Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

Giáo lý ĐTC Phanxicô về Giáo Hội (tt) - thứ Tư 9.9.2015

Theo Phúc Âm, Giáo Hội phải đón mừng,
cởi mở, không phải một "viện bảo tàng"

Trong Bài giáo lý bằng tiếng Ý, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh "giao ước mấu chốt"
giữa gia đình và các giáo xứ. Bản dịch toàn văn.

Rôma – 09/9/2015 (ZENIT.org)

"Một Giáo Hội đích thực theo Phúc Âm chỉ có thể là hình thức của một ngôi nhà luôn luôn đón mừng, mở cửa. Các Giáo Hội, các giáo xứ, các cơ chế với cửa đóng then cài không thể gọi là Giáo Hội, phải gọi đó là những viện bảo tàng!", Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích.
Đức Giáo Hoàng đã xoáy Bài giáo lý bằng tiếng Ý của ngài hôm 09/9/2015, trên quảng trường Thánh Phêrô trước hàng chục ngàn người, trên chủ đề gia đình và giáo xứ, "cộng đoàn Kitô giáo".
A.B.
Bản dịch toàn văn Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Thân chào quý anh chị em!
Hôm nay, tôi muốn lưu ý chúng ta về mối quan hệ giữa gia đình và cộng đoàn Kitô giáo. Đây là một mối quan hệ, có thể nói là "tự nhiên", bởi vì Giáo Hội là một gia đình thiêng liêng và gia đình là một tiểu Giáo Hội (x. Lumen Gentium, 9).
Cộng đoàn Kitô giáo là một ngôi nhà của những ai tin vào Chúa Giêsu, là nguồn mạch tình huynh đệ giữa tất cả mọi người. Giáo Hội lữ hành giữa các dân tộc, trong lịch sử của con người nam nữ, của những người là cha, là mẹ, những người là con trai, con gái: lịch sử này chính là điều quan trọng đối với Chúa. Những biến cố lớn của các quyền lực thế gian được ghi chép trong sử sách, và vẫn còn đấy. Nhưng lịch sử những đau khổ của con người được trực tiếp ghi trong trái tim của Thiên Chúa; và đó là lịch sử sẽ còn mãi mãi đời đời. Chính đó là nơi của sự sống và của đức tin. Gia đình là nơi chúng ta khai tâm – không thay thế được, không xóa nhòa được – vào thiên lịch sử này. Vào thiên sử sự sống tràn đầy, sẽ dẫn đến sự chiêm ngắm Thiên Chúa đời đời trên Trời, nhưng nó khởi sự từ trong gia đình! Và gia đình, vì lý do này mà trở thành rất quan trọng.
Con của Thiên Chúa đã học lịch sử loài người bằng con đường này, và Người đã đi đến tận cùng (x. Dt 2, 18; 5, 8). Thật là đẹp khi quay lại nhìn ngắm Chúa Giêsu và những dấu chỉ của mối quan hệ này! Người sinh ra trong một gia đình và chính ở nơi đây Người đã "học biết thế giới": một cửa tiệm, bốn căn nhà, một ngôi làng nhỏ bé không ra gì. Và tuy thế, khi trải nghiệm 30 năm, Chúa Giêsu đã thấm nhuần kiếp sống nhân sinh, bằng cách đón nhận nó trong niềm hiệp thông với Chúa Cha và trong chính tông vụ của Người. Rồi, khi Người giã từ Nazareth và bắt đầu cuộc đời công cộng của Người, Chúa Giêsu đã hình thành chung quanh Người một cộng đoàn, một "hội đồng", nghĩa là một sự triệu tập nhiều người. Chính điều này là ý nghĩa của từ "Giáo Hội".

Trong các sách Phúc Âm, cộng đoàn của Chúa Giêsu mang hình dạng của một gia đình và của một gia đình đón mừng, chứ không phải là một giáo phái biệt lập, khép kín: ở đó chúng ta đã thấy thánh Phêrô và thánh Gioan, và ở đấy chúng ta cũng đã thấy những người đói ăn, khát uống, thấy những người khách lạ và kẻ bị bách hại, thấy người đàn bà tội lỗi và kẻ thâu thuế, những người Pharisêu và những đám đông. Và Chúa Giêsu không ngừng đón mừng và nói với tất cả mọi người, kể cả với kẻ đã không còn hy vọng gì gặp gỡ Thiên Chúa trong suốt đời mình. Đó là một bài học mạnh mẽ cho Giáo Hội! Chính các môn đệ cũng đã được chọn lựa để săn sóc cho cộng đoàn này, cho gia đình những tân khách của Thiên Chúa.
Để cho thực tế của cộng đoàn Chúa Giêsu này được sống động trong ngày hôm nay, cần phải làm sống dậy giao ước giữa gia đình và cộng đoàn Kitô giáo. Chúng ta có thể nói rằng gia đình và giáo xứ là hai nơi diễn ra sự hiệp thông tình yêu bắt nguồn tận cùng từ Thiên Chúa. Một Giáo Hội đích thực theo Phúc Âm chỉ có thể là hình thức của một ngôi nhà luôn luôn đón mừng, mở cửa. Các Giáo Hội, các giáo xứ, các cơ chế với cửa đóng then cài không thể gọi là Giáo Hội, phải gọi đó là những viện bảo tàng!
Và ngày hôm nay, đó là một giao ước mấu chốt. "Chống lại 'những trung tâm quyền lực' chủ thuyết, tài chánh và chính trị, chúng ta hãy đặt niềm hy vọng vào những trung tâm tình yêu, Phúc Âm hóa, giầu sự ấm áp con người, được xây dụng trên tình liên đới và tham gia" (Hội Đồng giáo Hoàng về Gia Đình, Các giáo huấn của Đức J.M Bergoglio - Đức Giáo Hoàng Phanxicô về gia đình và sự sống, 1999-2014, LEV, 2014, trang 189) và cũng trên sự tha thứ giữa chúng ta.
Ngày hôm nay, cấp thiết cần phải tăng cường mối quan hệ giữa gia đình và cộng đoàn Kitô giáo. Chắc chắn là phải có một đức tin rộng lượng để tìm lại óc thông minh và lòng can đảm để tái lập giao ước này. Các gia đình đôi khi lẩn tránh, nói rằng không đủ tầm vóc: "Thưa Cha, chúng con là một gia đình nhỏ bé, cũng đang lung lay", "chúng con không có khả năng", "chúng con đã có biết bao vấn đề ở nhà rồi", "chúng con không đủ sức". Đúng vậy. Nhưng không ai là xứng đáng, không ai là đủ tầm vóc, không ai là có sức! Không có ơn Chúa, chúng ta sẽ không làm được gì cả. Tất cả đều được ban cho chúng ta, ban miễn phí! Và Chúa không bao giờ đến một gia đình mới mà không có làm một phép lạ. Chúng ta hãy nhớ lại chuyện Người đã làm tại tiệc cưới thành Cana! Phải, nếu chúng ta phó thác mình trong tay Người, Chúa sẽ cho chúng ta làm phép lạ - nhưng là những phép lạ hàng ngày này! – khi Chúa ngự ở đó, trong gia đình đó.
Tự nhiên là, cộng đoàn Kitô giáo cũng phải tham gia. Thí dụ, tìm cách vượt qua những thái độ quá độc đoán và quá thực dụng, giúp cho việc đối thoại giữa con người với nhau và cho sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Mong rằng các gia đình chủ động và cảm thấy trách nhiệm mang lại những ơn phúc quý giá cho cộng đoàn. Tất cả chúng ta phải ý thức là đức tin Kitô giáo diễn ra trên địa bàn mở rộng của đời sống chia sẻ với mọi người, gia đình và giáo xứ phải hoàn thành phép lạ của một cuộc đời mang tính cộng đoàn hơn cho toàn thể xã hội.
Tại thành Cana, đã có Mẹ Chúa Giêsu, "người Mẹ chỉ bảo đường lành". Chúng ta cũng hãy nghe những lời của Mẹ: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo" (x. Ga 2, 5). Các gia đình thân mến, các cộng đoàn giáo xứ thân mến; chúng ta hãy để mình được người Mẹ này soi sáng, chúng ta hãy làm tất cả những điều Chúa Giêsu sẽ nói cho chúng ta và chúng ta sẽ đứng trước phép lạ, phép lạ của hàng ngày! Cảm ơn.
Bản dịch tiếng Pháp: Constance Roques (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt: Mạc Khải (ghxhcg.com)
(9 septembre 2015) © Innovative Media Inc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét