Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Kinh Truyền Tin với ĐTC Phanxico - Lễ Chúa Kito Vua - 22.11.15

Lô gích của Chúa Giêsu tự khẳng định
trong im lặng nhưng có hiệu quả

Kinh Truyền Tin ngày lễ Chúa Kitô Vua

Rôma – 23/11/2015 (ZENIT.org)


"Lô gích của Tin Mừng (…) tự khẳng định cách im lặng nhưng hữu hiệu với sức mạnh của sự thật", Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích nhân dịp lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, trước Kinh Truyền Tin trưa ngày Chúa Nhật 22/11/2015.
"Lô gích thế gian dựa trên tham vọng, trên ganh đua, nó đấu tranh bằng vũ khí là sự sợ hãi, sự hăm dọa và sự thao túng lòng người. Lô gích của Tin Mừng, nghĩa là lô gích của Chúa Giêsu, trái lại, được bầy tỏ trong sự khiêm nhường và trong sự miễn phí, tự khẳng định trong im lặng nhưng có hiệu quả với sức mạnh của sự thật", Đức Giáo Hoàng giải thích.
Hàng ngàn người đã phải đối phó với ba trạm kiểm soát lần đầu tiên được thiết lập trước khi vào được quảng trường Thánh Phêrô là lãnh địa của Vatican.
Sau đây là bản dịch đầy đủ, từ tiếng Ý, lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước và sau Kinh Truyền Tin từ cửa sổ văn phòng của ngài trông ra quảng trường Thánh Phêrô.
A.B.
Lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước Kinh Truyền Tin
Thân chào quý anh chị em!
Trong ngày Chúa Nhật cuối cùng năm phụng vụ, chúng ta mừng lễ Chúa Kitô Vua. Và bài Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu được điệu ra trước tổng trấn Philatô. Người như vua của một vương quốc, vốn "không thuộc về thế gian này" (Ga 18, 36). Điều này có nghĩa là Đức Kitô là vua của một thế giới khác, và Người là vua một cách khác, tuy vậy, Người cũng là vua của thế giới này. Đây là một sự đối đầu của hai thứ lô gích. Lô gích thế gian dựa trên tham vọng, trên ganh đua, nó đấu tranh bằng vũ khí là sự sợ hãi, sự hăm dọa và sự thao túng lòng người. Lô gích của Tin Mừng, nghĩa là lô gích của Chúa Giêsu, trái lại, được bầy tỏ trong sự khiêm nhường và trong sự miễn phí, tự khẳng định trong im lặng nhưng có hiệu quả với sức mạnh của dự thật. Các vương quốc trên thế giới này dựa trên bá quyền, trên những ganh đua, trên sự áp bức; vương quốc của Đức Kitô là một "vương quốc của công lý, của tình yêu và của hòa bình" (Kinh tiền tụng).
Chúa Giêsu đã biểu lộ ra mình là vua lúc nào? Trong biến cố Thánh Giá! Ai nhìn lên thánh giá Đức Kitô mà không thấy được sự miễn hồi đáp đáng kinh ngạc của tình yêu? Có người trong anh chị em có nói rằng "Thưa Cha, đó là một sự thất bại đấy chứ!". Chính xác là trong cái thất bại của tội lỗi - tội lỗi là một thất bại – trong cái thất bại của tham vọng con người, chính ở đó là sự chiến thắng của Thánh Giá, là sự miễn hồi đáp của tình yêu. Tình yêu được nhìn thấy trong sự thất bại của Thánh Giá, tình yêu đó là nhưng không, mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Nói đến thế lực và sức mạnh, theo người Kitô hữu, có nghĩa là liên tưởng đến thế lực của Thánh Giá và đến sức mạnh của tình yêu Chúa Giêsu: một tình yêu luôn vững bền và tinh tuyền, cho dù có phải đương đầu với sự từ chối, và xuất hiện như sự hoàn tất của một cuộc đời đã bị hao tổn trong sự tận hiến thân mình cho nhân loại. Trên đồi Can-vê, kẻ qua người lại và thượng tế, kinh sư đều chế diễu Chúa Giêsu, bị đóng đinh vào thập giá, và lên tiếng thách thức Người: "Có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi!" (Mc 15, 30). Nhưng, ngược đời là sự thật của Chúa Giêsu lại chính là sự thật mà những địch thủ của Người đã la hét trước mặt Người với giọng điệu diễu cợt: "Hắn chẳng cứu nổi lấy mình" (c. 31). Nếu Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá, thì Người đã sa vào cám dỗ của quỷ vương; trái lại Người không thể tự cứu lấy mình chính là để có thể cứu lấy thiên hạ, chính là vì Người đã ban hiến mạng sống mình cho chúng ta, cho mỗi người trong chúng ta. Nói rằng: "Chúa Giêsu đã ban mạng sống mình cho thế gian", thì cũng đúng, nhưng sẽ đẹp hơn nếu nói rằng: "Chúa Giêsu đã hiến sinh mạng của Người cho tôi". Và ngày hôm nay, trên quảng trường này, mong rằng mỗi người trong chúng ta hãy nói với lòng mình: "Người đã hiến mạng sống Người cho tôi", để có thể cứu độ mọi người chúng ta ra khỏi tội lỗi. 

Và điều đó, ai đã hiểu ra? Một trong hai kẻ bất lương cùng bị đóng đinh với Người, mà thiên hạ gọi là "người trộm lành", đã hiểu rõ điều này và đã cầu khẩn Người rằng "Ông Giêsu ơi, Khi nào ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi" (Lc 23, 42). Nhưng người này trước đây đã là một kẻ bất lương, hắn đã hư hỏng và nay hắn bị ở đây, bị kết án tử hình cũng chỉ vì tất cả những hung ác mà hắn đã phạm phải trong dời hắn. Nhưng trong cách hành xử của Chúa Giêsu, trong sự dịu hiền của Chúa Giêsu, hắn đã nhìn thấy tình yêu thương. Và chính cái đó là vương quốc của Chúa Kitô: chính là tình yêu. Bởi vậy, vương quốc của Chúa Giêsu không đàn áp chúng ta, mà giải phóng chúng ta ra khỏi những yếu đuối và những đau khổ của chúng ta, khuyến khích chúng ta hãy đi trên con đường lương thiện, con đường hòa giải và con đường tha thứ. Tất cả  chúng ta hãy cùng nhìn lên Thánh Giá Chúa Giêsu, hãy nhìn lên người trộm lành và hãy cùng nhau lập lại lời cầu khẩn của người trộm lành "Ông Giêsu ơi, Khi nào ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi". Tất cả cùng lập lại nào: "Ông Giêsu ơi, Khi nào ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi". Khi chúng ta thấy mình yếu đuối, tội lỗi, thua cuộc, cầu khẩn Chúa Giêsu đoái nhìn chúng ta và thưa với Chúa rằng: "Con tin Chúa đang ở đây. Xin Chúa đừng quên con!" Trước những cấu xé của thế giới và trước biết bao thương tích trên da thịt con người, chúng ta hãy cầu xin cùng Đức Trinh Nữ Maria phù giúp chúng ta trong sự dấn thân của chúng ta mà bắt chước Chúa Giêsu, Vua của chúng ta, bằng cách thể hiện vương quốc của Người với những cử chỉ dịu hiền, thông cảm và nhân hậu.
Đức Chúa Trời sai thánh thiên thần …
Lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô sau Kinh Truyền Tin
Hôm qua, tại Barcelone cha Fedéric de Berga cùng với 25 bạn đồng tu của cha đã được tuyên phong chân phước, các ngài đã bị hạ sát trong cuộc bách hại dữ dội chống Giáo Hội trong thế kỷ trước. Đó là các linh mục, các tập sinh trẻ đã khấn dòng và đang chờ truyền chức và các anh em giáo dân thuộc Dòng Phanxicô. Chúng ta hãy phó thác cho lời chuyển cầu của các ngài, những anh chị em chúng ta, khốn thay hiện giờ ở nhiều nơi trên thế giới, còn đang bị bách hại vì đức tin của họ vào Đức Kitô.
Tôi chào mừng tất cả anh chị em, các khách hành hương đến từ Italia và các nước khác: các gia đình, các nhóm giáo xứ, các hội đoàn. Tôi chào mừng cách riêng những người đến từ Mêxicô, Úc châu và Paderborn (Đức). Tôi chào mừng các tín hữu của Avola, Mestre, Goggia, Pozzallo, Campagna và Val di Non: và cả những nhóm nhạc sĩ – mà tôi đã nghe trình tấu! – đang mừng lễ thánh bổn mạng Cêcilia. Mong tất cả sẽ được nghe sau Kinh Truyền Tin vì anh chị em chơi rất giỏi.
Thứ Tư tuần tơi, tôi sẽ bắt đầu chuyến tông du của tôi tới Châu Phi, để thăm viếng các nước Kenya, Ouganda và Cộng Hòa Trung Phi. Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho chuyến tông du này, để cho đối với tất cả các anh chị em thân mến này, cũng như đối với tôi, là một dấu chỉ của sự gần gũi và của tình yêu. Chúng ta hãy cùng nhau cầu xin Đức Trinh Nữ Maria ban phép lành cho các anh em này, để cho hòa bình và thịnh vượng ngự trị (trên đất nước họ).
Kính mừng Maria…
Tôi càu chúc cho anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt đẹp. Xin vui lòng, đừng quên cầu nguyện cho tôi. Tạm biệt!
Bản dịch tiếng Pháp : Constance Roques (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt : Mạc Khải
(23 novembre 2015) © Innovative Media Inc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét