáo dục các vị cống hiến thường hay hướng về lao động. Nhưng chúng ta hãy nghĩ tới thánh Gioan Bosco, là đấng đã chuẩn bị các trẻ em đường phố đi vào lao động với thuyết giảng và sau đó với các trường học, các văn phòng. Chính như thế mà nhiều trường dậy nghề khác đã mọc lên để chuẩn bị cho lao động trong lúc vẫn Giáo dục các giá trị nhân bản và Kitô giáo. Giáo dục, vì vậy, thực sự là một hình thức đặc biệt của Phúc Âm hóa.

Giáo dục càng phát triển, người ta càng lãnh hội được những điều xác thực và một lương tâm, mà tất cả chúng ta đều cần có trong đời. Một nền giáo dục tốt dạy cho chúng ta phuơng pháp phê phán cũng bao gồm một kiểu nghi vấn, hữu ích để đặt những câu hỏi nhằm kiểm chứng các kết quả đạt được, hướng tới một sự hiểu biết rộng lớn hơn. Nhưng công trình lòng thương xót nhằm khuyên nhủ những ai nghi vấn không liên quan đến kiểu nghi vấn này. Biểu lộ lòng thương xót đối với những người nghi vấn, trái lại, tương đương với việc làm giảm đi nỗi đau và nỗi khổ đến từ sự sợ hãi và lo âu, vốn là những hậu quả của sự nghi vấn. Như vậy, đây là một hành động tình yêu đích thực, qua đó người ta muốn nâng đỡ một người trong sự yếu đuối của họ gây ra bởi sự bấp bênh.

Tôi nghĩ, người ta có thể hỏi tôi: "Thưa Cha, con có rất nhiều những nghi vấn về đức tin, con phải làm gì? Cha không bao giờ có nghi vấn hết sao?". Tôi có nhiều lắm… Chắc chắn rằng ở một lúc nào đó, mọi người đều có những nghi vấn. Những nghi vấn liên quan đến đức tin, trên chiều hướng tích cực, là một dấu chỉ chúng ta muốn hiểu biết nhiều hơn, sâu hơn về Thiên Chúa, và mầu nhiệm tình yêu của Người đối với chúng ta. "Nhưng con, con có nghi vấn này: con đi tìm, con học hỏi, con thấy, hay con hỏi ý kiến về cách phải làm". Những nghi vấn đó làm cho ta lớn lên! Như vậy, thật là một điều tốt lành khi chúng ta đặt những câu hỏi về đức tin của chúng ta, bởi vì như vậy, chúng ta sẽ được thúc đẩy đào sâu thêm về đức tin. Tuy nhiên, các nghi vấn phải được vượt qua. Để được vậy, cần phải lắng nghe Lời của Thiên Chúa và hiểu được điều Người dạy dỗ chúng ta. Một đường lối quan trọng giúp ích nhiều trong việc này là con đường giáo lý, qua đó sự loan truyền đức tin đến với chúng ta trong sự cụ thể của đời sống riêng tư và cộng đồng. Đồng thời, còn có một con đường khác cũng quan trọng, đó là con đường sống đức tin hết sức mình. Chúng ta đừng biến đức tin thành một lý thuyết trừu tượng trong đó sinh ra nhiều nghi vấn. Thay vào đó, chúng ta hãy làm cho đức tin trở thành đời sống của chúng ta. Chúng ta hãy tìm cách thực hành đức tin trong sự phục vụ anh em chúng ta, nhất là những người nghèo khổ nhất. Và lúc đó, nhiều nghi vấn sẽ biến mất, bởi vì chúng ta cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa và sự thật của Phúc Âm trong tình yêu, cho dù chúng ta chẳng có công trạng gì, vẫn luôn ở trong chúng ta và chúng ta chia sẻ với người khác.

Thưa quý anh chị em, như người ta có thể thấy, hai công trình lòng thương xót này cũng không xa vời với đời sống chúng ta. Mỗi người trong chúng ta có thể dấn thân để sống chúng và mang ra thực hành Lời Chúa khi Người phán rằng mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa đã không được mặc khải cho những người khôn ngoan thông thái mà đã mặc khải cho những người bé mọn (x. Lc 10, 21; Mt 11, 25-26). Vì vậy, Giáo dục sâu xa nhất mà chúng ta được kêu gọi truyền bá và sự xác thực đáng tin cậy nhất để thoát ra khỏi nghi vấn, là tình yêu của Thiên Chúa, nhờ đó mà chúng ta được Người yêu thương (x. Ga 4, 10). Một tình yêu cao cả, nhưng không và được ban cho đời đời. Thiên Chúa không bao giờ lùi bước với tình yêu của Người! Người luôn tiến tới phía trước và người chờ đợi; Người ban tình yêu của Người mãi mãi, và chúng ta phải cảm thấy mãnh liệt tinh thần trách nhiệm về tình yêu đó, để làm chứng nhân cho tình yêu đó bằng cách cống hiến lòng thương xót của chúng ta cho các anh em của chúng ta. Cảm ơn.

Bản dịch tiếng Pháp : Constance Roques (Zenit)

Mạc Khải dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét