Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

Bài giảng ĐTC Phanxicô - Lễ tuyên phong Chân Phước cho Giáo Hoàng Phaolô VI - 19.10.2014

Chính Chúa Kitô chứ không ai khác
dẫn dắt và cứu độ Giáo Hội

Bài giảng lễ tuyên phong Chân Phước Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (toàn văn)

Rôma – 19/10/2014 (Zenit.org)

 

"Chính là Đức Kitô chứ không phải ai khác dẫn dắt và cứu độ Giáo Hội": Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đọc bài huấn đức trong Thánh Lễ tuyên phong chân phước cho Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (1897-1978), ngày 19/10/2014 này, ngày bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục ngoại thường về gia đình, cũng là Ngày Thế Giới Truyền Giáo, với sự hiện diện của Đức cựu Giáo Hoàng Biển Đức XVI và hai vị Hồng Y được tấn phong bởi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI.
Chân Phước Phaolô VI đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên phong vào lúc 10 giờ 48. Ngài sẽ được mừng lễ theo lịch phụng vụ vào ngày 26/9, là ngày sinh nhật của ngài. Thánh tích được mang lên bàn thờ sau lời tuyên phong là tấm áo thấm máu của ngài, lúc ngài bị mưu sát bằng dao găm tại Philíppin, ở phi trường Manilla, ngày 27/11/1970, do bàn tay của họa sĩ Benjamin Mendoza, người Bolivia.
Dưới ánh nắng chan hòa – hơn 30 độ C – và vòm trời xanh biếc, đám đông khoảng chừng 70.000 người (30.000 ghế ngồi) đã ngắt lời Đức Giáo Hoàng hai lần bằng những tràng pháo tay khi ngài cảm ơn Đức Giáo Hoàng Phaolô VI: "Với Đức Giáo Hoàng vĩ đại này, với người Kitô hữu can trường này, với vị tông đồ không mệt mỏi này, trước mặt Thiên Chúa, ngày hôm nay, chúng ta chỉ có thể nói lên một lời đơn sơ và thành thật và quan trọng là: Cảm Ơn! Cảm Ơn! [vỗ tay] Cảm ơn Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thân yêu của chúng ta! Cảm ơn vì sự làm chứng khiêm cung và ngôn sứ của ngài cho tình yêu Đức Kitô và Giáo Hội của Người!" [vỗ tay]
Đám đông, trong đó có khoảng 3000 khách hành hương từ Milanô, nơi ngài đã từng là tổng giám mục, cũng đã vỗ tay khi kể về đức Phaolô VI: "Trong nhật ký riêng của ngài, người thuyền trưởng vĩ đại của Công Đồng, vào ngày hôm sau lễ bế mạc các Phiên Họp Công Đồng, đã ghi lại: "Có lẽ, phải chăng đó là vì một khả năng nào đó hay là vì để cho tôi cai quản và cứu Giáo Hội khỏi những khó khăn hiện nay, mà Chúa đã gọi tôi và giữ tôi ở địa vị này, để tôi phải chịu đau đớn vì Giáo Hội, và phải nói cho rõ là chính Chúa, chứ không phải ai khác, đã dẫn dắt và cứu giúp Giáo Hội".
Sau đây là bản dịch [tiếng Pháp] chính thức bài huấn đức, được đọc bằng tiếng Ý, không có thay đổi.


Bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Chúng ta vừa nghe một trong những câu nổi tiếng nhất trong Phúc Âm: "Của Xê-da trả về Xê-da, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa" (Mt 22, 21). Trước sự khiêu khích của bọn pharisêu, có thể nói, đang muốn thử thách người về tôn giáo và gài bẫy Người, Chúa Giêsu trả lời với câu nói mỉa mai và tài tình này. Đây là một câu trả lời có ý nghĩa mà Chúa đã gửi cho tất cả những người đặt ra các vấn đề lương tâm, nhất là khi có chuyện quyền lợi, của cải, uy tín, quyền lực và danh tiếng của họ bị để lên bàn cân. Và điều này xẩy ra ở mọi lúc, mọi nơi. Chắc chắn là điều Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh tức là vế thứ hai của câu nói "Của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa".
Điều này có nghĩa là thừa nhận và tuyên xưng - đối với bất cứ loại quyền lực nào – rằng chỉ Thiên Chúa là Chúa của con người và không có ai khác. Đó là sự mới mẻ đời đời cần khám phá mỗi ngày, bằng cách thắng sự sợ hãi mà chúng ta thường cảm thấy trước những ngạc nhiên của Thiên Chúa. Người không sợ sự mới mẻ! Bởi vậy, Người liên tục làm cho chúng ta ngạc nhiên, mở ra cho chúng ta và dẫn dắt chúng ta bằng những con đường bất ngờ. Người canh tân chúng ta, nghĩa là Người thường xuyên làm cho chúng ta nên "mới". Một Kitô hữu sống Tin Mừng là "sự mới mẻ của Thiên Chúa" trong Giáo Hội và trên thế giới. Và Thiên Chúa rất yêu thương cái "mới mẻ" này! "Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa", có nghĩa là mở ra với Thánh Ý Người, dâng hiến cho Người cuộc sống của chúng ta và hợp tác với Vương Quốc của lòng thương xót, tình yêu thương và sự bình an.
Nơi đó có sức mạnh thực sự của chúng ta, men làm cho nó nổi lên và muối làm mặn cho mỗi nỗ lực con người chống lại sự bi quan thống trị mà thế gian đề nghị cho chúng ta. Nơi đó có niềm hy vọng của chúng ta bởi vì như thế, niềm hy vọng nơi Thiên Chúa không phải là một sự chạy trốn sự thật, nó không phải là một cái cớ: chính là trả về Thiên Chúa một cách tích cực những gì thuộc về Người. Chính vì vậy mà người Kitô hữu nhìn thực tế tương lai, thực tế của Thiên Chúa, để sống trọn vẹn cuộc sống – hai chân đạp đất – và can đảm đáp trả vô số những thách thức mới.
Chúng ta đã thấy điều đó trong những ngày này, khi diễn ra Thượng Hội Đồng Giám Mục  ngoại thường – "Synode" có nghĩa là "cùng đi". Và quả thật, các mục tử và giáo dân ở mỗi nơi trên thế giới đã mang lại Rôma này tiếng nói của các Giáo Hội riêng biệt để giúp đỡ các gia đình ngày hôm nay đi trên con đường của Phúc Âm, mắt hướng về Chúa Giêsu.
Đây đã là kinh nghiệm lớn trong đó chúng ta đã trải nghiệm tinh thần công nghị và tính tập đoàn, và chúng ta đã cảm thấy sức mạnh của Chúa Thánh Linh là Đấng luôn luôn dẫn dắt và canh tân Giáo Hội được kêu gọi vô thời hạn, để chăm sóc các thương tích đang rỉ máu và thắp sáng lại hy vọng đối với nhiều người không hy vọng. Đối với ơn ích của Công Nghị này và tinh thần xây dựng hiến tặng bởi tất cả mọi người, với thánh Phaolô tông đồ: "Chúng tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa về tất cả anh em. Chúng tôi nhắc đến anh em trong lời kinh nguyện" (1 Tx 1, 2)
Và cầu xin Chúa Thánh Linh là Đấng, trong những ngày làm việc vất vả này, đã cho chúng ta làm việc rộng lượng với sự tự do thực sự và óc sáng tạo khiêm nhường, còn đồng hành trên con đường, trong các Giáo Hội trên khắp mặt đất, chuẩn bị chúng ta cho kỳ Công Nghị Thường Kỳ các Giám Mục vào tháng 10/2015. Chúng ta đã gieo hạt và chúng ta sẽ tiếp tục gieo với lòng nhẫn nại và kiên trì, trong sự xác tín rằng chính Chúa sẽ làm tăng trưởng những gì chúng ta gieo trồng (x. Cl 3, 6).
Trong ngày tuyên phong Chân Phước của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI này, trong đầu óc tôi lại vang lên những lời lẽ của ngài khi ngài thiết lập Thượng Hội Đồng Các Giám Mục: "Khi chú tâm chiêm ngắm những dấu chỉ thời đại, chúng ta nỗ lực làm cho các xu hướng và các phương pháp… thích hợp với những nhu cầu đang gia tăng của thời đại chúng ta và với sự tiến hóa của xã hội" (Tông Thư Tự Sắc Apostolica sollicitudo).
Đối với Đức Giáo Hoàng vĩ đại này, với người Kitô hữu can đảm này, với vị tông đồ không mệt mỏi này, ngày hôm nay, trước mặt Thiên Chúa, chúng ta chỉ có thể nói được một lời vừa đơn sơ, vừa trung thực và quan trọng: Cảm ơn! Cảm ơn! [vỗ tay] Cảm ơn Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thân yêu của chúng ta! Cảm ơn vì sự làm chứng khiêm cung và ngôn sứ của ngài cho tình yêu của Chúa Kitô và Giáo Hội của Người ! [vỗ tay]
Trong cuốn nhật ký riêng của ngài, vị thuyền trưởng của Công Đồng, vào ngày hôm sau lễ bế mạc các Phiên Họp Công Đồng, đã ghi nhận: "Có lẽ, phải chăng đó là vì một khả năng nào đó hay là để cho tôi cai quản và cứu Giáo Hội khỏi những khó khăn hiện nay, mà Chúa đã gọi tôi và giữ tôi ở địa vị này, để tôi phải chịu đau đớn vì Giáo Hội, và phải nói cho rõ là chính Chúa, chứ không phải ai khác, đã dẫn dắt và cứu giúp Giáo Hội" [vỗ tay] (Cha Macchi, ĐGH Phaolô VI qua giáo huấn của ngài, nxb Guibert 2005, trang 105).
Trong đức khiêm nhường này đã sáng lên sự cao cả của Chân Phước Phaolô VI là đấng, trong lúc đang hình thành một xã hội tục hóa và đối nghịch, đã biết dẫn đưa với sự khôn ngoan sáng suốt – và đôi khi trong cô đơn – lèo lái con thuyền thánh Phêrô mà không bao giờ mất đi niềm vui cũng như niềm hy vọng nơi Chúa.
Đức Phaolô VI đã thự sự biết "trả về Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa" bằng cách hiến dâng trọn vẹn cuộc đời mình cho "sự dấn thân thánh thiện, trịnh trọng và rất nặng nề  sự dấn thân để tiếp tục trong thời gian và để trải rộng ra trên trái đất sứ vụ của Đức Kitô" (Bài giảng cho  nghi thức đăng quang, tạp chí Documentation catholique số 1404 [1963], col. 932), khi yêu mến Giáo Hội và hướng dẫn Giáo Hội để Giáo Hội "vừa là hiền mẫu của tất cả mọi người và vừa là đấng ban phát ơn cứu độ" (Tông thư Ecclesiam Suam, Đoạn mở đầu).

Mạc Khải (ghxhcg.com) phỏng dịch
(19 octobre 2014) © Innovative Media Inc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét