Từ
Bỏ Mình
Năm
nay, Giáo hội Mẹ Việt Nam cũng như người Công giáo Việt Nam khắp nơi hân hoan mừng
kỷ niệm 25 năm Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong thánh cho 117 vị tử vì đạo
Việt Nam vào ngày 19 tháng 6 năm 1988. Việc phong thánh là biến cố lịch sử của Giáo
hội Công giáo Việt Nam, để mọi người đón nhận hồng ân Thiên Chúa, để mọi người
sống noi gương các vị tiền nhân anh dũng. Các Ngài đã sống và kết thúc cuộc đời
chứng nhân tuyệt vời cho chân lý tối thượng của tình yêu: “Tình yêu mạnh hơn sự
chết” và “Không có tình yêu nào cao quý cho bằng chết vì người mình yêu”.
Năm
2011, tôi đạt được một nguyện vọng là đến viếng Trung tâm hành hương các Thánh
Tử đạo Sở Kiện (Bắc Việt), nơi có Vương cung Thánh Đường, nơi có nhiều di tích
của các Thánh Tử đạo Việt Nam, và đặc biệt nơi đây lưu giữ nhiều hài cốt các
Ngài nhất. Vào phòng trưng bày Thánh tích, ngắm nhìn cụ thể các vật dụng tra tấn,
những vật dụng liên quan đến các Ngài, những hũ đựng đất nhuốm máu hồng tử đạo,
tôi không những cảm thấy hân hoan vui mừng về bài học đức tin, mà còn cảm thấy
sức sống mãnh liệt từ các Ngài truyền sang. Lúc đó Vương cung Thánh Đường đang
trong thời gian tu sửa toàn diện, chúng tôi được cùng dâng Thánh lễ trong ngôi
nhà nguyện nhỏ. Trên cao của gian cung thánh, một vòng tròn lớn có những lỗ để
117 hài cốt của các Thánh, tôi nhìn thấy đã kín gần hết.
Thánh
lễ hôm đó đã đem lại cho tôi rất nhiều cảm xúc, có cảm nhận rất gần gũi với
Chúa về tình yêu và sự quan phòng của Chúa; rất gần gũi với các Thánh Tử đạo,
như có các Ngài ngay bên cạnh. Các Ngài đã và đang là của lễ. Của lễ các Ngài kết
hợp mật thiết với của lễ chính Chúa Giêsu. Trong sự xúc động mạnh mẽ, tâm hồn
phấn chấn trong Chúa, lòng tôi cũng dấy lên ước vọng làm một của lễ với các
Ngài, với Thầy Chí Thánh để dâng lên Chúa Cha...
Ngày
phong thánh đến nay đã hai mươi lăm năm mà người ta gọi là mừng Ngân Khánh. Một
phần tư thế kỷ qua đi là thời gian khá dài, cần được kỷ niệm và cũng là dịp để
tôi học hỏi thêm, nhìn lại mình đã sống như thế nào và có thực đúng là người
tín hữu đã được nẩy sinh bởi máu tử đạo các ngài đổ ra hay không.
Trong
lúc hướng lòng các Thánh, tôi được đọc bài của Đức ông Vinh sơn Trần Ngọc Thụ,
cáo thỉnh viên Vụ Án Phong Thánh, tường thuật về các diễn tiến ngày ấy cũng như
lập lại một vài gương chứng nhân tuyệt vời của các Ngài. Tỷ như Thánh Giuse
Maria Diaz An (Sanjurjo), Giám mục Bùi Chu, bị trảm quyết tại Bảy Mẫu ngày
20/7/1857. Lời vị Thánh: “Tôi để lại món
tiền nho nhỏ 300 đồng này với lời thỉnh nguyện tha thiết là đừng chém tôi một
nhát, nhưng xin chém ba nhát. Nhát thứ nhất để cảm tạ Thiên Chúa đã tạo dựng
nên tôi và đã cho tôi phúc đến truyền đạo tại Bắc Việt. Nhát thứ hai để tỏ lòng
tri ân cha mẹ tôi vì công sinh thành dưỡng dục tôi. Nhát thứ ba tôi để lại như
một lời di chúc cho giáo dân (VN) của tôi. Đó là cầu cho họ được can đảm đón nhận
cái chết như vị chủ chăn của họ với hi vọng sẽ được cùng nhau hưởng phúc quang
vinh với các Thần Thánh trên trời”.
Nói
chung, đọc lại tiểu sử các Thánh Tử Đạo, ai nấy đều cảm phục đức tin kiên cường
của các Ngài. Vì trung thành với Chúa, các Ngài đã chịu thiệt thòi trong đời sống,
mất hết chức quyền danh vọng và nhất là phải chịu muôn ngàn khổ hình, chịu mất
mạng vì đức tin. Cũng là con người yếu đuối như như mọi người, nhưng các Ngài
đã biểu lộ đức tin với mức độ phi thường. Đức tin của các Ngài đã trở thành sắt
đá, gian lao cực khổ được coi nhẹ tựa lông hồng. Chỉ mới nghĩ đến và tưởng tượng
đến những khổ hình các Ngài phải chịu trong lao tù tôi đã rùng mình, thế mà
Thánh Giuse Maria Diaz An còn xin đổi 300 đồng với nguyện ước được chém ba
nhát! Điều đáng nói là nhát thứ ba Ngài chịu là một di chúc có phần cho tôi
ngày nay vẫn được thừa hưởng. Tôi thầm cầu nguyện để cái nhát thứ ba đau đớn
này sẽ trở nên nhiều lợi ích cho cuộc sống đức tin của mình.
Tôi
hiểu ơn đổ máu chết vì Đức tin là một ơn đặc biệt, không phải ai muốn cũng được,
nhất là nơi quốc gia tự do Úc Đại Lợi hiền hòa này. Tuy nhiên, tôi biết vẫn có
thể học theo gương tử đạo của các Ngài qua đời sống chứng tá Tin Mừng trong các
sinh hoạt và biến cố của cuộc sống. Nhiều người coi đây là một cuộc tử đạo liên
lỉ, là 'tử đạo trong cuộc sống'. Tôi muốn tìm hướng dẫn cụ thể của Lời Chúa.
Tạ
ơn Chúa, vì công việc, tôi đã có thói quen đọc và suy niệm Lời Chúa ngay từ đầu
tuần cho Thánh lễ cuối tuần sắp tới. Lời Chúa của Chúa Nhật 12 thường niên đã
xác định cho tôi con đường bước theo Thầy bằng chính con đường của Thầy, cũng
là con đường các Thánh Tử đạo Việt Nam đã đi: “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23).
'Từ
bỏ chính mình' có thể là quan niệm khó chấp nhận cho một số người. Ai sinh ra
trên trần gian này đều là một cá thể riêng biệt, độc đáo, không ai giống ai -
De Colores. Ai cũng muốn khẳng định tôi là tôi chứ không phải ai khác, 'mỗi người
một vẻ mười phân vẹn mười' để phong phú hóa đời sống xã hội, thì tại sao lại phải
từ bỏ đi! Nhưng với người môn đệ của Đức Giêsu thì khác, từ ngày lãnh nhận Bí
tích Rửa Tội, mọi người đều được mời gọi trở nên giống Đức Giêsu. Theo Chúa và
từ bỏ ý riêng không có nghĩa là đánh mất mình, nhưng lại được tất cả. Nói cách
khác, từ bỏ mình để tháp nhập vào Chúa là trở về với chính mình cách trọn vẹn
nhất, trở về với chính cội nguồn của mình.
Tôi
hiểu từ bỏ chính mình là từ bỏ những thứ cồng kềnh cản bước tôi trên con đường
hẹp. Tôi hiểu từ bỏ chính mình là từ bỏ cái tôi kiêu căng và nhiều tham vọng,
là nguồn gốc gây ra đủ mọi thứ tội. 'Bảy mối tội đầu' luôn hiện diện trong bản
thân, muốn lèo lái và lôi kéo tôi ra khỏi con đường. Đã biết bao lần tôi lỗi đức
yêu thương chỉ vì thành kiến, ghanh ghét, cố chấp bảo thủ... và cả những khi được
bao che bằng những luật lệ, cơ chế tổ chức. Tôi học được một điều, nếu kết quả
của sự việc đi ngược lại tình yêu thì đó thường không phải là ý Chúa, đó là dấu
hiệu của 'ý tôi'.
Cũng
như nhiều người, tôi thường rung cảm mỗi khi hát bài Kinh Hòa Bình, vì trong đó
có một lối sống đạo tích cực của người Kitô hữu: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu
thương vào nơi oán thù... ”, “Vì chính khi hiến thân là khi đuợc nhận lãnh.
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”.
Nói
đến quên mình, tôi hay nhớ đến các vị Truyền giáo trong mọi thời đại. Các vị đã
quên mình và từ bỏ tất cả để lên đường đáp lại lời mời gọi. Đi Truyền giáo thường
là đến những nơi sống khổ hơn, phải đối diện với biết bao khó khăn về ngôn ngữ,
về cách sống, về tình cảm và ngay cả mạng sống. Tôi ngưỡng phục lắm và coi các
vị đang tử đạo vì lý tưởng.
Gần
gũi hơn, tôi thấy cũng có nhiều vị tử đạo trong môi trường sống thường ngày. Họ
không chết nhưng đã ‘liều mất mạng sống’ vì Đức Kitô qua việc chu toàn những
trách vụ với tình yêu, qua việc bảo vệ sự sống, bảo vệ cho sự thật, cho công lý
hòa bình. Có biết bao nhiêu người trẻ đang từ bỏ niềm vui riêng để dâng hiến
cho trẻ em, người nghèo khổ, tàn tật và già cả...
Tôi
hiểu những người này không phải tự nhiên mà có đức tin như vậy và làm được những
công việc vĩ đại như thế. Họ đã có một quá trình cố gắng không ngừng, phải hy
sinh rất nhiều. Chẳng có thành công nào đến từ sự dễ dãi. “Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong vui sướng. Ai gieo trong nước mắt,
sẽ về giữa tiếng cười” và “Người đi
trong nước mắt, và người về trong câu ca, tay ôm bó lúa lòng mừng bao la”.
Tôi là người làm ruộng, nên rất hiểu làm sao để 'tay ôm bó lúa lòng mừng bao
la'.
Ngày
xưa nhiều người hàng xóm ganh tị, nói Chúa thương gia đình tôi hơn, đã ban cho
lúa trúng hơn. Chúa thương là điều chắc chắn, nhưng chẳng riêng gì gia đình tôi
mà là mọi người. Việc thu hoạch được nhiều lúa hơn là điều có thật, nhưng không
chỉ nhờ Chúa thương, mà còn do sự cộng tác tích cực của mẹ con tôi. Mẹ tôi vẫn
thường nói đừng bỏ phí dầu chỉ một khoảnh đất nhỏ, vì mỗi cây lúa dặm sẽ đẻ
thêm nhiều cây, rồi mỗi cây lúa có được nhiều hạt thóc. Tới thời điểm, chúng
tôi miệt mài ngoài ruộng để nhổ cỏ và dặm lúa. Mẹ con tôi thường trở về khi trời
bắt đầu tối, ngoài ruộng chẳng còn ai. Mùa dặm lúa là mùa mưa. Cái áo tơi chẳng
đủ để che, mưa ướt lạnh lẽo lắm. Các ngón tay nhăn nheo tê cứng, lưng mỏi;
nhưng tôi vẫn cố gắng làm theo mẹ, để rồi mấy tháng nữa sẽ hân hoan với cái cót
thóc thơm mùi lúa.
Tất
cả những điều trên đã trở nên những bài học cho tôi cố gắng kiên trì với sự
quên mình cho những đích điểm tốt đẹp. Gương cần cù và cố gắng của mẹ giúp tôi
quên đi những tiện nghi sung sướng. Thật sự những khi dặm lúa trong mưa tôi hay
bị cám dỗ muốn bỏ cuộc và nghĩ đến việc về nhà thay quần áo, leo lên giường đắp
chăn đọc truyện thì thú vị vô cùng.
Trong
cuộc sống tiện nghi hiện đại, tôi cũng phải cố gắng đấu tranh với chính mình
khi được các các Thánh Tử Đạo mời gọi 'tử đạo trong cuộc sống', tham gia vào với
đoàn chiến sĩ 'bơi ngược dòng' trước trào lưu xã hội bị ảnh hưởng bởi nền văn
minh sự chết. Gương anh dũng của các Ngài như một khích lệ “Đừng sợ! Hãy can đảm!
Hãy tiến lên! Ultreya! ”
Với
sự yếu đuối, tôi hiểu kiên trì theo lý tưởng là sự khó khăn. Tôi tạ ơn Chúa vì
có nhiều trợ giúp, một nguồn trợ giúp hữu hiệu và thích hợp với tôi là Cursillo
và những bạn hữu qua sự chia sẻ.
Tôi ghi nhận rằng chủ
điểm của Phong trào vừa là sự hoán cải để cá nhân mỗi ngày một thăng tiến hơn,
vừa là một hình thức phúc âm hóa đa dạng, đôi khi còn táo bạo ở giữa các môi
trường.
Tôi không quên rằng
Phong trào Cursillo hình thành là để phúc âm hóa thế gian, và rằng nhiệm vụ
phúc âm hóa này khởi sự từ chính bản thân tôi.
Tôi không ngừng tự phúc âm hóa con tim mình, tự
hoán cải mình: đó là công việc của suốt một cuộc đời. Tôi cố gắng không ngừng “kích
động” bản thân lòng khao khát Thiên Chúa, hơn là chỉ đơn giản cho mình “no thỏa”
(Sinh Khí Đời Tôi - Raymond Barbe).
Tạ
ơn Chúa và các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã là động lực giúp tôi 'vác thập giá mình
hằng ngày' ngay lúc này, lúc mà cái lạnh vùng nam bán cầu đang làm tôi 'đau nhức
khắp cả và mình' cùng những khó khăn và bất tiện khác.
Tạ
ơn Chúa và các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã cho tôi những bài học quý giá để trau dồi
Đức tin, làm thăng hoa cuộc sống mỗi ngày cho chính cá nhân tôi và góp phần xây
dựng xã hội tươi đẹp hơn, để được như Đức cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận đã chỉ
dẫn trong sách Đường Hy Vọng: “Con muốn sống
giây phút hiện tại cho tràn đầy tình thương. Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn
chấm làm thành đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một
đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ
thánh”.
Tom
(Tam nhật mừng Ngân
Khánh CTTĐVN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét