Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Giáo lý Đức Thánh Cha Phanxicô về Giáo Hội - (12)

Thực tế hữu hình của Giáo Hội
là tất cả những ai làm lợi cho danh Chúa Giêsu

Bài giáo lý ngày 29 tháng 10 năm 2014 (toàn văn)

Rôma – 30/10/2014 (Zenit.org)

"Thực tế hữu hình" của Giáo Hội, đó không phải chỉ là "Đức Giáo Hoàng, các giám mục, linh mục, các đấng thánh hỉến", mà là "các anh chị em đã chịu phép Rửa và đang sống tin, cậy và mến trên thế gian này", Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh nhân buổi triều kiến chung ngày 29/10/2014: "tất cả những ai đi theo Chúa Giêsu và nhân danh Người đến gần với những người bé mọn nhất và những người đang đau khổ".
Sáng thứ tư này, Đức Giáo Hoàng đã ban bài giáo lý thứ 12 của ngài dành nói về Giáo Hội: sau các bài "Sáng kiến của Thiên Chúa", "Sự thống thuộc Giáo Hội của các Kitô hữu", "Giáo Hội là giao ước mới và dân tộc mới", "Giáo Hội duy nhât, thánh thiện", "Tính từ mẫu của Giáo Hội", "Giáo Hội dạy dỗ lòng nhân từ", "Giáo Hội công giáo và tông truyền", "Các Ân Sủng" và "Sự chia rẽ giữa các Kitô hữu", "Niềm hy vọng của Hội Thánh", "Giáo Hội Nhiệm Thể Chúa Kitô", Đức Giáo Hoàng đã suy niệm về "thực tế hữu hình của Giáo Hội"..
Theo Đức Giáo Hoàng, "thực tế hữu hình của Giáo Hội không đo lường được, không thể hiểu thấu được tất cả sự toàn vẹn của nó: làm sao biết được tất cả những lợi ích Giáo Hội đã làm? Biết bao công trình bác ái, biết bao chung thủy trong các gia đình, biết bao công việc để giáo dục con cái, để truyền lại đức tin, biết bao đau khổ nơi những người đau yếu đang dâng lên Chúa những đau đớn của họ…".
"Không thể đo lường được": "thực tế hữu hình của Giáo Hội vượt khỏi sự kiểm soát của chúng ta, đi xa hơn cả những nỗ lực của chúng ta, đó là một thực tế huyền nhiệm bởi vì nó đến từ Thiên Chúa".

A.K.

Bài giáo lý ngày 29/10/2014

Thân chào quý anh chị em,
Trong các bài giáo lý trước, chúng ta đã có dịp nhấn mạnh trên bản chất thiêng liêng của Giáo Hội: nhiệm thể Chúa Kitô được xây dựng trong Chúa Thánh Linh. Nhưng, khi chúng ta nói đến Giáo Hội, chúng ta thường nghĩ ngay đến các cộng đoàn, các giáo xứ, các giáo phận của chúng ta, các cấu trúc nơi chúng ta có tập quán tụ họp, và đương nhiên là, nghĩ đến cơ chế và những nhân vật đang cầm cương nẩy mực, đang cai quản Giáo Hội. Điều này là thực tế hữu hình của Giáo Hội. Chúng ta hãy tự hỏi: đây có phải là hai chuyện khác nhau hay chỉ là một Giáo Hội duy nhất? Và, nếu luôn chỉ là một Giáo Hội, làm thế nào để hiểu được quan hệ gắn liền hai thực tế hữu hình và thiêng liêng của Giáo Hội lại với nhau?

1. Trước hết, khi chúng ta nói đến "thực tế hữu hình" của Giáo Hội, chúng ta không nên chỉ nghĩ đến Đức Giáo Hoàng, các giám mục, các linh mục, các tu sĩ và tất cả những người đã thánh hiến. Thực tế hữu hình của Giáo Hội được hình thành bởi biết bao anh chị em đã chịu phép Rửa và đang sống tin, cậy và mến trên thế gian này. Nhưng mà, chúng ta đã bao lần nghe nói "Giáo Hội không làm chuyện này, Giáo Hội không làm chuyện kia…"  - "Nhưng bạn hãy nói cho tôi biết, Giáo Hội là những ai?" – "Là các linh mục, giám mục, Đức Giáo Hoàng…" - Giáo Hội là chúng ta tất cả, Giáo Hội của Chúa Giêsu, là tất cả những người đã chịu phép Rửa! Giáo Hội được hình thành bởi tất cả những người đi theo Chúa Giêsu và, nhân danh Người, đến gần với những người bé mọn nhất và những người đang chịu đau khổ, để tìm cách mang đến cho họ một chút nâng đỡ, một chút an ủi và bình an. Giáo Hội là tất cả những ai làm theo lời phán dạy của Chúa. Như vậy, chúng ta hiểu rằng thực tế hữu hình của Giáo Hội là không thể đo lường được, rằng không thể biết được trong tất cả sự toàn vẹn của nó: làm sao biết được tất cả những lợi ích Giáo Hội đã làm? Biết bao các công trình bác ái, biết bao chung thủy trong các gia đình, biết bao công việc để giáo dục con cái, để truyền lại đức tin, biết bao đau khổ nơi những người đau yếu đang dâng lên Chúa những đau đớn của họ… Mà thật là không thể đo lường được, thật là quá lớn! Làm sao biết hết được những điều tuyệt vời mà Chúa Kitô, qua chúng ta, đã tác động được trong tấm lòng và trong cuộc sống của mỗi người? Anh chị em có thấy không, dù là thực tế hữu hình của Giáo Hội cũng vượt ra khỏi sự kiểm soát của chúng ta, đi xa hơn cả những nỗ lực của chúng ta, đó là một thực tế huyền nhiệm vì nó đến từ Thiên Chúa.

2. Để hiểu được mối quan hệ, giữa thực tế hữu hình và thực tế thiêng liêng của Giáo Hội, không có con đường nào khác hơn là nhìn ngắm Chúa Kitô, mà Giáo Hội là thân thể của Người và từ Người mà Giáo Hội đã sinh ra, trong một cử chỉ tình yêu bất tận. Quả vậy, nhờ vào mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta nhận biết nơi Chúa Giêsu Kitô hai bản tính, một bản tính con người và một bản tính Thiên Chúa, hợp nhất một cách tuyệt diệu và bất khả phân trong một người. Giáo Hội cũng tương tự như thế. Và như trong Chúa Kitô, nơi nhân tính được gắn liền đầy đủ trong thiên tính và tình nguyện phục vụ thiên tính trong việc thực hiện công trình cứu chuộc, cũng xẩy ra như thế giữa thực tế hữu hình và thực tế thiêng liêng của Giáo Hội. Như vậy, Giáo Hội cũng là một mầu nhiệm, nơi những gi không thấy được lại là quan trọng hơn những gi thấy được, và chỉ có những con mắt đức tin mới có khả năng nhận biết mà thôi (x. Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 8).

3. Nhưng trong trường hợp Giáo Hội, chúng ta phải tự hỏi: làm thế nào thực tế hữu hình của Giáo Hội phục vụ được thực tế thiêng liêng của mình? Một lần nữa, chúng ta chỉ có thể hiểu được khi chúng ta nhìn ngắm Chúa Kitô, mà Giáo Hội là thân thể Người và Người là gương mẫu của Giáo Hội. Người là gương mẫu cho tất cả các Kitô hữu, gương mẫu của tất cả chúng ta. Khi nhìn ngắm Chúa Kitô, người ta không thể lầm lạc được. Trong Tin Mừng theo thánh Luca, có kể rằng Chúa Giêsu, khi trở về lại Nazareth, là nơi Người sinh trưởng, đã vào một đền thờ và đã đọc một đoạn sách I-sa-i-a, trong đó chép rằng: "Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa" (Lc 4, 18-19). Đó là cách Chúa Kitô đã sử dụng nhân tính của Người - bởi vì người vẫn còn là môt con người - để loan báo và thực hiện kế hoạch Thiên Chúa chuộc tội và cứu độ - bởi vì Người là Thiên Chúa. Đối với Giáo Hội cũng xẩy ra như thế. Bằng thực tế hữu hình của mình, qua tất cả những gì có thể thấy được như các nhiệm tích và sự làm chứng của tất cả các Kitô hữu là chúng ta, Giáo Hội mỗi ngày được kêu gọi phải gần gũi với mọi người - bắt đầu từ người nghèo, đang đau khổ hoặc bị gạt ra ngoài lề xã hội - để cho họ luôn cảm thấy đang có ánh mắt đầy thương xót của Chúa Giêsu đoái nhìn tới mình.

Anh chị em thân mến, Cũng như Giáo Hội, chúng ta thường hay trải nghiệm sự yếu đuối và những giới hạn của chúng ta. Chúng ta đều có những thứ đó. Tất cả chúng ta đều  là những kẻ tội lỗi. Không ai trong chúng tă có thể nói: "tôi không phải là người tội lỗi". Ai trong chúng ta ở đây cảm thấy mình không phải là người tội lỗi, thì dơ tay lên. Tất cả chúng ta đều là những kẻ tội lỗi. Thật là chính đáng khi sự yếu đuối này, các giới hạn này, tất cả tội lỗi chúng ta, đã gây trong chúng ta một sự thống hối sâu đậm, nhất là khi chúng ta làm gương mù, gương xấu và chúng ta thể hiện rằng chúng ta đang gây ra một điều tai tiếng. Đã biết bao lần, chúng ta đã nghe nói trong khu phố rằng: "Người này luôn đi Nhà Thờ, nhưng lại hay nói xấu tất cả mọi người…". Đó không phải là một người Kitô hữu, đó là làm gương xấu: và đó là một tội lỗi: "Và, nếu đó là một người Kitô hữu nam hay nữ thì tôi sẽ trở thành vô thần". Sự làm chứng của chúng ta tức là khiến cho người ta hiểu rỏ, người "Kitô hữu" là như thế nào. Chúng ta hãy cầu xin để đừng là kẻ mang đến dịp tội. Chúng ta hãy cầu xin ơn đức tin, để có thể hiểu được rằng, mặc dù những giới hạn và sự nghèo hèn của chúng ta, làm thế nào Chúa đã khiến chúng ta trở thành những khí cụ ân điển và "chỉ dấu" hữu hình tình yêu của Người đối với mọi người. Phải! Chúng ta có thể trở thành duyên cớ của tội lỗi, nhưng chúng ta cũng có thể trở thành duyên cớ của chứng ngôn, bằng cách nói lên qua cuộc sống của mình những điều Chúa Giêsu muốn nơi chúng ta.

Bản dịch tiếng pháp của Zenit
Bản dịch tiếng Việt : Mạc Khải (ghxhcg.com)
(30 octobre 2014) © Innovative Media Inc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét