Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

Huấn từ ĐTC Phanxicô - Hội nghị khoáng đại HĐGH về Văn Hóa 7.2.2015

Dành không gian và trách nhiệm nhiều hơn
cho phụ nữ trong Giáo Hội

Hội nghị khoáng đại Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa (toàn văn)

Rôma – 08/02/2015 (Zenit.org)

Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi "hãy cống hiến không gian cho phụ nữ trong đời sống của Giáo Hội": "cần phải có một sự hiện diện rộng rãi và sắc bén hơn của phụ nữ trong các cộng đoàn", "trong những trách nhiệm mục vụ, trong việc đồng hành với người ta, với các gia đình, các nhóm, cũng như trong việc nghiên cứu thần học".
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp kiến các thành viên tham dự Hội Nghị Khoáng Đại của Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa, được tổ chức từ ngày 04 đến ngày 07/02/2015 với chủ đề "Phụ nữ và văn hóa: giữa bình đẳng và khác biệt" ngày hôm 07/02/2015 mới đây tại Vatican.
Ngài đã đặc biệt khuyến khích hãy "nghiên cứu các phương thức mới để phụ nữ không có cảm tưởng là những người ở trọ, mà là những người can dự đầy đủ trong đời sống xã hội và đời sống Giáo Hội": "một thách đố mà người ta không còn có thể chần chờ được nữa" bởi vì "Giáo Hội là phụ nữ, là "bà" Mẹ Giáo Hội, danh từ giống cái, chứ không phải là ông Giáo Hội".
Diễn văn bế mạc của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Anh chị em thân mến,
Tôi vui mừng đón tiếp anh chị em trong ngày bế mạc Hội Nghị khoáng đại trong đó anh chị em đã dấn thân trong việc nghiên cứu về đề tài về phụ nữ và đề tài về văn hóa: bình đẳng và khác biệt. Tôi cảm ơn Đức Hồng Y Ravasi vì những lời ngài thay mặt tất cả các anh chị em nói với tôi. Tôi muốn đặc biệt bầy tỏ lòng biết ơn của tôi với các phụ nữ hiện diện, và cả với tất cả những chị em - rất đông đảo – đang đóng góp bằng nhiều cách vào sự chuẩn bị và thực hiện công việc này.
Tôi rất tha thiết với chủ đề mà anh chị em đã chọn, trong nhiều dịp tôi cũng đã nêu vấn đề này và mời gọi đào sâu suy nghĩ. Cần phải nghiên cứu những tiêu chuẩn, những phương thức mới mẻ để cho phụ nữ không có cảm tưởng là ở trọ, mà là những người can dự đầy đủ trong đời sống xã hội và đời sống Giáo Hội. Giáo Hội là phụ nữ, là "bà" Mẹ Giáo Hội, danh từ giống cái, chứ không phải là ông Giáo Hội. Đây là một thách đố không thể chần chờ được nữa. Tôi đã nói với các vị chủ chăn các cộng đoàn Kitô giáo, đại diện Giáo Hội hoàn vũ, và cũng nói với cả các nam nữ tín hữu giáo dân dấn thân dưới nhiều dạng thức vào văn hóa, giáo dục, kinh tế, chính trị, trong thế giới của người lao động, trong các gia đình và những cơ chế tu trì.
Thứ tự các chủ đề mà anh chị em đã đưa vào chương trình triển khai trong những ngày họp vừa qua – công việc còn tiếp diễn trong tương lai – đã giúp tôi chỉ ra cho anh chị em một lộ trình, để cống hiến cho anh chị em môt vài nét hành xử chính để phát triển một công việc tương tự trên thế giới, ở giữa tất cả các nền văn hóa, trong việc đối thoại với những người thuộc các tôn giáo khác nhau.

Chủ đề chính là: Giữa sự bình đẳng và những khác biệt: đi tìm một thế cân bằng. Nhưng một thế cân bằng phải là hài hòa, chứ không chỉ là cân bằng. Khía cạnh này không thể mang tính đối chọi chủ thuyết, bởi vì "lăng kính" chủ thuyết thường cản trở việc thấy rõ chân lý. Sự bình đẳng và khác biệt của phụ nữ - cũng như của nam giới - sẽ được thấy rõ hơn trong viễn cảnh của chữ "cùng với", của quan hệ, hơn là với viễn cảnh của chữ "đối chọi". Từ lâu, ít là trong các xã hội tây phương, chúng ta đã quay lưng lại với mô thức người phụ nữ phụ thuộc vào người đàn ông, một mô thức cổ hủ nhưng tất cả những hậu quả tiêu cực của nó, tuy thế, vẫn chưa bị loại bỏ hết. Chúng ta cũng đã vượt khỏi cái mô thức thứ nhì, mô thức chủ trương tuyệt đối ngang hàng, bình đẳng, được áp dụng một cách máy móc. Như thế, đã hình thành một khuôn mẫu mới, khuôn mẫu hỗ tương trong sự giống nhau và trong sự khác biệt. Vì vậy, quan hệ nam nữ phải công nhận nam và nữ đều cần thiết, bởi vì, đúng thế, họ đều có một bản chất giống hệt nhau, nhưng với những dạng thức riêng biệt. Dạng thức này cần thiết cho dạng thức kia và ngược lại, để cho con người đạt được đến sự viên mãn thật sự.
Chủ đề thứ nhì : Sự "sinh sản" là quy luật biểu tượng. Nó chiếu cố mạnh mẽ đến tất cả các bà mẹ, mở rộng tầm nhìn ra tới sự lưu truyền hay sự nuôi dưỡng sự sống, không chỉ giới hạn trong lãnh vực sinh học, mà chúng ta có thể tổng hợp xung quanh bốn động từ: ham muốn, sinh đẻ, chăm sóc và để ra đi.
Trong môi trường này, tôi đã chỉ ra và đã khuyến khích sự đóng góp của bao phụ nữ đang làm việc trong gia đình, trong lãnh vực giáo dục đức tin, trong các hoạt động mục vụ, trong việc đào tạo nơi kinh viện, và cả trong những cấu trúc xã hội, văn hóa và kinh tế. Các chị em là phụ nữ, chị em biết mình là hiện thân khía cạnh dịu dàng của Thiên Chúa, lòng nhân từ của Người, được thể hiện bằng sự sẵn sàng cống hiến thời gian thay vì chiếm ngự không gian, đón nhận thay vì loại trừ. Trong chiều hướng này, tôi sung sướng mô tả tầm vóc người phụ nữ của Giáo Hội như tấm lòng đón nhận và lưu truyền sự sống.
Chủ đề thứ ba: Thể xác người phụ nữ giữa văn hóa và sinh học, nhắc nhở cho chúng ta nét đẹp và sự hài hòa của thân thể mà Thiên Chúa đã ban cho người phụ nữ, nhưng cũng có những vết thương đau đớn đã giáng xuống họ là người phụ nữ, đôi khi với một bạo lực thậm tệ. Và điều này không phải hiếm thấy: biểu tượng của sự sống, thân thể người phụ nữ đã bị xâm phạm và bị hành hung bởi chính những người mà đáng lẽ ra phải là những người bảo vệ và là bạn đời.
Vô số những hình thức nô lệ hóa, buôn bán, hủy hoại thân xác người phụ nữ, khiến chúng ta phải dấn thân hoạt động để chống lại hình thức thoái hóa này đang biến thân xác người phụ nữ thành một món hàng để mua bán ở ngoài chợ. Trong bối cảnh này, tôi muốn lưu ý về tình trạng đau đớn của bao người phụ nữ nghèo khổ, bị bắt buộc phải sống trong những điều kiện nguy hiểm, bị khai thác, bị gạt ra ngoài lề xã hội và biến thành nạn nhân của một nền văn hóa thải loại.
Chủ đề thứ tư: Người phụ nữ và tôn giáo: từ bỏ hay tìm kiếm những hình thức tham gia mới vào đời sống của Giáo Hội? Ở đây, các tín hữu được chất vấn một cách đặc biệt. Tôi xác tín về tính cấp bách phải cống hiến không gian cho người phụ nữ trong đời sống của Giáo Hội và đón nhận họ, trong lúc cũng phải tính đến những nhạy cảm văn hóa và xã hội đặc biệt và sự xáo trộn. Bởi vậy, cần phải có một sự hiện diện của phụ nữ rộng rãi hơn và sắc bén hơn trong các cộng đoàn, để cho chúng ta có thể thấy nhiều phụ nữ dấn thân trong các trách nhiệm mục vụ, trong sự đồng hành với người ta, với các gia đình và các nhóm, cũng như trong việc nghiên cứu thần học.
Người ta không thể quên vai trò không thể thay thế được của người phụ nữ trong gia đình. Các ơn về tính tế nhị, tính nhậy bén đặc biệt và tính dịu dàng mà tâm hồn người phụ nữ rất phong phú, tượng trưng không những một sức mạnh đích thực cho đời sống gia đình, để toả ra một bầu khí thanh thản và hài hòa, mà còn là một thực tế nếu không có nó, ơn gọi nhân bản sẽ không thể thực hiện được.
Vả lại, cần phải khuyến khích và phát huy sự hiện diện hữu hiệu của người phụ nữ ở nhiều môi trường trong lãnh vực công cộng, trong thế giới lao động và trong những nơi có quyền đưa ra những quyết định quan trọng nhất, và đồng thời, phải giữ cho sự hiện diện và sự chăm sóc đặc biệt của họ ở trong và cho các gia đình. Không cần phải để cho một mình phụ nữ mang gánh nặng và đưa ra những quyết định, nhưng tất cả mọi cơ chế, kể cả cộng đoàn Giáo Hội, được kêu gọi bảo đảm quyền tự do lựa chọn của phụ nữ, để họ có thể đảm nhiệm các trách vụ xã hội và Giáo Hội, trong một thế giới hài hòa với đời sống gia đình.
Các bạn thân mến, tôi khuyến khích anh chị em hãy tiếp tục công việc này, và tôi phó dâng cho sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, gương sáng cụ thể và tuyệt vời của một phụ nữ và một người mẹ. Xin anh chị em vui lòng, tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi và với tất cả tấm lòng, tôi ban phép lành cho anh chị em. Cảm ơn.
Bản dịch tiếng Pháp: Hugues de Warren (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt: Mạc Khải (ghxhcg.com)
(8 février 2015) © Innovative Media Inc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét