Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Huấn từ ĐTC ngày 21.08.16 - Cánh cửa cứu độ tuy hẹp nhưng luôn rộng mở

Cánh cửa cứu độ tuy hẹp nhưng luôn rộng mở

Kinh Truyền Tin ngày 21 tháng 8 năm 2016 (toàn văn)


Kinh Truyền Tin ngày 21/8/2016
Cửa cứu độ là "một cửa ngõ hẹp nhưng luôn rộng mở", Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khẳng định như vậy trong giờ Kinh Truyền Tin ngày 21/8/2016: "hẹp là để cầm nén tính kiêu ngạo của chúng ta làm cho chúng ta căng phồng" và "rộng mở bởi vì Thiên Chúa đón nhận chúng ta không phân biệt ai".
Từ một cửa sổ của dinh Giáo Hoàng trông xuống quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican, Đức Giáo Hoàng đã giải thích cho đám đông rằng cửa ngõ cứu độ nhỏ hẹp "yêu cầu chúng ta hạn chế và cầm nén tính kiêu ngạo của chúng ta và nỗi lo sợ của chúng ta, để mở lòng chúng ta ra [với Thiên Chúa] với một tâm hồn khiêm nhường và tin tưởng, đồng thời nhìn nhận chúng ta là những kẻ tội lỗi, đang cần đến sự tha thứ của Người".
"Khi bước qua cửa ngõ Chúa Giêsu, ngài nói thêm, (…) chúng ta có thể thoát ra khỏi những thái độ trần tục, những thói xấu, những kiêu ngạo và khép kín". Và Đức Giáo Hoàng mời gọi các Kitô hữu hãy xét mình về điều ngăn trở mình bước qua ngưỡng cửa đó: "cái kiêu ngạo của tôi, cái tự mãn của tôi, các tội lỗi của tôi".
Trong suốt bài suy niệm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kêu gọi đừng bỏ lỡ thời cơ bước qua cửa ngõ bằng cách kềm nén bản thân "đừng có những lời lẽ kinh điển về cứu độ", nhưng "hãy chớp lấy những thời cơ cứu độ". "Đời sống không phải là một trò chơi video, cũng không phải là một bộ phim tập trên truyền hình, ngài nhấn mạnh; cuộc đời chúng ta là nghiêm túc và mục đích phải đạt tới là quan trọng: sự cứu độ đời đời".
AK
Lời Đức Giáo Hoàng trước Kinh Truyền Tin
Thân chào quý anh chị em!
Bài Phúc Âm ngày hôm nay khuyên chúng ta hãy suy ngẫm về đề tài cứu độ. Thánh Sử Gia Luca kể rằng Chúa Giêsu trên đường lên Giêrusalem, và trên hành trình của Người, có kẻ đã tiến gần Người và hỏi: "Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, phải không?" (Lc 13, 23). Chúa Giêsu không đưa ra một câu trả lời trực tiếp, nhưng chuyển cuộc đối đáp sang một tầng cấp khác, với một ngôn ngữ gợi ý, mà thoạt đầu, các môn đệ có thể không hiểu: "Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được" (c. 24). Với hình ảnh cánh cửa, Người muốn cho những thính giả của Người hiểu rằng không phải là vấn đề số lượng – có bao nhiêu người sẽ được cứu độ -, không cần biết sẽ có bao nhiêu người, mà quan trọng là tất cả mọi người biết được đâu là con đường sẽ dẫn đến sự cứu độ: khung cửa.
Hành trình đó, con đường đó, dự kiến là người ta phải bước qua một khung cửa. Nhưng khung cửa đó ở đâu? Khung cửa đó như thế nào? Ai là khung cửa đó? Chính Chúa Giêsu là khung cửa. Chính Người đã phán điều này trong Phúc Âm theo thánh Gioan: "Tôi là cửa" (x. Ga 10, 9); Người dẫn dắt chúng ta vào sự hiệp thông với Chúa Cha, nơi chúng ta sẽ tìm thấy tình yêu, sự thông hiểu và chở che. "Nhưng tại sao cửa này lại hẹp ?", người ta có thể tự hỏi. Tại sao Người lại phán cửa hẹp? Đây là một cửa hẹp không phải vì nó áp bức, không, nhưng vì nó yêu cầu chúng ta hạn chế và cầm hãm tính kiêu ngạo và sợ hãi của chúng ta, để mở lòng chúng ta ra với Người với một tâm hồn khiêm nhường và tin tưởng, đồng thời nhìn nhận chúng ta là những kẻ tội lỗi, đang cần đến sự tha thứ của Người. Chính vì thế mà nó hẹp, để cầm hãm tính kiêu ngạo của chúng ta đang làm chúng ta căng phồng. Cửa lòng thương xót của Thiên Chúa tuy hẹp, nhưng luôn luôn rộng mở, và rộng mở cho tất cả mọi người! Thiên Chúa không thiên vị, mà Người luôn đón nhận mọi người, không phân biệt. Một khung cửa hẹp để giới hạn tính kiêu ngạo và nỗi sợ hãi của chúng ta, rộng mở bởi vì Thiên Chúa đón nhận chúng ta không phân biệt ai. Và sự cứu độ Người ban cho chúng ta là một luồng lòng thương xót không ngừng xô đổ mọi rào cản và mở ra những viễn cảnh kỳ dị của ánh sáng và bình an. Một khung cửa hẹp nhưng luôn luôn rộng mở, anh chị em đừng quên điều này: cửa hẹp nhưng luôn luôn rộng mở.

Một lần nữa, ngày hôm nay, Chúa Giêsu gửi cho chúng ta một lời mời gọi khẩn trương đi theo Người, để bước qua khung cửa của cuộc đời toàn vẹn, hòa giải và hạnh phúc. Người đợi chờ mỗi người chúng ta, bất kể chúng ta đã phạm tội gì - dù là tội gì đi chăng nữa - để ôm ấp chúng ta, để ban cho chúng ta sự tha thứ của Người. Chỉ có Người mới có thể biến đổi tâm hồn chúng ta, Chỉ có Người mới có thể ban cho cuộc đời chúng ta đầy đủ ý nghĩa, bằng cách ban cho chúng ta niềm vui đích thực. Khi bước vào qua cửa Chúa Giêsu, cửa của đức tin và của Giáo Hội, chúng ta sẽ có thể thoát khỏi những thái độ trần tục, những thói xấu, những kiêu căng và những khép kín. Khi có một sự tiếp xúc với tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, là có một sự thay đổi đích thực. Và cuộc đời chúng ta được soi sáng bởi ánh sáng của Chúa Thánh Linh: một ánh sáng không bao giờ tắt!
Tôi muốn có một đề nghị với anh chị em. Bây giờ, chúng ta hãy im lặng suy nghĩ trong giây lát, về những thứ mà chúng ta đang có và đang ngăn cản chúng ta bước qua khung cửa. Tính kiêu ngạo của tôi, tính tự mãn của tôi, tội lỗi của tôi. Và rồi chúng ta hãy nghĩ đến cánh cửa khác, cánh cửa rộng mở của lòng thương xót của Thiên Chúa đang đợi chờ chúng ta ở phía bên kia để ban cho chúng ta sự tha thứ. Chúng ta hãy nghĩ tới hai điều này ít phút trong thinh lặng.
Chúa ban cho chúng ta biết bao cơ hội để cứu độ chúng ta và bước vào qua khung cửa cứu độ. Cửa đó là cơ hội không được lãng phí: chúng ta không được có những lời lẽ kinh điển về cứu độ, như lời lẽ của kẻ nói với Chúa Giêsu, nhưng chúng ta phải chớp lấy những thời cơ cứu độ. Bởi vì ở một lúc nào đó "chủ nhà sẽ đứng dậy và khóa cửa lại" (c. 25), cũng như Phúc Âm đã nhắc nhở chúng ta. Nhưng nếu Thiên Chúa nhân lành và yêu thương chúng ta, tại sao Người còn đóng cửa, tại sao vào một lúc nào đó, Người sẽ đóng cửa? Bởi vì đời sống không phải là một trò chơi video, cũng không phải là một bộ phim tập trên truyền hình; cuộc đời chúng ta là nghiêm túc và mục đích phải đạt tới là quan trọng: đó là sự cứu độ đời đời.
Chúng ta hãy cầu nguyện Đức Trinh Nữ Maria, là Cửa Thiêng Đàng, xin Mẹ giúp đỡ chúng ta nắm lấy cơ hội mà Chúa đã ban cho chúng ta để bước qua ngưỡng cửa đức tin và như vậy, đi vào một con đường rộng: đó là con đường cứu độ có khả năng tiếp nhận tất cả những ai hiến mình vì tình yêu. Chính tình yêu cứu độ, tình yêu ngay ở trên thế gian đã là nguồn mạch của ân phúc cho tất cả những ai, trong sự êm ái, trong sự kiên nhẫn và trong công lý, quên đi chính mình và hiến thân cho những người khác, đặc biệt là những người yếu đuối nhất.
Bản dịch tiếng Pháp: Anne Kurian (Zenit)
Mạc Khải phỏng dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét