Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Lời gọi mời Mùa Chay của Đức Giáo Hoàn Phanxicô


Đức Giáo Hoàng Phanxicô quỳ gối trước một tòa hòa giải, xưng tội và nhận bí tích hòa giải trước mặt mọi người

Nhận lấy lòng thương xót để có thể thông truyền cho người khác.

Rôma – 28/3/2014 (Zenit.org) Anita Bourdin


 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khiến mọi người ngạc nhiên trong "lễ nghi sám hối" do ngài chủ tọa tại Đền Thánh Phêrô hôm thứ Sáu 28/3 này, từ lúc 17 giờ: Sau phụng vụ Lời Chúa, bài giảng, kinh nguyện xin chuyển cầu và Kinh Lậy Cha, Đức Giáo Hoàng đã đi tới một tòa hòa giải để nghe giáo dân xưng tội. Nhưng thay vì dừng lại ở tòa hòa giải mà vị Chủ Lễ, Đức cha Guido Marini, chỉ cho ngài, Đức Giáo Hoàng đã đi tới tòa hòa giải trước mặt. Ngài đã quỳ gối và đã xưng tội với vị linh mục cũng đang chờ giáo dân. Sau khi ban phép Giải Tội cho Đức Giáo Hoàng, vị linh mục đã hôn tay ngài.
Người ta đã từng thấy các Đức Giáo Hoàng đi xưng tội - ĐGH Gioan Phaolô II ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, ĐGH Biển Đức XVI cũng vậy, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đặc biệt trong JMJ hay ở giáo xứ. Nhưng người ta chưa từng thấy công khai, dưới ống kính trực tiếp truyền hình, một Đức Giáo Hoàng tự đi đến nhận bí tích. Có Đức Hồng Y, và giám mục đã theo gương ngài đi xưng tội cùng với giáo dân và đã nhận được bí tích một cách cá nhân sau cuộc chuẩn bị cộng đoàn này. Sách Phụng Vụ kết thúc bằng 4 trang giáo huấn để giúp xét mình chính xác.

24 giờ để đi vào niềm vui

Đức Giáo Hoàng đã thực hành ngay lập tức những điều ngài mới nói trong bài giảng về "24 giờ cho Chúa" sẽ kéo dài đến chiều thứ bẩy, 29/3: "Anh chị em thân mến, sau lễ này, nhiều người trong anh chị em sẽ thủ vai trò thừa sai để đề nghị với những người khác trải nghiệm sự hòa giải với Thiên Chúa. "24 giờ cho Chúa" là một sáng kiến đã có nhiều giáo phận tham gia, khắp nơi trên thế giới. Với những người anh chị em sẽ gặp, anh chị em hãy thông truyền niềm vui nhận được sự tha thứ của Cha và tìm lại được tình bằng hữu vẹn toàn với Ngài. Ai đã trải nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa, đều được thôi thúc trở thành người thợ của lòng thương xót nơi những người thấp bé nhất và những người nghèo khó nhất. Trong những "người anh em nhỏ bé nhất của chúng ta", Chúa Giêsu chờ đợi chúng ta; chúng ta hãy đến gặp Ngài! Và chúng ta sẽ cử hành Lễ Phục Sinh trong niềm vui của Thiên Chúa!"
"Hai mươi bốn giờ cho Chúa", là thời gian sám hối đặc biệt, được tổ chức bởi Hội Đồng Giáo Hoàng về Tái Truyền Giảng Phúc Âm, liên kết với nhiều giáo phận trên thế giới, trước Chuá Nhật thứ IV Mùa Chay, Chúa Nhật "laetare" của sự vui mừng.

Nói thật, không trộm cắp, không giận dữ…
Trong bài giảng, Đức Giáo Hoàng đã gợi "hai yếu tố quan trọng trong đời sống Kitô giáo": "Yếu tố thứ nhất: Mặc lấy con người mới. Con người mới, "được Thiên Chúa dựng nên", sinh ra trong Phép Rửa là lúc nhận được sự sống của chính Thiên Chúa, làm cho chúng ta trở thành con cái của Ngài và sát nhập chúng ta vào Đức Kitô và Giáo Hội của Ngài. Sự sống mới này khiến chúng ta nhìn thực tế với con mắt khác, không bị chia trí bởi những chuyện không đáng và không lâu bền. Vì thế, chúng ta được kêu gọi phải từ bỏ các thái độ tội lỗi của chúng ta và hướng tầm nhìn của chúng ta thẳng vào điều cốt yếu".
"Đó là sự khác biệt giữa một cuộc sống bị tội lỗi làm méo mó và một cuộc sống được thắp sáng bởi ơn phúc", Đức Giáo Hoàng giải thích như cho một cuôc xét mình, và đề nghị hình ảnh này: "Từ trái tim của con người mới theo Thiên Chúa, xuất phát những thái độ tốt đẹp: luôn nói thật và tránh mọi hình thức nói dối; không trôm cắp mà, trái lại, chia sẻ những gì mình có cho người khác, đặc biệt với những ai đang trong cơn túng quẫn; không giận dữ, oán hận hay trả thù, mà phải nhân từ, cao thượng và sẵn sàng tha thứ; không nói xấu làm hại tiếng thơm người khác, mà nhất là phải nhìn vào khía cạnh tích cực của người ta".

Cha chúng ta không hề nản lòng yêu thương
Yếu tố thứ nhì, Đức Giáo Hoàng nói thêm, là hãy "Ở trong tình yêu": "Tình yêu của Chúa Giêsu Kitô trường cửu mãi mãi, tình yêu đó bất tận bởi vì chính là sự sống của Thiên Chúa. Tình yêu này chiến thắng tội lỗi và ban cho sức mạnh để đứng dậy và bắt đầu lại, bởi vì nhờ sự tha thứ, con tim được đổi mới và trẻ trung lại.
"Cha chúng ta, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, không hề nản lòng yêu thương và mắt Ngài không hề mòn mỏi khi nhìn ra con đường trước nhà, để xem xem con Ngài đã ra đi và đã lạc lối, có về hay không. Và người Cha kia cũng không hề nản lòng yêu mến đứa con khác, vẫn ở trong nhà với mình, nhưng lại không chia sẻ lòng thương xót và trắc ẩn của mình".

Và đó cũng là ơn gọi của người Kitô hữu: "Thiên Chúa không chỉ là nguồn gốc tình yêu, mà trong Chúa Giêsu Kitô, Ngài kêu gọi chúng ta hãy bắt chước phương cách yêu thương của chính Ngài: "như Thầy đã yêu thương anh em, anh em hãy yêu thương lẫn nhau". Bao lâu người Kitô hữu sống tình yêu này, họ trở những môn đệ đáng tin cậy của Đức Kitô trên thế gian. Tình yêu không chấp nhận bị đóng kín. Tự bản chất, nó cởi mở, nó lan tỏa và nó phong phú, nó luôn sinh sản ra một tình yêu mới".

Bản dịch tiếng Pháp: Hélène Ginabat (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt: Mạc Khải (GHXHCG.com)
(28 mars 2014) © Innovative Media Inc.
Đọc thêm: http://dongten.net/noidung/31460

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét