Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

Giáo lý ĐTC về LTX theo Tân Ước (tt) - 08.06.2016

Tất cả đều được mời dự tiệc cưới Ca-na
Gia tài của Mẹ Maria: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo!"
Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong buổi triều kiến ngày 08/6/2016
"Tất cả chúng ta đều được mời tới dự tiệc cưới, để không bao giờ còn phải thiếu rượu mới nữa!", Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giải thích trong Bài giáo lý bằng tiếng Ý của ngài về lòng thương xót tại Ca-na.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bình giảng về lòng thương xót trong chương 2 của Tin Mừng theo thánh Gioan, nhân buổi triều kiến chung, sáng thứ Tư, 08/6/2016 trên quảng trường Thánh Phêrô.
Ngài đã lưu ý rằng Chúa Giêsu đã mặc khải như là Chú Rể đang được nhân loại mong chờ: "Tiệc cưới Ca-na có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều chứ không phải chỉ là một đoạn kể về phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu. Như một hộp tư trang, nó lưu giữ sự bí mật về thân phận của Người và mục đích giáng trần của Người: Chú Rể hằng được mong đợi đã phát động trong đám cưới được hoàn tất trong mầu nhiệm vượt qua. Ở tiệc cưới này, Chúa Giêsu kết nối các môn đệ của Người với chính Người, nhờ vào một giao ước mới mẻ và vĩnh viễn. Tại Cana, các môn đệ của Chúa Giêsu trở thành gia đình của Người và tại Ca-na đã nẩy sinh đức tin của Giáo Hội. Tất cả chúng ta đều được mời tới dự tiệc cưới đó, để không bao giờ còn phải thiếu rượu mới nữa!"
"Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo!": Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh về những lời của Mẹ Maria, những lời này cũng sẽ hướng dẫn đời sống Kitô giáo ngày hôm nay: Tại tiệc cưới này, một giao ước mới đã thực sự được cam kết, và các tôi tới của Chúa, nói cách khác là toàn thể Giáo Hội, nhận được một sứ vụ mới: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo!".
Sau đây là bản dịch, từ tiếng Ý, Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
A.B.

Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Thân chào quý anh chị em!
Trước khi khởi sự Bài giáo lý, tôi muốn chào mừng một nhóm các cặp vợ chồng, sẽ tổ chức kỷ niệm 50 năm đám cưới của họ. Đây là rượi ngon, "rượu ngon" của gia đình! Chứng từ của anh chị em phải là tấm gương cho những cặp vợ chồng trẻ - mà tôi sẽ chào mừng sau – và cho những người trẻ nói chung. Thật là một chứng từ tốt đẹp. Xin cám ơn vì chứng từ của anh chị em. Sau khi bình giảng một số dụ ngôn về lòng thương xót, hôm nay, chúng ta hãy dừng chân trước phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu, mà thánh sử gia Gioan gọi là "những dấu lạ", bởi vì Chúa Giêsu không làm ra để dấy động sự kinh ngạc thán phục, mà để mặc khải tình yêu thương của Thiên Chúa Cha. Dấu lạ đầu tiên trong những dấu lạ này đã được thánh Gioan kể lại (x. Ga 2, 1-11), và đã diễn ra tại Ca-na, xứ Ga-li-lê. Giống như một thứ "cửa ra vào", trên đó có khắc ghi những lời nói và những thành ngữ làm sáng tỏ mầu nhiệm Đức Kitô và mở lòng cho các môn đệ ra với đức tin. Đây là một vài dấu lạ:

Nhập đề, chúng ta thấy thành ngữ "Đức Giêsu và các môn đệ" (c. 2). Những kẻ được Người gọi đi theo Người, Chúa Giêsu đã gắn kết họ với Người, hình thành một cộng đoàn và lúc này, thành cùng một gia đình. Tất cả các ông đều được mời tới dự tiệc cưới. Khi khởi sự sứ vụ công cộng của Người trong tiệc cưới Ca-na, Chúa Giêsu tỏ mình ra như Chú Rể của dân Thiên Chúa, đã được các tiên tri báo trước, và đã mặc khải cho chúng ta tính sâu đậm của các quan hệ hợp nhất Người với Thiên Chúa: chính là một Giao Ước tình yêu mới. Nền tảng đức tin của chúng ta có gì? Một cử chỉ thương xót của Chúa Giêsu, nối liền chúng ta với Người. Và đời sống Kitô giáo chính là sự đáp trả tình yêu đó, cũng như chuyện tình của hai người yêu nhau. Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau, tìm kiếm nhau, thấy lại nhau, chúc tụng nhau và yêu thương nhau: như anh yêu và em yêu trong Sách Diễm ca. Các thứ khác sẽ tới sau, như là hậu quả của quan hệ này. Giáo Hội là gia đình của Chúa Giêsu trên đó Người đã đổ hết tình yêu của Người. Chính trên tình yêu này mà Giáo Hội canh giữ và mong muốn ban lại cho tất cả mọi người.
Chính trong khuôn khổ của Giao Ước này, chúng ta cũng phải hiểu lời nhận xét của Mẹ Maria: "Họ hết rượu rồi" (c. 3). Làm sao có thể tiến hành đám cưới và tổ chức tiệc mà không có rượu, thành phần này được các ngôn sứ cho biết như là "thành phần điển hình của tiệc cứu thế" (x. Am 9, 13-14; Is 25, 6)? Nước thì cần phải có để sống, nhưng rượu tỏ ra sự sung mãn của bữa tiệc và niềm vui của lễ hội. Chúng ta dự một bữa tiệc cưới mà không có rượu; đôi tân hôn sẽ xấu hổ về chuyện này. Anh chị em hãy hình dung, giữa tiệc phải uống trà; điều này là một sự nhục nhã. Phải có rượu để mở tiệc. Khi biến thành rượu, nước lã trong các chum "để dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục của người Do Thái" (c. 6), Chúa Giêsu đã làm một cử chỉ mang nhiều ý nghĩa: Người biến Lề Luật Mô-sê thành Phúc Âm, chứa đựng niềm vui. Như thánh Gioan đã nói "Lề Luật đã được Thiên Chúa ban cho qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có" (Ga 1, 17).
Những lời của Mẹ Maria nói với các người hầu, hoàn thiện khung cảnh đám cưới Cana: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo!" (c. 5). Thật là lạ lùng: đó là những lời sau cùng của Mẹ được ghi lại trong các Phúc Âm: đó là gia tài của Mẹ, và Mẹ đã để lại cho tất cả chúng ta. Hôm nay, Đức Trinh Nữ Maria cũng nói với chúng ta: "Người bảo gì - Chúa Giêsu bảo gì - các anh cứ việc làm theo!". Đó là gia tài của Mẹ, Mẹ đã để lại cho chúng ta: thật là đẹp biết bao! Thành ngữ này đưa chúng ta về với công thức đức tin mà dân Do Thái sử dụng trên núi Si-nai để đáp trả những hứa hẹn của giao ước: "Mọi điều Đức Chúa phán bảo, chúng tôi xin làm theo!" (Xh 19, 8). Và quả vậy, tại Ca-na, các người hầu đã vâng lời. "Chúa Giêsu bảo họ: 'Các anh đổ đầy nước vào chum đi'. Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: 'Bây giờ các anh múc và đưa cho ông quản tiệc'. Họ liền đem cho ông" (c. 7-8). Trong tiệc cưới này, một giao ước mới đã thực sự được cam kết, và các tôi tớ của Chúa, nói cách khác là toàn thể Giáo Hội, nhận lãnh một sứ vụ mới: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo!". Phục vụ Chúa có nghĩa là lắng nghe và làm theo Lời của Người. Lời dặn dò này, đơn giản nhưng cốt yếu, đến từ Mẹ Chúa Giêsu, và đó là chương trình đời sống Kitô giáo. Đối với mỗi người trong chúng ta, đong múc trong chum tương đương với sự phó thác vào Lời của Thiên Chúa để trải nghiệm sự hữu hiệu của Lời Chúa trong cuộc đời. Lúc đó, cùng lên tiếng với người quản tiệc đã nếm nước trở thành rượu, chúng ta có thể nói rằng: "Anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ" (c. 10). Phải, Chúa tiếp tục giữ rượu ngon này cho việc cứu rỗi chúng ta, cũng như Người tiếp tục chẩy máu từ cạnh sườn đã bị đâm thấu của Người.
Kết luận của câu chuyện này vang lên như một lời tuyên án: "Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này, tại Cana miền Ga-li-lê và bầy tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người" (c. 11). Tiệc cưới Cana có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều chứ không phải chỉ là một đoạn kể về phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu. Như một hộp tư trang, nó lưu giữ sự bí mật về thân phận của Người và mục đích giáng trần của Người: Chú Rể hằng được mong đợi đã phát động trong đám cưới được hoàn tất trong mầu nhiệm vượt qua. Ở tiệc cưới này, Chúa Giêsu kết nối các môn đệ của Người với chính Người, nhờ vào một giao ước mới mẻ và vĩnh viễn. Tại Ca-na, các môn đệ của Chúa Giêsu trở thành gia đình của Người và tại Ca-na đã nẩy sinh đức tin của Giáo Hội. Tất cả chúng ta đều được mời tới dự tiệc cưới đó, để không bao giờ còn phải thiếu rượu mới nữa!

Bản dịch tiếng Pháp: Océane Le Gall (Zenit)
Mạc Khải phỏng dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét