Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Thánh Phaolô - 29.06

PHAOLÔ - VỊ TÔNG ĐỒ VĨ ĐẠI


"Vì tôi là người hèn mọn nhất trong các Tông Đồ, và tôi cũng không đáng gọi là Tông Đồ nữa, bởi tôi đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa." (1 Cr 15,9)

Trước khi trở lại, đối với Phaolô, Tin Mừng về Đức Kitô quả là một chuyện vô lý nhất, chưa từng nghe nói đến bao giờ. Làm thế nào mà một người có lý trí như Phaolô lại có thể tin được? Ông không thể chấp nhận. Nhảm nhí, vô lý. Ông không phải là một người ngu. Ông đã từng nghe nói đến nhiều tà thuyết. Ông đã từng là một môn sinh ở trường Kinh Thánh. Thầy của ông đã chẳng là những vị giáo sư hiểu biết tiếng tăm nhất đó sao? Thầy Pharisêu Gamalen chẳng hạn.

Phaolô đã từng học cách phân biệt phải trái, điều hợp lý với điều vô lý, điều tin được với điều không thể tin được. Ông cũng đã biết nhiều về thần thoại Hy Lạp, nhưng đấy chỉ là thần thoại kia mà... Không một người học thức nào lại không biết Zeus, Apollo: đó chỉ là những nhân vật tưởng tượng. Mặt khác Aristote, Socrate là những vĩ nhân nhưng họ chỉ là con người mà thôi...
Thế còn câu chuyện điên đầu về Giêsu Nazareth Các người thất học ấy muốn gì đây?
Không ai phủ nhận Giê-su Nazareth là một người có thật. Ông ta sinh ra ở Bêlem và lớn lên ở Nazareth: ai cũng biết. Đầu tiên, Giêsu lôi cuốn đám đông, chữa bệnh và làm một vài chuyện lạ... Phaolô đã từng nghe nói như thế và ông không nghi ngờ gì cả. Bạn của ông trong Hội Đồng đã chứng kiến Giêsu làm phép lạ.
Dù sao thì Giêsu cũng không xuất thân từ một trường Kinh Thánh, ông ta chỉ là một người rao giảng nay đây, mai đó, với một lập trường riêng tư. Phaolô có được nghe kể lại về những bài giảng của Giêsu, Phaolô công nhận rằng Giêsu có kiến thức, hiểu biết sâu rộng. Dĩ nhiên những điều Giêsu nói đều có liên quan đến lề luật. Vâng, Giêsu biết rõ về Môsê, về các tiên tri. Giêsu có một lối nhìn vấn đề thật độc đáo và có uy quyền. Nhưng, chỉ có thế thôi...
Tuy nhiên, khi Giêsu bắt đầu gây rối, ông ta la lối, xua đuổi mọi người trong Đền Thờ thì ông ta đã đi quá xa rồi. Ông ta lấy quyền gì? Ai cho phép ông ta?
Dĩ nhiên, Caipha có lý khi đã xử tử ông ta. Phải công nhận rằng tử hình bằng thập giá thì hơi nặng tay đấy, nhưng Giêsu cứ tưởng mình là ai mới được chứ?...
Rồi, bây giờ xảy ra cái tin động trời là Giêsu đã sống lại. Môn đệ của ông ta loan báo rằng ông ta đã chết và đã sống lại. Có một tí gì hữu lý không chứ ? Lẽ dĩ nhiên, là Biệt Phái, Phaolô tin rằng người ta sẽ sống lại nhưng vào ngày tận thế kia chứ. Bụt thần thì có nhiều, nhưng Thiên Chúa của dân Do Thái thì chỉ có một. Phaolô nhớ sách Đệ Nhị Luật: "Ítraen, này nghe đây, Chúa là Thiên Chúa, Chúa chúng ta là một Thiên Chúa duy nhất” (Đnl 6,4).
Còn Giêsu, ông ta chỉ là một người thợ mộc Do Thái, một người hiền lành, có uy quyền khi rao giảng. Ông ta có thể là một Ngôn Sứ là quá lắm rồi. Nhưng Giêsu cũng lại là một người gây rối.
Thật ra ông không phải là một người Do Thái đàng hoàng.
Ông ta cố tình không giữ việc kiêng cữ trong ngày Hưu Lễ.
Ông ta ít đến Nhà Thờ trong những năm cuối cùng,
Ông ta tự cho phép tha tội cho những loại người bất xứng,
Ông ta lại còn làm loạn trong Đền Thờ Giêrusalem.
Không, đó không phải là lối sống của một người Do Thái đứng đắn!

Với tư cách là người có học, một người Pharisêu mộ đạo, Phaolô tự hứa phải ra tay tiêu diệt bọn tà đạo này. Phaolô không thể chấp nhận cứ như thế mãi được. Ông sẽ hành động để làm vinh danh Thiên Chúa của Ítraen, Thiên Chúa chính danh và hằng sống, Thiên Chúa duy nhất và hay ghen. Phaolô cương quyết đi đến nơi nào có tín hữu của Giêsu. Ông sẽ đưa họ ra nơi công nghị đối đáp với ông để xem họ sai lầm đến mức độ nào. Và nếu cần thì có thể giết họ luôn. Giết vài trăm người để cho đạo Ítraen đứng vững thì cũng là một điều đáng làm.
Có một người đáng thương bị nhóm môn đệ Giêsu lung lạc dụ dỗ đến nỗi bị kết tội và đem ra ném đá cho chết. Phaolô đã chứng kiến rất rõ và ông còn giữ áo cho họ rảnh tay ném đá. Nạn nhân ấy tên là Têphanô. Anh ta muốn giảng cho họ, cho giới Pharisêu, về lịch sử Do Thái.
Anh ta còn cả gan buộc tội họ: "Quân cứng cổ, lòng đá, tai điếc, các ngươi luôn đối nghịch với Thánh Thần. Cha ông các ngươi thế nào thì các ngươi cũng vậy, có tiên tri nào mà cha ông các ngươi không bắt bớ? Họ đã giết các người tiên báo về việc giáng thế của Đấng Công Chính. Và nay, các ngươi đã nộp và giết chết Người.." (Cv 7,51– 53)
Như thế là quá lắm rồi! Tất cả bọn họ nghiến răng hăm dọa.
Nhưng Têphanô còn nói lời lộng ngôn này nữa:
"Tôi thấy Con Loài Người ngự đến bên hữu Thiên Chúa" (Cv 7, 56)
Nói như thế thì tha làm sao được!
Họ bèn lôi Têphanô ra ngoài thành mà ném đá.
Phaolô đi theo, Phaolô đứng nhìn và đồng tình...
Giờ đây, ông đang trên đường đi Đamát,
Ông vừa nhận lệnh từ Giêrusalem
và hăng say vượt 250 cây số đến Đamát,
Ông mong muốn lôi ngay bọn tà đạo về Giêrusalem...
Giêsu là Đấng Thiên Sai,
Giêsu sống lại từ cõi chết, Giêsu ngự bên hữu Thiên Chúa v.v...
Bọn tà đạo lại còn trích dẫn Kinh Thánh để chứng minh nữa chứ:
“Người sẽ không thí bỏ hồn tôi nơi âm phủ, và không để Đấng Thánh của Người phải thấy mục nát" (Cv 2, 27, trích dẫn Tv 16, 10). Đó, bọn tà đạo đã dám áp dụng câu ấy cho Giêsu. Đúng là bọn gian tà thì cái gì cũng gian được... Thế rồi, bỗng dưng một luồng ánh sáng bao phủ lấy Phaolô, làm ông ngã ngựa.
Ông không còn thấy gì nữa. Rồi ông nghe có tiếng gọi ông: "Saolê, Saolê, sao ngươi lại bắt bớ Ta?" Phaolô hỏi lại: "Thưa Ngài, Ngài là ai?" Tiếng nói lại âm vang: "Ta là Giêsu mà ngươi đang bách hại. Song, ngươi hãy chỗi dậy mà vào thành, ở đó người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì..." (Cv 9, 5 – 8).

Phaolô đứng dậy, ông chớp mắt mà vẫn không thấy gì.
Ông được đưa về Đamát...
Ba ngày tròn, ông như kẻ bị mù,
Ba ngày tròn ông sống lại giây phút lạ lùng vừa qua,
Ba ngày tròn, ông trở lại hồi tưởng điều ông đã gặp.
Ánh sáng ấy mạnh mẽ đến nỗi ông trở nên mù lòa...
Bây giờ thì ông đã thấy, đã gặp Đức Giêsu.
Đây là một sự kiện:
Người đã sống lại thật rồi.
Người thật là Đấng Thiên Sai,
Người là Đấng Phục Sinh.
Người đã lên Trời ngự bên hữu Thiên Chúa...
Điều này là một mầu nhiệm đến phi lý.
Nhưng, sự thật đúng là như vậy.
Têphanô đã nói thật mà Phaolô lại điếc,
Têphanô quả là không điên khùng chút nào cả.
Phaolô giờ đây mới ân hận làm sao,
Chính Phaolô cũng đã thấy Con-Loài-Người kia thật tỏ tường,
Đây là sự thật không thể chối cãi...


Ba ngày sau, có một người Do Thái thuộc cộng đoàn mới đã đến gõ cửa và bảo: "Saolê, người anh em, anh hãy nhìn thấy lại.” Thế là phép lạ đã xảy ra, Phaolô lại được thấy. Ông nhìn quanh ngỡ ngàng. Người Do Thái ấy tên là Anania, ông ta nói tiếp: "Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã tiền định cho anh biết Thánh Ý Người và được thấy Đấng Công Chính và nghe tiếng xuất từ miệng Người, vì anh sẽ làm chứng tá cho Người trước mặt mọi người về các điều anh đã thấy và đã nghe" (Cv 13,15). Và Phaolô đã chịu phép rửa bởi tay Anania. Phaolô đã ghi khắc lời Anania để sau này, trong hầu hết các lá thư của mình, ông đều nhắc lại: "Phaolô, Tông Đồ của Đức Giêsu Kitô, bởi Ý Định của Thiên Chúa”.
Phaolô khởi đầu lá thư nào cũng bằng câu nói ấy.
Ông thực hành lời Anania.
Ông đi làm chúng tá ngay tại Đamát.
Đamát là thành phố nơi ông định đến để tiêu diệt Đạo Chúa,
giờ đây, lại chính là nơi ông khởi công rao giảng đầu tiên.
Đây cũng là một bài học cho mỗi một chúng ta. Nếu chúng ta muốn trở nên một môn đệ nhiệt thành, chúng ta phải theo con đường Phaolô. Chúng ta phải trực tiếp cảm nhận Thiên Chúa, gặp gỡ Thiên Chúa. Nhưng chúng ta cũng phải thi hành mệnh lệnh rõ ràng của Người qua môi miệng các vị đại diện của Người. Đó là mầu nhiệm Hội Thánh. Thiên Chúa đã hiện ra, đã gặp gỡ Phaolô, nhưng mệnh lệnh của Người vẫn được trao qua một người đại diện là Anania...
Phaolô rao giảng và làm chứng tại Đamát nhưng ông chỉ gây được sự ngạc nhiên chưng hửng nơi những người đến nghe. Ông hết sức tích cực nhưng không giúp đỡ thiết thực được cho ai.
Không ai nghe lời ông,
Không ai chấp nhận được niềm tin của ông.
Công trình của Thiên Chúa qua ông vẫn còn trở ngại.
Nếu Giuđa không một sớm một chiều mà đi đến việc phản bội Chúa, thì Phaolô cũng không thể một sớm một chiều trở thành vị Tông Đồ hữu hiệu. Nguồn ánh sáng trong ông và sự bất lực của chính mình làm ông suy nghĩ. Ông cần thời gian để tĩnh tâm, học hỏi và cầu nguyện. Thế là ông rời bỏ Đamát để sang vùng Ảrập mà sống trong thanh vắng. Thầy của ông đã chuẩn bị 30 năm thì ông cũng phải chuẩn bị 3 năm (Gl 1,17)
Ba năm trời Phaolô nghiền ngẫm Thánh Kinh, đối chiếu trực tiếp với Thần Khí Chúa để hiểu rõ Tin Mừng. Phaolô gọi Phúc Âm của Chúa là Phúc Âm của mình. Và ba năm trời đã cho ông có được tâm tình của Chúa Kitô, đã đồng hóa ông với Đức Kitô đến nỗi ông phải tuyên bố: "Không phải tôi sống nhưng là chính Chúa Kitô sống trong tôi..." (Gl 2, 20)
Và suốt ba năm, trong bóng tối và thinh lặng, Phaolô đã làm một điều duy nhất là: "Quên phía sau mà lao mình tới phía trước, tôi nhắm đích mà chạy đến giải thưởng của ơn kêu gọi từ trên cao Thiên Chúa đã ban bố trong Đức Giêsu Kitô." (Pl 3, 13 – 14)
Chúa Giêsu chuẩn bị 30 năm. Phaolô chuẩn bị 3 năm! Còn chúng ta? Trước khi hành động, chúng ta rút vào bóng tối và thinh lặng bao lâu? 3 tháng? 3 tuần? 3 ngày? hay 3 giờ?
Sau 3 năm chuẩn bị, Phaolô lao mình tới phía trước, Ông bỏ Ảrập, về lại Đamát. Giờ đây, ông đã chín chắn, đã có Chúa, đã hữu hiệu.
Chắc chắn ở Đamát, người ta không ngạc nhiên, chưng hửng. Người ta bàn kế bắt giết ông!
Ông được chuyển qua tường thành mà thoát chết.
Ông về Giêrusalem định liên lạc với các môn đệ Chúa, nhưng các ông này vẫn còn e ngại Phaolô, họ không tin Phaolô đã thực sự là Tông Đồ của Chúa (Cv 9,20)
Đấy, suy tư, cầu nguyện 3 năm trời, để rồi bước ra
gặp đối phương là suýt bị giết, gặp anh em thì lại bị nghi ngờ...
Đó là cái giá phải trả. Và chính cái giá phải trả ấy mà Phaolô biết mình đi đúng đường:
Con đường của Đức Kitô
chưa bao giờ là một con đường thoải mái thênh thang...
Cuối cùng rồi Phaolô cũng được chấp nhận,
Phaolô được nghe thuật lại tường tận
về cuộc sống, về cái chết, và về sự sống lại của Đức Kitô.
Đủ hành trang, lý trí, đủ hành trang kiến thức,
Đủ hành trang tâm tình, Phaolô lên đường...
Ở đâu có thể đến là Phaolô đến,
Ở đâu có người cần biết Tin Mừng là có Phaolô:
An-ti-ô-khi-a, Xi-pri-ô, Lít-tra, Đéc-bê, Troa, Phi-líp,
A-thê-na, Thê-xa-lô-ni-ka, Cô-rin-tô, Ê-phê-xô,
trở lại Giêrusalem, lên đường đi Rôma...
Người Do Thái, Hy Lạp, Rôma, người ngoại giáo, người tự do, kẻ nô lệ,
Ai ai cũng được ông đem Tin Mừng đến...
Sau không đầy một thế hệ, một biến cố nhỏ ở miền Giuđê, mà một vài sử gia ghi lại vài hàng, đã trở nên đề tài tranh luận khắp Đế quốc Rôma.
Đấy là một cuộc cách mạng,
một cuộc cách mạng không đổ máu, mà nếu máu có đổ
thì chỉ là máu của những người làm cách mạng.
Đây không phải là cách mạng
bằng Gươm Giáo nhưng là bằng truyền giáo,
không phải bằng Sức Mạnh nhưng bằng Say Mê,
không phải bằng Vũ Lực nhưng bằng Vâng Lời Thánh Ý Chúa.
Cũng không phải một cuộc cách mạng trí thức,
cũng không phải để đưa ra những tư tưởng mới,
một ý thức hệ mới, một triết thuyết mới hay một nếp sống mới.
Xét cho cùng, cũng không phải là một cuộc cách mạng nữa...
Chỉ vỏn vẹn là Tin Mừng...
Ôi, mà một Tin đáng Mừng làm sao: Thiên Chúa đã đến qua Đức Giêsu, Người đã đến trên hành tinh này, Người là Đấng Thiên Sai đã được hứa hẹn từ bao thế kỷ, Người là Sự Sống và là Sự Sống Lại...
Đây là một biến cố hàng đầu trên mọi biến cố.
Người đón nhận cái chết vì nết ăn thói ở của chúng ta,
Người đã từ trong cõi chết mà sống lại,
Người đã thắng được cái chết:
"Vì sự chết đã đến do một người thì sự sống lại cũng do một người mà đến" (1 Cr 15,21)
Vậy là Phaolô đã hoàn toàn thay đổi.
Không ai gặp ông mà có thể quên được ông và Đức Tin của ông,
Chính Đức Tin này đã làm ông thay đổi.
Chân lý sống động của Đức Kitô là chân lý của ông.
Đức Kitô chính là cốt lỏi của Tin Mừng ông loan báo:
"Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh" (1 Cr 1,23)
Đối với Phaolô, Đức-Ki-tô-chịu-đóng-đinh cũng chính là Đức-Ki-tô-Phục-Sinh
Phaolô không bao giờ tách rời Thập Giá khỏi Phục Sinh...
Đối với Phaolô, Kitô giáo là điểm hội tụ của mọi nghịch lý, tất cả chỉ là một: Đau Khổ và Vinh Quang, Sự Chết và Sự Sống, Yếu Hèn và Sức Mạnh, Bé Mọn và Vĩ Đại, Đức Ki-tô Chịu Đóng Đinh và Đức Kitô Phục Sinh...
"Nếu Đức Kitô đã không sống lại thì lời rao giảng của chúng tôi quả thật là hư không... Và việc anh em tin cũng là hư không... Nếu Đức Kitô không sống lại thì việc anh em tin cũng hão huyền... Nếu ta đặt mối hy vọng vào Đức Kitô vỏn vẹn lúc sinh thời này thôi thì ta quả là kẻ khốn nạn nhất trong toàn thiên hạ..." ( 1 Cr 15, 14.17.19 )
Làm sao có thể nói hết về Phaolô, hơn một nửa cuốn sách Tông Đồ Công Vụ đã nói về ông, 14 Thánh Thư do ông viết chiếm 85% số Thánh Thư trong Tân Ước, chừng đó quá đủ để nói lên tầm mức vĩ đại của Phao-lô.
Phaolô là người mở mang Nước Chúa nhiều nhất,
Phaolô là người có Đức Tin nóng bỏng, Đức Ái ngọt lịm, Đức Cậy sáng ngời.
Phaolô là người đặt nền tảng Giáo Lý Giáo Hội,
Phaolô là người không để kẻ khác ngủ yên.
Phaolô đi đến đâu là ở đó có phản ứng mạnh,
Phaolô bị bắt bớ, hành hạ, cầm tù, săn đuổi, ném đá,
Phaolô bị đánh đập, lăng nhục, chửi bới, xích xiềng...
Dường như ngay cả thiên nhiên cũng muốn chống lại ông: Ba lần Phaolô bị đắm tàu... Câu chuyện về Phaolô là một chuyện ly kỳ. Không có một thành phố nào Phaolô đặt chân đến mà vẫn còn như cũ. Dĩ nhiên, không phải mọi người ở đó đều trở thành Ki-tô hữu, chỉ có một nhóm nhỏ, thật nhỏ thôi,
Nhưng vấn đề được đặt ra rất rõ ràng: Hoặc là Tin Đức Kitô hoặc là chối bỏ Người. Đức Kitô hoặc là Đường hoặc là một trở ngại... Không có ai nghe Phaolô xong mà lại có thể dửng dưng, hoặc nhiệt thành đứng về phía ông, hoặc la ó chống lại ông. Không có Nếu, không có Và, không có Nhưng, chỉ có Hoặc mà thôi.
Quả thật, Phaolô là người đã làm đảo lộn thế giới.
Tin Mừng ông loan báo gây tranh chấp trong đời sống mỗi người.
Nhưng, có thật là Phaolô làm đảo lộn thế giới chăng?
Thế giới ở thời đại của Phaolô (Thế kỷ thứ 1) đã chẳng là một thế giới đảo lộn rồi đó sao? Chính Phaolô là người dựng lại cái thế giới bị đảo lộn ấy. Trước đó, thế giới nội tâm đảo lộn của Phaolô đã được Chúa dựng lại và Phaolô đã tiếp tay dựng lại toàn bộ thế giới chung quanh mình. Những gì xảy ra ở thế kỷ thứ 1 cũng sẽ diễn ra như vậy ở thế kỷ 20 này, nếu chúng ta chấp nhận theo chân Phaolô để cho Chúa chiếm hữu.
Những ngày cuối đời, dù cho phải đi tù hết nơi này đến nơi nọ để rồi tử đạo tại Rôma, Phaolô vẫn lạc quan, vui tươi, trong sáng, tin tưởng... Vì sao lại được như vậy? Phaolô đã thấy đêm tối, nhưng cũng đã thấy ánh sáng. Phaolô cảm được sự yếu hèn của con người, nhưng cũng có kinh nghiệm về hồng ân của Chúa. Phaolô sống với cái chết, nhưng ông để cho sự sống đích thực tỏa chiếu trên mình.
"Mọi thời và khắp nơi, chúng tôi mang trong mình cuộc tử nạn của Đức Kitô, ngõ hầu Sự Sống của Đức Kitô được tỏ hiện nơi chúng tôi...Tôi cũng đã cùng chịu đóng đinh Thập Giá với Đức Kitô. Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, nhưng chính Đức Kitô sống trong tôi. Đời sống của tôi lúc này ở trong thân xác, tôi sống nó trong lòng tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và đã phó nộp mình vì tôi... Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một thắng lợi... vì tôi không muốn biết gì nữa ngoài Đức Kitô bị đóng đinh trên Thập Giá..."  (2 Cr 4, 10; Gl 2, 20; Pl 1, 21; 1 Cr 2, 2)
Và quả thật, Tông Đồ Phaolô đã đem đời sống và cái chết của mình làm chứng điều ông nói. Theo truyền thống lưu lại thì Phaolô bị chém đầu ở ngoại thành Rôma, nơi có ngôi thánh đường Phaolô hiện tại. Tiến trình của cuộc sống muôn màu của Phaolô mãi mãi vẫn thốt lên lời tuyên tín như một bài ca khải hoàn:
"Về phần tôi, tôi đã được dùng làm rượu tế lễ, giờ ra đi của tôi đã gần đến. Tôi đã chiến đấu trong một cuộc sống chính nghĩa, tôi đã chạy đến cuối đường, tôi đã giữ vững lòng tin... Tôi xác quyết rằng những đau khổ đời này không đáng gì so với vinh quang sẽ được thể hiện trên ta trong tương lai. Tạo vật hằng khẩn thiết chờ trông con cái Chúa được tuyên dương... Thiên Chúa đã không tha cho Con của Người nhưng đã phó nộp Ngàii vì chúng ta hết thảy, làm sao Người lại không gia ân vạn sự cho ta làm một với Ngài?
Ai có thể tách chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, bĩ cực, bắt bớ, đói khát, trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo ư? Vì tôi thâm tín rằng dù sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, hay quyền năng, dù chiều cao hay chiều sâu, hay bất cứ tạo vật nào khác,

Không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi Tình Yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta...” (2 Tm 4, 6 – 8; Rm 8, 18 – 20 . 32 . 35 . 38 . 39)
(trích 13 Người đã thay đổi thế giới)

1 nhận xét: