Giáo Hội
soi sáng cho nhân loại
con đường dẫn tới Thiên Chúa
Bài giáo lý ngày 15 tháng 10 năm 2014 (toàn văn)
Rôma – 15/10/2014 (Zenit.org)
"Giáo Hội có bổn phận giữ cho ngọn đèn
hy vọng sáng tỏ và được thấy rõ" để "chiếu sáng cho toàn thể nhân
loại con đường dẫn đến gặp được Thánh Nhan nhân từ của Thiên Chúa", Đức
Giáo Hoàng Phanxicô giải thích nhân buổi triều kiến chung ngày 15/10/2014.
Đức Giáo Hoàng đã đọc bài giáo lý thứ 10 dành
nói về Giáo Hội: sau các bài "Sáng kiến của Thiên Chúa", "Sự
thống thuộc Giáo Hội của các Kitô hữu", "Giáo Hội là giao ước mới và
dân tộc mới", "Giáo Hội duy nhât, thánh thiện", "Tính từ
mẫu của Giáo Hội", "Giáo Hội dạy dỗ lòng nhân từ", "Giáo
Hội công giáo và tông truyền", "Các Ân Sủng" và "Sự chia rẽ
giữa các Kitô hữu", Đức Giáo Hoàng đã suy niệm về "Niềm hy vọng của
Hội Thánh".
Cũng như "thành Giêrusalem mới",
Giáo Hội được kêu gọi "trở thành một thành phố, biểu tượng tốt nhất của sự
chung sống và các quan hệ con người", quy tụ "tất cả các quốc gia và
các dân tộc" dưới "túp lều của Thiên Chúa", ngài đã tuyên bố
trước hàng chục ngàn người tập trung trên quảng trường thánh Phêrô.
"Niềm hy vọng Kitô giáo không chỉ là một
mong muốn, một ước ao, cũng không phải là lạc quan", Đức Giáo Hoàng đã xác
định: "đối với một Kitô hữu, hy vọng là một chờ đợi sự viên mãn cuối cùng
và chung quyết mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa" và "và của Đấng sẽ
phải đến: Chúa Kitô".
"Giáo Hội, chính là dân của Thiên Chúa,
đi theo Chúa Giêsu và chuẩn bị ngày này qua ngày khác để được gặp Người, như
một một người vợ đến với chồng mình" ngài nói thêm.
A.K.
Bài giáo lý ngày 15/10/2014
Thân chào quý anh chị
em!
Trong thời gian này,
chúng ta đã nói về Giáo Hội, về Mẹ Hội Thánh có tôn ti, dân Thiên Chúa lữ hành.
Hôm nay, chúng ta muốn tự hỏi: cuối cùng, dân Thiên Chúa sẽ ra sao? Mỗi người
chúng ta sẽ ra sao? Chúng ta phải chờ đợi cái gì? Thánh Phaolô tông đồ đã
khuyến khích các tín hữu của cộng đoàn Thê-xa-lô-ni-ca vì họ cũng đã đặt ra
những câu hỏi này, và sau lý luận của ngài, họ đã nói những lời sau đây được kể
là những lời hay nhất trong Tân Ước: "Như thế, chúng ta sẽ được ở cùng
Chúa mãi mãi" (1 Tx 4, 17). Đó là những lời đơn sơ, nhưng đậm đặc hy vọng!
Thật là biểu tượng khi thấy trong sách Khải Huyền, lấy lại thiên hứng của các
ngôn sứ, thánh Gioan đã mô tả cái tầm vóc sau cùng, chung quyết, với những lời
lẽ như sau: "Và tôi thấy Thành Thánh Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên
Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang" (Kh 21,
2). Đó là cái gì chờ đợi chúng ta! Và như thế, đó là Giáo Hội: chính là dân của
Thiên Chúa đi theo Chúa Giêsu và chuẩn bị ngày này qua ngày khác để được gặp
Người, như người vợ đến với chồng mình. Và đây không chỉ là một cách nói: chính
là một đám cưới đích thực! Phải, bởi vì Đức Kitô, khi xuống thế làm người như
chúng ta, đã cho phép chúng ta ở cùng Người, bằng cái chết và sự sống lại của
Người; Người đã thực sự cưới chúng ta và biến chúng ta, như dân chúng, thành
tân nương chủa Người. Và điều này không gì khác hơn là sự thực hiện kế hoạch
hiệp thông và tình yêu mà Thiên Chúa đã thắt dệt trong suốt lịch sử, lịch sử
của dân Thiên Chúa và cũng là lịch sử riêng tư của mỗi người trong chúng ta.
Chính Chúa đã làm điều này.
Tuy nhiên, có một yếu
tố khác làm yên lòng chúng ta hơn nữa và mở lòng chúng ta: thánh Gioan nói rằng
Giáo Hội, bạn thanh sạch của Chúa Kitô, "thành Giẹrusalem mới" đã
xuất hiện. Điều này có nghĩa rằng Giáo Hội không những là người vợ mà Giáo Hội
còn được kêu gọi trở nên một thành phố, biểu tượng tốt nhất của sự chung sống
và các quan hệ con người. Như vậy, thật là đẹp biết bao khi có thể chiêm ngắm,
theo một hình ảnh cũng rất gợi ý của sách Khải Huyền, tất cả các quốc gia và
các dân tộc tập họp nhau trong thành phố này, như dưới một túp lều, "lều
của Thiên Chúa" (x. Kh 21, 3)! Và trong khung cảnh vinh quang này, không
còn cô lập, không còn bóc lột và phân biệt gì nữa – dù là xã hội, chủng tộc hay
tôn giáo – nhưng tất cả chúng ta sẽ là một trong Chúa Kitô.
Trước cảnh tượng mới lạ
và tuyệt vời này, tâm hồn chúng ta không thể không cảm thấy được tôi luyện
trong hy vọng. Anh chị em hãy coi đây, niềm hy vọng Kitô giáo không chỉ là một
mong muốn, một ước ao, cũng không phải là lạc quan: đối với người Kitô hữu, hy
vọng là một sự chờ đợi, một sự chờ đợi nhiệt tình, say mê, sự viên mãn sau cùng
và chung quyết của một mầu nhiệm, mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa, trong đó
chúng ta được sinh ra lần nữa và đã được sinh sống. Và đó là sự chờ đợi Đấng sẽ
phải đến: đó là Chúa Kitô, Người luôn ở gần chúng ta, ngày này qua ngày khác,
và Người đến để đưa chúng ta vào sự viên mãn của hiệp thông và bình an của
Người. Như thế, Giáo Hội có bổn phận giữ cho ngọn đèn hy vọng sáng tỏ và được
thấy rõ, để nó có thể tiếp tục chói lọi như một dấu hiệu chắc chắn của sự cứu
độ và soi sáng cho toàn thể nhân loại con đường dẫn đến gặp được Thánh Nhan
nhân từ của Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến, đó
là cái gì chúng ta mong đợi: đợi Chúa Giêsu đến! Giáo Hội-hiền thê đợi chờ phu
quân! Nhưng chúng ta phải thật lòng tự hỏi; chúng ta có là những chứng nhân
trong sáng và khả tín của sự đợi chờ này, của niềm hy vọng này không? Các cộng
đoàn của chúng ta có còn sống trong dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Giêsu hay
không? và trong sự chờ đợi nồng nhiệt Người ngự đến không? hay là lại có vẻ
chán nản, tê cứng dưới sức nặng của mệt mỏi và của lòng cam chịu? Chúng ta cũng
có bị rủi ro cạn dầu của đức tin chúng ta và của niềm vui? Chúng ta hãy cảnh
giác?
Chúng ta hãy khẩn cầu
Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của hy vọng và Nữ Vương trên trời để Mẹ gìn giữ chúng ta
luôn luôn trong một thái độ lắng nghe và chờ đợi, để cho chúng ta có thể, ngay
từ bây giờ, thấm nhuần tình yêu Chúa Kitô và một ngày kia, có phần trong niềm
vui bất tận, trong sự hiệp thông tràn đầy của Thiên Chúa. Và xin anh chị em
đừng quên, đừng bao giờ quên: "Như thế, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi
mãi" (1 Tx 4, 17).
Bản dịch tiếng Pháp : Constance
Roques (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt : Mạc Khải
(ghxhcg.com)
(15 octobre 2014) ©
Innovative Media Inc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét