Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

Kỷ niệm 1 năm Ngai Thánh Phêrô - ĐTC Phanxicô

GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
Một Năm Trên Ngai Thánh Phêrô
2013 - 13/03 – 2014
 
 
 
Cách đây hơn một năm, chính xác là vào ngày 11 tháng 02 năm 2013, Giáo Hội hoàn vũ đã vô cùng sửng sốt, nếu không muốn nói là choáng váng khi được tin ĐGH Biển Đức XVI đã tuyên bố thoái nhiệm kể từ ngày 28/02/2013. Là người Công Giáo và nhất là người cursillista, vốn gắn liền với đời sống Giáo Hội, ai là người không khỏi hoang mang, lo sợ? Đây là một chuyện chúng ta và nhiều thế hệ trước chúng ta chưa hề thấy qua, vì lần thoái nhiệm trước đây đã xảy ra vào năm 1415 với Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XII. Chuyện gì đã xảy ra? Ngoài lý do sức khỏe mà ĐGH Biển Đức XVI đã nêu. Dư luận, truyền thông trong và ngoài Giáo Hội đua nhau đưa ra những lý do mang tính thế gian, có đôi chút chính trị. Nhưng, phải thấy rõ là ơn phúc của Chúa Thánh Thần trong Năm Đức Tin đã đổ tràn trên toàn Giáo Hội khắp nơi trên thế giới. Ơn phúc này đã giữ cho mọi người Kitô hữu, mọi giáo xứ, giáo phận đều vững vàng đức tin, vững vàng trông cậy, tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa trên Giáo Hội của Ngài.

Một vị Giáo Hoàng từ chân trời góc biển
Như một cỗ máy đồng hồ "Thụy Sĩ" nổi tiếng chính xác, từ việc thoái nhiệm của ĐGH Biển Đức XVI đến việc tổ chức Mật Nghị đã diễn ra rất lớp lang, tuần tự. Rõ ràng bàn tay con người không thể nào tạo ra được sự nhịp nhàng như thế. Sau hơn 24 giờ Mật Nghị bầu chọn trong 5 lần bỏ phiếu, làn khói trắng đã tỏa ra từ ống khói Thánh Đường Sixtine vào đúng 19 giờ 06 phút, ngày 13 tháng 3 năm 2013, với tiếng chuông vang dội phát ra từ 6 quả chuông lớn của thánh đường, báo hiệu đã bầu được Tân Giáo Hoàng.
 
Dân chúng Rôma và khách hành hương từ khắp nơi trong thành phố đã nghe tiếng chuông và đã lũ lượt đổ về Vatican trên quảng trường Thánh Phêrô để chờ Đức Tân Giáo Hoàng xuất hiện. Đại sảnh sau bao lơn mở ra quảng trường bật sáng, rồi Đức Hồng Y niên trưởng người Pháp, Jean-Louis Tauran đã xuất hiện và đọc lời thông báo truyền thống "Habemus papam Franciscum" (chúng ta có Đức Giáo Hoàng Phanxicô). Ngài là vị Giáo Hoàng thứ 266 kể từ Thánh Phêrô cho đến ngày hôm nay. Tiếng vỗ tay vang dội, hàng vạn con mắt nhìn lên bao lơn Tòa Thánh. Và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã xuất hiện. Không như tưởng tượng của mọi người là ngài phải mặc phẩm phục lộng lẫy, mũ cao, áo rộng… Người ta đã thấy một nụ cười, tuy rất xa, nhưng ai cũng thấy nụ cười đó, nở trên môi một người mặc bộ phẩm phục thường ngày của Đức Giáo Hoàng, áo chùng mầu trắng, đội mũ chóp trắng, đeo dây thánh giá trước ngực bằng bạc của ngài lúc còn là Tổng Giám Mục Buenos Aires ở Argentina.
Với giọng nói ấm áp, ngài đã mở lời "Thân chào buổi chiều quý anh chị em". Ngài đã nói rằng "Các Đức Hồng Y của anh chị em đã đi tìm một người từ rất xa nơi tận cùng thế giới. Nhưng bây giờ chúng ta đang ở đây rồi…". Ngài đã mời gọi mọi người cùng cầu nguyện cho Đức Cựu Giáo Hoàng Biển Đức XVI và đã xướng Kinh Lậy Cha, Kinh Kính Mừng và Kinh Sáng Danh. Ngài còn nói: "Trước khi tôi ban phép lành cho anh chị em và cho toàn thế giới, tôi xin tất cả anh chị em hãy thầm khẩn cầu Thiên Chúa ban phép lành cho tôi. Rồi ngài cúi xuống mình cùng với giáo đoàn thầm cầu nguyện, như thể đang được giáo đoàn ban phép lành cho ngài. Sau đó ngài ban phép lành Tòa Thánh Urbi et Orbi. Lúc này ngài mới tiếp Dây Các Phép của Đức Giáo Hoàng to và nặng để đeo vào. Sau khi ban phép lành, ngài đã cởi dây ra khiến người phụ lễ lúng túng đón nhận lại. Trước khi rời cộng đoàn, ngài đã xin cộng đoàn cầu nguyện cho ngài. Ngài cũng mời tất cả cùng ngài làm cuộc hành trình của Giáo Hội, cuộc hành trình của tình yêu và tình huynh đệ.
Vị Giáo Hoàng góc biển chân trời về Rôma ngự trên Ngai Thánh Phêrô, không ai khác hơn là Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, người Argentina, lúc này 76 tuổi. Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến từ Châu Mỹ Latinh, là vị Giáo Hoàng đầu tiên thuộc Dòng Chúa Giêsu (Dòng Tên) và là vị Giáo Hoàng đầu tên lấy Tông hiệu là Phanxicô.
Hiệu Ứng Phanxicô
Sự kiện Đức Hồng Y Bergoglio được bầu lên ngôi Giáo Hoàng, lúc đầu đã gây một sự ngạc nhiên, nhất là ở các châu lục ngoài Nam Mỹ, vì rất ít người biết đến ngài. Cũng vì vậy mà vào thời điểm đó đã có những dư luận suy diễn không căn cứ, gây hoang mang. Nhưng chỉ sau đó ít lâu, chính xác là trong Mùa Phục Sinh 2013, sự ngưỡng mộ ngài ngày càng gia tăng, không những trong các cộng đoàn Kitô hữu mà còn cả những môi trường bên ngoài, kể cả những kẻ từ trước đến nay vẫn chống phá Giáo Hội và Giáo Hoàng.
Biến cố vĩ đại nhất là Những Ngày Giới Trẻ Thế Giới (JMJ) lần thứ 28 ở Rio de Janeiro (Brasil) từ 23 đến 28/7/2013. Đức Giáo Hoàng đã tới đây từ ngày hôm trước, tức ngày 22/7. Có thể nói biến cố này cũng gây ngạc nhiên cho tất cả thế giới, vì trong Thánh Lễ bế mạc do Đức Giáo Hoàng Phanxicô chủ sự đã có trên 2 triệu người trẻ đến từ đủ mọi quốc gia, thuộc đủ mọi thành phần tham dự. Một vị Giáo Hoàng trước đây 4 tháng ít ai biết đến đã có sức thu hút được hơn hai triệu người trẻ chấp nhận tốn kém, hy sinh thú vui, để tới nghe ngài nói về canh tân thế giới… Cái gì đã khiến có một sự thu hút như vậy? Ngoài lý do mà người Công Giáo và nhất là người cursillista xác tín là tác động của Thần Khí Thiên Chúa trên tâm hồn giới trẻ, còn có tác động trên chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô khiến ngài chuyển tải được ân sủng của Thiên Chúa cho mọi người, làm cho họ tin tưởng vào lời nói và hành động cụ thể của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Uy tín của Đức Phanxicô ngày càng gia tăng: các bài giáo lý ngày thứ tư hàng tuần, các bài huấn đức trước Kinh Truyền Tin buổi trưa mỗi Chúa Nhật, ngày càng thu hút đông đảo khách hành hương tới tham dự. Con số hiện nay là khoảng 20.000 người mỗi ngày như thế hàng tuần.
Biến cố tiếp theo cũng rất đặc biệt, nói lên uy tín của Đức Giáo Hoàng trên thế giới. Đó là sự kiện tờ tuần báo Times đã bầu chọn Đức Thánh Cha Phanxicô là nhân vật của năm 2013 và đã đăng hình ngài trên trang bìa của tờ báo. Điều đáng chú ý là sự kiện này xảy ra chỉ 8 tháng sau khi ngài được bầu lên ngôi Giáo Hoàng.
Để biểu lộ và phổ biến những điều ngài muốn truyền đạt tới mọi nơi chốn, Đức Giáo Hoàng đã chấp thuận để có các tờ báo lớn của Ý phỏng vấn 3 lần.
Sự mến mộ của quần chúng đối với ngài, đôi khi có những lúc khiến ngài không hài lòng. Thí dụ như có người vẽ hình ngài như một siêu nhân (superman) hay có người đã khai thác sự tôn sùng Đức Giáo Hoàng (papamania) bằng cách phát hành một tờ tạp chí hàng tuần (68 trang) mang tên Đức Giáo Hoàng của tôi (il mio papa) xuất bản mỗi kỳ 300 triệu số, được bán ở quầy với giá 50 xu Euro. Tuy nói về Đức Giáo Hoàng, nhưng đây không phải là một tờ báo Công Giáo.
 
Đức Giáo Hoàng của nghèo khó
Ngay từ ngày đầu lên ngôi Giáo Hoàng, ngài đã khiến các đấng trong bộ phận nghi lễ và phụng vụ đều ngạc nhiên bởi tính khiêm nhường và khó khăn của ngài. Ngài không bận phẩm phục lộng lẫy, giữ cây thánh giá đeo ngực bằng bạc cũ, không mang thánh giá bằng vàng, ngọc dành cho các Đức Giáo Hoàng. Ngai, bệ cũng bỏ bớt trướng giăng, màn che. Ngài từ chối vào ở trong dinh Giáo Hoàng mà vẫn ở phòng trọ trong Nhà Thánh Martha; ngài chỉ tới cửa sổ văn phòng trong dinh Giáo Hoàng mỗi tuần vào trưa thứ Tư trong buổi triều kiến chung để đọc bài giáo lý. Di chuyển trong thành quốc Vatican, ngài sử dụng xe công vụ chứ không dùng xe riêng của Giáo Hoàng. Mỗi Chúa Nhật, ngài đi vòng quảng trường Thánh Phêrô trên chiếc xe mui trần để gần gũi với khách hành hương…
Với cách sống như thế, ngài làm gương cho các linh mục, giám mục và yêu cầu họ phải sống xứng đáng với sứ vụ của mình. Trong bài huấn dụ dọc trước 120 vị tân giám mục tới triều kiến ngài, ngài nói "Tôi xin quý huynh hãy ở với giáo dân của mình. Hãy ở với họ, hãy ở… Quý huynh hãy tránh trở thành "các giám mục phi trường". Theo nhà thần học, Đức Cha Fernandez, Đức Giáo Hoàng Phanxicô không ưa "các ông hoàng linh mục hay những vị giám mục phi trường, cũng như các chức sắc Giáo Hội thích thú với những kỳ nghỉ hè quá tốn kém, các bữa tiệc trong những nhà hàng sang trọng nhất, hay khoe khoang vàng bạc trên quần áo, những vụ tới lui thường xuyên với những người quyền thế". Đức Thánh Cha còn nhắc nhở các vị chủ chăn hãy gần gũi với đoàn chiên của mình và hãy mang trên mình "hơi hám" chiên cừu của mình.
Đức Giáo Hoàng cách mạng
Có thể chữ cách mạng chưa đúng nghĩa bằng chữ canh tân, cải tổ. Ngài xác định nhiệm vụ của ngài trong triều đại này là canh tân, cải tổ, và đó là nhiệm vụ Công Nghị và Mật Nghị đã giao cho ngài trước khi bầu ngài vào vị thế kế vị Thánh Phêrô. Chắc chắn, sự nghiệp cải tổ của ngài còn dài, nhưng cho đến nay, sau một năm được bầu, đài Radio Vatican ghi nhận Đức Thánh Cha đã đưa ra 7 biện pháp như sau:
-          Ngày 13 tháng 4 năm 2013: thành lập một Ủy Ban Tám vị Hồng Y với nhiệm vụ giúp đỡ ĐGH trong việc cai quản Giáo Hội và việc cải tổ Giáo Triều. Nhóm nyà được biết đến như nhóm "G8".
-          Ngày 27 tháng 6 năm 2013: bằng một tài liệu do chính tay ngài ký, gọi là "văn bản viết tay", ĐGH dựng lên một Ủy Ban có nhiệm vụ giám sát các hoạt động của Viện các Công Trình tôn giáo (IOR) tức là Ngân Hàng của Vatican.
-          Ngày 18 tháng 7 năm 2013: khởi sự một cuộc thẩm vấn tài chánh của Tòa Thánh và của Thành Quốc Vatican. Một Ủy Ban mới có nhiệm vụ nghiên cứu sự tổ chức và cấu trúc kinh tế-quản trị của Tòa Thánh được dựng lên. Ủy ban được hưởng quyền độc lập hoàn toàn và, theo trách nhiệm của mình, sẽ chỉ nộp các bản báo cáo kết luận cho một mình Đức Giáo Hoàng mà thôi.
-          Ngày 30 tháng 9 năm 2013: bằng một văn thư viết tay, nhóm G8 trở thành một "Hội Đồng" thường trực; phiên họp thứ nhất của Hội Đồng đã diễn ra từ ngày 1 đến ngày 3/10.
-          Ngày 18 thắng 12 năm 2013: sau một cuộc gọi đấu thầu, văn phòng thẩm vấn McKinsey đã tiếp nhận nhiệm vụ cung cấp công tác tư vấn để làm cho sự tổ chức của các phương tiện truyền thông của Tòa Thánh trở nên hữu hiệu và tân tiến hơn. Song song, công ty KPMG, một văn phòng tư vấn lớn khác, được giao nhiệm vụ nâng trình độ của tất cả các ban bộ đặt tại Thánh Quốc Vatican lên ngang tầm tiêu chuẩn quốc tế.
-          Ngày 15 tháng 1 năm 2014: tái cử ủy ban Hồng Y cảnh giác của IOR. Tất cả 5 thành viên của ủy ban này đều được thay thế và được chỉ định trong vòng 5 năm, ngoại trừ Đức Hồng Y người Pháp, Jean-Louis Tauran giữ nguyên chức vụ.
-          Ngày 25 tháng 2 năm 2014: Bằng một Tự Sắc, thiết lập một cơ cấu kinh tế -tương tự bộ tài chánh-, để điều hợp quản lý kinh tế và hành chánh của Tòa Thánh và Thành Quốc Vatican. Thành lập một hội đồng 15 thành viên với nhiệm vụ soạn thảo những chỉ thị cho Bộ mới này, cũng như một chức vụ "tổng kiểm soát viên" sẽ được trao các quyền hạn cho phép tiến hành "những cuộc kiểm soát trong bất cứ cơ quan hay cơ chế nào của Tòa Thánh và Thành Quốc Vatican".
 
Những giáo huấn phong phú của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
-          Nếu gom nhặt tất cả những bài huấn đức, diễn từ, diễn văn, và các văn thư chính thức của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong một năm này thì người ta không khỏi ngạc nhiên về số trang giấy ngài đã viết. Con số đó lên đến hàng chục ngàn trang chứa đựng những giáo huấn vô cùng quý giá về đủ mọi lãnh vực: từ tín lý, Thánh Kinh, đến các vấn đề xã hội không những trong nội bộ Kitô giáo mà còn trên toàn thế giới.
-          Trong cuôc phỏng vấn mới đây nhất Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho nhật báo Ý, Corriere della Sera, ngày 05/3/2014 vừa qua, ngài đã trả lời tất cả những câu hỏi ông giám đốc tờ báo đồng thời cũng là một ký giả tên tuổi, Ferruccio de Bortoli, không thoái thác câu hỏi nào.
-          Được hỏi về "những giá trị không thể thương thảo được" của tín lý Giáo Hội, ngài đã khẳng định rằng: "Tôi không hiểu cụm từ 'những giá trị không thương thảo được'. Giá trị là giá trị, chỉ có thế… Những điều tôi phải nói về sự sống, tôi đã viết trong Tông Huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Phúc Âm)".
 
-          Đây là tông huấn đầu tiên do Đức Thánh Cha Phanxicô đích thân soạn thảo theo đường hướng của Thượng Hội Đồng các giám mục tháng 10/2012. Văn kiện này gồm 222 trang chia ra làm 5 chương. Trong tông huấn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề nghị "vài nét" để "khuyến khích và định hướng trong toàn Giáo Hội, cho một giai đoạn Phúc Âm hóa mới, đầy lòng sốt sắng và động lực", đặc biệt xung quanh những đề tài sau đây, vốn "giúp để vạch ra những đường biên của một phong cách truyền giáo nhất định cần phải đảm nhiệm trong sự hoàn thành của tất cả hoạt động".
Tạm kết
Có thể nói là chưa bao giờ, chỉ trong 12 tháng đầu tiên của một triều đại Giáo Hoàng lại có nhiều biến cố như triều đại Đức Giáo Hoàng Phanxicô này. Tóm tắt trong vài ba trang thật là không đủ. Quả đây chỉ là những nét chính. Phong Trào Cursillo là một phong trào của Giáo Hội có nhiệm vụ bênh vực và cống hiến sự hợp tác giúp đỡ cho các đấng thẩm quyền trong Giáo Hội. Lý tưởng của chúng ta là canh tân con người, bắt đầu từ bản thân, rồi đến tha nhân; canh tân môi trường bằng Phúc Âm hóa; canh tân Giáo Hội bằng cách hưởng ứng những giáo huấn xã hội của Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội nhằm đưa Thiên Chúa đến cho tha nhân và đem tha nhân về với Thiên Chúa. Chúng ta làm với sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta.
(Gioan Trần Đức Tường – PTVN Âu Châu)
(Bút hiệu Mạc Khải - Mai Khôi)
Album hình và những câu nói nổi tiếng của ngài:
 
 
 
 
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét