Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia đình (04-25.10.2015)

Diễn Tiến Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình
Nguyễn Đức Tuyên, tổng hợp các tài liệu

Thượng Hội Đồng Giám Mục Thường Lệ Kỳ thứ 14 diễn ra từ ngày 04 đến 25 Tháng 10 với chủ đề: “Ơn gọi và sứ mạng của các gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới đương đại.” Thượng Hội Đồng suy tư thêm trên các điểm đã được thảo luận trong Khoá Họp Ngoại Thường năm 2014 nhằm xây dựng những hướng dẫn mục vụ thích hợp cho những cá nhân và gia đình.
I.         Giai Đoạn Chuẩn Bị
Năm 2014, sau khóa họp ngoại thường, Hội Đồng Tòa Thánh đã gởi một bản câu hỏi (lineamenta) gồm 46 câu, đến các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới để thu thập ý kiến. 
Sau khi đúc kết các ý kiến, một Tài liệu làm việc (Instrumentum Laboris), được công bố ngày 23/6/2015. Tài liệu làm việc của Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 14 về gia đình đã được công bố. Văn kiện này ngoài phần nhập đề và kết luận, được chia làm 3 phần:
·         Trước tiên là lắng nghe những thách đố về gia đình trong Giáo Hội và xã hội ngày nay,
·         Tiếp đến, phần 2 trình bày sự phân định về ơn gọi của gia đình,
·         Sau cùng phần thứ 3 nói về sứ mạng của gia đình ngày nay.
Một số đề nghị trong Tài Liệu làm việc:
·         Các cặp đồng phái không thể coi như tương đương với hôn nhân giữa người nam và người nữ, và không thể chấp nhận những sức ép gây ra cho các Giám Mục về điểm này.
·         Đề cao phẩm giá người già và người tàn tật, đồng thời nói đến công tác mục vụ chuyên biệt cho các gia đình di dân.
·         Đề cao vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội.
·         Bí tích hôn phối là bất khả phân ly. Đặc tính này chính là một hồng ân chứ không phải là cái ách áp đặt trên con người.
·         Giáo Hội phải tháp tùng những giai đoạn khó khăn đau khổ của các đôi vợ chồng, giúp tránh những đối nghịch tai hại, đổ vỡ giữa hai bên, với những hậu quả gây ra cho con cái.
·         Đứng trước sự áp đặt những kiểu mẫu trái ngược với lập trường Kitô giáo về gia đình, cần cống hiến những chương trình huấn luyện thích hợp.
·         Kêu gọi các tín hữu Kitô dấn thân trong chính trị, xã hội và hãy bảo vệ gia đình.
·         Về những cặp nam nữ sống chung mà không kết hôn, cổ võ sự tháp tùng các cặp ấy để họ tiến đến sự sung mãn về bí tích.
·         Sự tha thứ là kinh nghiệm cơ bản trong gia đình; trong trường hợp có sự phản bội trong hôn nhân, thì cần có một sự sửa chữa, để hôn ước đã bị vi phạm có thể được tái lập.
·         Về sự thất bại của hôn nhân, cần có sự phân định khôn ngoan và từ bi.
·         Liên quan đến các vụ án giải hôn phối: thủ tục miễn phí và bỏ qua qui luật phải có hai án lệnh đồng nhất thì mới được tuyên bố hôn nhân vô hiệu.
·         Về những người ly dị tái hôn, cần phải xét lại những hình thức loại trừ hiện nay đối với họ trong lãnh vực phụng vụ và mục vụ, giáo dục và từ thiện, để những tín hữu ấy không ở ngoài Giáo Hội.
·         Về việc cho những người ly dị tái hôn được rước lễ, người ta đồng ý về giả thuyết thực hiện một con đường thống hối, dưới quyền một Giám Mục, dựa trên sự thống hối.
·         Sau cùng, tuy Giáo Hội tiếp tục mạnh mẽ chống lại hôn phối đồng phái, tài liệu cầu mong có những dự án mục vụ đặc biệt cho những người đồng tính luyến ái và gia đình họ”.

II.      Thượng Hội Đồng Nhóm Họp
Trong ngày đầu tiên của Thượng Hội Đồng về gia đình, Tổng Tường Trình Viên, dựa vào Tài Liệu Làm Vệc cũng như các văn kiện mới của huấn quyền, đã trình bầy một văn bản có tên là Phúc Trình Trước Khi Thảo Luận (Relatio ante Disceptationem) để xem xét các thách đố hiện nay của gia đình và hôn nhân, ơn gọi của gia đình, và sứ mệnh gia đình ngày nay. Bản phúc trình có các điểm chính như sau:
A.    Lắng nghe các thách đố của gia đình gồm 2 điểm:
1.      Bối cảnh văn hóa xã hội
2.      Thay đổi nhân học: chạy trốn các định chế
B.     Biện phân ơn gọi của gia đình gồm 9 điểm:
1.      Gia đình và khoa sư phạm của Thiên Chúa
2.      Chúa Giêsu và gia đình: ơn phúc và trách vụ bất khả tiêu
3.      Gia đình, hình ảnh Chúa Ba Ngôi
4.      Gia đình trong Huấn Quyền Giáo Hội
5.      Chiều kích truyền giáo của gia đình
6.      Tính bất khả tiêu của hôn nhân và niềm vui sống với nhau
7.      Dự án của Đấng Tạo Hóa và hôn nhân tự nhiên
8.      Lòng thương xót đối với các gia đình bị thương tích và sứ mệnh của Giáo Hội
9.      Lòng thương xót và chân lý mạc khải
C.    Sứ mệnh gia đình ngày nay gồm 7 điểm:
1.    Gia đình và việc Phúc âm hóa
2.    Gia đình, việc huấn luyện và các định chế công cộng
3.    Gia đình, đồng hành, và tháp nhập vào Giáo Hội
4.    Gia đình, sinh sản, và giáo dục
5.    Trách nhiệm sinh sản
6.    Sự sống con người, một mầu nhiệm khôn thấu
7.    Thách đố giáo dục và vai trò gia đình trong việc phúc âm hóa
Đã lắng nghe Lời Chúa, câu trả lời của chúng ta phải lưu tâm một cách thành thực và đầy tình huynh đệ tới các nhu cầu của những người cùng thời với chúng ta. Để đương đầu với những thách đố của gia đình ngày nay, Giáo Hội phải hoán cải và trở nên sống động hơn, bản vị hơn. Hy vọng sẽ xuất hiện trong một ánh sáng thanh quang và cụ thể khiến chúng ta lớn lên trong can đảm và hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

Các diễn tiến trong tuần đầu tiên
Sáng Chúa Nhật 04 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình với bài giảng kêu gọi bảo vệ hôn nhân truyền thống giữa một người nam và một người nữ và lên án sự suy giảm hôn nhân. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng “Giáo Hội được mời gọi để thực hiện sứ mệnh của mình trong tình bác ái, không chỉ trỏ kết án người khác”.
Đức Thánh Cha cũng nói “Thượng Hội Đồng Giám Mục không phải là một nghị viện, nơi để đạt tới sự đồng thuận hoặc thỏa hiệp chung, người ta thương thuyết, kết ước hoặc nhượng bộ nhau.
Cũng trong phiên khoáng đại đầu tiên, Đức Hồng Y Péter Erdő, là Tổng Tường Trình Viên cũng có bài diễn văn khẳng định một lập trường dứt khoát trên những chủ đề như đồng tính luyến ái, ly dị, và ngừa thai.
Đức Hồng Y Erdő khẳng định thêm là nhân phẩm của tất cả mọi người phải được tôn trọng, và Giáo Hội phải chăm sóc mục vụ cho tất cả mọi người, nhưng chúng ta cũng cần nhớ rằng khi Chúa Giêsu tha thứ cho những người tội lỗi, Ngài cũng nói với họ hãy “đi và đừng phạm tội nữa.”
Sau gần một tuần hội họp, chủ đề nổi bật nhất từ các báo cáo là nhu cầu cần thiết phải có một cách tiếp cận tích cực với hôn nhân Kitô giáo. Cũng có một số nghị phụ phàn nàn rằng tài liệu làm việc phản ảnh các mối quan tâm của người Công Giáo ở thế giới phương Tây mà không quan tâm đúng mức đến các gia đình Công Giáo ở những nơi khác.
Các nghị phụ cũng kêu gọi những quan tâm về suy tư thần học đối với sự trung thành, yêu thương vợ chồng và gia đình, về những người sống anh hùng chứng tá chân thực của hồng ân gia đình.
Thứ Bẩy 10 tháng 10, Thượng Hội Đồng Giám Mục đã dành hai phiên khoáng đại thứ 6 và thứ 7, để lắng nghe các nghị phụ phát biểu ý kiến về phần hai của Tài liệu làm việc có tiêu đề “Sự phân định ơn gọi gia đình” với những chủ điểm như Chúa Giêsu và gia đình.

Các diễn tiến tuần thứ hai
Sau một ngày nghỉ ngơi, hôm thứ Hai 12 tháng 10, các nghị phụ và các tham dự viên khác đã tái nhóm và thảo luận trong 13 nhóm nhỏ trong hai ngày trước khi nhóm phiên khoáng đại vào sáng thứ Tư để nghe các nhóm tường trình. Chiều thứ Tư và trọn ngày thứ Năm, các nghị phụ đã tiếp tục trình bày những ý kiến trong các phiên khoáng đại. Sáng thứ Sáu, 16/10, Thượng Hội Đồng Giám Mục nhóm phiên khoáng đại để nghe ý kiến của các dự thính viên và đại diện của các Giáo Hội anh em. Các tham dự viên đã trở lại thảo luận trong 13 nhóm nhỏ vào chiều thứ Sáu và tiếp tục thảo luận trong nhóm cho tới sáng thứ Ba, 20 tháng 10.
Nhiều nghị phụ đã nhấn mạnh sự cần thiết là Giáo Hội phải nói với một giọng tích cực, rõ ràng, đơn giản, và kiên trì khẳng định cuộc sống gia đình theo lý tưởng Kitô là có thể đạt được.
Có vị nêu lên sự chính xác trong ngôn ngữ có một tầm quan trọng rất lớn, đặc biệt là khi nói về “sự bao gồm hay loại trừ”“sự thống nhất trong đa dạng”. Giáo Hội cần “tìm ra một ngôn ngữ bắc được một nhịp cầu với thực tế của hôn nhân - một thực tại của con người, không chỉ gồm những điều lý tưởng, nhưng có cả các cuộc đấu tranh và thất bại, có cả nước mắt lẫn niềm vui”.
Nhiều nghị phụ lưu ý rằng ở các vùng khác nhau trên thế giới các gia đình phải đối mặt với các vấn đề khác nhau. Một số khu vực có nhiều cặp vợ chồng ly dị và tái hôn dân sự, trong khi những người khác phải đối mặt với các nền văn hóa cho phép chế độ đa thê. Một số xã hội khác nữa, như tại Nhật Bản và nhiều quốc gia Đông Nam Á, lại xảy ra tình trạng dân số Công Giáo giảm dần vì hôn nhân khác đạo.
Vấn đề khả thể cho người đã ly dị và tái hôn dân sự được rước lễ trong những trường hợp và những điều kiện nhất định nào đó theo đề nghị của Đức Hồng Y Walter Kasper, Giáo Hội Đức, đã là một trong những đề tài chủ yếu được thảo luận sôi nổi. Có vị gọi đó là “khói satan”. Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan nói “Hội Đồng Giám Mục Ba Lan không ủng hộ việc cho phép người ly dị tái hôn rước lễ”.
Có cả một đề nghị phân cấp những vấn đề kỷ luật và tín lý như việc rước Mình Thánh Chúa của những người ly dị và tái hôn dành cho các Hội Đồng Giám Mục địa phương quyết định, nhưng bị nhiều Giám Mục và Hồng Y phản đối là sẽ làm mất sự hiệp nhất trong Giáo Hội.

Các diễn tiến tuần lễ cuối cùng
Chiều thứ Ba 20/10/2015, Thượng Hội Đồng nhóm phiên họp toàn thể thứ mười bốn để nghe các tường trình viên của 13 Nhóm theo ngôn ngữ trình bày kết quả thảo luận của mỗi Nhóm về phần thứ ba của Tài liệu làm việc, “sứ vụ của gia đình ngày nay”.
Sau đây là bản tóm lược các điểm chính thảo luận:
Thượng hội đồng vẫn tiếp tục cuộc hành trình của mình: Các nghị phụ đều đồng ý cho rằng con đường quả là còn dài trong suy tư của Giáo hội về một số vấn đề, đặc biệt, về việc lãnh nhận các bí tích của các người ly dị tái hôn và về người đồng tính luyến ái. Các Nhóm đồng ý rằng cần phải đồng hành sát cánh hơn nữa với các gia đình bị tổn thương, theo một “phương pháp giáo dục của lòng thương xót.” Nhiều đề nghị về vấn đề “con đường sám hối” dành cho người ly dị tái hôn. Một số nhóm đã đề nghị việc thành lập một Uỷ ban chuyên biệt có nhiệm vụ xem xét các trường hợp của các gia đình bị tổn thương, không riêng gì vấn đề các người ly dị tái hôn.
Về những người đồng tính luyến ái: Các nhóm đều đồng ý là phải từ chối nhìn nhận các cặp cùng giới tính, và không đánh đồng việc chuẩn bị hôn nhân với sự kết hợp của hai người đồng tính.
Gia đình là nơi loan báo Tin Mừng: Các nhóm đã nhấn mạnh rằng gia đình có trách nhiệm loan báo Tin Mừng. Giáo hội được mời gọi nâng đỡ chiều kích này. Cả 13 Nhóm đều lặp lại tầm quan trọng của việc nêu cao nét đẹp và niềm vui của tính dục trong cuộc sống vợ chồng.
Hôn nhân khác tôn giáo: cơ hội để đối thoại liên tôn: Nhiều Nhóm đã thảo luận về các cuộc hôn nhân khác tôn giáo tại một số nước, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc nêu lên các khía cạnh tích cực. Cuối cùng các thành viên đã nhấn mạnh đến các khía cạnh tích cực của hôn nhân dân sự hay của các cặp chia sẻ cuộc sống chung, trong trường hợp có thể dẫn đến hôn nhân bí tích. Nhiều nhóm đã nhấn mạnh tới việc phải quan tâm hơn nữa tới các đôi vợ chồng đã ly thân hay ly dị, đặc biệt, những đôi đang phải sống trong sự nghèo khổ, những phụ nữ đơn thân và nạn nhân của bạo lực, những người tị nạn, di dân hay nạn nhân của các vụ xung đột… đó là những trường hợp khiến gia đình bị tổn thương.
Ngày 21/10/2015, Thượng Hội Đồng bước vào giai đoạn cuối cho việc soạn thảo bản tổng hợp công việc của mình. Đây là lần thứ ba, 13 nhóm ngôn ngữ đã đệ trình cho Thượng Hội Đồng các bản phúc trình của mình.
Các Nhóm đã đệ nạp các phúc trình này ba lần: sau khi nghiên cứu phần thứ nhất của tài liệu làm việc (Instrumentum laboris), ngày 09/10, rồi vào cuối các buổi thảo luận trên phần thứ nhì, ngày 14/10, và ngày thứ tư 21/10, cuối các buổi thảo luận về phần thứ ba và phần chót.
Mỗi lần, đã có 13 bản phúc trình của 13 nhóm. Các phúc trình này được bỏ phiếu thông qua bởi các thành viên của nhóm. Các báo cáo đôi khi được đồng thuận thông qua. Sau đó các phúc trình được trình lên hội nghị khoáng đại của Thượng Hội Đồng.
Ủy Ban 10 người của Thượng Hội Đồng được Đức Giáo Hoàng Phanxicô giao cho nhiệm vụ soạn thảo bản tổng kế cuối cùng, và trình một dự án đầu tiên ngày 22/10 tại hội nghị, sẽ được bàn thảo và sửa đổi trong ngày 24/10.
Tổng cộng các vị đã cứu xét 1.355 đề nghị sửa chữa về 3 phần của Văn kiện. Mọi người đều nhận thấy bản dự thảo Phúc trình chung kết mạch lạc.
Bản tổng hợp phải là một văn bản "khả chấp", một bản văn phản ánh được "những ưu tư" của các mục tử và cống hiến "những phương hướng mục vụ có thể chấp nhận được cho tất cả mọi người".
Các thành viên có cả buổi chiều và buổi sáng ngày thứ Sáu để trình bày những tu chính mới và thảo luận ngày thứ Sáu 23/10/2015 trong buổi họp khoáng đại. 

III.   Kết Quả
Chiều thứ Bẩy 24/10, các nghị phụ Thượng HĐGM đã bỏ phiếu về bản tường trình chung kết gồm 94 đoạn. Toàn bộ đã được thông qua với đa số 2 phần 3, tức là tối thiểu 177 phiếu trên 265 nghị phụ hiện diện. Bản tổng kết sẽ được đệ trình vào ngày thứ bẩy 24/10 lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Ngài sẽ sử dụng để soạn thảo một bản "Tông Huấn sau Thượng Hội Đồng", hay không, tùy ý ngài. Nhưng những tham luận của Đức Giáo Hoàng trong những năm qua cũng đã làm nên một tập tài liệu quan trọng về gia đình.
Phúc trình mô tả gia đình là ánh sáng trong bóng đen của thế giới. Gia đình ngày nay tuy có bao nhiêu khó khăn, nhưng cũng có khả năng rất lớn đương đầu và phản ứng trước những khó khăn ấy.
Đặc biệt có hai đoạn được chấp thuận với 178 và 180 phiếu, vừa đủ để được thông qua với 2 phần 3 số phiếu. Trong những đoạn này có nói về phương thức mục vụ dành cho các gia đình bị thương tổn hoặc ở trong những tình trạng ”bị rối”, không hợp với giáo luật và kỷ luật của Giáo Hội, cụ thể là những cặp sống chung không kết hôn, những cặp chỉ kết hôn dân sự, những người ly dị tái hôn dân sự và cách thức mục vụ dành cho những trường hợp này trong thái độ tích cực và tiếp đón.
Văn kiện tái khẳng định đạo lý về sự bất khả phân ly của bí tích hôn phối, đặc tính này là hồng ân của Thiên Chúa, là chân lý dựa trên Chúa Kitô và mối liên hệ của Người với Giáo Hội. Tuy không nói rõ ràng về việc cho những người ly dị tái hôn dân sự được rước lễ, nhưng Thượng HĐGM nhắc nhớ rằng họ không bị vạ tuyệt thông và để tùy sự phân định của các vị mục tử, phân tích tình trạng gia đình phức tạp của họ. Các nghị phụ nhấn mạnh rằng sự phân định này phải được thực hiện theo giáo huấn của Hội Thánh, trong niềm tín thác lòng thương xót của Chúa không bị phủ nhận đối với bất kỳ một ai.
Đối với những người sống chung, Văn kiện tái khẳng định rằng cần phải cứu xét tình trạng của họ một cách tích cực, tìm cách biến hoàn cảnh ấy thành cơ hội hoán cải, tiến đến sự viên mãn của hôn nhân và gia đình, dưới ánh sáng Tin Mừng.
Về những người đồng tính luyến ái, Văn kiện khẳng định rằng không được kỳ thị những người có xu hướng đồng tính luyến ái, nhưng đồng thời cho biết Giáo Hội chống lại sự kết hiệp giữa những người đồng phái và không chấp nhận những sức ép từ bên ngoài trên Giáo Hội về vấn đề này.
Có những đoạn đặc biệt nói về những người di dân, tị nạn, bị bách hại, gia đình của họ bị phân tán và họ có thể trở thành nạn nhân của nạn buôn người. Thượng HĐGM kêu gọi đón tiếp họ, tái khẳng định các quyền và cả nghĩa vụ của họ đối với những nước đón nhận họ.
Đề cao giá trị phụ nữ, bảo vệ trẻ em và người già. Văn kiện chung kết của Thượng HĐGM cũng trìnhbày những suy tư đặc thù về phụ nữ, người nam, trẻ em, là những bản lề của đời sống gia đình, đồng thời tái khẳng định sự bảo vệ và đề cao giá trị những vai trò của họ.
Đối với các phụ nữ, Thượng HĐGM cầu mong họ nắm giữ một vai trò quan trọng hơn trong tiến trình huấn luyện các thừa tác viên thánh chức, trong khi đối với các trẻ em, các vị đề cao vẻ đẹp của sự nhận con nuôi và ủy thác, tái tạo những mối liên hệ gia đình bị gián đoạn. Thượng HĐGM cũng không quên những người góa bụa, người khuyết tật, người già, các ông bà nội ngoại là những người giúp thông truyền đức tin trong gia đình và cần phải bảo vệ họ chống lại nền văn hóa gạt bỏ. Cả những người không kết hôn cũng được nhắc đến vì sự dấn thân của họ trong Giáo Hội và trong xã hội.
Văn kiện chung kết cũng bàn đến những bóng đen của thời đại ngày nay đang đè nặng trên gia đình: trước tiên là thái độ cuồng tín về chính trị và tôn giáo thù nghịch đối với Kitô giáo, trào lưu cá nhân chủ nghĩa gia tăng, ý thức hệ về giống (gender), các cuộc xung đột, bách hại, nạn nghèo đói, công ăn việc làm bấp bênh, nạn tham ô hối lộ, những cưỡng bách kinh tế loại trừ gia đình khỏi lãnh vực giáo dục và văn hóa, hiện tượng toàn cầu hóa, sự dửng dưng đặt tiền bạc chứ không phải con người ở trung tâm xã hội, nạn dâm ô và sự suy giảm dân số.
Thượng HĐGM đặc biệt kêu gọi tăng cường việc chuẩn bị hôn phối, nhất là đối với những người trẻ dường như lo sợ đối với hôn nhân.
Thượng HĐGM kêu gọi các chính quyền hãy ”thăng tiến và nâng đỡ các chính sách gia đình, trong khi các tín hữu Công Giáo dấn thân trong chính trị được nhắn nhủ bảo vệ gia đình và sự sống vì xã hội nào lơ là đối với gia đình thì sẽ mất viễn tượng tương lai của mình. Thượng HĐGM tái khẳng định sự thánh thiêng của cuộc sống con người từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên và cảnh giác chống lại những đe dọa trầm trọng đối với gia đình như nạn phá thai và làm cho chết êm dịu.
Những đoạn cuối cùng dành cho các hôn nhân hỗn hợp, trong đó các nghị phụ nhấn mạnh các khía cạnh tích cực đối với việc thăng tiến đối thoại đại kết và liên tôn. Rồi tái khẳng định sự cần thiết phải bảo vệ tự do tôn giáo và quyền phản kháng lương tâm trong xã hội.
Văn kiện chung kết trình bày một suy tư về sự cần thiết phải thay đổi ngôn ngữ của Giáo Hội, làm cho nó có ý nghĩa hơn để việc loan báo Tin Mừng gia đình đáp ứng thực sự những mong đợi sâu xa nhất của con người.
Sau cùng, Phúc trình chung kết nhấn mạnh vẻ đẹp của gia đình: Giáo Hội tại gia dựa trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, tế bào cơ bản của xã hội mà Giáo Hội góp phần làm tăng trưởng, là bến cảng chắc chắn cho những tâm tình sâu xa nhất, là điểm duy nhất liên kết, trong một thời đại bị phân hóa, là thành phần của sinh thái học con người, gia đình cần được bảo vệ, nâng đỡ và khích lệ, kể cả từ phía các chính quyền
Thượng Hội Đồng bế mạc vào sáng Chúa Nhật, 25/10/2015, bằng một thánh lễ do Đức Giáo Hoàng Phanxicô chủ tế tại Đền Thánh Phêrô, lúc 10 giờ.
Sau đây là một số điểm trong diễn từ Bế Mạc Thượng Hội Đồng về Gia Đình của ĐGH Phanxicô:
“Chắc chắn, Thượng Hội Đồng không phải là việc thanh thỏa mọi vấn đề cần phải giải quyết với gia đình, mà đúng hơn là cố gắng nhìn các vấn đề này dưới ánh sáng Tin Mừng và truyền thống cũng như 2 ngàn năm lịch sử của Giáo Hội, đem lại niềm vui hy vọng mà không rơi vào việc dễ dãi nhắc lại những gì hiển nhiên hay đã từng nói tới.”
“Chắc chắn Thượng Hội Đồng không phải là chuyện tìm các giái pháp thấu đáo cho mọi khó khăn và bất trắc đang thách thức và đe dọa gia đình, mà đúng hơn, nhìn các khó khăn và bất trắc này trong ánh sáng đức tin, cẩn thận nghiên cứu chúng và đương đầu với chúng một cách không sợ hãi, không vùi đầu ta vào trong cát.”
“Trong suốt Thượng Hội Đồng này, nhiều ý kiến khác nhau, vốn được nói ra một cách tự do, và có lúc, chẳng may, không hoàn toàn có ý tốt, chắc chắn đã dẫn tới một cuộc đối thoại phong phú và sinh động; các ý kiến này đưa ra một hình ảnh sống động về một Giáo Hội không chỉ biết “đóng mộc”, nhưng đã múc được từ nguồn suối đức tin của mình những làn nước nuôi sống làm tươi mát các tâm hồn nứt nẻ.”
“Và, không kể một số vấn đề tín lý đã được Huấn Quyền Giáo Hội xác định rõ ràng, chúng ta cũng đã thấy có những điều xem ra bình thường đối với một giám mục tại một lục địa, nhưng bị coi là xa lạ, thậm chí gây tai tiếng đối với một giám mục tại một lục địa khác; có những điều bị coi là vi phạm một quyền nào đó trong một xã hội, nhưng lại được coi như một qui định hiển nhiên và bất khả vi phạm tại một xã hội khác; có những điều với người này là tự do lương tâm, nhưng với người kia nó đơn giản chỉ là hỗn độn.”
“Trải nghiệm Thượng Hội Đồng cũng làm ta hiểu rõ hơn điều này: những người đích thực bảo vệ tín lý không phải là những người đề cao chữ nghĩa của nó mà là tinh thần của nó; không đề cao các ý niệm mà đề cao các con người; không đề cao các công thức mà đề cao tính nhưng không của tình yêu và lòng tha thứ của Thiên Chúa.”
“Nhiệm vụ thứ nhất của Giáo Hội không phải là chuyển giao các kết án hay vạ tuyệt thông, mà là công bố lòng thương xót của Thiên Chúa, mời gọi hoán cải, và dẫn mọi người nam nữ tới ơn cứu rỗi trong Chúa (xem Ga 12:44-50).”

IV.   Giáo Hội Việt Nam
Trong số nghị phụ được đề cử tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, Giáo Hội Việt Nam có sự tham dự của Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Phó Giáo Phận Xuân Lộc.
Khi được hỏi đâu là những thách đố mục vụ đối với đời sống gia đình tại Giáo Hội Việt Nam, Đức Cha Đinh Đức Đạo cho biết: Thách đố đối với đời sống gia đình ở Việt Nam thì nhiều lắm nhưng một trong những thách đố là sự kiện nhiều người trẻ phải lìa xa vùng quê, gia đình và giáo xứ của mình lên thành phố để học tập hay làm việc. Do đó, có nhiều cám dỗ ở thành phố nơi họ làm việc hay học tập do phải sống xa gia đình. Họ cần phải duy trì mối liên lạc cách riêng là tình cảm yêu mến với nguyên quán của gia đình. Điều này chắc chắn là một trong những khó khăn nhưng dường như đến nay họ có thể vượt qua những trở ngại này vì ở thành phố họ có thể tụ họp lại với nhau như những sinh viên Công Giáo, công nhân Công Giáo và giúp đỡ lẫn nhau hội nhập vào các giáo xứ ở thành thị nơi họ cư trú.
Video phỏng vấn Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét