Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

Sứ điệp Giáng Sinh 2014

"Cầu xin cho chúng con cảm nhận được quyền năng
Đức Kitô vốn là giải thoát và phục vụ"

Sứ điệp Giáng Sinh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô (toàn văn)

Rôma – 25/12/2014 (Zenit.org)

"Cầu xin quyền năng Đức Kitô, vốn là giải thoát và phục vụ, làm cho chúng con cảm nhận được": đó là lời cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho thế giới trong lễ Giáng Sinh năm 2014 này.
Ở giữa sứ điệp của ngài, Đức Giáo Hoàng đã thêm vào bản văn dự trù, một lời kêu gọi giúp cho các trẻ em trên thế giới, bằng một giọng nói nghiêm trọng, chậm dãi, phiền lòng vì một "sự im lặng đồng lõa".
Sau đây là bản dịch toàn văn bản sứ điệp được Tòa Thánh phổ biến bằng tiếng Pháp, với những lời nói thêm của Đức Giáo Hoàng (chữ nghiêng) được Zenit ghi nhận và dịch ra tiếng Pháp.
A.B.
Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Anh chị em thân mến, Giáng Sinh vui vẻ!
Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế, đã sinh ra cho chúng ta. Người sinh ra ở Bêlem bởi một trinh nữ, thực hiện những lời tiên trị cổ xưa. Trinh nữ tên là Maria, chồng bà là Giuse.
Đó là những con người khiêm tốn, đầy lòng hy vọng vào lòng nhân từ của Thiên Chúa, đã đón nhận Chúa Giêsu và đã nhận biết Người. Như thế, Chúa Thánh Linh đã soi sáng các mục đồng Bêlem, khiến họ chạy lại hang đá và đã thờ lậy Hài Nhi. Chúa Thánh Linh đã soi dẫn những người già lão, Si-mê-ông và Anna, trong Đền Thờ Giêrusalem, và ông bà đã nhận ra nơi Chúa Giêsu, Đấng Thiên Sai. "Chính mắt con được thấy ơn cứu độ" – ông Si-mê-ông kêu lên – "ơn cứu độ là Chúa đã dành sẵn trước mặt muôn dân" (Lc 2, 30).
Phải, anh chị em, Chúa Giêsu là ơn cứu độ cho mỗi con người và cho mỗi dân tộc.
Với Người, Chúa Cứu Thế, tôi cầu xin Người hãy đoái nhìn các anh chị em chúng ta ở Irak và Syria, từ lâu nay, đang phải chịu đựng những hậu quả của cuộc chiến tranh đang diễn ra và, với những người thuộc về các nhóm dân tộc và tôn giáo thiểu số khác, đang bị một cuộc bách hại tàn nhẫn. Cầu mong Giáng Sinh mang lại niềm hy vọng cho họ, cũng như cho đông đảo những người đang ly tán, di tản, tỵ nạn, những trẻ em, người lớn, người già, trong vùng này và trên toàn thế giới; cầu mong sự vô cảm biến thành sự gần gũi và sự từ chối thành sự đón tiếp, để cho tất cả những người hiện đang chịu thử thách có thể nhận được cứu trợ nhân đạo cần thiết để sống qua sự khắc nghiệt của mùa đông, có thể trở lại cố hương và có cuộc sống xứng đáng.

Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Mừng Giáng Sinh 2014

MỪNG CHÚA GIÁNG SINH 
VÀ NĂM MỚI 2015



Kính chúc quý Linh hướng, quý anh chị cursillistas khắp muôn nơi

MỘT MÙA GIÁNG SINH AN LÀNH, TRÀN ĐẦY TÌNH YÊU và
NIỀM VUI CỦA ĐẤNG EMMANUEL
MỘT NĂM MỚI HẠNH PHÚC - KHANG AN TRONG ƠN SỦNG CỦA CHÚA XUÂN.

De Colores! Ultreya! Emmanuel!

BPV Cursillo Xuân Lộc

Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo dịp Giáng Sinh 2014 - UBGD CG

 
 
THƯ GỬI CÁC SINH VIÊN, HỌC SINH Công GiáoDỊP LỄ GIÁNG SINH 2014
Các con thương mến,

Mỗi lần nghĩ đến các con, Cha lại thấy dâng trào trong lòng niềm hy vọng cho tương lai của Giáo Hội và Đất Nước. Vì thế, Cha muốn mượn lời của Thánh Phaolô để nói với các con rằng: “Cha hằng cảm tạ Thiên Chúa mỗi lần nhớ đến các con và Cha luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho các con” (x. Pl 1,3-4). Trong tâm tình yêu thương đó, Cha muốn gửi đến các con lời cầu chúc lễ Giáng Sinh: Nguyện xin Chúa Hài Nhi ban cho các con Ơn An Bình và Niềm Vui của những người có tâm hồn ngay thẳng, được Thiên Chúa yêu thương (x. Lc 2,14). 

Hãy vui lên: Chúa Cứu Thế đã đến

Trong Thánh lễ Đêm Giáng Sinh, các con được nghe lời Thiên Thần Chúa nói với các mục đồng năm xưa: “Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em… Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa” (Lc 2,10-11).

Lời loan báo của Thiên Thần Chúa, được công bố trong Phụng vụ, không phải chỉ là việc của một quá khứ xa xưa, nhưng là lời loan báo trong hiện tại. Vì thế, các con hãy đón nhận những lời này như những lời được Thiên Thần Chúa nói lần đầu tiên cho chính các con.

Giáo lý ĐTC Phanxicô về Gia đình - 17.12.2014


Chúa Giêsu đã có thể xuống thế như một chiến sĩ,
một hoàng đế.


Bài giáo lý ngày 17 tháng 12 năm 2014 (toàn văn)

Rôma – 18/12/2014 (Zenit.org)

"Chúa Giêsu đã có thể xuống thế một cách huy hoàng, hay như một người chiến sĩ, như một vị đế vương… Không, không: Người đã ngự đến dưới hình hài đứa con của một gia đình, trong một gia đình. Điều này quan trọng: anh chị em hãy nhìn trong hang đá, cảnh tượng này đẹp biết bao!": Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục chu kỳ các bài giáo lý của ngài về gia đình bằng suy nghĩ này, được gợi ý bởi thời điểm gần đến lễ Giáng Sinh.

Ngài đặt câu hỏi: có phải Chúa Giêsu đã chẳng "mất đi 30 năm" của cuộc đời Người, khi sống ở thành Nazareth trong suốt những năm đó sao? Trả lời: sự quan trọng của gia đình, đối với Thiên Chúa cũng vậy.

Sau đây là bản dịch toàn văn bài giáo lý Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban ra bằng tiếng Ý nhân buổi triều kiến chung cuối cùng của năm nay, thứ Tư 17/12/2014, đúng ngày sinh nhật của ngài.

Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Thân chào quý anh chị em!

Thượng Hội Đồng Các Giám Mục về gia đình mới họp đây, đã là bước thứ nhất của một hành trình, sẽ chấm dứt vào tháng 10 sắp tới với việc tổ chức một công nghị khác với đề tài: "Ơn gọi và sứ vụ của gia đình trong Giáo Hội và trên thế giới". Cầu nguyện và suy nghĩ đi theo tiến trình này là bổn phận của toàn thể Dân Thiên Chúa. Tôi cũng muốn những chiêm niệm thông thường của các buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư hàng tuần, gắn liền với hành trình chung này. Vì thế, tôi đã quyết định cũng với anh chị em, trong năm nay, suy nghĩ về gia đình, về đại ân này mà Chúa đã ban cho thế gian ngay từ lúc sơ khai, khi Người giao cho ông Ađam và bà Eva sứ vụ sinh sôi nẩy nở cho đầy trái đất (x. St 1, 28). Ơn phúc mà Chúa Giêsu đã củng cố và ghi khắc trong Phúc Âm của Người.

Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

Bài giảng ĐTC Phanxicô - 14.12.2014

Đừng đi tìm đâu nữa: Chúa Giêsu mang lại
cho mọi người sự vui mừng mãi mãi

Kinh Truyền Tin ngày 14 tháng 12 năm 2014 (toàn văn)

Rôma – 14/12/2014 (Zenit.org)

"Đừng đi tìm đâu nữa! Chúa Giêsu đã ngự đến, mang cho mọi người nỗi vui mừng bất tận", Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói vào giờ Kinh Truyền Tin Chúa Nhật này "về sự vui mừng".
Ngài đã nhấn mạnh về tính thời sự của niềm vui mừng này: "Không phải chỉ là một niềm vui mừng mong ước hay niềm vui mừng trên thiên đàng, nhưng là một niềm vui mừng thật sự mà người ta có thể trải nghiệm hôm nay, bởi vì chính Chúa Giêsu là niềm vui mừng của chúng ta".
Đức Giáo Hoàng đã chỉ ra những điều kiện để trở thành "những sứ giả của vui mừng".
Và niềm vui mừng này cũng đến từ sự giải phóng mà Đức Kitô đã thực hiện. Ngài "giải thoát chúng ta ra khỏi nhiều cảnh nô lệ nội tại cũng như ngoại lai", Đức Giáo Hoàng kết luận.
Sau Kinh Truyền Tin, ngài đã thông báo một món quà nhỏ mà ngài đã ban cho hàng chục ngàn người hiện diện trên quảng trường thánh Phêrô: một cuốn sách nhỏ, bằng tiếng Ý, nhan đề là "cầu nguyện", cần luôn mang bên mình để giúp mình cầu nguyện trong mọi tình huống.
"Cầu nguyện là sự hô hấp của linh hồn: thật là quan trọng khi tìm được những khoảnh khắc trong ngày để mở lòng ra với Thiên Chúa, kể cả bằng những lời nguyện đơn giản và ngắn gọn của dân Kitô giáo", Đức Giáo Hoàng giải thích.
Ngài đã khuyến khích người Balan về tình đoàn kết khi ngài giơ cao "cây nến Giáng Sinh" mà người ta có thói quen thắp lên trong ngày hôm nay ở đất nước Balan.
Sau đây là bản dịch toàn văn bài nói chuyện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước và sau Kinh Truyền Tin trưa ngày Chúa Nhật, trên quảng trường thánh Phêrô.
A.B.
Trước Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến
Chào mừng các em nhỏ và các thanh thiếu niên!
Đã từ hai tuần lễ rồi, Mùa Vọng mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức về mặt thiêng liêng để dọn đường cho Chúa, Chúa ngự đến.
Trong ngày Chúa Nhật thứ ba này, phụng vụ đề nghị chúng ta một thái độ nội tâm khác để sống sự chờ đợi Chúa đến: sự vui mừng. Sự vui mừng của Chúa Giêsu, như câu thành ngữ này đã nói rõ: "Có Chúa Giêsu là có vui mừng". Đó, câu này đề nghị với chúng ta sự vui mừng của Chúa Giêsu. Tâm hồn con người mong muốn vui mừng, mọi người chúng ta đều ước mong vui mừng, mọi gia đình, mọi dân tộc khát vọng hạnh phúc.

Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Lời cầu nguyện của ĐTC Phanxicô với Mẹ Vô Nhiễm - 8.12.2014

Lạy Mẹ Maria, xin mẹ dạy chúng con đi ngược dòng!

Kinh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trên quảng trường Tây Ban Nha (toàn văn)

Rôma – 08/12/2014 (Zenit.org) Anita Bourdin

"Xin Mẹ làm cho nơi chúng con nữa, con cái của Mẹ, ơn phúc chiến thắng kiêu ngạo, và cho chúng con có thể trở nên giầu lòng thương xót
Như Cha chúng con trên trời là Đấng giầu lòng thương xót":
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đọc kinh này, bằng tiếng Ý, dưới chân tượng Đức Trinh Nữ Maria, trên quảng trường Tây Ban Nha, vào khoảng 16giờ15.
Đức Giáo Hoàng đã dâng lên Đức Trinh Nữ Maria hoa hồng trắng, sau khi đã đến sùng kính ảnh tượng Đức Maria, Đấng Cứu Giúp Dân La-mã, tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả.
Ngài đã đặc biệt thêm vào lời mời gọi phải can đảm:
"Xin Mẹ dậy chúng con đi ngược dòng:
Sả bỏ, hạ mình, tự hiến, lắng nghe, im lặng,
Đi ra khỏi chính chúng con,
Để dành một không gian cho vẻ đẹp của Thiên Chúa, nguồn mạch niềm vui đích thực".
Đức Giáo Hoàng sau đó đã đọc kinh cầu Đức Bà, trước khi chào mừng các giới thẩm quyền và nán lại hồi lâu bên cạnh những người bệnh và trẻ em có mặt trên quảng trường.
Sau đây là bản dịch toàn văn bài kinh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
A.B.
Kinh nguyện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Lậy Đức Maria, Mẹ chúng con,
Ngày hôm nay, dân Mẹ mừng lễ
Sùng kính Mẹ, Đấng Vô Nhiễm,
Được gìn giữ từ thuở đời đời khỏi nhiễm tội lỗi.
Xin Mẹ nhận lấy lời ngợi khen mà con dâng lên Mẹ, nhân danh Giáo Hội ở Rôma và trên toàn thế giới.
Được biết rằng Mẹ là Mẹ chúng con, Mẹ hoàn toàn thoát khỏi tội lỗi, đem lại cho chúng con một sự an ủi lớn lao.

Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Bài giảng ĐTC Phanxicô - Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8.12.2014


Tất cả là ơn nhưng không của Thiên Chúa

Kinh Truyền Tin ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (toàn văn)

Rôma – 08/12/2014 (Zenit.org) Anita Bourdin


"Tất cả là ơn nhưng không của Thiên Chúa", Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích, trong dịp lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, giờ Kinh Truyền Tin buổi trưa, trên quảng trường thánh Phêrô trước hàng chục ngàn khách hành hương, 08/12/2014, là ngày lễ nghỉ của Ý và của Vatican.
"Đối với chúng ta, chúng ta cũng được yêu cầu lắng nghe Thiên Chúa là Đấng phán bảo cho chúng ta và đón nhận Thánh Ý Người", Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh rằng nơi Đức Maria, cái "là" đi trước cái "làm": người hành động đầu tiên chính là Thiên Chúa. 
Và hành động của Người đối với Đức Maria chính là "gìn giữ" Mẹ khỏi tội lỗi, trong lúc mà những người tin vào Đức Kitô, họ cũng được "cứu vớt" khỏi tội lỗi. Nhưng đó cũng là "ơn nhưng không của Thiên Chúa".
Và ai nhận được cách nhưng không cũng phải "cho đi cách nhưng không", Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh: như thế phải để cho Chúa Thánh Linh "biến chúng ta thành một quà tặng cho người khác"
Sau đây là bản dịch toàn văn những lời Đức Giáo Hoàng giảng thuyết bằng tiếng Ý trước và sau Kinh Truyền Tin.

A.B.

Lời Đức Giáo Hoàng trước Kinh Truyền Tin
Thân chào quý anh chị em! Chúc mừng ngày Lễ tốt đẹp!
Thông điệp ngày lễ hôm nay, lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Trinh Nữ Maria, có thể tóm lược lại bằng những lời này: "tất cả là một ơn nhưng không của Thiên Chúa, tất cả là ân sủng, tất cả là quà tặng của tình yêu thương Người đối với chúng ta.
Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel gọi Đức Maria là "đầy ơn phúc" (Lc 1, 28) : Nơi Bà, không có chỗ cho tội lỗi, bởi vì Thiên Chúa đã chọn Bà từ thuở đời đời làm Mẹ Chúa Giêsu và Người đã gìn giữ Bà cho khỏi tội tổ tông.

Giáo lý ĐTC Phanxicô ngày 7.12.2014


"Hãy để Chúa an ủi anh chị em!"

Kinh Truyền Tin ngày 07 tháng 12 năm 2014 (toàn văn)

Rôma – 07/12/2014 (Zenit.org)


"Anh chị em hãy để Chúa an ủi cho": đó là lời khuyến khích của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước Kinh Truyền Tin ngày 07/12/2014 này, Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng.
Đức Giáo Hoàng đã khuyến khích đám đông tụ tập chật ních quảng trường thánh Phêrô hãy "phổ biến thông điệp hy vọng này: là Chúa an ủi. Và phải dọn chỗ cho sự an ủi đến từ Chúa".
Tuy nhiên, ngài lưu ý, con người không thể là những sứ giả của sự an ủi nếu họ trước đó không trải nghiệm "niềm vui được Người an ủi và yêu thương", đáng kể là trong "Lời Người, trong sự thinh lặng cầu nguyện, trong Thánh Thể hay trong nhiệm tích Hòa Giải".
Đức Giáo Hoàng đã cảnh giác chống lại những trở ngại nội bộ: "chúng ta thường hay sợ sự an ủi… chúng ta cảm thấy an toàn hơn trong nỗi buồn phiền… gần như là chủ chốt. Trái lại, trong an ủi chính Chúa Thánh Linh là chủ chốt".
Mời gọi những người chịu phép Rửa hãy "là những người vui vẻ và được an ủi", Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh rằng thế giới đã "cần những ngưòi làm chứng cho lòng thương xót và nhân hậu của Chúa", cách riêng đối với "những người bị đè nặng bởi những đau đớn, những bất công và những lạm dụng".
Nhưng cũng đối với "những người là những nô lệ tiền bạc, quyền lực, thành công, trần tục" và không có "sự an ủi đích thực" bởi vì "chỉ có Thiên Chúa có thể loại bỏ nguyên nhân của những tấn thảm kịch hiện thực và thiêng liêng".
A.K.

Lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước Kinh Truyền Tin
Thân chào quý anh chị em!
Chúa nhật này đánh dấu giai đoạn thứ hai của Mùa Vọng, một thời gian tuyệt vời đánh thức nơi chúng ta sự đợi chờ Đức Kitô trở lại và ký ức sự ngự xuống lịch sử của Người. Phụng vụ ngày hôm nay giới thiệu cho chúng ta một thông điệp đầy hy vọng. Đó là tiếng gọi của Chúa được biểu lộ qua lời của ngôn sứ I-sai-a: "Thiên Chúa anh em phán: "hãy an ủi, an ủi dân Ta" (Is 40, 1). Với những lời này, Sách an ủi đã được mở ra, trong đó vị ngôn sứ nói với dân lưu đầy lời loan báo vui mừng được giải phóng. Thời gian thử thách đã chấm dứt; dân Israel có thể tin tưởng hướng tới tương lai: việc trở lại cố quốc, cuối cùng, đã được mong đợi. Từ đó, có lời mời gọi hãy để mình được Chúa an ủi.

Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

Giáo lý ĐTC Phanxicô - Sự hiệp thông giữa GH Lữ hành và GH trên Trời


"Có một sự hiệp thông giữa Giáo Hội lữ hành
và Giáo Hội trên Trời"

Bài giáo lý ngày 26 tháng 11 năm 2014 (toàn văn)

Rôma – 27/11/2014 (Zenit.org)


"Có một sự liên tục và một sự hiệp thông nền tảng giữa Giáo Hội trên Trời và Giáo Hội còn đang lữ hành dưới thế gian này", Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định trong buổi triều kiến chung ngày 26/11/2014, trên quảng trường thánh Phêrô.
Những người đang "ở cùng Thiên Chúa" có thể "nâng đỡ và cầu bầu" cho những người còn ở dưới đất. Và đến lượt những người đang sống dưới thế này được mời gọi "dâng tiến những việc lành, kinh nguyện, và Thánh Lễ để an ủi các linh hồn đang bị thử thách và còn đang chờ đợi để được lên cõi phúc bất tận".
Tiếp tục chuỗi bài giáo lý về Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng đã suy niệm về sự chấm dứt sau cùng của Giáo Hội, "mức đến cuối cùng và tuyệt diệu: Nước Trời, mà Giáo Hội dưới thế vốn là mầm mống và là sự khởi thuỷ".
 
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Thân chào quý anh chị em,

Hôm nay trời không được đẹp, nhưng anh chị em can đảm, hoan hô! Chúng ta hy vọng có thể cùng nhau cầu nguyện trong ngày hôm nay.

Khi giới thiệu Giáo Hội cho con người của thời đại chúng ta, Công Đồng Vaticanô II rất ý thức về một thực tế cơ bản không thể quên được: Giáo Hội không phải là một thực tế tĩnh tại, đông lạnh, một tận cùng tự thân, mà là một thực tế lịch sử không ngừng bước đi tới điểm đến cuối cùng và tuyệt diệu: Nước Trời, mà Giáo Hội dưới thế là mầm mống và là khởi thủy (x. Công Đồng Vaticanô II Hiến chế Tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 5). Khi chúng ta đưa tầm mắt về phía chân trời này, chúng ta nhận thấy rằng trí tưởng tượng của chúng ta dừng lại, tỏ ra chỉ có thể phỏng đoán cái huy hoàng của mầu nhiệm vốn vượt khỏi mọi giác quan của chúng ta. Nhiều câu hỏi được đặt ra ngay cho chúng ta: khi nào thi đến cái lúc vượt qua cuối cùng này? Lúc đó, Giáo Hội sẽ đi vào tầm kích nào? Nhân loại lúc đó sẽ ra sao? Và thiên nhiên chung quanh chúng ta sẽ như thế nào? Nhưng những câu hỏi này không phải là mới mẻ gì, các môn đệ Chúa Giêsu, ở thời đại các ông, đã đặt ra: "Khi nào chuyện đó xẩy ra? Khi nào thì Thần Khí sẽ chiến thắng thiên nhiên, chiến thắng tất cả…". Đó là những câu hỏi mang tính con người, xưa cũ. Và cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đã tự đặt những câu hỏi đó cho chúng ta.

Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

Giáo lý ĐTC Phanxicô về Giáo Hội - Bài 13 - Tính từ mẫu của Giáo Hội

Tính từ mẫu của Giáo Hội được thể hiện bởi Giám Mục

Bài giáo lý ngày 05 tháng 11 năm 2014 (toàn văn)

Rôma – 05/11/2014 (Zenit.org)

"Tính từ mẫu của Giáo Hội được thể hiện cách rất đặc biệt trong con người của giám mục", vốn là "người bảo đảm cho đức tin và là chỉ dấu sống động sự hiện diện của Chúa" trong cộng đoàn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh trong buổi triều kiến chung ngày 05/11/2014.
Đức Giáo Hoàng đã ban bài giáo lý thứ mười ba về Giáo Hội sáng thứ Tư này khi giảng về "sự hiện diện và sứ vụ của các giám mục".
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Thân chào quý anh chị em,
Chúng ta vừa nghe những gì thánh tông đồ nói với đức giám mục Titô. Biết bao các đức tính chúng tôi phải có, chúng tôi, các giám mục! Chúng ta đã nghe tất cả, phải không? Điều này không phải là dễ, không dễ, bởi vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Nhưng chúng tôi tin tưởng vào sự cầu nguyện của anh chị em, để chúng tôi có thể ít là gần với những điều tông đồ Phaolô khuyên bảo tất cả các giám mục. Đồng ý không? Anh chị em cầu nguyện cho chúng tôi chứ?
Chúng ta đã có dịp nhấn mạnh, trong các bài giáo lý trước, rằng Chúa Thánh Linh luôn đổ xuống dư đầy ơn phúc cho Giáo Hội. Hôm nay, bởi sức mạnh và ơn phúc của Thần Khí Người, Chúa Kitô không quên dựng lên các sứ vụ, nhằm xây dựng các cộng đoàn Kitô giáo như thân thể của chính Người. Trong các sứ vụ, có sứ vụ của giám mục, sứ vụ giám mục. Gíám mục, được phụ tá bởi các linh mục và phó tế, là chính Chúa Kitô hiện diện và tiếp tục chăm sóc cho Giáo Hội của Người, bảo đảm cho Giáo Hội sự che chở và dẫn dắt.
1. Trong sự hiện diện và sứ vụ của các giám mục, các linh mục và các phó tế, chúng ta nhận rõ khuôn mặt đích thực của Giáo Hội: Mẹ Giáo Hội trật tự thứ bậc. Và thực ra, qua những người anh em được Chúa chọn và thánh hiến với bí tích Truyền Chức Thánh, Giáo Hội thực thi tính từ mẫu của mình; Giáo Hội sinh ra chúng ta trong Phép Rửa, thành các Kitô hữu, bằng cách làm cho chúng ta tái sinh trong Chúa Giêsu Kitô; Giáo Hội săn sóc cho sự trưởng thành của chúng ta trong đức tin; đồng hành với chúng ta trong vòng tay Chúa Cha, để nhận sự tha thứ của Người; Giáo Hội chuẩn bị cho chúng ta bữa tiệc Thánh Thể, nơi Giáo Hội nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời Chúa, bằng Mình và Máu Chúa Giêsu; Giáo Hội khẩn cầu xuống cho chúng ta Phép lành của Thiên Chúa và sức mạnh của Thần Khí Người, nâng đỡ chúng ta suốt cuộc đời chúng ta và bao bọc chúng ta trong sự trìu mến và nồng ấm của Giáo Hội, nhất là trong những giờ phút tế nhị nhất của thử thách, của đau khổ và của cái chết.

Bài giảng ĐTC Phanxicô - Lễ Các Thánh 1.1.2014

Các Thánh, những người "đứng chót" với thế gian và "đứng đầu" với Thiên Chúa

Kinh Truyền Tin ngày 01 tháng 11 năm 2014 (toàn văn)

Rôma – 03/11/2014 (Zenit.org)

Các Thánh Nam Nữ của mọi thế hệ vừa là những người "đứng chót" đối với thế gian và "đứng đầu" đối với Thiên Chúa,  Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh hôm 01/11/2014.
Nhân ngày lễ Các Thánh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chủ sự giờ Kinh Truyền Tin từ cửa sổ văn phòng của ngài trông ra quảng trường thánh Phêrô, trước hàng chục ngàn khách hành hương của toàn thế giới
Ngài đã suy niệm về "sự hiệp thông của các thánh", vốn "kết hợp tất cả những ai thuộc về Chúa Kitô trong sức mạnh của Phép Rửa": "Đó là sự hiệp nhất thiêng liêng không hề bị gián đoạn bởi cái chết, mà chuyển sang đời sau". 
Sự hiệp nhất này khiến cho những người còn sống trên dương thế và những người đã bước qua ngưỡng cửa sự chết, làm thành "một gia đình duy nhất và to lớn", Đức Giáo Hoàng nói thêm. Sự hiệp thông "giữa đất và trời" thể hiện mạnh mẽ nhất "trong khi cử hành Thánh Lễ" nơi người Kitô hữu gặp gỡ Chúa Giêsu và qua Người, gặp gỡ "các anh em mình trong đức tin".
"Thật là đẹp khi có bao nhiêu là anh em trong đức tin đang đồng hành bên cạnh chúng ta, nâng đỡ chúng ta… và chờ đợi chúng ta trên trời và cầu nguyện cho chúng ta, để cùng nhau, chúng ta có thể chiêm ngưỡng đời đời thiên nhan vinh hiển và nhân từ của Chúa Cha", ngài kết luận.
A.K.
Lời Đức Giáo Hoàng trong giờ Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến,
Hai ngày đầu của tháng 11, đối với tất cả chúng ta là một thời điểm đức tin mãnh liệt, cho cầu nguyện và suy niệm về những "lúc sau chót" của cuộc đời. Thực chất, khi tôn kính tất cả các thánh và tưởng nhớ tất cả các tín hữu đã qua đời, Giáo Hội làm một cuộc lữ hành trên trái đất sống động, và biểu lộ trong Phụng Vụ, mối liên hệ thiêng liêng gắn liền với Giáo Hội trên trời. Hôm nay, chúng ta ngợi khen Thiên Chúa vì đám đông vô số các thánh nam nữ của mọi thời đại: những người đàn ông và đàn bà, đơn sơ, vừa là "những người đứng chót" đối với thế gian vừa là "những người đứng đầu" đối với Thiên Chúa. Đồng thời, chúng ta nhớ đến những người thân yêu của chúng ta đã qua đời khi đi viếng các nghĩa trang: thật là một niềm an ủi to lớn khi nghĩ rằng họ đang ở cùng Đức Trinh Nữ Maria, các thánh tông đồ, các thánh tử vì đạo và tất cả các thánh nam nữ trên Thiên Đàng.

Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

Hồng ân 50 năm GPXL (1965-2015)

HỒNG ÂN KIM KHÁNH GIÁO PHẬN XUÂN LỘC



Giáo phận Xuân Lộc được thành lập ngày 14/10/1965, một thời điểm đáng ghi nhận, để từ đó cảm nhận bao hồng ân đến từ Thiên Chúa:

A.     THỜI ĐIỂM THÀNH LẬP:

1.    Tình hình chính trị, xã hội: Năm 1965, đất nước VN vẫn trong thời phân chia Nam – Bắc từ 1954, chiến tranh bắt đầu leo thang, tình hình chính trị tại Miền Nam vừa trải qua cuộc đảo chính 01/11/1963, vẫn đang rối bời với những chính biến: xuống đường – chỉnh đốn ... thay ngôi đổi chủ.

2.    Tình hình tôn giáo: Những thay đổi chính trị, xã hội ảnh hưởng nhiều đến tôn giáo, cụ thể Công giáo: nhiều tân tòng của những năm 1955-1963 chao đảo, mất mát; những quan điểm thời cuộc phân hóa nội bộ, nhiều xứ đạo vùng nông thôn vì chiến cuộc bị tan rã, những xứ đạo mới được hình thành đột xuất tại các đô thị và vùng ven v.v...

B.      QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN GIÁO PHẬN

Ngày 30/04/1975, đất nước chuyển mình thống nhất, đưa Giáo Hội VN, cụ thể Giáo phận Xuân Lộc, vào tình thế mới đầy khó khăn nhưng cũng đầy HỒNG PHÚC mà khó có ai khám phá hết những ân huệ Chúa đã thương ban cho Giáo phận Xuân Lộc. Góp phần khám phá và biểu dương những hồng ân đó, chúng con xin chia sẻ:

Bài giảng ĐTC Phanxicô ngày lễ cầu nguyện cho các LH - 2.11.2014

Lúc sống lại, chính Chúa Giêsu sẽ "đánh thức" người chết

Kinh Truyền Tin ngày 02 tháng 11 năm 2014 (toàn văn)

Rôma -02/11/2014 (Zenit.org)

Vào lúc sống lại, chính Chúa Giêsu sẽ "đánh thức" người chết, Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích nhân giờ Kinh Truyền Tin Chúa Nhật, 02/11/2014, ngày Giáo Hội nhớ tới những người đã chết, "tất cả những người đã chết", Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh.
Ngày lễ Các Thánh, 01/11, và ngày lễ các tín hữu đã khuất là dịp tạ ơn Thiên Chúa là Đấng "đã giải thoát chúng ta ra khỏi sự thống trị của tội lỗi và sự chết", Đức Giáo Hoàng nói thêm.
Ngài đã nhắc đức tin Kitô giáo trong sự kiện kẻ chết sống lại, sau khi Chúa Kitô phục sinh, sẽ kéo kẻ chết ra khỏi "giấc ngủ" của họ: "Thật là đẹp khi nghĩ rằng chính Chúa Giêsu sẽ đánh thức chúng ta". Quả vậy, Đức Giáo Hoàng đã nhắc nhở, "con người được tiền định sống vô thời hạn", bởi vì "mục đích cuối cùng của đời sống" chính là "Thiên Đàng".
Sau đây là bản dịch từ tiếng Pháp toàn văn bài nói của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước và sau Kinh Truyền Tin.
A.B.
Lời Đức Giáo Hoàng trước Kinh Truyền Tin
Thân chào quý anh chị em!
Hôm qua, chúng ta đã mừng trọng thể Lễ Các Thánh, và hôm nay, phụng vụ mời gọi chúng ta hãy nhớ tới các tín hữu đã qua đời. Hai ngày lễ này gắn liền với nhau, cũng như niềm vui và nước mắt tìm thấy nơi Chúa Giêsu Kitô một sự tổng hợp vốn là nền móng của đức tin và niềm hy vọng của chúng ta. Một mặt, thực chất, Giáo Hội lữ hành trong lịch sử mừng vui nhờ lời cầu bầu của các thánh, các chân phước đang nâng đỡ Giáo Hội trong sứ vụ loan truyền Phúc Âm; mặt khác, như Chúa Giêsu, Giáo Hội chia sẻ nước mắt của người đau khổ vì chia cắt với người thân của mình; và, như Người, và nhờ Người, cho thấy được sự tạ ơn Chúa Cha đã giải thoát chúng ta ra khỏi sự thống trị của tội lỗi và sự chết.

Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Giáo lý ĐTC Phanxicô về Tám Mối Phúc Thật

Các Mối Phúc Thật, con đường hạnh phúc

Bài giáo lý ngày 06 tháng 8 năm 2014 (toàn văn)

Rôma – 12/8/2014 (Zenit.org)

"Các Mối Phúc Thật là con đường Thiên Chúa chỉ ra như là câu trả lời cho ước vọng hạnh phúc in sâu trong con người", Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định và mời gọi các Kitô hữu "hãy nhớ lấy và ghi khắc trong lòng mình".
Sau kỳ nghỉ hè, các buổi triều kiến chung đã lại tiếp tục hôm thứ tư 06/8/2014 vừa qua, trong sảnh đường Phaolô VI của điện Vatican. Đức Giáo Hoàng đã tiếp nối loạt bài giáo lý dành nói về Giáo Hội trên chủ đề "Giao Ước Mới và dân tộc mới".
Theo Đức Giáo Hoàng, "tất cả sự mới mẻ của Chúa Kitô" chứa đựng trong các Mối Phúc Thật, vốn là "dung nhan Chúa Giêsu, hình thức sống của Người; và là con đường hạnh phúc".
Nhưng các Mối Phúc này có một hệ quả, mà Đức Giáo Hoàng khuyên phải suy ngẫm "hàng ngày": "chương 25 Phúc Âm theo thánh Mátthêu, nơi người ta tìm được trình tự và những câu hỏi sẽ được đặt ra trong ngày phán xét… Chúa sẽ chỉ nhận ra chúng ta nếu, về phần chúng ta, chúng ta nhận ra được Người trong người nghèo khó, người đói khát, người bần cùng và bị thải loại ra ngoài lề xã hội, người đau khổ và cô đơn…"
Với "những tiêu chuẩn cơ bản này để xác minh đời sống Kitô giáo", Đức Giáo Hoàng khuyến khích hãy "làm chứng cho cái đẹp và cái khả tín của tình yêu Thiên Chúa đối với các anh em mình gặp gỡ hàng ngày".
A.K.
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Giáo Hội - Giao Ước mới và dân tộc mới
Thân chào quý anh chị em!
Trong các bài giáo lý trước, chúng ta đã thấy Giáo Hội là một dân tộc, một dân tộc được Thiên Chúa kiên nhẫn chuẩn bị với lòng yêu thương và chúng ta được mời gọi trở nên thành phần của dân tộc ấy. Hôm nay, tôi muốn làm rõ tính mới mẻ vốn là đặc tính của dân tộc này: đúng là một dân tộc mới, được đặt nền móng trên giao ước mới được Chúa Giêsu thiết lập  qua việc hiến ban mạng sống của Người. Sự mới mẻ này không chối bỏ con đường trước đây, cũng không chống con đường đó: trái lại, nó làm cho con đường đó tiến tới, dẫn đưa tới chỗ viên mãn.
1. Có một hình ảnh rất quan trong có thể làm bản lề giữa Cựu và Tân Ước: đó là hình ảnh Gioan Baotixita. Theo các cuốn Phúc Âm khái quát, ngài là "người tiên phong", người chuẩn bị cho Chúa ngự đến, mở đường cho dân chúng hối cải tâm hồn và đón nhận sự an ủi của Thiên Chúa, nay đã đến gần. Trong Phúc Âm thánh Gioan, ngài là "chứng nhân", do ngài làm cho chúng ta nhận biết Chúa Giêsu, Đấng đến từ cõi trên, để tha thứ tội lỗi chúng ta và biến dân tộc của Người thành hiền thê của Người, tiền đề của tân nhân loại. Với tư cách là "tiên phong" hay "chứng nhân", thánh Gioan Baotixita thủ vai trò trung tâm của toàn bộ Thánh Kinh, trong tầm vóc mà ngài làm nhịp cầu giữa lời hứa của Cựu Ước và sự viên mãn của nó, giữa những lời tiên tri và sự thể hiện của chúng nơi Chúa Giêsu Kitô. Nhờ sự làm chứng, thánh Gioan chỉ cho chúng ta Chúa Giêsu, mời gọi chúng ta hãy theo chân Người và nói rõ ràng với chúng ta rằng điều này đòi hỏi lòng khiêm nhường, lòng sám hối và trở lại: đó là lời mời gọi khiêm nhường, hối cải và trở lại.

Thư Mục Vụ HĐGMVN - về Chương trình Mục vụ năm 2015

THƯ MỤC VỤ GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA
TÂN PHÚC-ÂM-HÓA ĐỜI SỐNG CÁC GIÁO XỨ
VÀ CÁC CỘNG ĐOÀN SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN

HĐGM Việt Nam - Hội nghị thường niên kỳ II/2014 (27-30/10/2014)

Anh chị em thân mến,
Chúng tôi, các Giám mục từ 26 giáo phận Việt Nam, quy tụ tại Tòa Giám mục giáo phận Nha Trang tham dự Hội nghị thường niên kỳ II/2014 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, cảm ơn anh chị em đã cầu nguyện nhiều để Hội nghị diễn ra tốt đẹp và bình an. Nay Hội nghị đã kết thúc, qua Thư Mục vụ này, chúng tôi muốn chia sẻ với anh chị em về chương trình mục vụ của Giáo hội Việt Nam trong năm 2015 sắp tới.
1. Trong năm vừa qua, chúng ta đã cùng nhau thực hiện chương trình “Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình”. Qua các báo cáo mục vụ nhận được từ các giáo phận, chúng tôi vui mừng khi thấy đã có rất nhiều nỗ lực và sáng kiến của các giáo phận, giáo xứ, cũng như đoàn thể tông đồ, để đồng hành với các gia đình trong việc xây dựng gia đình Công giáo thành ngôi nhà cầu nguyện, ngôi nhà của tình yêu thương, ngôi nhà mở ra cho tình liên đới và chia sẻ.
Xin anh chị em hãy tiếp tục hướng đi tốt đẹp này, nhất là trong khung cảnh Giáo hội toàn cầu đang hết sức quan tâm đến ơn gọi và sứ vụ gia đình, được cụ thể hóa qua Thượng Hội đồng Giám mục thế giới bàn về “Những thách đố mục vụ cho gia đình trong bối cảnh Tân Phúc-Âm-hóa”. Đồng thời, trong năm 2015 sắp tới, kỷ niệm 50 năm Sắc lệnh Truyền Giáo (Ad Gentes), chúng tôi mời anh chị em hướng đến một gia đình rộng lớn hơn, là giáo xứ. Thật vậy, giáo xứ là gia đình của những người con cái Thiên Chúa, trong đó tất cả là anh chị em với nhau. Gia đình giáo xứ cần được Phúc-Âm-hóa, nghĩa là thấm đẫm tinh thần Phúc Âm và làm chiếu tỏa ánh sáng Phúc Âm ra chung quanh, đến với muôn dân.
Để thực hiện công việc này, chúng ta cùng chiêm ngắm cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên như được mô tả trong sách Công vụ: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42).

Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Giáo lý Đức Thánh Cha Phanxicô về Giáo Hội - (12)

Thực tế hữu hình của Giáo Hội
là tất cả những ai làm lợi cho danh Chúa Giêsu

Bài giáo lý ngày 29 tháng 10 năm 2014 (toàn văn)

Rôma – 30/10/2014 (Zenit.org)

"Thực tế hữu hình" của Giáo Hội, đó không phải chỉ là "Đức Giáo Hoàng, các giám mục, linh mục, các đấng thánh hỉến", mà là "các anh chị em đã chịu phép Rửa và đang sống tin, cậy và mến trên thế gian này", Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh nhân buổi triều kiến chung ngày 29/10/2014: "tất cả những ai đi theo Chúa Giêsu và nhân danh Người đến gần với những người bé mọn nhất và những người đang đau khổ".
Sáng thứ tư này, Đức Giáo Hoàng đã ban bài giáo lý thứ 12 của ngài dành nói về Giáo Hội: sau các bài "Sáng kiến của Thiên Chúa", "Sự thống thuộc Giáo Hội của các Kitô hữu", "Giáo Hội là giao ước mới và dân tộc mới", "Giáo Hội duy nhât, thánh thiện", "Tính từ mẫu của Giáo Hội", "Giáo Hội dạy dỗ lòng nhân từ", "Giáo Hội công giáo và tông truyền", "Các Ân Sủng" và "Sự chia rẽ giữa các Kitô hữu", "Niềm hy vọng của Hội Thánh", "Giáo Hội Nhiệm Thể Chúa Kitô", Đức Giáo Hoàng đã suy niệm về "thực tế hữu hình của Giáo Hội"..
Theo Đức Giáo Hoàng, "thực tế hữu hình của Giáo Hội không đo lường được, không thể hiểu thấu được tất cả sự toàn vẹn của nó: làm sao biết được tất cả những lợi ích Giáo Hội đã làm? Biết bao công trình bác ái, biết bao chung thủy trong các gia đình, biết bao công việc để giáo dục con cái, để truyền lại đức tin, biết bao đau khổ nơi những người đau yếu đang dâng lên Chúa những đau đớn của họ…".
"Không thể đo lường được": "thực tế hữu hình của Giáo Hội vượt khỏi sự kiểm soát của chúng ta, đi xa hơn cả những nỗ lực của chúng ta, đó là một thực tế huyền nhiệm bởi vì nó đến từ Thiên Chúa".

A.K.

Bài giáo lý ngày 29/10/2014

Thân chào quý anh chị em,
Trong các bài giáo lý trước, chúng ta đã có dịp nhấn mạnh trên bản chất thiêng liêng của Giáo Hội: nhiệm thể Chúa Kitô được xây dựng trong Chúa Thánh Linh. Nhưng, khi chúng ta nói đến Giáo Hội, chúng ta thường nghĩ ngay đến các cộng đoàn, các giáo xứ, các giáo phận của chúng ta, các cấu trúc nơi chúng ta có tập quán tụ họp, và đương nhiên là, nghĩ đến cơ chế và những nhân vật đang cầm cương nẩy mực, đang cai quản Giáo Hội. Điều này là thực tế hữu hình của Giáo Hội. Chúng ta hãy tự hỏi: đây có phải là hai chuyện khác nhau hay chỉ là một Giáo Hội duy nhất? Và, nếu luôn chỉ là một Giáo Hội, làm thế nào để hiểu được quan hệ gắn liền hai thực tế hữu hình và thiêng liêng của Giáo Hội lại với nhau?

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Truyện ngắn (1)

HẠT GIỐNG THỐI ĐI SAU 20 NĂM
         Với nhiệm vụ mới trong công tác tiếp cận khu vực Bàu Voi, Vit cùng với Ti vừa phấn khởi nhưng cũng lo lắng ‘không biết họ có đón tiếp mình không?’ Vì ngã đường này ít chòi và nghịch tuyến nên anh em thường bỏ qua. Hôm nay Ti bận Giáo lý dự tòng, một mình Vit với chiếc xe máy cà tàng cùng với cái giỏ trong đó có cuốn Tin Mừng là vật bất ly thân, một cuốn sổ tay và vài viên kẹo mút dễ làm thân với các em nhỏ.
            Qua hai nhà vắng người, Vit cảm thấy bi quan ‘thảo nào không anh em nào muốn vào con đường này’. Có lẽ thiếu ơn Chúa Thánh Thần, Vit nghĩ “xin Chúa Thánh Thần tiếp sức mạnh cho con..” chòi thứ ba ‘không có ai chắc con ra luôn quá !’. Chúa Thánh Thần mách bảo “hãy xin thì sẽ được, hãy cầu sẽ thấy, hãy gõ thì sẽ mở cho” (Lc 11,9-10).
-          Có ai ở nhà không? Vit la lớn át tiếng chó gào thét.
-          Xin chào chú! Mi Chú Vit vào nhà con uống nước! Anh thanh niên tươi cười chào khách.
-          Ủa! Làm sao gặp nhau lần đầu mà con biết chú? Vit sửng sốt.
-          Chú cứ vào đi con kể chuyện cho chú nghe! Anh thanh niên ân cần mời Vit vào nhà.
Nói là nhà chứ đó chỉ là căn chòi ọp ẹp, siêu vẹo, thấp lè tè và tối thui như lúc chiều tà mặc dù mới có 10 giờ sáng.
-          Chào gia đình, chào em bé nhé! Vit cười vui vẻ với gia đình anh ta.
    Anh thanh niên rót ly nước mời, ngồi trên khúc gỗ chênh vênh tạm coi là ghế, Vit cầm ly nước trên tay rảo mắt sơ qua căn chòi; một em bé hai tuổi chẳng biết gì chỉ ôm rịt lấy mẹ, còn hai vợ chồng trẻ vẻ mặt tươi cười đón vị khách lạ mà quen như chú bác mình gặp thường ngày. Những con người lạc quan này hầu như đang quên hẳn cái khó khăn về kinh tế đeo đẳng gia đình mấy năm nay.
-          Nào con kể đi, chú đang sốt ruột muốn nghe đây! Vit giục.
-          Cha mẹ con nhắc chú hoài chú ơi! Vẫn giọng vui vẻ anh thanh niên nói.
Anh thanh niên mới nói “con là Hận đây chú không nhớ sao?” Vit đã như bật khóc vì nhận ra và hồi tưởng được cả một gia đình di dân gốc Trà Vinh mà đúng 20 năm trước Vit đã tiếp xúc vỏn vẹn 4 tháng trời.

Giáo lý ĐTC Phanxicô - CN XXX TN A - Giới răn quan trọng nhất

"Tình yêu là thước đo đức tin"

Kinh Truyền Tin ngày 26/10/2014 (toàn văn)

Rôma – 26/10/2014 (Zenit.org)

"Tình yêu là thước đo của đức tin", Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố và mời gọi "đừng tách biệt đời sống tôn giáo, đời sống đức tin, với sự phục vụ anh em…, [hay] cầu nguyện, gặp gỡ Thiên Chúa trong các Bí Tích, với việc lắng nghe tha nhân", trong giờ Kinh Truyền Tin ngày 26/10/2014: "Đức tin của tôi chính là cách tôi yêu".
Đức Giáo Hoàng đã chủ sự giờ kinh Đức Mẹ từ cửa sổ văn phòng của ngài trông ra quảng trường thánh Phêrô, trưa ngày Chúa Nhật, trước hàng chục ngàn người. Ngài đã suy ngẫm về hai giới răn của "tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân", "bất phân ly và mang tính bổ sung".
"Không thể yêu mến Thiên Chúa mà không yêu mến anh em và không thể yêu mến anh em mà không yêu mến Thiên Chúa", ngài nhấn mạnh: đó là "lề luật tình yêu", "lệ luật lưỡng diện mà chỉ có một khuôn mặt" vì "dung nhan của Thiên Chúa phản ánh trên khuôn mặt của mỗi người anh em".
Lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước Kinh Truyền Tin
Thân chào quý anh chị em!
Phúc Âm ngày hôm nay nhắc chúng ta rằng Lề Luật Thiên Chúa tóm lại trong tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. Tin Mừng theo thánh Mátthêu kể rằng vài người pharisêu đồng ý với nhau thử thách Chúa Giêsu (x. Mt 22, 34-35). Một trong bọn họ, tinh thông luật, đặt câu hỏi này với Người: "Thưa Thầy, trong sách Luật Mêsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất ?" (Mt, 22, 36). Chúa Giêsu trích dẫn sách Đệ Nhị Luật và trả lời: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn  và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất" (Mt 22, "7-38). Và Người đã có thể ngưng ở đó. Nhưng Chúa Giêsu thêm điều khác không được ngươi thông luật đặt ra.
Người đã phán: "Và điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy: Ngươi phải yêu người thân cận như yêu chính mình" (Mt 22, 39). Chúa Giêsu cũng không đặt ra điều răn thứ hai, mà Người đã lấy từ trong Sách Lévi. Sự mới mẻ là ở chỗ kết hợp hai điều răn này lại với nhau – tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân – và mạc khải rằng hai điều này không tách rời nhau được và bổ sung cho nhau, đó là hai mặt của một tấm huy chương. Không thể yêu mến Thiên Chúa mà không yêu mến tha nhân và không thể yêu mến tha nhân mà không yêu mến Thiên Chúa. Đức Giáo Hoàng Biển Đức đã để lại cho chúng ta một lời chú giải rất đẹp về chủ đề này trong phần đầu của sứ điệp Deus caritas est (số 16-18).

Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Giáo lý ĐTC Phanxicô về Giáo Hội .11 (tt) - 22.10.2014


Một con tim biết nói cảm ơn là một con tim hạnh phúc

Trái lại là một con tim ghen tuông – Bài giáo lý ngày 22 tháng 10 năm 2014

Rôma – 22/10/2014 (Zenit.org)


"Một trái tim biết nói cảm ơn là một con tim tốt lành, một con tim cao quý, một con tim hạnh phúc", Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh trong ngày 22/10/2014 này. Trái lại, "một con tim ghen tuông là một con tim chua chát, một con tim, thay vì đầy máu, thì lại đầy giấm".
Để chiến đấu với lòng ghen tuông, cần phải "đề cao các cống hiến và phẩm chất của các anh em mình trong các cộng đoàn của chúng ta. Và khi tôi cảm thấy lòng ghen tuông dâng lên, tôi phải thưa với Chúa: "Cảm tạ Chúa, vì Chúa đã ban cái đó cho người khác", ngài giải thích trong buổi triều kiến chung trên quảng trường thánh Phêrô.
Sáng thứ Tư này, Đức Giáo Hoàng đã ban bài giáo lý thứ 11 dành cho Giáo Hội sau các bài "Sáng kiến của Thiên Chúa", "Sự thống thuộc Giáo Hội của các Kitô hữu", "Giáo Hội là giao ước mới và dân tộc mới", "Giáo Hội duy nhât, thánh thiện", "Tính từ mẫu của Giáo Hội", "Giáo Hội dạy dỗ lòng nhân từ", "Giáo Hội công giáo và tông truyền", "Các Ân Sủng" và "Sự chia rẽ giữa các Kitô hữu", "Niềm hy vọng của Hội Thánh", Đức Giáo Hoàng đã suy niệm về "Giáo Hội Nhiệm Thể Chúa Kitô".
Trong Giáo Hội "Nhiệm Thể Chúa Kitô", Chúa Thánh Linh tạo ra "một sự hiệp thông tình yêu sâu đậm" giữa các thành viên "hiệp nhất, như một gia đình, và như dấu chỉ nhãn tiền và tốt đẹp của tình yêu Chúa Kitô", Đức Giáo Hoàng đã tuyên bố, và mời gọi hãy "luôn coi mình như các thành phần của nhau, sống động và dâng hiến chúng ta cho tất cả mọi người"

A.K.

Bài giáo lý ngày 22 tháng 10 năm 2014
Thân chào quý anh chị em,
Khi người ta muốn nhấn mạnh đến sự kết hợp chặt chẽ của các phần tử với nhau trong một thực tế để làm thành một vật thể, người ta hay dùng hình ảnh thân thể. Từ thời thánh Phaolô tông đồ, cách so sánh này đã được áp dụng cho Giáo Hội và nó đã được công nhận như một nét đặc trưng sâu sắc nhất và tốt đẹp nhất. Này nay, chúng ta muốn tự hỏi: "Giáo Hội lấy gì để hình thành một thân thể? Và tại sao người ta định nghĩa Giáo Hội như "nhiệm thể của Chúa Kitô ?"
Sách Ê-dê-kien đưa ra sự mô tả một ảo ảnh có đôi chút đặc biệt, ấn tượng nhưng có khả năng gợi lên sự tin tưởng và niềm hy vọng cho tâm hồn chúng ta. Thiên Chúa chỉ cho ngôn sứ một cánh đồng bị bao phủ bởi đầy xương cốt, tất cả đều rời rạc và khô đét. Đó là một cảnh tượng hiu quạnh… Anh chị em hãy tưởng tượng một thung lũng đầy xương khô. Thiên Chúa đã truyền ông cầu khẩn Thần Khí xuống cho họ. Và lúc đó, xương cốt bắt đầu động đậy và xích lại gần nhau và ăn khớp lại với nhau, rồi gân cốt, rồi da thịt bao phủ lên và như thế, thân xác đã hình thanh, toàn bộ và tràn đầy sự sống (x. Êd 37, 1-14). Như thế, chính là Giáo Hội đó! Tôi nhấn mạnh, ngày hôm nay, về nhà, anh chị em hãy lấy Thánh Kinh, chương 37 sách Ê-dê-kien, anh chị em đừng quên đó, hãy đọc đoạn này, rất là hay. Giáo Hội chính là thế đó, chính là một tác phẩm, tác phẩm của Thần Khí, là Đấng đã gieo rắc nơi mỗi người sự sống mới của Chúa Phục Sinh và đặt để chúng ta, người này ở cạnh người kia, người này phục vụ người kia để nâng đỡ nhau, và như thế, làm cho chúng ta trở nên một thân xác, được xây dựng trong sự hiệp thông và trong tình yêu mến.