Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Giáo lý ĐTC về Giáo Hội (tt) - Chia rẽ giữa các Kitô hữu gây thương tích cho GH

Chia rẽ giữa các Kitô hữu gây thương tích
cho Giáo Hội, Đức Kitô, và chính chúng ta

Các phương thuốc trong bài giáo lý ngày 08/10/2014 (toàn văn)

Rôma – 08/10/2014 (Zenit.org)

"Chia rẽ giữa các Kitô hữu, trong lúc gây thương tích cho Giáo Hội, còn gây thương tích cho Đức Kitô và cho chính chúng ta", Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lưu ý trong bài giáo lý sáng thứ Tư này trên quảng trường thánh Phêrô về sự hợp nhất Giáo Hội.
Ngài đã đưa ra những lý do của sự chia rẽ: "cách này hay cách khác, đàng sau những rách nát này, luôn có sự kiêu căng và lòng ích kỷ, vốn là nguyên nhân của mọi sự bất đồng ý kiến và làm cho chúng ta trở nên hẹp hòi, không có khả năng lắng nghe và chấp nhận những người có một cách nhìn hay một lập trường khác với chúng ta".
Ngài cũng khuyên những phương thuốc: cầu nguyện và một "sự thay đổi thái độ": "chúng ta không nên tự đóng cửa với đối thoại và gặp gỡ", và "hãy nắm lấy tất cả những gì là có giá trị và tích cực được cống hiến cho chúng ta, kể cả từ những người có những suy nghĩ khác với chúng ta hay đã chọn lấy một lập trường khác".
Ngài chỉ ra con đường: "Lịch sử đã chia rẽ chúng ta, nhưng chúng ta đang đi trên con đường hòa giải và hiệp thông".
Sau đây là bản dịch toàn văn bài giáo lý bằng tiếng Ý.
A.B.
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Thân chào quý anh chị em!
Trong những bài giáo lý gần đây, chúng ta đã tìm cách làm sáng tỏ bản chất và cái đẹp của Giáo Hội và chúng ta đã tự hỏi: đối với mỗi người chúng ta, là thành phần của dân này, dân Chúa vốn là Giáo Hội, có nghĩa là gì. Tuy nhiên, chúng ta cũng không được quên rằng có nhiều người anh em không chia sẻ cùng chúng ta đức tin nơi Chúa Kitô, mà thuộc về những tôn giáo khác hay những truyền thống khác với chúng ta. Nhiều người cam phận với sự chia rẽ đó – trong Giáo Hội công giáo cũng vậy, người ta chấp nhận – và trong lịch sử, nó đã thường là nguyên nhân các cuộc tranh chấp và những đau khổ, và kể cả chiến tranh, và đó là điều đáng hổ thẹn! Ngày hôm nay cũng thế, các quan hệ của chúng ta vẫn chưa thấm nhuần sự tôn kính và thân thiện… Nhưng tôi tự hỏi: chính chúng ta, thì chúng ta thấy mình đang đứng ở đâu trước vấn đề này? Chúng ta cũng cam chịu, hay dứt khoát dửng dưng đối với sự chia rẽ này? Hay là chúng ta có tin chắc rằng có thể là phải tiến bước theo chiều hướng hòa giải và hiệp thông đầy đủ không? Hiệp thông hoàn toàn, nghĩa là tất cả có thể cùng nhau tham gia vào Mình và Máu Chúa Kitô.

Những chia rẽ giữa các Kitô hữu, gây thương tích cho Giáo Hội, và cũng gây thương tích cả cho Đức Kitô và cho chính chúng ta, vì khi chia rẽ, chúng ta gây thương tích cho Đức Kitô: Giáo Hội quả là nhiệm thể mà Đức Kitô là đầu. Chúng ta biết rõ là Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Người hợp nhất với nhau trong tình yêu của Người. Chỉ cần nghĩ đến những lời Người phán được ghi lại trong chương 17 Tin Mừng theo thánh Gioan, lời cầu nguyện với Cha Người trước cuộc thương khó: "Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ còn ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha" (Ga, 17, 11). Sự hợp nhất này đã bị đe dọa  ngay lúc Chúa Giêsu còn ở với những môn đệ của Người: trong Phúc Âm, quả là người ta đã thấy các tông đồ tranh cãi với nhau để xem ai là người lớn nhất, quan trọng nhất (x. Lc 9, 46). Nhưng Chúa đã nhiều lần nhấn mạnh về sự hợp nhất nhân danh Chúa Cha, làm cho chúng ta hiểu rằng sự loan truyền và làm chứng của chúng ta chỉ đáng tin cậy khi nào chúng ta là những người đầu tiên sống trong niềm hiệp thông và yêu mến lẫn nhau. Đó là điều mà các tông đồ của Người, với ơn của Chúa Thánh Linh, sau đó đã hiểu rõ và luôn gìn giữ đến nỗi thánh Phaolô đã phải cầu xin cộng đoàn Côrintô bằng những lời lẽ như sau: "Thưa anh em, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả các anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận, một lòng một ý với nhau" (1 Cr 1, 10).
Suốt con đường của mình trong lịch sử, Giáo Hội đã bị ác thần cám dỗ, nó tìm cách chia rẽ, và khốn thay, Giáo Hội đã trải nghiệm nhiều sự chia rẽ trầm trọng. Đó là những sự ly khai đôi khi kéo dài rất lâu, đến tận ngày nay, bởi vậy ngày nay thật là khó để có thể kể lại tất cả những động cơ đó và nhất là để tìm ra những giải pháp có thể. Những nguyên nhân dẫn đến những sự gẫy đổ và phân ly đó có thể rất đa dạng: những bất đồng quan điểm về các nguyên tắc tín lý và luân lý hay về những quan niệm thần học và mục vụ khác nhau, đó là không kể những nguyên nhân chính trị và tập quán, và còn dẫn đến những cuộc đụng độ vì ác cảm và tham vọng cá nhân… Điều chắc chắn là, bằng cách này hay cách khác, đàng sau những rách nát này, luôn có sự kiêu căng và lòng ích kỷ, vốn là nguyên nhân của mọi sự bất đồng ý kiến và làm cho chúng ta trở thành hẹp hòi, không có khả năng lắng nghe và chấp nhận những người có một cách nhìn hay một lập trường khác với chúng ta. 
Bây giờ, trước chuyện này, có điều gì mà mỗi người trong chúng ta, với tư cách là thành viên của Mẹ Hội Thánh, có thể hoặc phải làm không? Cầu nguyện khẳng định là cần thiết, tiếp nối và hiệp thông với Chúa Giêsu, cầu nguyện cho sự hợp nhất các Kitô hữu. Và với cầu nguyện, Chúa yêu cầu chúng ta một sự cởi mở mới: Người yêu cầu chúng ta không được đóng cửa với đối thoại và gặp gỡ, mà phải nắm lấy tất cả những gì là có giá trị và tích cực được cống hiến cho chúng ta, kể cả từ những người có những suy nghĩ khác với chúng ta hay đã chọn lấy một lập trường khác. Người yêu cầu chúng ta không nên chỉ nhìn thấy những gì chia rẽ chúng ta, mà hãy nhìn thấy những gì kết hợp chúng ta, trong khi tìm cách hiểu biết và yêu mến Chúa Giêsu hơn và chia sẻ sự sung túc của tình yêu Người. Và điều này cụ thể bao hàm sự kiện chúng ta gắn liền với chân lý, với khả năng tha thứ cho nhau, cảm thấy chúng ta tham gia vào cùng một gia đình Kitô giáo, coi mình như một món quà tặng cho nhau và cùng làm nhiều việc tốt lành và các công trình từ thiện.
Nhưng đã có những chia rẽ, đã có những Kitô hữu chia rẽ, chúng ta chia rẽ; đó là một sự đau khổ. Nhưng tất cả chúng ta đều có cái gì chung: tất cả chúng ta đều tin vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Tất cả chúng ta đều tin vào Đức Chúa Cha và Chúa Thánh Linh và tất cả chúng ta đều đang đi, chúng ta đồng hành. Chúng ta hãy giúp đỡ lẫn nhau! Nhưng bạn ơi, bạn nghĩ như thế này, bạn nghĩ như thế kia… Trong mọi cộng đoàn, có các nhà thần học lỗi lạc: họ hãy thảo luận đi, họ hãy đi tìm chân lý thần học bởi vì đó là một bổn phận, nhưng chúng ta, chúng ta hãy cùng nhau vừa bước đi vừa cầu nguyện cho nhau và làm những công việc từ thiện. Và như thế, chúng ta hiệp thông trên đường. Đó chính là cái mà người ta gọi là đại kết thiêng liêng: tất cả chúng ta cùng bước đi trên con đường đời trong đức tin của chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người ta bảo, không nên nói những điều riêng tư, nhưng tôi không chống lại cám dỗ này. Chúng ta nói đến hiệp thông… hiệp thông giữa chúng ta. Và hôm nay, tôi rất tạ ơn Chúa bởi vì đúng 70 năm trước tôi đã rước lễ lần đầu. Nhưng chúng ta đều phải biết rằng chịu lễ lần đầu có nghĩa là đi vào hiệp thông với người khác, với những người anh em trong Giáo Hội chúng ta và còn là hiệp thông với tất cả những người thuộc về các cộng đoàn khác nhưng cùng tin Đức Giêsu. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì phép Rửa của chúng ta, chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì sự hiệp thông của chúng ta, và để cho sự hiệp thông này sẽ là hiệp thông của tất cả mọi người, cùng chung.
Các bạn thân mến, chúng ta hãy tiến bước về sự hợp nhất toàn diện! Lịch sử đã chia rẽ chúng ta, nhưng chúng ta đang đi trên con đường hòa giải và hiệp thông. Và đúng như thế! Và chúng ta phải bảo vệ con đường này! Tất cả chúng ta đều đang trên đường đi tới hiệp thông. Và khi mục đích có vẻ quá xa vời đối với chúng ta, gần như khó đạt tới, và chúng ta cảm thấy thất vọng, thì chúng ta hãy để mình được an ủi bởi ý nghĩ là Thiên Chúa không thể bịt tai với Con của Người là Chúa Giêsu mà không nhậm lời cầu xin của Người và lời cầu nguyện của chúng ta, để cho tất cả mọi Kitô hữu đều trở nên một.
Bàn dịch tiếng Pháp : Constance Roques (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt : Mạc Khải (ghxhcg.com)
(8 octobre 2014) © Innovative Media Inc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét