Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Học làm con Chúa qua xây dựng tương quan

HỌC SỐNG LÀM CON NGƯỜI VÀ LÀM CON CHÚA

Trong xã hội loài người, Giáo dục là một trong những vấn đề hệ trọng luôn được chú ý đến nhiều nhất, sớm nhất và vẫn còn tiếp tục như thế mãi đến ngày nay. Mỗi xã hội lại có một nền giáo dục đào tạo ra những lớp người để phục vụ cho xã hội đó. Nền giáo dục của xã hội Quân chủ, Phong kiến khác với nền giáo dục của xã hội tự do, dân chủ… Ngày nay, tuy còn nhiều khác biệt giữa các nền giáo dục ở các nước trên thế giới, nhưng nhân loại đã thống nhất được với nhau ở một số điểm căn bản của việc học qua các tổ chức của thế giới. Unesco đưa ra bốn cột trụ của việc học là: “Học để biết; học để làm; học để sống chung; học để làm người”. Và ban giáo dục Unesco và Unicef đã cùng thống nhất 12 giá trị sống cốt lõi cần giáo dục cho học sinh, sinh viên là: HÒA BÌNH, TÔN TRỌNG, YÊU THƯƠNG, TRÁCH NHIỆM, HẠNH PHÚC, HỢP TÁC, TRUNG THỰC, KHIÊM TỐN,  KHOAN DUNG,  GIẢN DỊ,  ĐOÀN KẾT, TỰ DO.

Về phía Giáo hội Công giáo toàn cầu thì Giáo hội đã khẳng định: “SỰ TỐI  QUAN TRỌNG CỦA GIÁO DỤC” (Vatican II Tuyên Ngôn về giáo dục Kitô giáo). Công đồng Vatican II đã có một Tuyên Ngôn về giáo dục Kitô giáo (Gravissium educationis momentum). Giáo hội công giáo Việt Nam năm 2007, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã dành hẳn một Thư Chung về: “Giáo Dục Kitô Giáo” gởi đến Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam. Mục (3) lời mở đầu Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã minh định một cách rõ ràng về mục đích giáo dục Kitô giáo: “Mục đích của nền giáo dục Kitô giáo không chỉ là rèn luyện nhân cách con người thành hữu ích với bản thân, gia đình và xã hội, mà còn là giúp con người sống xứng đáng với tư cách là con Thiên Chúa để mai sau thành công dân nước trời. Sứ mạng đó được khởi nguồn từ Chúa Cha, được thực hiện nơi Chúa Con và được kiện toàn nơi Chúa Thánh Thần”. Trong phần kết (39) HĐGMVN một lần nữa nhắc nhở các tín hữu: “Giáo dục Kitô giáo là công trình học và sống làm con người và làm con Chúa. Đây là trách nhiêm của mọi Kitô hữu mọi nơi mọi thời. Thế hệ trước có trách nhiệm truyền giao đức tin cho thế hệ sau. Thế hệ sau tiếp nhận, củng cố và bàn giao cho thế hệ hậu sinh. Lịch sử là một cuộc hành trình qua đó Kitô hữu chia sẻ đức tin cho nhau dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần”.

Trong phạm vi giới hạn của bài viết, tôi không trình bày tuần tự từ Lời mở đến Lời kết của Thư Chung, mà chỉ xin đề cập đến một vài vấn đề liên quan mật thiết với chủ đề: Học sống làm con người, và làm con Chúa.



Xin điểm qua một số điều Giáo hội và Thư Chung đã dạy chúng ta:          

Học sống làm người, và làm con cái Chúa, trước tiên ta cần làm rõ quan điểm về con người của xã hội loài người và Giáo hội Công Giáo có gì khác nhau. Quan điểm duy vật cho bản chất con người là do vật chất biến hóa ngẫu nhiên mà thành. Quan điểm duy tâm cho bản chất con người là tinh thần là lý tính. Quan điểm siêu hình chỉ nhìn thấy con người riêng rẽ về mặt sinh học hay tâm lý (x. Hội đồng quốc gia, Từ điển Bách khoa Việt Nam, Hà Nội, năm 1995). Trong khi quan điểm về con người của Giáo hội công giáo qua chương (I) nền tảng giáo dục Kitô giáo (4) có nói: “Khi tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, ban cho con người khả năng đạt tới chân lý và tự do ..”. Sách Sáng Thế trong Cựu Ước thì nói rõ hơn về con người: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ“ ( St 1, 27). Qua đó, ta thấy quan điểm của Giáo Hội Công Giáo đã xác định rõ được giá trị cao quí, phẩm giá của một ngôi vị, của con người vượt trên mọi quan niệm về con người của xã hội loài người. Và “con người là tạo vật duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa yêu thương một cách nguyên thường” (CĐ Vat II). Yêu thương nguyên thường là tất cả mọi người không phân biệt tiếng nói, mầu da, giầu sang, địa vị đều là anh em với nhau và cùng có một Cha chung trên trời, nên được Thiên Chúa là Cha yêu thương như nhau. Chúa yêu thương chúng ta vì chúng ta là người.

Học và sống làm con người và làm con Chúa, HĐGMVN đã điểm lại hiện tình giáo dục Kitô giáo tại Vệt Nam với những dấu hiệu lạc quan và cả những mối quan ngại.

Dấu hiệu lạc quan:

            Năm 2007, Thư Chung của HĐGMVN ra đời cũng là lúc giáo dục Viêt Nam có những tín hiệu đáng mừng. Chủ trương Hai Không của Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiên Nhân (Không bệnh thành tích; không tiêu cực trong thi cử) đã đem lại kết quả đúng đắn. Năm 2006 thi THPT có tới 93.98% thí sinh trúng tuyển. Năm 2007 sau khi thực hiện Hai Không thí sinh trúng tuyển THPT chỉ còn 66. 72%. Tiếc rằng chủ trương đó những năm sau lại không duy trì được (2008 THPT đậu 75.95%; 2009 đậu 83.8%; 2010 đậu 92.57%). Báo Tuổi Trẻ ngày 22/06/2011 đã gọi là phá sản Hai Không.  

Những tiến bộ của khoa học kỹ thuật và tin học ngày được áp dụng trong nhà trường; Số người công Giáo học đại học và sau đại học ngày một đông hơn; việc xét lý lịch cho nhập học giảm nhiều; các lớp giáo lý và dự tòng ngày một nhiều hơn…

            Những mối quan ngại:
            Bên những dấu hiệu lạc quan, giáo dục Việt nam còn nhiều điều bất cập như: Triết lý giáo dục chưa thực sự đúng đắn, toàn diện; Quan điểm duy kinh tế, tất cả vì lợi nhuận hơn vì con người là phổ biến trong xã hội. Chủ nghĩa giáo điều trong giảng dạy còn nặng nề; cách sao chép nguyên mẫu kiến thức để được điểm cao là phổ biến. Mặt trái của tiến bộ khoa học, tin học không được hạn chế. Nền giáo dục thiếu sự thật dẫn đến một hệ quả xấu không thể lường được trong xã hội như tham nhũng, xã hội không minh bạch, con người gian tham vô lối…

          Học và sống làm người và làm con Chúa cần biết giáo dục Kitô giáo là một nền giáo dục toàn diện (32). Toàn diện ở chỗ cùng một lúc phải giáo dục con người thành những con người theo nghĩa nhân bản toàn diện và liên đới (GHXH) có đủ những phẩm chất cao quí mà nhân loại qua tổ chức đại diện Unesco đã đưa ra và đồng thời con người là con thảo của Thiên chúa, ”Nên hoàn thiên như Cha trên trời là đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). “Mục tiêu hàng đầu của giáo dục Kitô giáo là Đức Tin” (32). Nhưng đức tin ở đây là đức tin sống động, đức tin có việc làm, vì “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2;17). Muốn thế mỗi Kitô hữu phải can đảm nghĩ sự thật, nói sự thật và sống sự thật vì chính Chúa Giêsu cũng đã khẳng định mình “Thầy là đường, là sự thật,và là sự sống” (Ga 6, 14). Thư chung HĐGMVN năm 1980 cũng đã dạy bảo: ”Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc, để mang lại hạnh phúc cho đồng bào mình”. Tính toàn diện của giáo dục Kitô giáo còn thể hiện ở chỗ “nhấn mạnh việc huấn luyện lương tâm: Huấn luyện lương tâm không chỉ là giảng dạy cho nhau những mệnh lệnh của hệ thống luân lý nhưng còn là tập cho nhau hồn nhiên lắng nghe lòng mình phán đoán thiện ác” (36), bởi vì: ”lương tâm là luật tự nhiên vốn phản ảnh phẩm giá con người và đặt nền tảng cho các nghĩa vụ căn bản của con người” (GHXH) nên “lương tâm ngay thẳng càng thắng thế thì những cá nhân càng tránh được độc đoán, mù quáng và càng nỗ lực tuân phục những tiêu chuẩn khách quan của luân lý”. Câu chuyện chị Phạm Thi Lành bán vé xố gọi điên thoại trao lại cho anh Đỗ Ngọc Tuấn 20 tờ vé xố trong đó có 10 vé trúng 6 tỉ 6, anh Tuấn dặn mua chưa trả tiền tại Bến Lức Long An (báo Thanh Niên 29-12-2011) là bài học đáng ta suy nghĩ. Sống theo lương tâm tự nhiên ngay lành có khi vượt trên pháp luật của xã hội loài người. Lương tâm ngay lành tự nhiên là do Thiên Chúa ban cho con người.

Học sống làm con người và làm con Chúa, mỗi Kitô hữu phải dấn thân phục vụ đồng bào và đồng loại, ưu tiên là những thành phần thường bị xã hội ruồng bỏ, khinh miệt, lãng quên…(22). “Phục vụ lợi ích của xã hội trần thế và xây dựng một thế giới nhân đạo hơn” (CĐ Vat II / TN/GD 3). Mỗi Kitô hữu trở thành chứng nhân cho Chúa ở trần thế này, Loan Báo Tin Mừng cho người nghèo khó, lao tù, mù lòa, bị áp bức (Lc 4,18). Phúc âm Thánh Mát-thêu chương 25 từ câu 31 đến câu 46 nói về cuộc phán xét chung. Chúa sẽ thưởng những ai chăm lo cho đời sống tinh thần và vật chất những người bé mọn: đói ăn, khát uống, khách lạ lỡ đường, trần tru ồng, tù tội…Và Chúa cũng sẽ phạt những ai không chăm sóc những anh em bé mọn này, vì “Ta bảo thật các ngươi mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các người đã không làm cho chính ta vậy”.

Học sống làm con người và làm con Chúa, nền nhân bản toàn diện và liên đới đòi hỏi chúng ta cùng lúc cần thể hiện 4 mối tương quan căn bản:

·         Tương quan với Thiên Chúa, con người giữ tinh thần thảo hiếu, vì Ngài là nguồn của mọi hiện hữu, của Chân, Thiên, Mỹ của sự sống vĩnh hằng.

·         Tương quan với mọi người trên trái đất, con người giữ tinh thần huynh đệ với nhau không phân biệt màu da, sắc tộc, địa vị, giầu sang theo tinh thần 10 Điều Răn và Tám Mối Phúc Thật Chúa đã dạy chúng ta.

·         Tương quan với vạn vật, con người giữ tinh thần huynh trưởng, con người như anh chị lớn thay mặt Đấng Tạo Hóa quản lý muôn loài (Cựu Ước, sách Sáng Thế I, 28)

·         Tương quan với chính mình, con người giữ tinh thần tự chủ: làm chủ bản thân, tình cảm, tham vọng, dục vọng để trở thành con người tự do thực sự trước mọi ràng buộc của cuộc sống. Làm chủ thời gian, tiền bạc, tài năng và ân huệ Chúa ban để tạo ra giá trị cho mình và người trong cuộc sống. (Trích tài liệu khóa học Giáo Huấn Xã Hôi Công Giáo của UBCL&HB)


(Cursillista Inhaxiô ĐẶNG PHÚC MINH – GP Long Xuyên)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét