Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2016

Giáo lý Năm Thánh LTX (bài tt) - Lòng thương xót ôm trọn cuộc sống hàng ngày


Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô


Lòng thương xót ôm trọn cuộc sống hàng ngày





Buổi triều kiến chung ngày 12/10/2016

"Lòng thương xót không chỉ dành riêng cho những lúc đặc biệt, mà nó ôm trọn toàn bộ cuộc sống hàng ngày của chúng ta", Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố trong Bài giáo lý mới này, hôm thứ Tư về lòng thương xót trong Tân Ước, ngày 12/10/2016 này trên quảng trường Thánh Phêrô.

"Không phải chỉ trải nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa trong cuộc sống chúng ta: ai nhận được còn phải là dấu chỉ và khí cụ của lòng thương xót đó cho người khác", Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh và mời gọi hãy có những "cử chỉ nhỏ" hàng ngày, những "công trình lòng thương xót" hàng ngày.

Sau đây là bản dịch toàn văn Bài giáo lý do Đức Giáo Hoàng ban ra bằng tiếng Ý.

AB

Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Thân chào quý anh chị em!

Trong những Bài giáo lý trước, chúng ta đã dần dần đi vào mầu nhiệm lớn lao lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta đã suy ngẫm về hành động của Chúa Cha trong Cựu Ước và rồi qua những bài Phúc Âm, chúng ta đã thấy Chúa Giêsu, trong lời nói và trong hành động của Người, đã là sự nhập thể của lòng thương xót như thế nào. Đến lượt Người, Người đã dạy các môn đệ: "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ" (Lc 6, 36). Đó là một sự dấn thân chất vấn lương tâm và hành động của mọi người Kitô hữu. Quả vậy, không phải chỉ trải nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa trong cuộc sống chúng ta: ai nhận được còn phải là dấu chỉ và khí cụ của lòng thương xót đó cho người khác. Lòng thương xót, ngoài ra, không chỉ dành riêng cho những lúc đặc biệt, mà nó ôm trọn toàn bộ cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Như thế, làm thế nào chúng ta có thể là những chứng nhân của lòng thương xót? Chúng ta đừng nghĩ là phải làm những nỗ lực to lớn hay những hành động siêu nhân. Không, không phải thế. Chúa chỉ cho chúng ta một con đường đơn giản hơn nhiều, làm bằng những hành động nhỏ, nhưng trước mắt Người lại có một giá trị to lớn, đến độ Người phán bảo chúng ta là chúng ta sẽ bị phán xét về những điều đó. Quả vậy, một trong những trang đẹp nhất của Tin Mừng theo thánh Mátthêu mang lại cho chúng ta giáo huấn mà chúng ta có thể coi như "di chúc của Chúa Giêsu" từ thánh sử gia, là đấng đã trải nghiệm trực tiếp trên bản thân mình tác động của lòng thương xót. Chúa Giêsu phán rằng mỗi lần chúng ta cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ trần truồng áo mặc, đón tiếp một người khách lạ, thăm viếng một người bệnh hoạn hay một người bị tù, chính là chúng ta làm cho Người (x. MT 35, 31-46); Giáo Hội đã gọi những hành động đó là "những công trình thương xót thể xác", bởi vì chúng cứu giúp người ta trong những nhu cầu vật chất.

Nhưng cũng có 7 việc lành thương xót khác gọi là "thương linh hồn" có liên quan đến những đòi hỏi khác cũng quan trọng, nhất là trong ngày hôm nay, bởi vì chúng đụng tới cõi thầm kín của con người và đôi khi gây đau khổ nhiều hơn. Tất cả chúng ta chắc chắn đều nhớ một trong những việc này đã đi vào lối nói của dân gian: "Kiên nhẫn nhường nhịn những người khó chịu làm mất lòng mình". Và có nhiều người như thế! Có nhiều người khó chịu! Điều này có vẻ là chuyện gì không quan trọng, làm chúng ta phì cười; trái lại, có một tình cảm bác ái ở đó; và cũng như thế cho 6 điều kia và cũng nên nhớ là: lấy lời lành mà khuyên người, mở dậy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Đó là những chuyện xẩy ra hàng ngày! "Tôi đang rầu quá… - Thiên Chúa sẽ giúp bạn, tôi không có thì giờ…" Không! Tôi đứng lại, tôi lắng nghe người đó, tôi mất thì giờ và tôi yên ủi người đó, đó là một hành động thương xót và nó được thực hiện không chỉ cho con người đó, mà nó được làm cho chính Chúa Giêsu!

Trong những Bài giáo lý tới, chúng ta sẽ dừng lại ở những công trình mà Giáo Hội trình bầy cho chúng ta như phương tiện cụ thể để sống lòng thương xót. Trong những thế kỷ qua, nhiều người đơn sơ đã thực hiện các công trình đó, và như thế, cống hiến một chứng tá đích thực của đức tin. Ngoài ra, Giáo Hội trung thành với Chúa mình, nuôi dưỡng một tình yêu đặc biệt đối với những người yếu đuối nhất. Thường thường, chính những người ở gần chúng ta nhất lại cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Chúng ta đừng nên đi tìm không biết công trình trên trời dưới đất nào để thực hiện hết. Tốt nhất là bắt đầu bằng những cái đơn giản nhất, mà Chúa chỉ cho chúng ta như những cái cấp bách nhất. Trong một thế giới, khốn thay đang bị hoành hành bởi một con siêu vi của sự vô cảm, những công trình thương xót là phương thuốc giải tốt nhất. Chúng giáo dục chúng ta về sự quan tâm đối với những đòi hỏi cơ bản nhất của "những người anh em nhỏ nhất của chúng ta" (Mt 25, 40), nơi họ Chúa Giêsu hiện diện. Chúa Giêsu luôn hiện diện nơi đó. Đâu có sự túng thiếu, đâu có một người đang túng thiếu, vật chất hay tinh thần, Chúa Giêsu có mặt ở đó.

Nhận biết thánh nhan Người trong khuôn mặt của người đang túng thiếu quả là một thách thức chống lại tính vô cảm. Điều này khiến chúng ta phải luôn cảnh giác, tránh để Đức Kitô đi qua mặt chúng ta mà chúng ta không nhận ra Người. Tôi chợt nhớ tới câu nói của thánh Augustinô: "Timeo Iesum Transeuntem" (Bài giảng 88,14,13), "Tôi sợ Chúa đi qua mất" và tôi không nhận ra Người, Chúa đi qua trước mặt tôi nơi một trong những con người nhỏ bé, nghèo khó và tôi không biết rằng đó chính là Chúa Giêsu. Tôi sợ Chúa đi qua mà tôi không nhận ra Người! Tôi tự hỏi tại sao thánh Augustinô lại nói sợ Chúa Giêsu đi qua. Câu trả lời khốn nỗi nằm trong thái độ của chúng ta: bởi vì chúng ta thường hay lơ đãng, dửng dưng, và khi Chúa đi qua sát cạnh chúng ta, chúng ta mất đi cơ hội được gặp gỡ Người.

Các công trình của lòng thương xót đánh thức trong chúng ta đòi hỏi và khả năng làm cho đức tin sống động và mang tính hành động với lòng bác ái. Tôi xác tín rằng qua những hành động đơn giản hàng ngày này, chúng ta có thể đích thực hoàn thành một cuộc cách mạng văn hóa, như điều này đã xẩy ra trong quá khứ. Nếu mỗi người chúng ta, mỗi ngày, làm được một hành động đó, sẽ là một cuộc cách mạng trên thế giới! Nhưng phải tất cả, mỗi người chúng ta! Biết bao các thánh mà ngày nay còn được nhắc đến, không phải vì những công trình to lớn các ngài đã thực hiện, mà vì lòng bác ái các ngài đã biết truyền đạt! Chúng ta hãy nghĩ đến Mẹ Têrêxa, vừa mới được phong thánh: chúng ta không nhớ mẹ vì tất cả những nhà mà mẹ đã mở ra trên thế giới, mà bởi vì mẹ đã cúi xuống với mỗi người mẹ thấy ngoài đường phố để trả lại cho họ nhân phẩm. Biết bao trẻ em bị bỏ rơi mẹ đã ôm trong lòng! Biết bao người hấp hối mẹ đã nắm tay đồng hành với họ đến tận ngưỡng cửa đời đời! Những công trình của lòng thương xót là những nét của thánh nhan Chúa Giêsu Kitô là Đấng chăm sóc cho những người anh em nhỏ nhất để mang đến cho mỗi người lòng nhân ái và sự gần gũi của Thiên Chúa.

Cầu xin Chúa Thánh Thần phù hộ chúng ta, xin Chúa Thánh Linh thắp sáng trong chúng ta ước muốn được sống với lối sống này: Ít là làm được một hành động mỗi ngày, ít nhất! Chúng ta hãy học thuộc lòng lại những mối thương xác và thương linh hồn và hãy cầu xin Chúa giúp đỡ chúng ta hàng ngày mang ra thực hành, và vào lúc mà chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu trong một con người đang trong lúc túng thiếu.

Mạc Khải dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét