Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

Bài giảng ĐTC lễ Mẹ Thiên Chúa - 01.01.2016

Đại dương lòng thương xót tràn ngập thế giới chúng ta

Lễ trọng mừng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa tại Đền Thánh Phêrô (bản văn đầy đủ)
Pape François |  1 janv. |  ZENIT.org |  Pape François |  Rome |  226

Giòng sông khốn khổ và tội lỗi dâng đầy "không thể làm gì chống lại đại dương của lòng thương xót đang tràn ngập thế giới chúng ta", Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định.
Đức Giáo Hoàng đã chủ tọa thánh lễ trọng thể mừng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, ngày thứ Sáu 01/01/2016, trong Đền Thánh Phêrô, trước sự hiện diện của đông đảo các Tiểu Ca Sinh mới được Đức Giáo Hoàng tiếp kiến hôm 31/12/2015.
"Một con sông của sự khốn cùng, được tội lỗi đổ vào, dường như muốn phản lại sự viên mãn thời gian được thực hiện bởi Chúa Kitô. Tuy nhiên, con sông nước đầy này không thể làm gì được với đại dương của lòng thương xót đang ngập tràn thế giới chúng ta". Đức Giáo Hoàng khẳng định.  Ngài mời gọi hãy lập lại kinh nghiệm lòng thương xót: "Tất cả chúng ta được kêu gọi hãy đắm chìm trong đại dượng đó, hãy để cho mình được tái sinh, để chiến thắng sự vô cảm đang ngăn cản tình liên đới, và thoát ra khỏi sự trung tính giả dối đang gây trở ngại cho sự chia sẻ".
Đức Giáo Hoàng kêu gọi hành động: "Ân điển của Đức Kitô, đưa sự mong đợi cứu độ đến chỗ thực hiện, thúc đẩy chúng ta trở thành các cộng tác viên trong việc xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn, trong đó mỗi con người, mỗi tạo vật có thể sinh sống hòa bình, trong sự hài hòa của công trình tạo dựng nguyên thủy của Thiên Chúa".
Sau đây là bản dịch tiếng Pháp chính thức bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
A.Bourdin
Bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Chúng ta đã nghe những lời của thánh Phaolô Tông Đồ: "Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai con mình tới, sinh làm con một người đàn bà" (Gl 4, 4).
Sự kiện Chúa Giêsu sinh ra "lúc thời gian tới hồi viên mãn" có nghĩa là gì? Nếu chúng ta chỉ hướng mắt nhìn vào thời gian lịch sử, chúng ta có thể nhanh chóng thất vọng. Đế quốc La Mã đã hiển trị trên một phần lớn của thế giới vốn được biết đến bởi sức mạnh quân sự của nó. Hoàng đế Augustô đã lên ngôi sau 5 cuộc nội chiến. Kể cả Israel cũng đã bị chinh phục bởi vị hoàng đế La mã này và dân được Chúa chọn cũng đã bị tước đoạt tự do. Vì thế, đối với những người cùng thời với Chúa Giêsu, thời gian đó đã không phải là thời gian tốt đẹp nhất. Như thế không phải chỉ nhìn vào hoàn cầu địa dư chính trị để định rõ đỉnh điểm của thời gian.
Vì vậy cần phải có một cách giải thích khác, nắm vững được sự viên mãn đến từ Thiên Chúa. Khi Thiên Chúa ấn định lúc hoàn tất lời hứa hẹn đã tới, lúc đó, đối với nhân loại sẽ thực hiện sự viên mãn của thời gian. Như vậy, không phải là lịch sử đã quyết định sự giáng sinh của Đức Kitô; mà đúng hơn là, sự giáng thế của Người đã cho phép lịch sử đạt tới hồi viên mãn. Chính vì thế mà kể từ  khi Con Thiên Chúa sinh ra, người ta bắt đầu việc tính toán cho một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên chứng kiến sự hoàn tất lời hứa khi xưa. Như tác giả bức Thư gửi tín hữu Do Thái đã viết: "Thuở xua, nhiều lần, nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dậy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dậy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ rụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật, muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật" (Dt 1, 1-3). Thời gian đến hồi viên mãn, như thế, chính là sự hiện diện của đích thân Thiên Chúa trong lịch sử của chúng ta. Bây giờ, chúng ta có thể nhìn thấy vinh quang của Người chói sáng trong sự nghèo hèn của máng cỏ, và được khuyến khích và nâng đỡ bởi Lời Người đã nhập thể trở thành "nhỏ bé" trong một hài nhi. Nhờ Người, thời đại chúng ta có thể tìm thấy sự viên mãn. 

Tuy nhiên, mầu nhiệm này có vẻ như trái ngược với kinh nghiệm bi đát của lịch sử. Mỗi ngày, trong lúc chúng ta mong muốn được nâng đỡ bởi những dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta đã gặp phải những dấu chỉ trái ngược, tiêu cực, gây cảm giác như Người vắng mặt. Sự viên mãn của thời gian dường như tan biến trước vô vàn hình thức bất công và bạo lực gây thương tích hàng ngày cho nhân loại. Đôi khi chúng ta tự hỏi: làm sao lại có thể kéo dài sự kiện con người khinh rẻ con người? Làm sao sự ngạo mạn của kẻ mạnh vẫn tiếp tục hạ nhục những kẻ yếu đuối, bị loại ra ngoài lề nhơ nhớp nhất của thế giới chúng ta? Đến bao giờ sự độc ác của con người còn gieo rắc trên trái đất bạo lực và hận thù, giết hại những nạn nhân vô tội?  Làm sao mà có thể là hồi viên mãn thời gian, khi còn thấy hàng hà sa số con người nam, nữ và trẻ em đang trốn chạy chiến tranh, nghèo đói, bách hại, sẵn sàng đánh đổi mạng sống để thấy được các quyền căn bản của mình được tôn trọng? Một con sông của sự khốn cùng, được tội lỗi đổ vào, dường như muốn phản lại sự viên mãn thời gian được thực hiện bởi Chúa Kitô.
Các con hãy nhớ, các con, những Tiểu Ca Sinh thân mến, đó là câu hỏi thứ ba mà các con hỏi cha hôm qua. Cái đó giải thích thế nào? Cả những trẻ em cũng nhận thấy điều đó.
Tuy nhiên dù con sông này có trào dâng, cũng không làm gì được với đại dương của lòng thương xót đang tràn ngập thế giới chúng ta. Chúng ta được kêu gọi hãy đắm chìm trong đại dượng đó, hãy để cho mình được tái sinh, để chiến thắng sự vô cảm đang ngăn cản tình liên đới, và thoát ra khỏi sự trung tính giả dối đang gây trở ngại cho sự chia sẻ. Ân điển của Đức Kitô, mang sự mong đợi cứu độ đến chỗ thực hiện, thúc đẩy chúng ta trở thành các cộng tác viên trong việc xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn, trong đó mỗi con người, mỗi tạo vật có thể sinh sống hòa bình, trong sự hài hòa của công trình tạo dựng nguyên thủy của Thiên Chúa.
Đầu một năm mới, Giáo Hội cho chúng ta chiêm ngắm tính mẹ hiền của Đức Maria như thánh tượng của hòa bình. Lời hứa xưa đã thể hiện trong bản thân Mẹ. Mẹ đã tin vào lời của Thiên Sứ, Mẹ đã thụ thai Ngôi Con, Mẹ đã trở thành Mẹ Chúa. Qua Mẹ, qua lời "xin vâng" của Mẹ thời gian đã tới hồi viên mãn. Bài Tin Mừng chúng ta đã nghe nói rằng Đức Trinh Nữ "hằng ghi nhớ kỷ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng" (Lc 2, 19). Mẹ xuất hiện trước chúng ta như một cái bình luôn chứa đầy ký ức của Chúa Giêsu, Mẹ là Ngai Tòa Khôn Ngoan, nơi có thể đong múc để có sự giải thích liền lạc cho giáo huấn của Người. Ngày hôm nay, Mẹ ban cho chúng ta khả năng nắm bắt được ý nghĩa của các biến cố liên quan đến từng người chúng ta, liên quan đế gia đình chúng ta; đến đất nước chúng ta và đến toàn thế giới. Nơi mà lý trí của các triết gia, hay những thương thuyết của các chính trị gia không thể đến được, nơi đó sức mạnh đức tin mang lại ân điển của Tin Mừng Chúa Kitô có thể đến được và luôn có thể mở ra những con đường mới cho lý trí và cho thương thuyết.
Lậy Mẹ Maria, Mẹ đầy ơn phúc, vì Mẹ đã sinh ra Con Thiên Chúa; nhưng Mẹ còn đầy ơn phúc hơn nữa vì Mẹ đã tin nơi Người. Lậy Mẹ đầy đức tin, Mẹ đã thụ thai Chúa Giêsu trước hết trong trái tim Mẹ và rồi mới là trong lòng Mẹ, để trở thành Mẹ của hết mọi tín hữu (x. Augustinô, Bài giảng 215, 4). Xin Mẹ đổ tràn trên chúng con phép lành của Mẹ trong ngày hôm nay là ngày được tiến dâng lên Mẹ; xin Mẹ cho chúng con được thấy mặt Con Giêsu của Mẹ, là Đấng ban cho toàn thế giới lòng thương xót và hòa bình. Amen.
[Bản gốc bằng tiếng Ý]
© Librairie éditrice du Vatican
Mạc Khải phỏng dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét