Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2016

Giáo lý Năm Thánh LTX (tt): Lòng thương xót, một lối sống (30.06.16)

Triều kiến Năm Thánh : "Lòng thương xót, một lối sống"
Bài giáo lý về các công trình lòng thương xót ngày 30 tháng 6 năm 2016

Triều kiến ngày 30/6/2016
"Các công trình lòng thương xót không phải là những chủ đề lý thuyết, nhưng đó là những sự làm chứng cụ thể, Đức Giáo Hoàng nhắc nhở. Chúng bắt buộc phải xắn tay áo lên để làm giảm bớt đau khổ", Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích và tóm lược: lòng thương xót là "một lối sống".
Cống hiến lòng thương xót cho người khác là trung tâm Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhân buổi "triều kiến Năm Thánh", ngoại lệ ngày thứ Năm 30/6/2016, trên quảng trường Thánh Phêrô. Thông thường, triều kiến Năm thánh diễn ra vào ngày thứ Bẩy. Lần này, thay vì triều kiến chung ngày thứ Tư, vì lý do lễ kính Thánh Phêrô và Phaolô, 29/6/2016, Đức Giáo Hoàng đã thiết triều Năm Thánh vào ngày hôm sau. Và cũng theo truyền thống, sau mỗi chuyến tông du, Đức Giáo Hoàng cũng đã đưa ra một tổng kết chuyến viếng thăm Armênia và ngài đã nhắc đến chuyến tông du sắp tới của ngài ở hai nước khác trong vùng Co-ca-dơ (Caucase).
Đức Giáo Hoàng khuyên "đừng bao giờ quên rằng lòng thương xót không phải là một từ trừu tượng, nhưng chính là một lối sống". Người kêu gọi hãy "hướng tới điều cốt yếu. Cái đó có nghĩa là gì? Hướng tới Chúa Giêsu, trông thấy Chúa Giêsu trong người đói khát, người tù tội, người bệnh hoạn, người trần truồng, người không có công ăn việc làm và có gánh nặng gia đình".
Bao nhiêu lần, Đức Giáo Hoàng nhận xét, "chúng ta đi ngang qua những tình trạng nghèo khó bi đát và hình như chúng chẳng đụng chạm gì đến chúng ta". "Sự lãnh đạm đó cuối cùng khiến chúng ta trở thành giả hình, ngài nói tiếp, và, vô hình chung, dẫn tới một hình thức chết lịm tinh thần khiến cho tâm hồn trở thành vô cảm và cuộc đời trở nên cằn cỗi".
Khi nhắc rằng "ngày hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta hãy nghiêm túc làm một cuộc xét mình", Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh: "Anh chị em hãy nhớ rõ: kẻ không sống để phục vụ thì đừng sống làm gì".
Sau đây là bản dịch toàn văn Bài giáo lý bằng tiếng Ý, tiếp theo là tổng hợp bằng tiếng Pháp.
M.D.
Bài giáo lý bằng tiếng Ý về các công trình lòng thương xót.
Thân chào quý anh chị em!
Biết bao lần, trong những tháng đầu của Năm Thánh, chúng ta đã nghe nói đến các công trình lòng thương xót! Hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta hãy nghiêm chỉnh làm một cuộc xét mình. Quả thật là hữu ích nếu đừng bao giờ quên rằng lòng thương xót không phải là một từ trừu tượng, nhưng chính là một lối sống: một con người có thể có lòng thương xót hay không có lòng thương xót; đó là một lối sống. Tôi chọn lối sống có lòng thương xót hay tôi chọn lối sống không có lòng thương xót. Nói về lòng thương xót là một chuyện, sống lòng thương xót lại là một chuyện khác. Khi dài dòng giải thích lời lẽ của thánh Giacôbê Tông Đồ (x. Gc 2, 14-17), chúng ta có thể nói rằng: lòng thương xót mà không có hành động là lòng thương xót chết từ trong nội tạng. Thật chính là như thế! Điều làm cho lòng thương xót sống động, chính là động lực bền vững của nó để đi tới gặp gỡ những nhu cầu và những thiếu thốn của những kẻ đang bần cùng về tinh thần và vật chất. Lòng thương xót có mắt để nhìn, có tai để nghe, có đôi bàn tay để nâng đỡ…
Cuộc sống hàng ngày cho chúng ta đụng chạm tới nhiều đòi hỏi liên quan đến những người nghèo túng hơn và đau khổ hơn. Chúng ta được yêu cầu có sự quan tâm đặc biệt đó để thúc đẩy chúng ta ý thức được tình trạng đau khổ và túng thiếu trong đó, bao anh chị em chúng ta đang còn phải sống. Đôi khi, chúng ta đi ngang qua những tình trạng nghèo khó bi đát và hình như chúng chẳng đụng chạm gì đến chúng ta; mọi chuyện tiếp tục như chẳng có gì xẩy ra, trong một sự lãnh đạm, cuối cùng khiến chúng ta trở thành giả hình, ngài nói tiếp, và, vô hình chung, dẫn tới một hình thức chết lịm tinh thần khiến cho tâm hồn trở thành vô cảm và cuộc đời trở nên cằn cỗi. Những kẻ đi ngang qua, sống cuộc sống của họ, không màng tới những thiếu thốn của người khác, không nhìn thấy tất cả những nhu cầu tinh thần cũng như vật chất, là những kẻ đi ngang qua mà không sống, những kẻ không phục vụ người khác. Anh chị em hãy nhớ rõ: kẻ không sống để phục vụ thì đừng sống làm gì.
Có biết bao khía cạnh của lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta! Cũng giống như vậy, có biết bao khuôn mặt đã quay về phía chúng ta để mong được lòng thương xót! Ai là người đã từng trải nghiệm, trong đời mình, lòng thương xót của Cha, thì không thể thờ ơ trước những thiếu thốn của những người anh em mình. Giáo huấn của Chúa Giêsu mà chúng ta đã nghe không để có lối thoát: Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; ta trần truồng, là khách lạ, bị đau yếu, bị ngồi tù, ngươi đã giúp đỡ ta (x. Mt 25, 35-36). Không được chần chờ né tránh trước một người đang đói khát: phải cho người đó ăn. Chúa Giêsu phán dạy chúng ta điều đó! Các công trình lòng thương xót không phải là những chủ đề lý thuyết, nhưng đó là những sự làm chứng cụ thể. Chúng bắt buộc phải sắn tay áo lên để làm giảm bớt đau khổ.
Vì những chuyển đổi của thế giới toàn cầu hóa của chúng ta, nhiều cái nghèo vật chất và tinh thần đã bị nhân lên: chúng ta hãy dành chỗ cho óc tưởng tượng của lòng bác ái để nhận rõ những phương thức hành động mới. Theo cách này, con đường lòng thương xót sẽ luôn trở thành cụ thể. Như thế, chúng ta được yêu cầu phải cảnh giác như những người lính canh để không xẩy ra tình trạng, trước những cảnh nghèo khó do cái nền văn hóa sung túc thoải mái tạo ra, cách nhìn của người Kitô hữu yếu đi và trở thành không có khả năng hướng tới điều cốt yếu. Hướng tới điều cốt yếu. Cái đó có nghĩa là gì? Hướng tới Chúa Giêsu, trông thấy Chúa Giêsu trong người đói khát, người tù tội, người bệnh hoạn, người trần truồng, người không có công ăn việc làm và có gánh nặng gia đình. Nhìn thấy Chúa Giêsu trong anh chị em chúng ta; nhìn thấy Chúa Giêsu trong người cô đơn, buồn nản, trong người lầm lỡ và cần lời khuyên giải, trong người đang có nhu cầu bước đi với Người trong thinh lặng để cảm thấy đang có bạn đường. Tại sao? Bởi vì chính như thế Chúa Giêsu đã nhìn tôi, đã nhìn tất cả chúng ta.
Bản dịch tiếng Pháp : Constance Roques (Zenit)
Mạc Khải phỏng dịch
Tổng kết bằng Pháp văn
Bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe mời gọi chúng ta hãy nghiêm chỉnh làm một cuộc xét mình. Nói về lòng thương xót là một chuyện, thực hành lòng thương xót là một chuyện khác.
Chúng ta được yêu cầu ý thức được sự đau khổ của tha nhân, cho mình bị đánh động để giúp đỡ họ. Nếu không lòng chúng ta trở thành vô cảm và cuộc sống chúng ta trở nên cằn cỗi.
Người đã trải nghiệm lòng thương xót của Cha, không thể thờ ơ với những thiếu thốn của các anh em.
Giáo huấn của Chúa Giêsu rất rõ ràng: lòng thương xót không phải là một lý thuyết mà là một sự làm chứng cụ thể.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét