Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

Giáo lý ĐTC về LTX (tt) - Lòng Thương Xót, khí cụ của hiệp thông.


Trở thành "tôi tớ của lòng thương xót"

Bài giáo lý ngày 17 tháng 8 năm 2016 (toàn văn)
Audience générale du 17 août 2016
Triều kiến chung ngày 17/8/2016
Sống hiệp thông với Đức Kitô không có nghĩa là "thụ động và xa lạ với cuộc sống hàng ngày", mà là cống hiến cho thế giới "dấu chỉ cụ thể của lòng thương xót và sự quan tâm của Đức Kitô", Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khẳng định như vậy trong buổi triều kiến chung ngày 17/8/2016. Như vậy, mỗi người tín hữu đều được kêu gọi hãy "trở thành tôi tớ của lòng thương xót", hoạt động với "sự thương cảm" của Đức Kitô.
Trong buổi triều kiến tại Hội Trường Phaolô VI, Đức Giáo Hoàng đã xoáy Bài giáo lý của ngài vào sự kiện hóa bánh ra nhiều, và so sánh với bí tích Thánh Thể: "Trong lúc nuôi dưỡng chúng ta bằng Đức Kitô, bí tích Thánh Thể mà chúng ta cử hành cũng dần dần thay đổi chúng ta thành Mình Thánh Chúa Kitô và thành của uống thiêng liêng cho anh em chúng ta".
Bổn phận của các môn đệ, Đức Giáo Hoàng còn giải thích, là "làm cho dân chúng no đủ và giữ cho họ hiệp nhất, nghĩa là phục vụ cho cuộc sống và sự hiệp thông". Ngài đã đưa ra một điều mong ước rằng "mỗi người trong chúng ta có thể là một khí cụ của hiệp thông trong chính gia đình của mình, trong chỗ làm việc của mình, trong giáo xứ của mình và trong những nhóm mà mình thống thuộc, một dấu chỉ hiển thị của lòng thương xót của Thiên Chúa là Đấng không muốn để ai trong sự cô đơn và thiếu thốn".
AK
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Lòng Thương Xót, khí cụ của hiệp thông (x. Mt 14, 13-21)
Thân chào quý anh chị em!
Hôm nay, chúng ta sẽ suy niệm về phép lạ hóa bánh ra nhiều. Đầu bài của thánh Mátthêu (x. Mt 14, 13-21), Chúa Giêsu mới nhận được tin về cái chết của ông Gioan Tẩy Giả và Người đã băng qua hồ bằng thuyền để đi tìm "một nơi hoang vắng, riêng biệt" (c. 13). Nhưng dân chúng nghe biết và đã đi bộ trước Người, vì thế "lúc ra khỏi thuyền, Người trông thấy một đoàn người đông đảo; Người chạnh lòng thương và chữa lành các bệnh nhân của họ". Chúa Giêsu là như thế đó: Luôn luôn chạnh lòng thương, luôn nghĩ đến người khác. Người ta bị ấn tượng bởi lòng quyết tâm của đám đông đang lo sợ bị bỏ lại một mình, như bị bỏ rơi. Sau cái chết của ông Gioan Tẩy Giả, vị ngôn sứ có nhiều uy tín, đám đông trông cậy cả vào Chúa Giêsu, Đấng mà chính ông Gioan đã nói: "Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi" (Mt 3, 11). Như thế dân chúng chạy theo Người khắp nơi, để nghe Người giảng dạy và đưa những người bệnh hoạn đến cho Người. Và khi thấy điều này, Chúa Giêsu đã cảm động. Chúa Giêsu không lạnh lùng, Người không có một trái tim lạnh lùng. Chúa Giêsu có khả năng xúc động. Một mặt, Người cảm thấy mình gắn liền với đám đông này và không muốn họ đi; mặt khác, Người cần những lúc một mình, để cầu nguyện, với Chúa Cha. Rất thường khi, Người cầu nguyện Cha Người suốt đêm.
Ngày hôm đó cũng vậy, Thầy đã dành cả cho đám đông. Lòng thương cảm của Người không phải là một tình cảm vu vơ; trái lại, Người tỏ ra tất cả sức mạnh của ý chí muốn gần gũi chúng ta và cứu độ chúng ta. Chúa Giêsu thương yêu chúng ta biết bao; Người muốn gần gũi chúng ta.
Vào buổi chiều, Chúa Giêsu lo lắng nuôi ăn cho tất cả những người này, đang mệt mỏi và đói khát và Người chăm sóc những ai đi theo Người. Và Người muốn lôi kéo các môn đệ cúa Người vào cuộc. Người quả đã phán cùng các ông: "Chính anh em hãy cho họ ăn" (c. 16). Và Người chỉ cho các công mấy tấm bánh và mấy con cá mà các ông có, với sức mạnh của đức tin, và lời cầu nguyện, đã có thể phân phát cho tất cả mọi người. Chúa Giêsu đã làm một phép lạ, nhưng đó là phép lạ của đức tin, của cầu nguyện, được dấy lên bởi lòng thương cảm và tình yêu mến. Như thế, Chúa Giêsu "đã bẻ bánh, Người trao cho các môn đệ, và môn đệ trao cho dân chúng" (c. 19). Chúa tới gặp gỡ những nhu cầu của con người, nhưng Người muốn làm cho mỗi người chúng ta tham gia cụ thể vào lòng thương cảm của Người.
Bây giờ, chúng ta hãy dừng lại ở cử chỉ chúc tụng của Chúa Giêsu: Người "cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng; và bẻ ra, trao cho các môn đệ" (c. 19). Như chúng ta đã thấy, đó cũng là những dấu chỉ y hệt Chúa Giêsu đã thực hiện trong bữa Tiệc Ly; và cũng là những cử chỉ y hệt mà các linh mục thực hiện khi các ngài cử hành Thánh Lễ. Cộng đoàn Kitô giáo sinh ra và tái sinh liên tục từ sự hiệp thông Thánh Thể này. Sống hiệp thông với Đức Kitô như thế là khác hẳn với sự kiện thụ động và xa lạ với đời sống hàng ngày; trái lại, điều này luôn gắn liên chúng ta chặt chẽ hơn trong mối quan hệ với những con người nam, nữ của thời đại chúng ta, để cống hiến cho họ dấu chỉ cụ thể của lòng thương xót và sự chú tâm của Đức Kitô. Trong lúc Thánh Thể nuôi dưỡng chúng ta bằng chính Đức Kitô, Thánh Thể mà chúng ta cử hành cũng dần dần biến cải chúng ta thành Thánh Thể Đức Kitô và thành của uống thiêng liêng cho các người anh em chúng ta. Chúa Giêsu muốn tới với tất cả mọi người, để đem lại cho tất cả tình yêu của Thiên Chúa. Vì thế Người biến mỗi tín hữu thành một kẻ tôi tớ của lòng thương xót. Chúa Giêsu đã thấy đám đông, Người đã trạnh lòng thương xót đám đông và Người đã hóa bánh ra nhiều; Người cũng làm chuyện tương tự với bí tích Thánh Thể. Và chúng ta, những tín hữu đã nhận tấm bánh Thánh Thể, chúng ta được Chúa Giêsu thúc đẩy hãy mang sự phục vụ này đến cho người khác, với cả lòng thương xót của Người. Đó là quy trình.
Câu chuyện hóa bánh và cá thành nhiều kết thúc bởi sự ghi nhận là tất cả mọi người đều được no nê và bởi việc thu nhặt những mẩu bánh còn thừa (x. c. 20). Một khi, với lòng thương cảm và tình yêu thương, Chúa Giêsu ban cho chúng ta một ân điển, tha tội cho chúng ta, ôm ấp chúng ta, yêu thương chúng ta, Người không làm chuyện gì nửa vời, mà làm đến nơi đến chốn. Vì chuyện này xẩy ra ở đây: mọi người đã được no nê. Chúa Giêsu đổ đầy tình yêu của Người, sự thứ tha của Người, lòng thương cảm của Người, trong trái tim và trong cuộc sống chúng ta. Như thế Chúa Giêsu đã giúp cho các môn đệ của Người thi hành mệnh lệnh của Người. Như thế, các ông biết con đường phải đi: nuôi ăn dân chúng và giữ cho dân chúng hiệp nhất, nghĩa là phục vụ sự sống và hiệp thông. Chúng ta hãy khẩn cầu Chúa, để Người làm cho Giáo Hội của Người luôn có khả năng trong việc phục vụ thánh này, và để cho mỗi người chúng ta có thể là một khí cụ hiệp thông trong chính gia đình của mình, trong nơi làm việc của mình, trong giáo xứ của mình và trong những nhóm mình thống thuộc, một dấu chỉ hiển thị của lòng thương xót của Thiên Chúa, vốn không muốn bỏ ai trong cảnh cô đơn và thiếu thốn, để cho hiệp thông và bình an giữa mọi con người và sự hiệp thông của con người với Thiên Chúa, được ban xuống, bởi vì sự hiệp thông là chính sự sống cho tất cả mọi người.
Bản dịch tiếng Pháp : Constance Roques (Zenit)
Mạc Khải phỏng dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét