Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

Kinh truyền tin 26.12.2015 - Lễ thánh Stephano

"Chúng ta được sinh ra từ sự thứ tha của Thiên Chúa"

Kinh Truyền Tin ngày 26 tháng 12 năm 2015 (bản dịch đầy đủ)

"Chúng ta cũng vậy, chúng ta được sinh ra từ sự thứ tha của Thiên Chúa", Đức Giáo Hoàng Phanxicô lưu ý khi ngài giảng về những hoa quả đem lại bởi cái chết của thánh Stêphanô, thánh tử đạo đầu tiên, trước khi giải thích phải bắt đầu từ đâu để có thể tha thứ.
Đức Giáo Hoàng đề nghị suy niệm này trước Kinh Truyền Tin nhân ngày lễ kính vị thánh tử đạo, thứ bẩy 26 tháng 12.
Để mình có thể tha thứ, Đức Giáo Hoàng căn dặn, người đã chịu Phép Rửa phải làm như thánh Stêphanô: trước tiên phải cầu nguyện. "Phải bắt đầu từ chính lòng mình: chúng ta có thể đương đầu với lòng oán hận mà chúng ta cảm thấy đối với kẻ làm điều ác với chúng ta bằng cầu nguyện, để phó thác họ cho lòng thương xót của Thiên Chúa", Đức Giáo Hoàng khuyên bảo.
"Sau đó, ngài nói tiếp, người ta khám phá ra là cuộc tranh đấu nội tâm để tha thứ, thanh tẩy chúng ta khỏi điều ác, và cầu nguyện và tình yêu giải thoát chúng ta ra khỏi xiềng xích nội tại của lòng oán giận. Thật là quá khó chịu phải sống trong sự oán hận!"
Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh đến một sự luyện tập hàng ngày: "Mỗi ngày, chúng ta có dịp tập cách tha thứ, để sống cử chỉ cao thượng biết bao này hàng ngày đến độ nó đưa con người đến gần với Thiên Chúa".
Sau đây là bản dịch đầy đủ những lời của Đức Giáo Hoàng trước và sau Kinh Truyền Tin.
A.B.
Lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước Kinh Truyền Tin
Thân chào quý anh chị em!
Hôm nay chúng ta mừng lễ kính thánh Stêphanô. Kỷ niệm vị thánh tử đạo đầu tiên được cử hành ngay sau lễ trọng mừng Chúa Giáng Sinh. Hôm qua, chúng ta đã chiêm ngắm tình yêu thương xót của Thiên Chúa, đã nhập thể vì chúng ta; ngày hôm nay, chúng ta thấy được sự đáp trả liền lạc của môn đệ Chúa Giêsu, ngài đã hiến dâng mạng sống mình. Ngày hôm qua Đấng Cứu Thế đã giáng sinh xuống trần; ngày hôm nay chứng cứ trung thành của ngài đã bay lên trời. Ngày hôm qua cũng như ngày hôm nay bóng tối từ chối sự sống đã thể hiện, nhưng ánh sáng Tình Yêu, chiến thắng hận thù, khánh thành một thế giới mới, vẫn còn chiếu sáng hơn nữa.
Trong bài đọc trích Sách Tông Đồ Công Vụ ngày hôm nay, có một khía cạnh đặc biệt kéo gần thánh Stêphanô với Chúa Giêsu: đó là sự tha thứ của ngài trước khi bị ném đá chết. Bị đóng đinh trên thập giá, Chúa Giêsu đã nguyện rằng: "Lậy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23, 34);  cùng một cách đó, thánh Stêphanô quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: "Lậy Chúa, xin đừng chấp họ tội này" (Cv 7, 60). Thánh Stêphanô như thế là một thánh tử vì đạo, điều đó có nghĩa là chứng nhân, bởi vì ngài hành xử như Chúa Giêsu; thực chất, đây chính là một chứng nhân đích thực đã hành xử như Người, là Đấng cầu nguyện, yêu thương, ban phát, và nhất là tha thứ, bởi vì tha thứ là sự thể hiện cao nhất của quà hiến tặng.

Nhưng – chúng ta có thể tự nhủ - tha thứ để làm gì? Đấy có phải chỉ là một điều thiện hay còn chứa đựng những hậu quả nào nữa? Chúng ta tìm được lời giải đáp chính trong cái chết vì đạo của thánh Stêphanô. Trong những kẻ mà ngài cầu xin tha thứ cho, có một thanh niên tên là Saolô; kẻ này bách hại Giáo Hội và tìm cách phá hoại Hội Thánh (x. Cv 8, 3). Saolô sau đó ít lâu đã trở thành Phaolô, vị thánh cả, vị tông đồ của dân ngoại. Ngài đã nhận được sự tha thứ của thánh Stêphanô. Chúng ta có thê nói thánh Phaolô được sinh ra từ ân sủng của Thiên Chúa và từ sự tha thứ của thánh Stêphanô.
Chúng ta cũng vậy, chúng ta được sinh ra từ sự thứ tha của Thiên Chúa. Không chỉ trong Phép Thánh Tẩy, mà mỗi lần chúng ta được tha thứ, thì con tim chúng ta được tái sinh, nó được sống lại. Mỗi bước đi trong đời sống đức tin, ngay từ lúc đầu, đều mang dấu ấn của lòng thương xót Chúa. Bởi vì chỉ khi chúng ta lãnh nhận được sự yêu thương thì chúng ta mới có thể yêu thương được. Chúng ta hãy nhớ lấy điều đó, nó có ích cho chúng ta: nếu chúng ta muốn tiến tới trong đức tin, trước hết chúng ta phải nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa; gặp gỡ Chúa Cha, Đấng lúc nào cũng sẵn sàng tha thứ tất cả, và chính khi thứ tha, Người chữa lành trái tim và làm sống lại tình yêu. Chúng ta đừng bao giờ lơ là cầu xin sự tha thứ của Chúa, bởi vì chỉ khi chúng ta được thứ tha, khi chúng ta cảm thấy được thứ tha, thì chúng ta mới học biết được tha thứ.
Tuy thế, nhưng tha thứ không phải chuyện dễ, nó luôn khó khăn. Lảm thế nào chúng ta có thể bắt chước Chúa Giêsu được? Phải bắt đầu từ đâu để tha những lỗi lớn nhỏ mà chúng ta phải chịu đựng mỗi ngày? Trước hết bằng cầu nguyện, như thánh Stêphanô đã làm. Bắt đầu từ chính lòng mình: với kinh nguyện, chúng ta có thể đương đầu với lòng oán hận mà chúng ta cảm thấy đối với kẻ làm điều ác với chúng ta bằng cầu nguyện, để phó thác họ cho lòng thương xót của Thiên Chúa: "Lậy Chúa, con cầu xin Chúa cho anh ấy, con cầu xin Chúa cho chị ấy". Sau đó, ta sẽ khám phá ra là cuộc tranh đấu nội tâm để tha thứ, thanh tẩy chúng ta khỏi điều ác, và cầu nguyện và tình yêu giải thoát chúng ta ra khỏi xiềng xích nội tại của lòng oán giận. Thật là quá khó chịu phải sống trong sự oán hận! Mỗi ngày, chúng ta có dịp tập cách tha thứ, để sống cử chỉ cao thượng biết bao này hàng ngày, đến độ nó đưa con người đến gần với Thiên Chúa. Như Cha chúng ta ở trên Trời, chúng ta cũng phải có lòng thương xót, bởi vì thông qua sự tha thứ, chúng ta thắnh cái ác bằng điều thiện, chúng ta biến đổi hận thù thành yêu thương và làm cho thế giới này sạch sẽ hơn.
Cầu mong Đức Trinh Nữ Maria, nơi Mẹ chúng ta gửi gấm những người - khốn nỗi quá đông - giống như thánh Stêphanô, đang chịu bách hại vì đức tin, đông đảo những thánh tử đạo của thời đại này, xin Mẹ phù trợ để kinh nguyện của chúng ta nhận được và đưa ra sự tha thứ. Nhận lãnh và cho đi sự thứ tha.
Lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô sau Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến,
Tôi chào mừng tất cả anh chị em hành hương, đến từ Ý và các quốc gia khác. Tôi lập lại với tất cả anh chị em lời cầu chúc là sự chiêm ngắm Chúa Giêsu Hài Đồng, với Đức Maria và Thánh Giuse bên Người, có thể dấy lên một thái độ của lòng thương xót và tình yêu thương nhau trong các gia đình, trong các cộng đoàn giáo xứ và tu trì, trong các phong trào và trong các hội đoàn, giữa tất cả các tín hữu và nơi những con người lòng đầy thiện chí.
Bản dịch tiếng Pháp: Hugues de Warren (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt: Mạc Khải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét