Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

CN Hồng giữa Mùa Chay Thánh - 30.03.2014

Ra khỏi sự mù quáng, chương trình Mùa Chay

Kinh Truyền Tin ngày 30 tháng 3 năm 2014 (toàn văn)

Rôma – 30/3/2014 (Zenit.org)

"Chúng ta hãy mở lòng ra với ánh áng của Chúa, Ngài luôn mãi chờ đợi để giúp chúng ta nhìn rõ hơn, để ban cho chúng ta nhiều ánh sáng hơn, để tha thứ cho chúng ta", Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuyên nhủ hôm Chúa Nhật 30/3/2014, Chúa Nhật thứ IV Mùa Chay.
Trong giờ Kinh Truyền Tin, trên quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng đã bình giảng bài Tin Mừng chữa lành người mù bẩm sinh (Ga 9, 1-41), khuyến khích thoát khỏi "bi kịch mù lòa trong lòng" bằng cách mở lòng ra với "ánh sáng của Đức Kitô", loại bỏ "những cách hành xử không là của Kitô giáo" để "mạnh dạn bước trên con đường thánh thiện".

Lời Đức Giáo Hoàng trước Kinh Truyền Tin
Thân chào quý anh chị em,
Phúc âm hôm nay trình bầy đoạn người mù bẩm sinh, được Chúa Giêsu ban cho nhìn thấy. Câu chuyện dài mở ra bằng một kẻ mù lòa bắt đầu nhìn thấy lại và khép lại -điều lạ lùng- với những người coi như sáng mắt lại tiếp tục mù quáng trong lòng. Phép lạ được thánh Gioan kể lại chỉ trong hai câu, bởi vì Thánh Sử Gia muốn thu hút sự chú ý không trên chính phép lạ, mà trên những gì xẩy ra sau đó, trên những tranh luận mà phép lạ dấy lên; cũng trên những lời bàn tán: quá nhiều khi, một việc lành, một việc từ thiện khơi lên những lời nói xấu và những màn tranh luận, bởi vì có những kẻ không muốn nhìn sự thật. Thánh sử gia Gioan cũng muốn thu hút sự chú ý trên những gì đang xẩy ra trong thời đại chúng ta khi chúng ta làm một việc thiện. Người mù vừa được chữa khỏi, trước hết đã bị đám đông ngạc nhiên chất vấn - họ đã thấy phép lạ và hỏi anh ta - rồi đến các tiến sĩ luật (Pha-ri-sêu); những người này còn hỏi cả cha mẹ anh ta nữa. Cuối cùng, người mù được chữa khỏi đạt tới đức tin, và đó là ân điển trọng đại nhất Chúa Giêsu đã ban cho hắn: không chỉ nhìn thấy, mà còn nhận biết Ngài, nhìn thấy Ngài như là "ánh sáng thế gian" (Ga 9, 5).

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Bí tích Truyền Chức Thánh - Giáo lý ĐTC Phanxicô


Các bạn trẻ, nếu các bạn có ước muốn làm linh mục,
chính là Chúa Giêsu kêu gọi


Bài giáo lý về bí tích Truyền Chức Thánh ngày 26 tháng 3 năm 2014


Rôma – 26/3/2014 (Zenit.org)


Hỡi các bạn trẻ, nếu các bạn có ước muốn làm linh mục, thì chính là Chúa Giêsu kêu gọi đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên bố rõ ràng trong bài giáo lý ngày thứ tư 26/3/2014, dành cho bí tích Truyền Chức Thánh.
"Ở đây có thể có một số các bạn trẻ đã nghe thấy trong lòng mình tiếng gọi đó, sự mong ước trở thành linh mục, sự ước muốn phục vụ người khác trong những việc đến từ Thiên Chúa, sự ước muốn suốt đời phục vụ việc dậy giáo lý, ban Phép Rửa, tha thứ, dâng Thánh Lễ, chăm lo người bệnh… và như thế suốt cả cuộc đời. Nếu có ai trong anh chị em đã nghe được điều này trong lòng, thì đó chính là Chúa Giêsu đã đặt để chuyện đó trong lòng anh chị em", Đức Giáo Hoàng giải thích.
Đó chính là lời kêu gọi của Đức Kitô và như thế, thiên chức linh mục không phải là cái gì người ta có thể mua được, Đức Giáo Hoàng lưu ý: "Phải làm gì để trở thành linh mục, ở đâu có bán cách tiếp cận thiên chức linh mục? Không! Điều này không có bán; Đây là một sáng kiến của Chúa. Chúa kêu gọi. Ngài kêu gọi mỗi người trong những ai Ngài muốn thấy trở thành linh mục".
Trong bài giáo lý của ngài bằng tiếng Bồ Đào Nha, Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh về lòng thương xót nơi mà các linh mục phải phó dâng mình: đó sẽ là "sức mạnh" và là một "tấm gương" cho các giáo hữu.
Đức Giáo Hoàng cũng đã nhắc rằng giáo phận, giáo xứ, "công trình tư thiện" không thuộc về giám mục, linh mục, hay phó tế, mà thuộc về Đức Kitô.
Sau đây là bản dịch toàn văn từ bản gốc bằng tiếng Ý của bài giáo lý ngày 26/3/2014.

A.B.

Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về bí tích Truyền Chức Thánh.
Thân chào quý anh chị em!
Chúng ta đã có dịp nhận xét rằng có ba bí tích là Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể cùng làm nên mầu nhiệm "khai tâm Kitô giáo", một biến cố ân điển độc nhất to lớn làm chúng ta được tái sinh trong Đức Kitô. Đó là ơn gọi căn bản chung cho chúng ta, trong Giáo Hội, với tư cách là môn đệ của Chúa Giêsu. Sau đó có hai bí tích tương ứng với hai ơn gọi chuyên biệt: đó là bí tích Hôn Phối và bí tích Truyền Chức Thánh.
Truyền Chức Thánh, trải dài trên ba tầng cấp là hàng giám mục, hàng linh mục và hàng phó tế, là bí tích trao quyền thực thi tác vụ, được Chúa Giêsu trao gửi cho các tông đồ của Ngài, chăn dắt đàn chiên của Ngài, trong quyền phép của Thần Khí Ngài và theo Thánh Tâm Ngài. Chăn dắt đàn chiên của Chúa Giêsu, không phải với quyền lực và sức mạnh con người hay với quyền phép của chính Ngài, mà với quyền Phép của Thần Khí và theo Thánh Thâm Ngài, Thánh Tâm Chúa Giêsu là một trái tim tình yêu. Vị linh mục, giám mục, phó tế phải chăn dắt đàn chiên của Chúa bằng tình yêu. Nếu không làm vì tình yêu, vị đó không phục vụ. Và trên chiều hướng đó, các thừa tác viên được chọn lựa và thánh hóa cho dịch vụ đó, với thời gian sẽ khiến cho sự hiện diện của Chúa Giêsu thêm trường cửu, nếu các vị thực thi với quyền phép của Chúa Thánh Thần, nhân danh Thiên Chúa và bằng tình yêu.

Ba hình thức của sự dối trá trong truyền thông


Truyền thông, hãy tránh xa ba tội này:

bóp méo, cáo gian, vu khống,


Ba hình thức của sự dối trá

Rôma – 22/03/2014 (Zenit.org) Anita Bourdin


Đức Giáo Hoàng Phanxicô chẩn đoán ba cái "tội của truyền thông" – bóp méo, cáo gian, vu khống, là con đẻ của sự lừa dối -, ngài cảnh cáo chống lại lôgic của "cá lớn nuốt cá bé", và chống lại những cạm bẫy của thuyết chủ trí, của thuyết hồi cổ bất nhân  và của cái đẹp nhân tạo.
Đức Giáo Hoàng đã tiếp kiến tại đại sảnh Clémentine của điện Vatican, các nhân viên của hội "Corallo", một mạng lưới phát thanh và truyền hình Ý với lập trường Công Giáo hiện diện trên mọi vùng trên đất Ý.

Ba hình thức của sự dối trá
Đức Giáo Hoàng đã chẩn đoán ba cái "tội của truyền thông", và yêu cầu các cơ quan truyền thông Công Giáo phải tránh xa. Đó là ba hình thức "rất trầm trọng" của "lừa dối" : "bóp méo, cáo gian và vu khống".
"Hai tội sau là rất trầm trọng, Đức Giáo Hoàng lưu ý, nhưng không đến nỗi nguy hiểm như tội đầu. Tại sao? Cáo gian là một tội trọng, nhưng người ta cũng có thể nói: đó là một sự không công bằng, bởi vì người đó đã làm chuyện đó ở thời điểm đó, rồi sau đó người đó đã ăn năn, và đã thay đổi cách sống. Nhưng sự bóp méo thông tin, nghĩa là nói một nửa sự việc, nói điều có lợi nhất cho mình, và không nói nốt nửa kìa. Và như thế, điều mà thấy trên truyền hình hay nghe trên đài phát thanh, không thể làm thành một sự xét đoàn toàn hảo, bởi vì không có đầy đủ các yếu tố hay vì người ta không muốn đưa ra đầy đủ các yếu tố đó. Các anh chị em hãy tránh xa, tôi yêu cầu các anh chị em đó, ba tội này: bóp méo, cáo gian, vu khống.

Bí tích Hòa Giải - Giáo lý ĐTC Phanxicô


Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

về Bí Tích Hòa Giải


Một bí tích chữa lành (toàn văn)

Rôma – 19/02/2014 (Zenit.org)


Bí tích Hòa Giải là một bí tích chữa lành, Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích trong bài giáo lý về phép bí tích này, trước 20.000 khách hành hương trên quảng trường Thánh Phêrô.
Ngài mời gọi không nên e ngại cảm tưởng xấu hổ khi phải thú nhận tội lỗi của mình - ai không biết xấu hổ là người "vô sỉ" – và hãy gieo mình vào đôi vòng tay của Cha đầy lòng thương xót.
Rồi Đức Thánh Cha đã hỏi: anh chị em xưng tội lần chót là khi nào vậy? "Và nếu đã lâu rồi, thì bạn đừng mất thêm một ngày nào nữa, bạn hay đi đi, và vị linh mục sẽ rất khoan dung. Chính là Chúa Giêsu đang ở đó, và Chúa Giêsu là vị linh mục tốt lành nhất trong các linh mục, Chúa Giêsu sẽ đón tiếp bạn, đón tiếp bạn với rất nhiều tình thương. Bạn hãy can đảm lên và hãy đi xưng tội!"
Dưới đây là bản dịch toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha bằng tiếng Ý, ngày thứ Tư 19/02/2014, trên quảng trường Thánh Phêrô.

Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về Bí Tích Hòa Giải
Thân chào quý anh chị em!
Qua các bí tích khai tâm Kitô giáo, bí tích Rửa Tội, bí tích Thêm Sức và bí tích Thánh Thể, con người lãnh nhận sự sống mới trong Đức Kitô. Bây giờ, tất cả chúng ta đều biết, chúng ta mang sự sống này "trong những cái bình bằng đất sét" (2 Cr 4, 7), chúng ta còn bị cám dỗ, còn bị đau khổ, còn bị chết, và bởi vì tội lỗi, chúng ta còn có thể mất đi cả sự sống mới này nữa. Vì thế Chúa Giêsu đã muốn rằng Giáo Hội tiếp tục sự nghiệp cứu rỗi của Ngài đối với những thành viên của mình, đặc biệt nhờ vào bí tích Hòa Giải và bí tích Xức Dầu bệnh nhân, vốn có thể hợp lại dưới tên gọi "các bí tích chữa lành". Bí tích hòa giải là một bí tích chữa lành. Khi tôi đi xưng tội, chính là để được chữa lành, để chữa lành linh hồn tôi, chữa lành trái tim tôi và những gì tôi đã làm mà không tốt. Hình ảnh Thánh Kinh biểu lộ rõ ràng nhất những điều này, trong mối quan hệ sâu sắc, là đoạn nói về sự tha thứ và chữa lành người bị liệt, khi Chúa tỏ ra là thầy thuốc vừa cho phần hồn vừa cho phần xác (x. Mc 2, 1-12; Mt 9, 1-8; Lc 5, 17-26).
1. Bí tích sám hối và hòa giải trực tiếp tuôn ra từ mầu nhiệm vượt qua. Quả vậy, ngay buổi tối hôm lễ Vượt Qua, Chúa đã hiện ra với các môn đệ, đang nhốt mình trong phòng tiệc ly, và, sau khi ngỏ lời chào "Bình an cho anh em", Ngài đã thổi hơi trên họ và phán: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha" Ga 20, 21-23). Đoạn này mặc khải cho chúng ta động lực sâu xa chứa đựng trong bí tích này. Trước hết, sự kiện tha thứ tội lỗi chúng ta không phải chuyện gì chúng ta có thể cho nhau. Tôi không thể nói: tôi tự tha thứ tội lỗi của tôi. Sự tha thứ là điều phải cầu xin, phải cầu xin từ ai khác và trong khi Xưng Tội, chúng ta cầu xin Chúa Giêsu sự tha thứ của Ngài. Sự tha thứ không phải kết quả của những nỗ lực từ chúng ta, đó là một tặng phẩm, một ơn phúc của Chúa Thánh Thần, là Đấng làm tràn đầy chúng ta trong một cuộc tắm gội tái sinh của lòng thương xót và ân điển đang tuôn chảy không ngừng từ trái tim mở rộng của Đức Kitô bị đóng đinh và đã sống lại.

Lời gọi mời Mùa Chay của Đức Giáo Hoàn Phanxicô


Đức Giáo Hoàng Phanxicô quỳ gối trước một tòa hòa giải, xưng tội và nhận bí tích hòa giải trước mặt mọi người

Nhận lấy lòng thương xót để có thể thông truyền cho người khác.

Rôma – 28/3/2014 (Zenit.org) Anita Bourdin


 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khiến mọi người ngạc nhiên trong "lễ nghi sám hối" do ngài chủ tọa tại Đền Thánh Phêrô hôm thứ Sáu 28/3 này, từ lúc 17 giờ: Sau phụng vụ Lời Chúa, bài giảng, kinh nguyện xin chuyển cầu và Kinh Lậy Cha, Đức Giáo Hoàng đã đi tới một tòa hòa giải để nghe giáo dân xưng tội. Nhưng thay vì dừng lại ở tòa hòa giải mà vị Chủ Lễ, Đức cha Guido Marini, chỉ cho ngài, Đức Giáo Hoàng đã đi tới tòa hòa giải trước mặt. Ngài đã quỳ gối và đã xưng tội với vị linh mục cũng đang chờ giáo dân. Sau khi ban phép Giải Tội cho Đức Giáo Hoàng, vị linh mục đã hôn tay ngài.
Người ta đã từng thấy các Đức Giáo Hoàng đi xưng tội - ĐGH Gioan Phaolô II ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, ĐGH Biển Đức XVI cũng vậy, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đặc biệt trong JMJ hay ở giáo xứ. Nhưng người ta chưa từng thấy công khai, dưới ống kính trực tiếp truyền hình, một Đức Giáo Hoàng tự đi đến nhận bí tích. Có Đức Hồng Y, và giám mục đã theo gương ngài đi xưng tội cùng với giáo dân và đã nhận được bí tích một cách cá nhân sau cuộc chuẩn bị cộng đoàn này. Sách Phụng Vụ kết thúc bằng 4 trang giáo huấn để giúp xét mình chính xác.

24 giờ để đi vào niềm vui

Đức Giáo Hoàng đã thực hành ngay lập tức những điều ngài mới nói trong bài giảng về "24 giờ cho Chúa" sẽ kéo dài đến chiều thứ bẩy, 29/3: "Anh chị em thân mến, sau lễ này, nhiều người trong anh chị em sẽ thủ vai trò thừa sai để đề nghị với những người khác trải nghiệm sự hòa giải với Thiên Chúa. "24 giờ cho Chúa" là một sáng kiến đã có nhiều giáo phận tham gia, khắp nơi trên thế giới. Với những người anh chị em sẽ gặp, anh chị em hãy thông truyền niềm vui nhận được sự tha thứ của Cha và tìm lại được tình bằng hữu vẹn toàn với Ngài. Ai đã trải nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa, đều được thôi thúc trở thành người thợ của lòng thương xót nơi những người thấp bé nhất và những người nghèo khó nhất. Trong những "người anh em nhỏ bé nhất của chúng ta", Chúa Giêsu chờ đợi chúng ta; chúng ta hãy đến gặp Ngài! Và chúng ta sẽ cử hành Lễ Phục Sinh trong niềm vui của Thiên Chúa!"
"Hai mươi bốn giờ cho Chúa", là thời gian sám hối đặc biệt, được tổ chức bởi Hội Đồng Giáo Hoàng về Tái Truyền Giảng Phúc Âm, liên kết với nhiều giáo phận trên thế giới, trước Chuá Nhật thứ IV Mùa Chay, Chúa Nhật "laetare" của sự vui mừng.

Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

Bài giảng ĐTC Phanxicô - Phúc Âm bỏ túi đọc hàng ngày


Một cuốn Phúc Âm trong túi xách để đọc trong ngày


Kinh Truyền Tin ngày 16 tháng 3 năm 2014 (toàn văn)


Rôma – 16/3/2014 (Zenit.org)


Một "cuốn sách Phúc Âm nhỏ" trong túi xách hay trong túi áo của mình, để đọc từng đoạn trong ngày: đó là điều mà Đức Giáo Hoàng khuyên nhủ ngày 16/3/2014, Chúa Nhật thứ hai Mùa Chay.
Trong giờ Kinh Truyền Tin Chúa Nhật, sáng nay, Đức Giáo Hoàng đã đặt một câu hỏi cho đám đông: "anh chị em có đọc mỗi ngày một đoạn Phúc Âm không?"

Nhắc nhở rằng trong Phúc Âm, "Chúa Giêsu ở đó để nói với chúng ta", ngài đã khuyên "nên có một cuốc sách Phúc Âm nhỏ, và mang theo mình, trong túi áo, trong túi xách để đọc một đoạn bất cứ lúc nào trong ngày".

Lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước Kinh Truyền Tin

Thân chào quý anh chị em,
Hôm nay, Phúc Âm trình bày cho chúng ta biến cố Hiển Dung. Đó là giai đoạn thứ nhì của hành trình mùa chay: giai đoạn đầu là những cám dỗ trong sa mạc, chúa nhật trước; giai đoạn thứ hai: sự Hiển Dung. Chúa Giêsu "đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao" (Mt 17,1). Núi cao trong Thánh Kinh tượng trưng nơi chốn gần với Thiên Chúa và nơi gặp gỡ thân mật với Ngài; nơi cầu nguyện, nơi được ở trước mặt Đức Chúa. Trên đó, trên ngọn núi, Chúa Giêsu đã biểu lộ cho ba môn đệ của Ngài, dung nhan Thiên Chúa, sáng láng, rất đẹp của Ngài; và rồi các ông Mô-se và Ê-li-a, đàm đạo với Ngài. Dung nhan của Ngài đã sáng chói và y phục Ngài trắng tinh, đến nỗi ông Phêrô bị lóa mắt và muốn ở đó, như để ghi khắc giờ phút này. Bỗng nhiên có tiếng Chúa Cha vang lên từ trên trời tuyên bố Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Ngài, và phán: "Các ngươi hãy vâng nghe lời Người" (Mt 17, 5). Lời phán dạy này rất quan trọng! Cha chúng ta là Đấng đã phán bảo cho các tông đồ này, và cũng phán bảo cho chúng ta: "Hãy vâng nghe lời Đức Giêsu, bởi vì Người là Con yêu dấu của Ta". Tuần này, chúng ta hãy giữ lấy lời phán bảo này trong óc, trong tim: "Hãy vâng nghe lời Đức Giêsu!". Đây không phải là lời Đức Giáo Hoàng nói, mà chính là Thiên Chúa Cha đã phán với tất cả chúng ta: với tôi, với các anh chị em, với tất cả mọi người, tất cả! Đây cũng như là một sự giúp đỡ để thực hiện hành trình Mùa Chay. "Hãy vâng nghe lời Chúa Giêsu!". Anh chị em đừng quên.

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

Hội nghị Sứ mạng GD - Tin 11/03/2014


"Hãy hoạt động để hội nhập người nghèo vào trong xã hội"

Hội nghị về sứ mạng của các Kitô hữu giáo dân trong thành phố

Rôma – 11/03/2014 (Zenit.org) Pape François


"Tôi khuyến khích anh chị em hãy hoạt động để hội nhập những người nghèo vào trong xã hội, bằng cách phải luôn có một sự chú tâm đạo đức và thiêng liêng ưu tiên", Đức Giáo Hoàng viết cho các giáo dân.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cho gửi đến các tham dự viên hội nghị về sứ mạng của các Kitô hữu giáo dân trong thành phố, đã diễn ra trong những ngày 7 và 8/3/2014, tại Trường Đại Học Giáo Hoàng Latran.
Nhắc nhở rằng "các tín hữu giáo dân là những người chủ trốt của sự nghiệp Phúc Âm hóa và của sự thăng tiến con người", ngài đã khuyến khích họ hãy năng sử dụng Bản Tóm Lược Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội, vốn đích thực là "kim chỉ nam" cho các vấn đề xã hội và chính trị hiện tại.

Thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Anh chị em thân mến,
Trong lúc anh chị em nhóm họp hội nghị do sáng kiến của Giáo Phận Rôma để đào sâu và tăng cường "sứ mạng của các Kitô hữu giáo dân trong thị xã", tôi gửi đến anh chị em một lời chào thân ái và sẽ sát cánh với anh chị em bằng lời cầu nguyện. Trong lúc chúc cho anh chị em một cuội hội họp đầy tình huynh đệ và mang nhiều kết quả, tôi muốn làm rõ một số khía cạnh cốt yếu.
Trước hết, một nguyên tố cốt yếu thuộc về các giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II: sự kiện các tín hữu giáo dân, nhờ vào Phép Rửa, là những người chủ chốt của sự nghiệp Phúc Âm hóa và của sự thăng tiến con người. Khi được nhập thể vào Giáo Hội, mỗi phần tử của Dân Thiên Chúa đều là môn đệ và thừa sai, hai điều bất khả phân. Phải luôn luôn khởi sự từ nguồn cội chung này của tất cả chúng ta, các con cái của Giáo Hội Mẹ (Tông Huấn Evangelii Gaudium, 120).

Bản tin #13.T.03-2014

CURSILLISTAS XUÂN LỘC
KÍNH DÂNG BÓ HOA THIÊNG 
HƯỚNG VỀ NGÀY LỄ KÍNH THÁNH CẢ GIUSE
19/03/2014

Trọng kính Đức Ông Vinh sơn, quý Cha, quý Tu sỹ

Kính thưa quý anh chị cursillistas rất kính mến,

 
Chúng ta đang sống trong hành trình Mùa Chay Thánh năm 2014 với tâm tình cảm tạ, tri ân về một Tình Yêu tự hiến của Đức Giêsu – Thầy Chí Thánh. Tháng 3 cũng là tháng Giáo Hội mừng kính Thánh Cả Giuse – Quan thày Giáo Hội VN, giáo phận Xuân Lộc, và cha linh hướng PT giáo phận, quý cha LH, cũng như của một số quý anh mang Thánh hiệu Giuse.

Anh chị em chúng con xin dâng những Palanca trong Mùa Chay để cầu nguyện cho cha LH Giuse và quý cha. Nhờ lời bầu cử của Thánh Cả Giuse Quan thầy, xin Chúa đổ tràn bình an, niềm vui, và ân sủng xuống trên cha linh hướng và quý cha, để các ngài dẫn dắt Giáo hội & Phong trào Cursillo ngày càng thăng tiến trong tình hiệp nhất và chan hòa yêu thương.

Với quý anh mang Thánh hiệu Giuse, xin Chúa ban muôn hồng ân để quý anh noi gương theo Thánh Quan Thầy, sống tinh thần yêu thương, hy sinh phục vụ trong âm thầm hầu thánh hóa bản thân, gia đình, thánh hóa môi trường nơi Chúa đặt để và là điểm tựa vững chắc trợ giúp PT Cursillo tiến lên.

Với quý anh chị cursillistas rất thân mến, chúng em xin cùng với quý anh chị tạ ơn Chúa về những hoa trái trong đời sống cursillistas thể hiện qua những chia sẻ chứng nhân, tin tức, hình ảnh sinh hoạt, chia sẻ tài liệu và kinh nghiệm từ khắp các nơi gởi về, trong giáo phận cũng như từ các giáo phận bạn, và từ Hải ngoại nơi xa xôi có những cursillistas rất yêu mến Phong trào luôn hướng lòng về quê Mẹ...Những tâm tình chia sẻ, những trao gởi yêu thương đã giúp nối kết ACE chúng ta trong tinh thần một tay nắm lấy Chúa, một tay nắm lấy anh chị em.

Với những tâm tình đó, chúng con xin gởi đến quý Cha, quý Tu sỹ và quý anh chị Bản tin XL #13 ghi nhận lại các sinh hoạt của Phong trào, những chủ đề học hỏi trong tháng đầu năm vừa qua.
Xin xem và download theo đường link dưới đây:
http://cursillovn.net/TY/BantinUltreya/BTXL_13.T.03-2014.pdf

Xin tạ ơn Chúa, vì qua Phong trào đã quy tụ và nối kết ACE cursillistas khắp muôn nơi cùng chung tay xây dựng Phong trào, cũng là xây dựng Giáo hội và Xã hội VN ngày càng thăng tiến và phát triển như lòng Chúa ước mong.

Chúng con xin tri ân Đức Ông Vinhsơn, quý Cha, quý Tu sỹ Linh hướng đã luôn đồng hành, cầu nguyện và hướng dẫn ACE chúng con.

Xin cám ơn quý anh chị cursillistas khắp muôn nơi đã hiệp thông, chia sẻ trong mọi công tác Phong trào để qua chia sẻ tài liệu, tin tức, hình ảnh sinh hoạt và đặc biệt là qua các chia sẻ chứng nhân, chia sẻ kinh nghiệm,...ACE chúng ta được học hỏi lẫn nhau và trợ giúp nhau cùng thăng tiến.

Trong những ngày này, cursillistas Xuân Lộc và các Giáo phận bạn đang ráo riết chuẩn bị cho các Khóa Cursillo và các Khóa Hội thảo năm 2014...Thời gian Mùa Chay cũng là dịp thuận tiện để làm Palanca cho các Khóa học. Anh chị em chúng ta cùng quyết tâm “chỗi dậy và trở về”, tái khám phá những mối tương quan được khởi sự từ Khóa Cursillo 3 Ngày qua việc kiên trì với Hội Nhóm, tích cực chia sẻ trong Ultreya, sống kiềng 3 chân Sùng Đạo, Học Đạo, Hành đạo, sống tình hiệp nhất – yêu thương và tương trợ, cùng giúp nhau tiến lên.

Ngày hôm nay cũng đặc biệt kính nhớ 1 năm lên ngôi Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô, vị Giáo Hoàng của Tình Yêu và Niềm Vui...

Trong dịp này, Tòa Thánh cũng công bố Album gồm hình ảnh và những lời phát biểu nổi tiếng của Ngài...


ACE chúng ta cùng hiệp nguyện tạ ơn Chúa với ngài và xin Chúa Thánh Thần luôn trợ giúp để ĐTC dẫn dắt Giáo Hội ngày một thăng tiến theo Thánh Ý Chúa.

Xin cùng hiệp nguyện!

De Colores! Ultreya!

BPV Phong trào Cursillo Xuân Lộc

Kỷ niệm 1 năm Ngai Thánh Phêrô - ĐTC Phanxicô

GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
Một Năm Trên Ngai Thánh Phêrô
2013 - 13/03 – 2014
 
 
 
Cách đây hơn một năm, chính xác là vào ngày 11 tháng 02 năm 2013, Giáo Hội hoàn vũ đã vô cùng sửng sốt, nếu không muốn nói là choáng váng khi được tin ĐGH Biển Đức XVI đã tuyên bố thoái nhiệm kể từ ngày 28/02/2013. Là người Công Giáo và nhất là người cursillista, vốn gắn liền với đời sống Giáo Hội, ai là người không khỏi hoang mang, lo sợ? Đây là một chuyện chúng ta và nhiều thế hệ trước chúng ta chưa hề thấy qua, vì lần thoái nhiệm trước đây đã xảy ra vào năm 1415 với Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XII. Chuyện gì đã xảy ra? Ngoài lý do sức khỏe mà ĐGH Biển Đức XVI đã nêu. Dư luận, truyền thông trong và ngoài Giáo Hội đua nhau đưa ra những lý do mang tính thế gian, có đôi chút chính trị. Nhưng, phải thấy rõ là ơn phúc của Chúa Thánh Thần trong Năm Đức Tin đã đổ tràn trên toàn Giáo Hội khắp nơi trên thế giới. Ơn phúc này đã giữ cho mọi người Kitô hữu, mọi giáo xứ, giáo phận đều vững vàng đức tin, vững vàng trông cậy, tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa trên Giáo Hội của Ngài.

Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

Bài giảng ĐTC Phanxicô - CN I Mùa Chay A


Chiến thắng cuối cùng là chiến thắng của tình yêu


Kinh Truyền Tin ngày 09 tháng 3 năm 2014 – ĐGH giảng bài Tin Mừng (toàn văn)

Rôma – 09/3/2014 (Zenit.org) Anita Bourdin


"Chiến thắng cuối cùng là chiến thắng của tình yêu" Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích hồi trưa ngày Chúa Nhật 09/3/2014, từ cửa sổ văn phòng dinh Giáo Hoàng mở ra quảng trường Thánh Phêrô, trước hàng chục ngàn khách hành hương, dưới bầu trời nắng đẹp.
Đức Giáo Hoàng đã bình giảng bài Phúc Âm ngày Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay này, nhấn mạnh rằng chiến thắng này trải qua hy sinh và kiên nhẫn.
Sau đây là bản dịch toàn văn bài huấn đức của Đức Giáo Hoàng trước Kinh Truyền Tin.

Bài huấn đức của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Thân chào quý anh chị em!
Phúc Âm ngày Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, mỗi năm, trình bày đoạn nói về những cuộc cám dỗ của Chúa Giêsu, khi Thần Khí, ngự xuống trên Ngài sau khi Ngài chịu Phép Rửa trên sông Gio-đan, thúc giục Ngài đương đầu công khai với Satan, trên sa mạc, trong 40 ngày, trước khi khởi đầu sứ mạng công khai của Ngài.
Kẻ cám dỗ tìm cách lái Chúa Giêsu ra khỏi dự định của Chúa Cha, nghĩa là ra khỏi con đường hy sinh, con đường tình yêu dâng hiến chính mình để cứu chuộc, để khiến Ngài đi vào con đường dễ dãi, con đường thành công và quyền lực? Cuộc song đấu giữa Chúa Giêsu và Satan diễn ra bằng những câu viện dẫn Thánh Kinh.
Quả vậy, để lái Chúa Giêsu ra khỏi con đường Thánh Giá, con quỷ đưa ra cho Ngài những hy vọng cứu thế giả hiệu: sự thoải mái về kinh tế, được thể hiện bằng khả năng biến sỏi đá thành bánh mì; cách thức ly kỳ và mang tính "phép lạ", vớí ý tưởng gieo mình từ đỉnh cao nhất Đền Thờ ở Giêrusalem, và để mình được các thiên thần cứu đỡ; và sau cùng là lối đi tắt của quyền lực và sự thống trị, đổi lại bằng một cử chỉ thờ lậy Satan. Đó là ba nhóm cám dỗ: cả chúng ta nữa, chúng ta cũng biết rõ chúng!
Chúa Giêsu đã cương quyết đẩy lùi tất cả những cám dỗ này và Ngài tái khẳng định ý chí đi theo con đường đã được Chúa Cha vạch ra, không có sự thỏa hiệp nào với tội lỗi với lôgic của thế gian. Anh chị em hãy ghi nhận cách Chúa Giêsu trả lời. Ngài không đối thoại với Satan, như bà Eva đã làm trong vườn Địa Đàng. Chúa Giêsu biết rõ là với Satan không thể đối thoại được, bởi vì nó quá là hiểm độc. Vì vậy, thay vì đối thoại, như bà Eva đã làm, Ngài chọn lựa ẩn náu trong Lời Thiên Chúa, Ngài mạnh mẽ trả lời bằng Lời đó. Chúng ta hãy nhớ điều này: vào lúc bị cám dỗ, lúc chúng ta bị cám dỗ, không cãi lý với Satan, mà luôn tự vệ bằng Lời Thiên Chúa! Và điều này sẽ cứu chúng ta.

Thư Mùa Chay của UBGDCG - HĐGMVN

Thư gửi các sinh viên, học sinh Công giáo
nhân dịp Mùa Chay 2014

 
Các con rất thân mến,
Cùng với toàn thể Hội Thánh, hôm nay chúng ta bắt đầu hành trình Mùa Chay. Đây là thời gian hy sinh, làm việc bác ái và cầu nguyện xin Chúa thứ tha tội lỗi và nỗ lực cải thiện đời sống để cử hành Đại Lễ Chúa Phục Sinh với lòng hân hoan và vui mừng. Nhân dịp này, cha muốn chuyển đến các con điểm cốt yếu của Sứ điệp Mùa Chay Đức Thánh Cha Phanxicô gửi toàn thể Hội Thánh, cùng với đôi tâm tư riêng Cha muốn gửi đến các con.
Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta mở lòng, mở trí quan tâm đến những sự lầm than cơ cực của vô số người, vốn là anh chị em của chúng ta trong Thiên Chúa Tình yêu. Không những chúng ta cần phải quan tâm, mà còn phải hành động để làm cho nỗi cơ cực của họ được vơi nhẹ.
Đức Thánh Cha Phanxicô phân biệt ba loại lầm than: lầm than vật chất, lầm than luân lý và lầm than thiêng liêng. Lầm than vật chất thường được gọi là sự nghèo đói, không đủ điều kiện sống xứng đáng với nhân phẩm, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu những quyền lợi căn bản của một con người, thiếu công ăn việc làm, thiếu phương tiện nền tảng để thăng tiến. Lầm than luân lý là trường hợp của những người trở thành nô lệ cho các tật xấu và tội lỗi. Biết bao nhiêu bạn trẻ đã trở thành nô lệ cho rượu chè, hút chích, mại và mãi dâm hoặc sống không lý tưởng, cuộc đời vất vưởng, trống rỗng và vô phương hướng. Trong nhiều trường hợp, lầm than luân lý là một hành trình đi vào tăm tối và là bắt đầu một cuộc tự tử kéo dài. Lầm than thiêng liêng là trải nghiệm của những người xa lánh, chối bỏ Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Lầm than này là nguồn gốc của các thứ lầm than khác.

Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

Cách sống đạo của người Hàn

Mẫu gương sống đạo:
Vô địch trượt băng quốc tế Kim Yuna
làm dấu Thánh Giá mỗi khi tranh tài.

Cô làm dấu Thánh Giá không phải vì thói quen hoặc để cầu may, cô đã đoạt nhiều giải vô địch trước khi gia nhập đạo Công Giáo và trước khi biết đến dấu Thánh Giá là gì.
Kim Yuna, 24 tuổi, đã từng là một cái tên ưa chuộng trong mọi gia đình Hàn Quốc vào năm 2007 khi cô bị gẫy xuơng đầu gối sau một tai nạn tranh tài. Vị bác sĩ điều trị cho cô là một người Công Giáo và chính ông này đã giới thiệu cô với các Sơ đang phục vụ tại đó.
Cô đã trở lại đạo, cô lấy tên Thánh bằng chữ Latin là "Stella Maris" có nghĩa là Đức Mẹ Sao Biển.
Sau khi theo đạo, cô luôn luôn đeo ảnh Đức Mẹ Ban Ơn trên trang phục, đeo vòng nhẫn Tràng Hạt Mân Côi trên ngón tay (mà nhiều người hâm mộ đã lầm tưởng đó là chiếc nhẫn đính hôn,) và cô luôn làm dấu Thánh Giá trước và sau mọi cuộc biểu diễn.
Những dấu hiệu tôn giáo như vậy thường tạo ra ác cảm và không đem lại lợi lộc gì trong nền văn hoá thế tục hiện nay. Trong cuộc thi Olympic đang diễn ra ở Sochi, người ta đã ra luật không cho phép đeo bất kỳ thứ gì có tính cách quảng bá. Nhiều người nghĩ rằng qui luật mới này nhắm vào chính cô.

Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

Bài giảng ĐTC Phanxicô - Thứ Tư Lễ Tro (2.3.2014)


"Bao lâu chúng ta tích luỹ cho riêng mình


thì sẽ không có công bằng"


Kinh Truyền Tin ngày 02 tháng 3 năm 2014 (toàn văn)


Rôma – 02/03/2014 (Zenit.org)


"Bao lâu mỗi người còn tìm cách tích lũy của cải cho riêng mình, sẽ không bao giờ có công bằng. Trái lại, chúng ta trông cậy vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa, chúng ta cùng tìm kiếm Nước Ngài, lúc đó không ai sẽ thiếu thốn những điều cần thiết để sống xứng đáng", Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định.

Mặc dù trời mưa, quảng trường Thánh Phêrô đen nghịt khách hành hương đến tận dãy cột lớn, sáng Chúa Nhật này 02/03/2014, để đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha Phanxicô.

"Không ai có thể làm tôi hai chủ: Thiên Chúa và tiền bạc", ngài nhắc nhở khi bắt đầu đọc kinh kính Đức Mẹ, vì "một trái tim bị chiếm hữu bởi sự khao khát sở hữu là một trái tim đã chứa đầy khát vọng sở hữu, nhưng trống rỗng Thiên Chúa".

Một lần nữa ngài kêu gọi hãy cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine, Đức Giáo Hoàng cũng đã nhắc đến Mùa Chay, sẽ bắt đầu vào ngày 05/03/2014, và mời gọi hãy "có lòng liên đới huynh đệ với những người đang bị thử thách trong sự nghèo khó và trong chiến tranh tàn khốc".

Lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước Kinh Truyền Tin (bằng tiếng Ý)

Thân chào quý anh chị em!

Trọng trung tâm của phụng vụ Chúa Nhật này, chúng ta tìm thấy một trong những chân lý mang tính trấn an nhất: Quan Phòng của Thiên Chúa. Tiên tri I-sa-ia trình bày Quan Phòng với hình ảnh của tình yêu mẫu tử đầy êm ái, và ngài nói thế này: "Có một người phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ" (Is 49, 15). Thật là đẹp biết bao! Thiên Chúa không quên chúng ta, Ngài không quên bất cứ ai trong chúng ta! Ngài không quên bất cứ ai trong chúng ta, cả tên họ mỗi người. Ngài yêu thương và không quên chúng ta. Viễn cảnh đẹp biết bao… lời mời gọi trông cậy vào Thiên Chúa đã có một đoạn song song trong bài trích Tin Mừng theo Thánh Mátthêu: "Hãy xem chim trời -Chúa Giêsu phán- : chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho, thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng… Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào: chúng không làm lụng, không kéo sợi. Thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy" (Mt 6, 26. 28-29).