Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền Giáo 2016 - GH truyền giáo, chứng nhân của LTX

Ngày Truyền Giáo 2016 - Trẻ khỏe để đi loan báo Tin Mừng

Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho ngày 23 tháng 10 năm 2016 (toàn văn)
16 MAI 2016 - ANITA BOURDIN - PAPE FRANÇOIS
 
Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng, Lễ Ngũ Tuần 2016
"Cầu xin Chúa Thánh Linh ban cho chúng con những người trẻ khỏe mạnh – trai cũng như gái – có ý định đi loan báo Tin Mừng": đó là lời cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Chủ đề sứ điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo thứ 90, sẽ được cử hành vào ngày 23/10/16 sắp tới đây - kết thúc tuần lễ truyền giáo – là "Giáo Hội truyền giáo, chứng nhân của lòng thương xót". Sứ điệp này được phát hành ngày Chúa Nhật 15/5/2016, Chúa Nhật lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Sau Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng, trên quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc tới sứ điệp của ngài khi nói rằng: "Sứ điệp của tôi cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo sắp tới - được cử hành mỗi năm vào tháng 10 – đã được phát hành ngày hôm nay, trong bối cảnh rất thích hợp của ngày Lễ Hiện Xuống. Cầu xin Chúa Thánh Linh ban xuống sức mạnh cho tất cả những nhà truyền giáo ad gentes và phù hộ cho sứ vụ của Giáo Hội trên toàn thế giới. Và xin Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta những người trẻ khỏe mạnh – trai cũng như  gái -, có ý định ra đi loan báo Tin Mừng. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Linh điều này trong ngày hôm nay.
Sau đây là bản dịch toàn văn chính thức sứ điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
A.B.
Giáo Hội truyền giáo, chứng nhân của lòng thương xót
Anh chị em thân mến,
Năm Thánh ngoại thường Lòng Thương Xót, mà Giáo Hội đang sống hiện nay, cũng soi sáng cách đặc biệt cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm 2016. Nó mời gọi chúng ta hãy coi sứ vụ ad gentes như một công trình trọng đại, bao la của lòng thương xót, cả về tinh thần cũng như vật chất. Quả vậy, trong Ngày Thế Giới Truyền Giáo này, tất cả chúng ta được mời gọi hãy "đi ra", với tư cách những môn đệ thừa sai, mỗi người mang ra để phục vụ người khác, tài năng, sáng kiến, sự thông thái và kinh nghiệm của chính mình liên quan đến việc loan báo thông điệp của lòng nhân ái và thương cảm của Thiên Chúa đối với toàn thể gia đình nhân loại. Trên cơ sở sứ vụ truyền giáo, Giáo Hội chăm lo cho những người không biết đến Tin Mừng, vì Giáo Hội muốn rằng tất cả mọi người đều được cứu độ và đều được trải nghệm tình yêu của Chúa. Giáo Hội "có sứ mạng loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa, trái tim đang đập của Tin Mừng" (Sắc chỉ Misericordiae Vultus, số 12) và tuyên xưng ở khắp mọi nơi trên mặt đất, đến lúc đạt được tới mọi người: nam, phụ, lão, ấu.

Lòng thương xót là nguồn mạch niềm vui thầm kín đối với trái tim Chúa Cha khi Người gặp mọi con người tạo vật. Từ đầu, với tình yêu thương Người đã phán bảo với những người yếu đuối nhất, bởi vì sự cao cả và quyền phép của Người chính là tỏ ra trong khả năng đồng hóa với những người nhỏ bé, những người bị loại, những người bị đàn áp (x. Đnl 4, 31; Tv 86, 15; 103, 8; 111, 4). Người là Đấng Thiên Chúa nhân từ, ân cần, chung thủy. Người gần gũi với những người đang cần được mọi người gần gũi, đặc biệt là những người nghèo. Người can dự một cách êm ái vào thực tế con người như một người cha và một người mẹ trong cuộc đời của con cái mình (x. Gr 31, 20). Thành ngữ được dùng trong Thánh Kinh để biểu lộ lòng thương xót liên tưởng tới bầu sữa mẹ, và từ đó tới tình yêu thương của một người mẹ đối với con cái mình, những đứa con mà mẹ sẽ mãi mãi yêu thương, trong mọi tình huống và dù cho có xẩy ra chuyện gì đi nữa, bởi vì chúng là hoa quả của lòng mẹ. Đó cũng là một khía cạnh của tình yêu thương mà Thiên Chúa nuôi dưỡng đối với tất cả con cái của Người, đặc biệt là đối với những phần tử của dân mà Người đã sinh ra và Người muốn nuôi dạy. Trước những yếu đuối và bất trung của chúng, lòng Người rung cảm và thương xót (x. Hs 11, 8) và tuy thế Người vẫn thương xót mọi người, tình yêu thương của Người dành cho mọi dân tộc và lòng nhân từ của Người trải rộng trên mọi loài thọ tạo (x. Tv 114, 82).
Lòng thương xót được thể hiện cách cao trọng và viên mãn nhất trong Ngôi Lời nhập thể. Người mặc khải thánh nhan Chúa Cha giầu lòng thương xót, Người "phán dạy và giải thích về Chúa Cha qua những hình ảnh và dụ ngôn, nhưng nhất là Người nhập thể và đồng hóa với Chúa Cha" (ĐGH Gioan-Phaolô II, Sứ Điệp Dives in misericordia, số 2). Khi đón nhận và đi theo Chúa Giêsu nhờ Tin Mừng và các Nhiệm Tích, dưới tác động của Chúa Thánh Linh, chúng ta có thể trở nên nhân từ như Cha chúng ta trên trời, và học tập yêu thương như Người yêu thương chúng ta và biến cuộc sống chúng ta thành một của hiến tặng miễn phí, một dấu chỉ lòng nhân hậu của Người (x. Sắc chỉ Misericordiae Vultus, số 3). Trước hết, Giáo Hội ở giữa nhân loại, là cộng đoàn sống nhờ lòng thương xót của Chúa Kitô. Giáo Hội luôn cảm thấy được Người đoái nhìn và chọn lựa với một tình yêu thương xót, và từ tình yêu đó, Giáo Hội rút ra khuôn mẫu sứ vụ của mình, Giáo Hội sống nhờ Người và làm cho mọi dân tộc biết đến Người trong một cuộc đối thoại tuơng kính với mỗi nền văn hóa và mỗi tín ngưỡng tôn giáo.
Tình yêu thương xót này đã được làm chứng, như ở những thuở ban đầu của Giáo Hội, bởi nhiều con người nam, nữ thuộc mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp xã hội. Sự hiện diện ngày càng đáng kể và gia tăng của nữ giới trong thế giới truyền giáo, bên cạnh nam giới, làm thành một dấu chỉ hùng hồn của tình mẫu tử của Thiên Chúa. Các phụ nữ, giáo dân hay thánh hiến, và ngày hôm nay còn có nhiều gia đình, thực hiện ơn gọi truyền giáo của mình dưới những hình thức đa dạng từ việc loan truyền Phúc Âm trực tiếp đến việc phục vụ nhân đạo. Bên cạnh công trình Phúc Âm hóa và ban bố bí tích của các nhà thừa sai, nữ giới và các gia đình thường thông hiểu cách thích đáng hơn những vấn đề của con người và biết cách đương đầu với chúng, một cách phù hợp và đôi khi độc đáo, bằng cách chăm sóc đời sống, chú tâm đặc biệt đến những con người hơn là đến những cấu trúc và, khi đưa ra hết các tài nguyên con người và thiêng liêng trong việc xây dựng sự hài hòa, các quan hệ, nền hòa bình, tình tương trợ, sự đối thoại, sự hợp tác và tình huynh đệ, vừa trên khung cảnh các quan hệ giữa con người với nhau, vừa trên khung cảnh rộng lớn hơn của đời sống xã hội và văn hóa và đặc biệt sự chăm sóc người nghèo.
Ở nhiều nơi, Phúc Âm hóa được tung ra qua hoạt động giáo dục, đòi hỏi công trình truyền giáo phải cống hiến sự tham gia và thời gian, như người chủ vườn nho nhân từ của Tin Mừng (x. Lc 13, 7-9; Ga 15, 1), với sự kiên nhẫn chờ đợi hoa trái sau nhiều năm tháng đào tạo lâu dài. Như thế, đã xuất hiện những người có khả năng Phúc Âm hóa và làm cho Phúc Âm đến được những nơi không ai ngờ sẽ thực hiện được. Giáo Hội có thể được gọi là "mẹ" bởi cả những người đến trong tương lai với đức tin vào Chúa Kitô. Tôi mong rằng dân thánh của Thiên Chúa thực hiện sự chăm sóc của người mẹ đầy lòng thương xót, để giúp đỡ cho bao dân tộc chưa được biết đến Người, có thể gặp gỡ và yêu mến Chúa. Quả vậy, đức tin là một ân điển của Thiên Chúa chứ không phải là thành quả của sự lôi kéo. Tuy nhiên, niềm tin lớn lên nhờ vào đức tin và đức ái của những người truyền giáo, vốn là những chứng nhân của Chúa Kitô. Khi đặt chân lên con đường đi ra thế giới, các môn đệ của Chúa Giêsu được yêu cầu phải có một tình yêu không tính toán, nhưng phải đối với mọi người cùng một tầm mức như tầm mức của Chúa. Chúng ta loan báo ân điển lớn lao nhất, đẹp đẽ nhất Người đã ban cho chúng ta: đó là mạng sống và tình yêu thương của Người.
Mỗi dân tộc, mỗi văn hóa đều có quyền được nhận thông điệp cứu độ vốn là ân điển của Thiên Chúa ban cho hết cả mọi người. Điều này càng tỏ ra cần thiết nếu chúng ta nhận thấy có biết bao những bất công, những chiến tranh, những khủng hoảng nhân đạo, ngày hôm nay đang còn chờ đợi một giải pháp. Qua kinh nghiệm, các nhà truyền giáo biết rõ rằng Phúc Âm của sự thứ tha và lòng thương xót có thể mang lại niềm vui và sự hòa giải, công lý và hòa bình. Mệnh lệnh của Phúc Âm,  "Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em" (Mt 28, 19-20) chưa hoàn tất. Trái lại, mệnh lệnh đó khiến cho tất cả chúng ta, trong những kịch bản hiên nay và những thách thức đương thời, cảm thấy có ơn gọi "ra đi" truyền giáo trở lại, như tôi cũng đã nói đến trong Tông Huấn Evangelii gaudium: "Mọi Kitô hữu và mọi cộng đoàn sẽ nhận định đâu là con đường Chúa yêu cầu, nhưng tất cả chúng ta đều được mời gọi chấp nhận ơn gọi đó: đi ra khỏi cái tiện nghi của mình và có can đảm đi tới tất cả những vùng ngoại vi đang cần đến ánh sáng Phúc Âm" (EG, số 20).
Trong Năm Thánh này có kỷ niệm 90 năm Ngày Thế Giới Truyền Giáo, được khởi xướng bởi Công Trình giáo hoàng Truyền Bá Đức Tin và được chấp thuận bởi Đức Giáo Hoàng Piô XI năm 1926. Tôi cho rằng bây giờ đúng là lúc phải nhắc lại những chỉ thị khôn ngoan của các đấng Tiền Nhiệm của tôi, các đấng đã sắp xếp cho Công Trình đó để tất cả những cống hiến của mỗi giáo phận, giáo xứ, cộng đoàn tu sĩ, hội đoàn và phong trào của Giáo Hội, ở mọi nơi trên thế giới, có thể thu thập để cứu giúp những cộng đoàn Kitô hữu đang cần giúp đỡ để đẩy mạnh việc loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Ngày hôm nay nữa, chúng ta đừng trốn tránh cử chỉ của sự hiệp thông Giáo Hội truyền giáo. Chúng ta đừng đóng cửa lòng mình trong những lo lắng riêng tư, mà hãy mở rộng tấm lòng ra những phạm vi của toàn thể nhân loại.
Cầu mong Đức Rất Thánh Trinh Nữ Maria, thánh tượng của nhân loại được cứu độ, gương mẫu truyền giáo của Giáo Hội, dạy bảo cho mọi người, nam nữ và các gia đình, biết dấy lên và bảo vệ ở khắp mọi nơi sự hiên diện sống động và huyền diệu của Chúa phục sinh, Đấng canh tân và đổ đầy niềm vui thương xót xuống các quan hệ giữa các con người, các văn hóa và các dân tộc.
Vatican, ngày 15 tháng 5 năm 2016, Lễ Trọng Kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
PHANXICÔ
[Bản gốc bằng tiếng Ý]
Mạc Khải phỏng dịch từ bản tiêéng Pháp của Zenit.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét