Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

Thánh Anre - 30.11

ANRÊ - VỊ TÔNG ĐỒ GIÀU TÌNH BẠN

(Ga 1, 41 – 42)


Ông đang lắng nghe Gioan Tẩy Giả. Ông là một trong những người đã đến để nghe vị tiên tri man dã này. Ông nghe rõ Gioan đang nói, tay chỉ về phía Giê-su: "Đây Chiên Thiên Chúa..." (Ga 1,29–36).
Tò mò và kích thích, ông theo Giêsu. Đức Giêsu thấy ông theo bèn hỏi ông muốn gì. Anrê và bạn ông thưa rằng họ muốn tiếp chuyện với Người. Chắc hẳn không chỉ là một buổi nói chuyện bình thường vì họ còn nhớ rõ thời giờ: "Lúc đó khoảng giờ thứ mười" (Ga 1,39)... Một giờ đầy ý nghĩa đối với Anrê, giờ của quyết định, giờ của cơ hội, giờ thay đổi cả cuộc đời ông.
Ông ra về với một niềm xác tín: "Giêsu là Chiên Thiên Chúa", Giêsu là Đấng Mêsia, Đấng được Thiên Chúa sai đến mà bao thế hệ hằng mong đợi.
Bấy giờ Anrê chỉ còn nghĩ đến một người: đó là em trai mình, Simon Phêrô. Ông bắt buộc phải nghĩ đến Phêrô. Ông đã sống dưới bóng của chính người em ruột mình từ tấm bé: luôn luôn là Phêrô thế này, Phêrô thế nọ. Lúc nào cũng Phêrô. Phêrô là trung tâm điểm. Phêrô là vì sao sáng. Phêrô là kẻ đứng đầu. Anrê biết rằng Phêrô có những khả năng mà mình không có. Dù sao thì cậu em Phêrô cũng phải gặp Chúa Giêsu: "Trước hết, ông đến gặp em mình" (Ga 1,41).
Anrê là môn đệ đầu tiên theo Chúa Giêsu nhưng lại không hề được ghi đầu trong bất cứ danh sách Tông Đồ nào. Luôn luôn là Phêrô đứng đầu, rồi mới đến Anrê. Trong Tin Mừng Máccô và Tông Đồ Công Vụ, tên ông ghi đến hạng thứ tư.
Có lẽ suốt đời mọi việc đều xảy ra như thế.
Ở trường, Phêrô là người trả lời nhanh nhất.
Ngoài sân chơi, Phêrô là quản trò.
Khi giao thiệp, bạn bè vây quanh Phêrô.

Trong công việc chài lưới, Phêrô giải quyết mọi việc.
Phêrô ra lệnh và Anrê trong bóng mờ lủi thủi thi hành.
Khi gặp Anrê, người ta thường hỏi:
"Anh tên là gì? À, nhớ ra rồi, anh là anh của Phêrô".
Đóng vai phụ đâu phải là dễ, nhất là phải đóng suốt đời,
ngày này qua ngày khác,
tuần này qua tuần nọ,
tháng này đến tháng kia,
trong mọi việc, trong mọi lúc, trong mọi nơi.
Sống nấp bóng một người em chói lòa đâu phải dễ!
Và bây giờ, Anrê đã khám phá ra Đức Giêsu Kitô trước:
được một lần ông sẽ đứng đầu,
được một lần ông có dịp nổi.

Nếu ông biết rằng ông đứng đầu trong một trường hợp ngoại lệ,
nếu ông biết rằng thế giới sẽ chống lại ông,
thì chắc hẳn ông đã không đưa Phêrô đến gặp Chúa.
Nhưng Anrê không phải loại bi quan yếm thế, ông đã học cách tạo nên những âm thanh tuyệt diệu trên những phím đàn hạng hai. Đầu tiên ông Anrê đến gặp em mình và nói rằng: "Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia.." Rồi ông đưa Simon Phêrô đến gặp Đức Giêsu. (Ga 1,41–42).
Ông không do dự, không nghi ngờ, ông khẳng định. Nếu ông nghi ngờ, thì hẳn Phêrô đã không bị thuyết phục. Nhưng Anrê nói như đinh đóng cột: "Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia."
Phêrô nghe anh mình nói, ông lắng nghe với tất cả con người nóng bỏng và hướng ngoại của mình.
Chúng ta dễ hiểu vì sao Anrê phải là một con người đóng vai phụ. Đời sống của Anrê đã khiến ông em phải nể phục: Anrê êm dịu, trầm tĩnh và khiêm nhường. Phêrô không cười vào mặt, không mỉa mai Anrê.
Phêrô đã chấp thuận để Anrê dẫn đến gặp Đức Giêsu. Có thể Anrê không có tài thuyết phục của Phêrô, nhưng ông đã đem Phêrô đến gặp Chúa. Có thể không bao giờ chúng ta có một Phêrô
nếu tiên vàn không có một Anrê. Chúng ta gặp lại Anrê trong Kinh Thánh vài tháng sau.
Một đám đông đã nghe Chúa giảng suốt ngày. Trời đã xế và Người phải trở về. Đối với một số người, đường đi xa xăm lắm. Những người đàn bà đã thấm mệt, những đứa trẻ đã lả người. Họ không còn lương thực.
Tông Đồ của Chúa Giêsu nghĩ ngợi hoang mang. Rồi Anrê bước tới, (Ở đây, Phúc Âm lại ghi rõ "Anê, anh của Simon Phêrô" (Ga 6, 8) để nhận diện ông: suốt đời, ông chỉ là một bóng mờ!) Anrê nói: "Đây có một em bé với 5 chiếc bánh và 2 con cá..." (Ga 6, 9).
"Đây có một em bé..." Có lần các môn đệ thấy các em bé quấy rầy Chúa Giêsu nên đuổi các em đi. Trong số các môn đệ ấy, chắc chắn không có anh đâu, anh Anrê nhỉ? Anh luôn chú ý đến các trẻ em. Chỉ mình anh mới nhìn ra một cậu bé lẫn lộn giữa năm ngàn người lớn và đưa em ra. Anh đã đưa bàn tay vạm vỡ cho em nắm gọn với ấm áp chân tình. Anh kể cho em nghe những kỹ thuật đưa mồi, bắt cá, kéo lên thuyền, và anh cũng không quên nói về những lần "lưới người" mà anh đóng góp. Và lúc này, em bé đã lấy bữa ăn trưa nghèo nàn đạm bạc để muốn cùng anh chia sẻ.
Vậy là chúng ta đã hai lần gặp được Anrê, một Anrê chân thành, tươi mát, ấm áp, hiền hòa, khiêm tốn. Và rồi lần thứ ba, chúng ta sẽ gặp lại Anrê nhằm vào ngày lễ cuối cùng của cuộc đời Đấng Cứu Thế.
Đức Giêsu vào Giêrusalem vinh dự tràn đầy. Vài người gốc Hy Lạp đến Giêrusalem (Ga 12,20). Họ đến dự lễ Vượt Qua. Họ nghe nói về Giêsu Nazareth. Họ muốn gặp Người. Phi-líp không biết phải làm gì, không biết Chúa Giêsu có bỏ thì giờ để tiếp dân ngoại không. Chẳng phải sứ vụ của Người là hoàn toàn cho dân Do Thái đó sao ?
Hay là đến hỏi Phêrô và Gioan xem sao? Không được! Phi-líp đoán rằng thế nào họ cũng trả lời như sau: "Bảo những người Hy Lạp đó về đi. Chúa Giêsu đến cho dân Do Thái, Người không có giờ đâu". Rồi một ý nghĩ lóe lên trong đầu: Ừ nhỉ, sao mình không hỏi Anrê? Anrê là một người biết điều, ông ta biết sẽ phải làm gì. Anrê lại là một người bạn tốt, ông sẽ giúp ý kiến hợp tình hợp lý.
Và Phi-líp đã nói với Anrê. Thế là Anrê, không một giây do dự, cùng Phi-líp, đã dẫn những người gốc Hy Lạp đến gặp Chúa Giêsu, và chắc hẳn đó là điều làm Chúa hài lòng.
"Và người ta sẽ từ Phương Đông, Phương Tây, từ Phương Bắc, Phương Nam mà đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa" (Lc 13, 29). "Còn Thầy, một khi Thầy được giương lên khỏi mặt đất, Thầy sẽ kéo mọi người lên với Thầy" (Ga 12, 32).
Ngoài ba lần ấy, chúng ta không còn gặp lại Anrê nữa. Ngoài danh sách các Tông Đồ, không nơi nào khác có tên ông. Ông chỉ xuất hiện có ba lần và lần nào cũng chỉ có một việc là đem một ai đó đến gặp Chúa.
Đầu tiên, ông tự đem chính mình và em mình.
Kế đến là một cậu bé. Và sau cùng là những người khách Hy Lạp.
Anrê, người bạn chân tình.
Anrê, người giới thiệu kẻ khác cho Chúa Giêsu.
Thiếu ông là thiếu mất sự thành công.
Những Anrê mang những Phêrô cho Giáo Hội.
Những Anrê không phải là những người được chú ý,
được quảng cáo, được rọi đèn, được hoan hô...
Họ không phải là những vai chính, họ chỉ là những vai phụ.
Họ là những người bị quên lãng: "Tôi nhớ ra anh rồi !... Anh là anh ruột của Phêrô."
Họ suốt đời đóng vai phụ.
Họ là những con người tầm thường, nhưng thiếu họ thì không có gì hoàn tất.
Họ là những người khả năng hạn hẹp, những người mà Chúa chỉ ban cho 1 nén.
Không được 5, không được 10,
nhưng nén bạc duy nhất đó được họ sử dụng cho Chúa,
chứ không nằng nặc giữ lấy cho mình.
Chúng ta nhớ đến những Phêrô, còn những Anrê chúng ta quên đâu mất!
Những Anrê không viết được những Thánh Thư nảy lửa,
không giảng được những bài giảng hùng hồn,
không đem về cho Chúa một lần 3.000 linh hồn khi xuất hiện,
không làm một phép lạ cỏn con nào...
nhưng họ đem được cho Chúa một Phêrô, để Phêrô viết Thánh Thư,
rao giảng Lời Chúa, rửa tội hàng ngàn, làm phép lạ trong lòng nhân thế.
Chúng ta nhớ đến những Phêrô, còn những Anrê chúng ta quên đâu mất!
Thánh Augustine đã trở lại và là người đặt nền tảng thần học cho Giáo Hội. Nhưng ít ai nhớ tới bà mẹ Monica suốt 20 năm trời cầu nguyện, hãm mình để xin ơn trở lại cho con mình. Mônica thì nhiều người quên, nhưng Augustine chắc ai cũng nhớ.
Vị Linh Mục tại Paris, thủ đô nước Pháp, đã hướng dẫn Charles de Foucauld và đem ngài trở về với Chúa. Cha ấy tên gì? Tôi quên mất rồi!
Chúng ta nhớ đến những Phêrô, còn những Anrê chúng ta quên đâu mất!
Không những Chúa Giêsu đã chọn Anrê, Người lại chọn Anrê là môn đệ đầu tiên. Vì sao? Vì những người 1 nén cần thiết cho Nước Trời. Không thể làm được gì nếu không có một nhóm thân thiện, những đoàn người khiêm nhường, sẵn sàng giới thiệu Chúa Giêsu.
Trong lịch sử Giáo Hội, có những giai đoạn cần đến những Phêrô, Phaolô, Inhaxiô, Phanxicô Xaviê... Nhưng con đường trường kỳ vẫn là con đường rao giảng từ người này đến người kia, từng người một. Trong chương trình của Thiên Chúa không thể thiếu vắng Anrê, Chúa cần đến Anrê với tài năng chỉ có "một nén". Không phải ai cũng có thể là Phêrô, nhưng bất cứ ai cũng có thể là Anrê. Đó là lý do vì sao Chúa chọn Anrê. Đó là đường lối mà 13 Tông Đồ đã thay đổi thế giới.
Những tín hữu đầu tiên đã tản mác ra, không lên tòa giảng nói năng hùng hồn, nhưng chỉ kể lại đơn sơ mộc mạc chứng tích Chúa Giêsu qua đời sống chứng nhân tận hiến và chân tình. Và vô tình hay hữu ý, họ đã noi gương Anrê, đi từ người này đến người khác, giới thiệu những linh hồn cho Chúa Kitô, và chính họ đã đảo lộn thế giới (Cv 17, 6).
Chúa Kitô cần con người, Chúa Kitô cần những Anrê.
Không phải Chúa cần đến những người thông suốt thần học,
Không phải những kẻ có bằng cấp cao,
Không phải những người uyên bác trong mọi vấn đề...
Nhưng Chúa cần những người giàu tình bạn chân thành
những người tài năng chỉ có "một nén"
những người với một trái tim, một tâm hồn,
những người với một đam mê, một mục đích...
những người sống, làm chứng, ra đi để kể câu truyện: "Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia..."
Chúa Kitô kêu gọi mọi giáo hữu đi khắp nơi để loan báo Tin Mừng
rằng Thiên Chúa đã đến thế gian trong Đức Giêsu,
rằng Người đã đau khổ, đã chết,
rằng Người đã sống lại từ cõi chết, và đã sống lại cho đến muôn đời.
rằng đây là biến cố lớn nhất lịch sử, là bằng chứng rõ ràng nhất của tình yêu.
"Kẻ nào chiếm được các linh hồn, kẻ ấy khôn ngoan".
Đó là con đường duy nhất để thay đổi thế giới,
con đường của những Anrê giàu tình bạn,
những người chỉ nhận được có "một nén" tài năng.

Anrê, anh đang ở đâu?
Có những người đang chờ gặp Chúa Giêsu của anh...
Chúng ta không biết gì về Anrê trong lịch sử Giáo Hội tiên khởi. Anrê biến mất trong bóng tối.
Theo những tài liệu góp nhặt thì ông qua Hy Lạp và rao giảng ở vùng Akhaia. Ông tử vì đạo tại đây và chết trên thập giá hình chữ X. Vài thế kỷ sau, hài cốt của ông đã được đem qua xứ Tô Cách Lan (Scotland). Chiếc tàu chở hài cốt bị đắm gần bờ biển. Nơi đây ngày nay gọi là St. Andrew's Bay. Anrê trở thành bổn mạng của quốc gia Tô Cách Lan.

(Trích 13 người thay đổi thế giới)
TRẦN DUY NHIÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét