Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Huấn từ ĐTC Phanxicô ngày 28.09.16 - Hãy nhìn lên Thánh Giá


"Hãy nhìn lên Thánh Giá",
Đức Giáo Hoàng nói với những người đang đau khổ

Bài giáo lý ngày 28 tháng 9 năm 2016 (toàn văn)
Buổi triều kiến chung ngày 28/9/2016
"Với người đang bệnh liệt giường, với người đang sống giam cầm trong nhà tù, với những người bị bao vây trong chiến tranh, tôi nói: hãy nhìn lên Thánh Giá, Thiên Chúa ở cùng anh chị em, Người ở lại cùng anh chị em trên Thánh Giá và Người hiến mình cho mọi người như Đấng Cứu Thế, cho tất cả chúng ta. Với anh chị em đang chịu nhiều đau khổ, tôi nói: Chúa Giêsu bị đóng đinh vì anh chị em, vì chúng ta, vì tất cả mọi người". Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa ra thông điệp này trong Bài giáo lý hàng tuần của ngài, trên quảng trường Thánh Phêrô, ngày 28/9/2016.
Ngài đã khuyến khích: "Anh chị em hãy để sức mạnh Phúc Âm thẩm thấu con tim anh chị em và an ủi anh chị em, ban cho anh chị em niềm hy vọng và sự khẳng định thâm sâu rằng không ai là người bị loại ra khỏi sự tha thứ của Người".
"Chúa Giêsu đã cứu chúng ta khi ở trên Thánh Giá. Tất cả chúng ta đều biết rằng, không dễ gì "ở trên Thánh Giá", trên những cây Thánh Giá nhỏ bé hàng ngày của chúng ta. Người, trên cây Thánh Giá lớn, trong sự đau đớn tột độ, Người đã ở trên đó và từ trên đó, Người đã cứu chuộc chúng ta", Đức Giáo Hoàng nói tiếp trước đám đông đến Vatican để dự buổi triều kiến chung ngày thứ Tư. "Khi chịu chết trên cây Thánh Giá, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh, Người vô tội ở giữa hai tên tội đồ, Người chứng thực rằng sự cứu độ của Thiên Chúa có thể đến với bất cứ người nào, trong bất cứ tình trạng nào, kể cả tình trạng tiêu cực và đau thương nhất".
Cũng như thế, "Giáo Hội không chỉ dành cho những người tốt lành hay những người tỏ ra tốt lành hoặc nghĩ rằng mình tốt lành; Giáo Hội là dành cho tất cả mọi người, và còn chiếu cố nhiều đến những kẻ hung dữ, bởi vì Giáo Hội là lòng thương xót".
Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh một mâu thuẫn: người trộm lành, một người ăn trộm "đã trộm được nước trời", trở thành "mẫu mực của người Kitô hữu phó thác vào Chúa Giêsu". "Một kẻ tử tù lại là khuôn mẫu của chúng ta". Một khuôn mẫu mà tiếp theo đó, Đức Giáo Hoàng khuyến khích hãy thực hiện những lời nguyện ngắn "nhiều lần trong ngày": "Giêsu, Giêsu" chỉ thế thôi".   
AK
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Thân chào quý anh chị em!
Những lời Chúa Giêsu phán trong cuộc Thương Khó của Người đã đạt đến đỉnh cao của sự tha thứ. Chúa Giêsu tha thứ: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23, 34). Không phải chỉ là lời nói, vì những lời đó đã trở thành một hành động cụ thể trong sự tha thứ ban cho "người trộm lành" ở bên cạnh Người. Thánh Luca nói về hai tên gian phi bị đóng đinh cùng với Chúa Giêsu, họ nói với Người bằng hai thái độ trái ngược nhau.

Tên đầu chửi rủa Người, cũng như tất cả dân chúng chửi rủa Người, cũng như những thủ lãnh dân chúng, nhưng con người tội nghiệp này, bị thúc đẩy bởi sự thất vọng, nói rằng: "Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi và cứu cả chúng tôi với!" (Lc 23, 39). Lời kêu này chúng tỏ sự lo sợ của con người trước mầu nhiệm sự chết và lương tâm thảm khốc mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể là câu trả lời giải thoát. Vì thế, không thể nào tưởng tượng được rằng Đấng Mêsia, Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa, có thể ở trên cây Thánh Giá mà không làm gì để tự cứu mình. Và họ không hiểu điều đó. Họ không hiểu mầu nhiệm hiến tế của Chúa Giêsu. Và ngược lại, Chúa Giêsu đã cứu chuộc chúng ta khi ở trên Thánh Giá. Tất cả chúng ta đều biết, không dễ gì "ở trên cây Thánh Giá", trên những cây Thánh Giá nhỏ bé hàng ngày của chúng ta. Người, trên cây Thánh Giá lớn, trong sự đau đớn tột độ, Người đã ở trên đó và từ trên đó, Người đã cứu chuộc chúng ta: trên đó, Người đã tỏ ra cho chúng ta quyền phép toàn năng của Người và Người đã tha thứ cho chúng ta. Trên đó hoàn tất ơn tình yêu của Người và mãi mãi tuôn ra sự cứu độ cho chúng ta. Khi chịu chết trên cây Thánh Giá, Người vô tội ở giữa hai tên tội đồ, Người chứng thực rằng sự cứu độ của Thiên Chúa có thể đến với bất cứ người nào, trong bất cứ tình trạng nào, kể cả tình trạng tiêu cực và đau thương nhất. Sự cứu độ của Thiên Chúa dành cho mọi người, không loại trừ ai. Nó được hiến tặng cho mọi người. Vì thế Năm Thánh là một thời gian ơn phúc và lòng thương xót cho tất cả mọi người, tốt cũng như xấu, những người mạnh khỏe và những người bệnh hoạn. Anh chị em hãy nhớ dụ ngôn Chúa Giêsu kể về đám cưới con trai của một vị vua: khi khách mời không muốn đến dự, vua nói với các đầy tớ của mình: "Các người hãy đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời vào tiệc cưới" (Mt 22, 9). Tất cả chúng ta đều được kêu gọi, kẻ xấu, người tốt. Giáo Hội không chỉ dành cho những người tốt lành hay những người tỏ ra tốt lành hoặc nghĩ rằng mình tốt lành; Giáo Hội là dành cho tất cả mọi người, và còn chiếu cố nhiều đến những kẻ hung dữ, bởi vì Giáo Hội là lòng thương xót. Và thời gian ơn phúc và lòng thương xót này làm chúng ta nhớ lại rằng không có gì có thể phân tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô! (x. Rm 8, 39). Với người đang bệnh liệt giường, với người đang sống giam cầm trong nhà tù, với những người bị bao vây trong chiến tranh, tôi nói: hãy nhìn lên Thánh Giá, Thiên Chúa ở cùng anh chị em, Người ở lại cùng anh chị em trên Thánh Giá và Người hiến mình cho mọi người như Đấng Cứu Thế, cho tất cả chúng ta. Với anh chị em đang chịu nhiều đau khổ, tôi nói: Chúa Giêsu bị đóng đinh vì anh chị em, vì chúng ta, vì tất cả mọi người. Anh chị em hãy để sức mạnh Phúc Âm thẩm thấu con tim anh chị em và an ủi anh chị em, ban cho anh chị em niềm hy vọng và sự khẳng định thâm sâu rằng không ai là người bị loại ra khỏi sự tha thứ của Người. Nhưng anh chị em có thể hỏi tôi: Thưa Cha, kẻ suốt đời làm những chuyện kinh thiên động địa, liệu có được tha hay không? - Được, được! Không một ai bị loại ra khỏi sự tha thứ của Thiên Chúa. Người đó chỉ cần hối cải, chạy lại với Chúa Giêsu, và với uớc muốn được Người ôm vào lòng".
Đó là kẻ gian phi thứ nhất. Người kia là người được ta gọi là "kẻ trộm lành". Lời lẽ của anh ta là một khuôn mẫu tuyệt vời của sự hối cải, một bài giáo lý cô đọng để dạy cách cầu xin tha thứ với Chúa Giêsu. Trước hết, anh ta nói với người bạn đồng hành với anh ta: "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ!" (Lc 23, 40). Như thế, anh ta đưa ra điểm xuất phát của sự hối cải: kính sợ Thiên Chúa. Nhưng không phải sợ hãi Thiên Chúa, không; sự kính sợ Thiên Chúa như con cái kính sợ cha mình. Không phải là sự sợ hãi mà là sự kính trọng mới là bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa bởi vì Người là Thiên Chúa. Đó là sự kính trọng của con cái, vì Người là Cha. Người trộm lành nhắc nhớ thái độ căn bản mở ra với lòng tin tưởng vào Thiên Chúa: ý thức được tính toàn năng và lòng nhân hậu vô biên của Người. Chính cái sự kính trọng đầy tin tưởng đó đã giúp cho ta dọn một không gian cho Thiên Chúa và phó thác cho lòng thương xót của Người.
Rồi sau đó, người trộm lành truyên bố sự vô tội của Chúa Giêsu và công khai thú nhận lỗi lầm của mình: "Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái" (Lc 23, 41). Chúa Giêsu đang ở nơi đó, trên Thánh Giá, để ở cùng với những thủ phạm: qua sự gần gũi đó, Người hiến cho họ ơn cứu độ. Đây là điều điếm nhục cho những thủ lãnh và cho tên gian phi thứ nhất, cho những kẻ đang ở đó và đang chế nhạo Chúa Giêsu, điều đó, trái lại là nền tảng đức tin của anh ta. Và như thế người trộm lành trở thành chứng tá của ân sủng; điều không thể tưởng tượng nổi đã xẩy ra: Thiên Chúa đã thương yêu tôi đến độ chịu chết trên cây Thánh Giá vì tôi. Ngay đức tin của con người đó cũng là thành quả của ân sủng Đức Kitô: đôi mắt anh ta nhìn ngắm nơi Đấng Bị Đóng Đinh, tình yêu của Thiên Chúa đối với anh ta, một kẻ tội lỗi đáng thương. Thật thế, anh ta là kẻ trộm, đó là một tên trộm, suốt đời anh ta đã ăn trộm. Nhưng cuối cùng, xám hối những điều anh đã làm, nhìn lên Chúa Giêsu nhân lành và giầu lòng thương xót, anh ta đã ăn trộm được nước Trời: đúng là một kẻ trộm lành.
Sau cùng, người trộm lành đã thưa trực tiếp với Chúa Giêsu, cầu xin sự cứu giúp của Người: "Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi" (Lc 23, 42). Anh ta gọi Người bằng tên "Giêsu", với lòng tin tưởng, và anh ta tuyên xưng danh xưng này có nghĩa là "Chúa cứu độ": chính đó là ý nghĩa danh xưng của "Chúa Giêsu". Con người đó cầu xin Chúa Giêsu nhớ đến anh ta. Thật biết bao là êm ái trong câu nói này, biết bao là nhân bản! Đó là nhu cầu của con người để đừng bị bỏ rơi, nhu cầu được Thiên Chúa luôn gần gũi mình. Bằng cách đó một kẻ tử tội trở thành khuôn mẫu của người Kitô hữu phó thác cho Chúa Giêsu. Một kẻ tử tội là khuôn mẫu cho chúng ta, một khuôn mẫu cho một người, cho một Kitô hữu phó thác nơi Chúa Giêsu; và cũng là một khuôn mẫu của Giáo Hội vốn, trong phụng vụ, thường hay kêu cầu Chúa bằng cách nói rằng "Xin Chúa hãy nhớ… Xin Chúa hãy nhớ đến tình yêu thương của Chúa…"
Trong lúc người trộm lành nói ở thì tương lai "khi ông vào Nước của ông", câu trả lời của Chúa Giêsu không làm người ta phải chờ đợi; Người phán ở thì hiện tại: "Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng" (c. 43). Vào giờ Thánh Giá, sự cứu độ của Đức Kitô đạt tới đỉnh điểm; và lời hứa của Người với người trộm lành cho thấy sự hoàn tất sứ vụ của Người, nên biết là, cứu độ các tội nhân. Lúc khởi đầu sứ vụ của Người, trong hội đường Nazareth, Chúa Giêsu đã tuyên bố "những người bị giam cầm được tha" (Lc 4, 18); ở Giêrikhô, trong nhà người thâu thuế tội lỗi, Dakêu, Người đã tuyên bố rằng "Con Người – nghĩa là Người - đến để tìm và cứu những gì đã mất" (Lc 19, 9). Trên Thánh Giá, hành động sau cùng xác nhận sự thực hiện của thiên ý cứu độ này. Từ đầu cho tới cuối, Người đã tỏ ra có lòng thương xót, Người đã tỏ ra sự nhập thể vĩnh viễn và độc nhất tình yêu của Chúa Cha. Chúa Giêsu thực là khuôn mặt lòng thương xót của Chúa Cha. Và người trộm lành đã gọi Người bằng tên của Người, "Giêsu". Đó là một lời khẩn cầu ngắn gọn và tất cả chúng ta có thể thực hiện nhiều lần trong ngày : "Giêsu, Giêsu". Và xin anh chị em hãy cầu như thế suốt ngày. 
Bản dịch tiếng Pháp : Constance Roques (Zenit)
Mạc Khải dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét