Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Giáo lý ĐTC Phanxicô về Giáo Hội .11 (tt) - 22.10.2014


Một con tim biết nói cảm ơn là một con tim hạnh phúc

Trái lại là một con tim ghen tuông – Bài giáo lý ngày 22 tháng 10 năm 2014

Rôma – 22/10/2014 (Zenit.org)


"Một trái tim biết nói cảm ơn là một con tim tốt lành, một con tim cao quý, một con tim hạnh phúc", Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh trong ngày 22/10/2014 này. Trái lại, "một con tim ghen tuông là một con tim chua chát, một con tim, thay vì đầy máu, thì lại đầy giấm".
Để chiến đấu với lòng ghen tuông, cần phải "đề cao các cống hiến và phẩm chất của các anh em mình trong các cộng đoàn của chúng ta. Và khi tôi cảm thấy lòng ghen tuông dâng lên, tôi phải thưa với Chúa: "Cảm tạ Chúa, vì Chúa đã ban cái đó cho người khác", ngài giải thích trong buổi triều kiến chung trên quảng trường thánh Phêrô.
Sáng thứ Tư này, Đức Giáo Hoàng đã ban bài giáo lý thứ 11 dành cho Giáo Hội sau các bài "Sáng kiến của Thiên Chúa", "Sự thống thuộc Giáo Hội của các Kitô hữu", "Giáo Hội là giao ước mới và dân tộc mới", "Giáo Hội duy nhât, thánh thiện", "Tính từ mẫu của Giáo Hội", "Giáo Hội dạy dỗ lòng nhân từ", "Giáo Hội công giáo và tông truyền", "Các Ân Sủng" và "Sự chia rẽ giữa các Kitô hữu", "Niềm hy vọng của Hội Thánh", Đức Giáo Hoàng đã suy niệm về "Giáo Hội Nhiệm Thể Chúa Kitô".
Trong Giáo Hội "Nhiệm Thể Chúa Kitô", Chúa Thánh Linh tạo ra "một sự hiệp thông tình yêu sâu đậm" giữa các thành viên "hiệp nhất, như một gia đình, và như dấu chỉ nhãn tiền và tốt đẹp của tình yêu Chúa Kitô", Đức Giáo Hoàng đã tuyên bố, và mời gọi hãy "luôn coi mình như các thành phần của nhau, sống động và dâng hiến chúng ta cho tất cả mọi người"

A.K.

Bài giáo lý ngày 22 tháng 10 năm 2014
Thân chào quý anh chị em,
Khi người ta muốn nhấn mạnh đến sự kết hợp chặt chẽ của các phần tử với nhau trong một thực tế để làm thành một vật thể, người ta hay dùng hình ảnh thân thể. Từ thời thánh Phaolô tông đồ, cách so sánh này đã được áp dụng cho Giáo Hội và nó đã được công nhận như một nét đặc trưng sâu sắc nhất và tốt đẹp nhất. Này nay, chúng ta muốn tự hỏi: "Giáo Hội lấy gì để hình thành một thân thể? Và tại sao người ta định nghĩa Giáo Hội như "nhiệm thể của Chúa Kitô ?"
Sách Ê-dê-kien đưa ra sự mô tả một ảo ảnh có đôi chút đặc biệt, ấn tượng nhưng có khả năng gợi lên sự tin tưởng và niềm hy vọng cho tâm hồn chúng ta. Thiên Chúa chỉ cho ngôn sứ một cánh đồng bị bao phủ bởi đầy xương cốt, tất cả đều rời rạc và khô đét. Đó là một cảnh tượng hiu quạnh… Anh chị em hãy tưởng tượng một thung lũng đầy xương khô. Thiên Chúa đã truyền ông cầu khẩn Thần Khí xuống cho họ. Và lúc đó, xương cốt bắt đầu động đậy và xích lại gần nhau và ăn khớp lại với nhau, rồi gân cốt, rồi da thịt bao phủ lên và như thế, thân xác đã hình thanh, toàn bộ và tràn đầy sự sống (x. Êd 37, 1-14). Như thế, chính là Giáo Hội đó! Tôi nhấn mạnh, ngày hôm nay, về nhà, anh chị em hãy lấy Thánh Kinh, chương 37 sách Ê-dê-kien, anh chị em đừng quên đó, hãy đọc đoạn này, rất là hay. Giáo Hội chính là thế đó, chính là một tác phẩm, tác phẩm của Thần Khí, là Đấng đã gieo rắc nơi mỗi người sự sống mới của Chúa Phục Sinh và đặt để chúng ta, người này ở cạnh người kia, người này phục vụ người kia để nâng đỡ nhau, và như thế, làm cho chúng ta trở nên một thân xác, được xây dựng trong sự hiệp thông và trong tình yêu mến.

Nhưng Giáo Hội không phải là một thể xác được xây dựng trong Thần Khí: Giáo Hội là thân thể của Chúa Kitô! Và đây không chỉ là một cách nói, mà chúng ta thực sự là như thế! Đó là quà tặng lớn lao nhất mà chúng ta đã lãnh nhận ngày chúng ta Rửa Tội. Trong Phép Rửa, quả thật, chúng ta thuộc về Chúa Kitô là Đấng đón nhận chúng ta giữa mầu nhiệm Thánh Giá, mầu nhiệm tối thượng của tình yêu Người đối với chúng ta, để làm cho chúng ta sau đó được sống lại với Người, như những tạo vật mới. Đó: chính như thế mà Giáo Hội sinh ra và chính như thế mà Giáo Hội nhận biết mình như nhiệm thể của Chúa Kitô. Phép Rửa đúng là một sự tái sinh đã sinh chúng ta trong Chúa Kitô, làm cho chúng ta trở thành những thành phần của Người, và kết hợp chặt chẽ chúng ta lại với nhau, như các bộ phận của một thân thể, mà Người là đầu (x. Rm 12,5; 1 Cr 12, 12-13).
Điều toát lên lúc đó, chính là một sự hiệp thông sâu xa của tình yêu. Trên ý nghĩa này, thật là mang tính soi sáng khi nghe thánh Phaolô khuyên các ông chồng "phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình" và khẳng định rằng "Đó là điều Chúa Kitô đã làm đối với Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thê của Người" (Ep 5, 29-30). Thật là đẹp khi chúng ta thường xuyên nhớ lại chúng ta là gì, Chúa đã làm những gì cho chúng ta: chúng ta là thân thể của Người, thân thể đó không có gì và không có ai có thể lấy đi của Người được, thân thể mà Người đã bao bọc bởi sự say mê và tình yêu thương của Người, đúng như một người chồng với vợ của mình. Nhưng ý nghĩ đó phải dấy lên trong chúng ta lòng ước muốn tương ứng với Chúa Giêsu và chia sẻ tình yêu của Người giữa chúng ta, như những bộ phận sống động của chính thân thể của Người. Ở thời thánh Phaolo, cộng đoàn Cô-rin-tô đã có nhiều khó khăn để sống như thế, và họ đã trải nghiệm, cũng như chúng ta cũng nhiều khi, những chia rẽ, những ganh tỵ, những hiểu lầm và sự thải loại nhau. Tất cả điều này không tốt bởi vì, thay vì xây dựng và làm cho Hội Thánh lớn lên như thân thể Chúa Kitô, chúng ta làm Hội Thánh đổ vỡ ở nhiều nơi, chúng ta làm Hội Thánh cụt tay, cụt chân. Và điều này đang còn diễn ra vào thời đại này của chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ đến những gì xẩy ra trong các cộng đoàn Kitô hữu của chúng ta, trong một số giáo xứ, chúng ta hãy nghĩ đến tất cả những sự chia rẽ trong các khu phố của chúng ta, tất cả những ganh tỵ, những châm biếm, tất cả những hiểu lầm và những loại trừ. Và điều này gây ra cái gì? Điều này phá hoại chúng ta với nhau. Đó là khởi sự chiến tranh. Chiến tranh không khởi sự trên bãi chiến trường: chiến tranh, các cuộc chiến tranh bắt đầu từ trong lòng người, bởi những hiểu lầm, những chia rẽ, những ganh tỵ, bởi sự đấu tranh chống người khác. Cộng đoàn Cô-rin-tô đã như thế, đó là các nhà vô địch trên lãnh vực này! Thánh Phaolô tông đồ đã gửi cho họ một số lời khuyên giải cụ thể và có giá trị cả với chúng ta bây giờ: đừng ghên tuông, mà hãy đề cao các cống hiến và phẩm chất của các anh em mình trong các cộng đoàn của chúng ta. Những ghen tỵ là: "Có người kia mới mua xe" và, tôi liền cảm thấy ghen tỵ: "người nào khác nữa vừa trúng sổ số" thể là lại ghen tỵ; và "người kia, làm gì cũng thành công", và rồi cũng lại ghen tỵ! Tất cả những điều này phá hủy, tác hại, không nên! Chính bởi vì như thế mà lòng ghen tỵ phình lên và làm đầy trái tim mình. Một con tim ghen tuông là một con tim chua chát, một con tim, thay vì đầy máu, thì lại đầy giấm; đó là một con tim không bao giờ hạnh phúc, một con tim phá hoại cộng đoàn. Nhưng như thế thì tôi phải làm gì? Đề cao các cống hiến và phẩm chất của người khác; của anh em chúng ta trong cộng đoàn. Và khi tôi cảm thấy đang dâng lên trong mình lòng ghen tuông, bởi vì điều này xẩy tới với tất cả mọi người, tất cả chúng ta đều là những kẻ tội lội, tôi phải thưa với Chúa: "Cảm tạ Chúa, vì Chúa đã ban cái đó cho người khác". Đánh giá cao các đức tính, đến gần và chia sẻ những đau khổ của những người bần cùng nhất; bầy tỏ sự biết ơn của mình với tất cả mọi người. Một trái tim biết nói cảm ơn là một con tim tốt lành, một con tim cao quý, một con tim hạnh phúc. Tôi xin hỏi anh chị em một câu: tất cả chúng ta có luôn biết nói cảm ơn không? Không phải lúc nào cũng được như vậy đâu, bởi vì ganh tỵ, ghen tuông kềm hãm chúng ta lại đôi chút. Và sau cùng, lời khuyên của thánh Phaolô tông đồng đối với cộng đoàn Cô-rin-tô và chúng ta cũng phải nhắc lại cho nhau: đừng coi ai lớn hơn những người khác. Có biết bao người nghĩ rằng mình hơn người khác! Chúng ta cũng vậy, rất nhiều khi, chúng ta nói, như người pharisêu của dụ ngôn; "Con tạ ơn Chúa, bởi vì con không như tên kia, con hơn hắn". Điều này không đẹp, đừng bao giờ nói như thế. Và khi bạn sắp làm như vậy, bạn hãy nhớ đến tội lỗi của bạn, đến những tội mà không ai biết, và bạn hãy sấp mình xuống trước mặt Chúa và thưa rằng: "Lạy Chúa, Chúa biết ai là lớn, con xin im miệng". Và điều này tốt cho chúng ta. Và luôn luôn, trong tình bác ái, coi nhau nhu các bộ phận, sống và hiến tặng cho tất cả mọi người (x. 1 Cr 12-14)
Anh chị em thân mến, như ngôn sứ Ê-dê-kien và như thánh Phaolô tông đồ, chúng ta cũng hãy khẩn cầu Thần Khí, để cho ân điển và các đặc sủng của Người giúp chúng ta thực sự sống như thân thể của Chúa Kitô, hợp nhất, như một gia đình, nhưng một gia đình vốn là thân thể Chúa Kitô, và như dấu chỉ nhãn tiền và tốt đẹp của tình yêu Chúa Kitô.
Bản dịch tiếng Pháp : Constance Roques (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt : Mạc Khải (ghxhcg.com)
(22 octobre 2014) © Innovative Media Inc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét