Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

Giáo lý ĐTC Phanxicô - Giáo Hội (2)

Kitô hữu không có chuyện "phận ai nấy lo"

Bài giáo lý về Giáo Hội ngày 25 tháng 6 năm 2014 (toàn văn)

Rôma – 25/6/2014 (Zenit.org)


"Chúng ta không là Kitô hữu với tính cách cá nhân, hồn ai nấy giữ… Làm người Kitô hữu có nghĩa là một sự thống thuộc Giáo Hội", như là "một cái họ": nếu tên riêng gọi "tôi là Kitô hữu" thì họ là "tôi thuộc về Giáo Hội", Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố trong buổi triều yết chung ngày 23/6/2914, trên quảng trường Thánh Phêrô: không thể yêu mến Thiên Chúa bên ngoài Giáo Hội được".
Dành cho buổi triều yết cuối trước khi nghỉ hè, Đức Giáo Hoàng đã tiếp tục chuỗi bài giáo lý về Giáo Hội: sau "sáng kiến của Thiên Chúa là Đấng muốn tạo dựng một dân tộc để mang sự chúc lành của Người tới tất cả muôn dân trên mặt đất", ngài đã nhấn mạnh đến "sự thống thuộc" của các Kitô hữu vào Giáo Hội.
"Không ai có thể một mình trở thành Kitô hữu", Đức Giáo Hoàng khẳng định: "Người ta không làm ra người Kitô hữu trong một phòng thí nghiệm. Người Kitô hữu là thành phần của một dân tộc đến từ xa, gọi là Giáo Hội và Giáo Hội này làm cho người đó trở thành Kitô hữu, trong ngày chịu Phép Rửa, và sau đó suốt trong quá trình học đạo…", giống như "một đại gia đình trong đó người ta tập sống như các môn đệ của Chúa Giêsu".
Đức Giáo Hoàng đã cảnh giác phải chống lại "cám dỗ nguy hiểm" là "có một quan hệ cá nhân, đi thẳng, trực tiếp với Đức Giêsu Kitô bên ngoài sự hiệp thông và sự trung gian của Giáo Hội", cám dỗ "làm mà không có người khác, không có Giáo Hội, tự cứu độ một mình".
"Chúa đã ký thác thông điệp cứu độ của Người cho con người; và chính trong anh chị em chúng ta, với các ân sủng và giới hạn của họ, Người đến gặp gỡ chúng ta và tỏ mình ra… người ta không thể yêu mến Thiên Chúa mà không yêu mến anh em mình; người ta không thể yêu mến Thiên Chúa bên ngoài Giáo Hội được", ngài nói thêm.
"Sự thống thuộc này, ngài lưu ý, cũng được biểu lộ trong Danh Thánh mà Thiên Chúa đã dành cho Người. Khi trả lời ông Mô-sê, trong thời điểm kỳ lạ của "bụi cây bùng lửa" (x. Xh 3, 15), Người đã tự nhận là Thiên Chúa của các tổ phụ. Người không phán: Ta là Đấng Toàn Năng…, không: Ta là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp".
A.K.

Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Thân chào quý anh chị em!
Hôm nay có một nhóm khách hành hương khác nối kết với chúng ta trong đại sảnh Phaolô VI; đó là những người hành hương đang bị bệnh. Bởi vì với thời tiết này, giữa cái nóng bức và rủi ro có thể bị mưa, để họ ở đó là việc thận trọng. Nhưng họ được nối kết với chúng ta qua màn hình khổng lồ. Và như thế, chúng ta cùng hợp nhất trong một cuộc triều kiến chung. Và hôm nay, tất cả chúng ta sẽ cầu nguyện đặc biệt cho họ đang bị bệnh hoạn. Cảm ơn.
Trong bài giáo lý thứ nhất về Giáo Hội, thứ Tư tuần trước, chúng ta đã khởi đi từ sáng kiến của Thiên Chúa muốn hình thành một dân tộc để mang sự chúc lành của Người đến tất cả những dân tộc trên mặt đất. Người bắt đầu với ông Abraham và sau đó, với nhiều kiên nhẫn, -và Thiên Chúa đã có kiên nhẫn, Người có nhiều - Người chuẩn bị dân này trong Cựu Ước cho đến khi, nơi Chúa Giêsu Kitô, Người đặt để Chúa như dấu chỉ và khí cụ hiệp nhất giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau (x. Công Đồng Đại Kết Vaticanô II, Tông Hiến Lumen Gentium, 1). Hôm nay, chúng ta muốn dừng lại trên tầm quan trọng, đối với người Kitô hữu, phải thuộc về dân tộc này. Chúng ta sẽ nói về sự thống thuộc vào Giáo Hội.

1. Chúng ta không bị cô lập và chúng ta không là những Kitô hữu với danh nghĩa cá nhân, chuyện ai nấy lo: căn cước của chúng ta là một sự thống thuộc! Chúng ta là Kitô hữu bởi vì chúng ta thống thuộc Giáo Hội. Cũng như là một cái họ: nếu tên riêng gọi "tôi là Kitô hữu", họ [của tôi] là "tôi thuộc về Giáo Hội". Thật là rất đẹp khi thấy được rằng sự thống thuộc này cũng đã được biểu hiện trong Thánh Danh mà Thiên Chúa đã dành cho Người. Khi trả lời ông Mô-sê, trong thời điểm kỳ lạ của "bụi cây bùng lửa" (x. Xh 3, 15), Người đã tự nhận là Thiên Chúa của các Tổ Phụ. Người không phán : Ta là Đấng Toàn Năng…, không. Ta là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp. Như vậy, Người hiển hiện như là Đấng Thiên Chúa đã nối kết một giao ước với các Tổ Phụ và luôn luôn trung thành với giao ước của Người, và Người kêu gọi chúng ta hãy gia nhập vào mối quan hệ này đã có trước chúng ta. Mối quan hệ này của Thiên Chúa với dân Người có trước tất cả chúng ta, nó đã có từ cái thuở xa xưa đó.
2. Trên ý nghĩa này, tư tưởng của chúng ta trước hết, với lòng tri ân, hướng tới những người đã đi trước chúng ta và đã đón nhận chúng ta trong Giáo Hội. Không ai có thể một mình trở thành Kitô hữu! Như thế đã rõ ràng chưa? Không ai có thể một mình trở thành Kitô hữu. Người ta không làm ra người Kitô hữu trong một phòng thí nghiệm. Người Kitô hữu là thành phần của một dân tộc đến từ xa. Người Kitô hữu thuộc về một dân tộc gọi là Giáo Hội và Giáo Hội này làm cho người đó trở thành Kitô hữu, trong ngày chịu Phép Rửa, và sau đó suốt trong quá trình học đạo, vv… Nhưng không ai, không có ai một mình trở thành Kitô hữu cả.
Nếu chúng ta tin, nếu chúng ta biết cầu  nguyện, nếu chúng ta biết Chúa và chúng ta có thể nghe Lời Người, nếu chúng ta cảm thấy gần gũi và nhận biết Người trong anh em chúng ta, thì đó chính là đã có những người khác, đi trước chúng ta, đã sống đức tin của họ và rồi đã truyền đạt lại. Đức tin, chúng ta đã nhận lãnh từ cha ông chúng ta, từ tổ tiên chúng ta và các ngài đã dậy lại cho chúng ta. Nếu chúng ta nghĩ kỹ về chuyện này, chúng ta sẽ thấy biết bao khuôn mặt thân quen đang hiện ra trong mắt chúng ta giữa lúc này! Đó có thể là khuôn mặt của cha mẹ chúng ta đã xin Bí Tích Thánh Tẩy cho chúng ta, khuôn mặt của ông bà chúng ta hay khuôn mặt một thành viên trong gia đinh chúng ta đã dạy chúng ta làm dấu Thánh Giá và đọc những kinh đầu đời của chúng ta. Tôi vẫn còn nhớ rõ khuôn mặt của dì phước đã dậy giáo lý cho tôi; khuôn mặt đó cứ trở về trong trí óc tôi hoài - chắc chắn giờ này, dì phước đó đang ở trên Trời, bởi vì đó là một phụ nữ thánh thiện, nhưng tôi luôn nhớ tới dì và tôi tạ ơn Thiên Chúa vì người nữ tu này. Hay là khuôn mặt của cha sở, của một vị linh mục khác hay một nữ tu, một giáo lý viên, đã truyền đạt cho chúng ta nội dung của đức tin và đã giúp đỡ chúng ta lớn lên như một Kitô hữu… Giáo Hội là thế đó: một đại gia đình trong đó người ta được đón tiếp và được học cách sống như những tín hữu và như những môn đệ của Chúa Giêsu.
3. Chúng ta có thể sống hành trình này, không những nhờ ở những người khác, mà còn với những người khác. Trong Giáo Hội, không có những "bộ linh kiện để lắp ráp", không có "cầu thủ lẻ loi". Bao nhiêu lần ĐGH Biển Đức XVI đã mô tả Giáo Hội như một "chúng ta" thuộc Giáo Hội! Có đôi khi người ta nghe nói: "Tôi tin Thiên Chúa, tôi tin Chúa Giêsu, nhưng Giáo Hội, tôi không quan tâm…" Biết bao lần chúng ta đã nghe câu nói này? Và điều này là không được. Có những người tự coi mình có thể có một quan hệ cá nhân, đi thẳng, trực tiếp với Chúa Giêsu Kitô bên ngoài sự hiệp thông và trung gian của Giáo Hội. Đó là những cám dỗ nguy hiểm và có thể gây tác hại. Đó là, như ĐGH Phaolô VI đã phán, những sự phân cách phi lý. Quả thật là cùng đi chung, có những gò bó và đôi khi trở nên nặng nề: có thể là có anh chị em nào đó tạo ra cho mình những vấn đề, hay làm chúng ta bực bội… Nhưng Chúa đã gửi thông điệp cứu độ của Người cho con người, cho tất cả chúng ta, cho các chứng nhân; và chính nơi anh chị em chúng ta, với những ân điển và giới hạn của họ, mà Người đến gặp gỡ chúng ta và tỏ mình ra cho chúng ta. Và đó là ý nghĩa thống thuộc Giáo Hội. Anh chị em hãy ghi nhớ điều này: là Kitô hữu có nghĩa là thống thuộc Giáo Hội. Từ "Kitô hữu" có nghĩa là "thuộc về Giáo Hội".
Các bạn thân mến, chúng ta hãy cầu xin Chúa, nhờ lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Giáo Hội, ơn để đừng bao giờ sa vào những cám dỗ nghĩ rằng có thể không cần người khác, không cần Giáo Hội, mà tự mình cứu độ được mình, là những Kitô hữu trong phòng thí nghiệm. Trái lại người ta không thể yêu mến Thiên Chúa mà không yêu mến anh em mình; không thể yêu mến Thiên Chúa bên ngoài Giáo Hội; không thể hiệp thông với Thiên Chúa mà không hiệp thông với Giáo Hội và chúng ta không thể trở thành những Kitô hữu tốt lành mà không cùng với tất cả những ai đang tìm theo Chúa Giêsu, như một dân tộc duy nhất, một thân thể duy nhất. Và Giáo Hội là thế đó.
Bản dịch tiếng Pháp : Constance Roques (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt : Mạc Khải (ghxhcg)

(25 juin 2014) © Innovative Media Inc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét