Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

Học hỏi Phương Pháp PT


Nghệ thuật Tiếp Xúc Cá Nhân

 
(Nguyễn Đức Tuyên)

Việc giao tế trong xã hội ngày nay là một vấn đề quan trọng, được đặt ra cho mọi tổ chức và đoàn thể. Trong các xí nghiệp và công sở người ta đã mở ra các khoá huấn luyện giao tế song song với các lớp huấn luyện kỹ thuật dành cho nhân viên điều hành. Ngày nay, môn giao tế nhân sự, điều tra, lượng giá, tâm lý là những môn chuyên biệt dành cho sinh viên và chuyên viên, đặt biệt là nganh quản trị.
Đối với Phong trào Cursillo, việc tiếp xúc cá nhân được coi là một nghệ thuật không phải chỉ được áp dụng trong Khoá 3 Ngày mà còn cần đến trong các giai đoạn Tiền và nhất là Hậu Cursillo nữa.
Tiếp xúc cá nhân là phương pháp rao giảng Tin Mừng bằng cách truyền đạt đến người khác chính kinh nghiệm bản thân của mình về đời sống đức tin qua hình thức diện đối diện. Nếu đời sống đạo đức là việc riêng tư mỗi cá nhân thì tất cả chúng ta ai cũng cần đến sự giúp đỡ riêng tư cho chính mình. Do đó, tiếp xúc cá nhân còn là việc cởi mở tâm hồn mình để trực tiếp trao đổi và chia sẻ với người khác.
Như vậy tiếp xúc cá nhân vượt xa hơn vấn đề giao tế nhân sự và sâu hơn những chuyện xã giao đôi khi có tính chất phù phiếm.
Đức Phaolô VI, trong Tông huấn Phúc Âm Hoá Thế Giới Ngày Nay, đã nói:
"Vì lý do này, song song với việc loan truyền tập thể về Tin Mừng, một hình thức truyền đạt khác, hình thức diện đối diện, vẫn hiệu lực và quan trọng. Chính Chúa thường dùng nó (trường hợp gặp gỡ Nicôđêmô, Giakêu, Simông người Pharisiêu và người phụ nữ Samarita) và các tông đồ cũng làm như thế. Kinh nghiệm ghi nhận không có tính cách truyền đạt đến người khác kinh nghiệm đức tin của chính mình. Điều nên tránh là, trước nhu cầu cấp bách loan truyền Tin Mừng cho muôn dân, chúng ta sao lãng mất hình thức tuyên xưng này, nhờ đó lương tri của mỗi cá nhân được vươn tới và đánh động bởi một thế giới duy nhất mà họ đón nhận từ nơi anh em khác.”[1]


Chỉ có tình bạn chân thành mới mở lối cho đối thoại và mở được cửa lòng người. Nghệ thuật tiếp xúc cá nhân bao gồm việc tạo cơ hội, sự lịch thiệp và cung cách tiếp xúc theo tinh thần tông đồ. Người tiếp xúc làm bạn với tất cả mọi người để mọi người sẽ làm bạn hữu của Chúa Kitô. Điều cần lưu ý là người nói và cách nói quan trọng cho người nghe hơn là điều được nói ra.
Tiến trình tiếp xúc cá nhân gồm 2 giai đoạn là đánh động và chuyển dịch; nghệ thuật này mang thiên hình vạn trạng, với nhiều cung cách, âm điệu cần thiết được áp dụng tùy theo hoàn cảnh.
Giai đoạn đầu là đánh động. Tưởng cũng cần ghi là theo ngôn ngữ và văn hóa Tây Ban Nha giai đoạn này được gọi là "sounding", có thể được hiểu là thăm dò thái độ một người để họ phản ứng, nói lên ý kiến, cảm nhận của họ về một sự việc nào đó; hoặc tác động người nào để tìm cách xác định vị thế tâm tư người đó. Giai đoạn này giúp ta biết rõ đối tượng, nói khác đi là biết rõ vị thế của người đối thoại một cách chính xác và giúp ta khám phá được tư tưởng của họ.
Sounding là giai đoạn tìm hiểu cẩn trọng, tạo ảnh hưởng vào mỗi cá nhân và mỗi trường hợp để biết rõ sự giao động trong tâm hồn họ, thái độ của họ và hoàn cảnh sống của họ để giúp ta hiểu rõ đối tượng, thông cảm với họ và đem chân lý đến với họ một cách hữu hiệu hơn.
Giai đoạn đánh động này có 2 tác dụng là tìm hiểu và lượng giá, được thực hiện dè dặt, cẩn trọng, tương kính và yêu thương. Nếu ta để cho họ nhận thấy chính họ là nạn nhân của một cuộc chất vấn, tệ hại hơn nữa là tra hỏi, và không được chia sẻ trong tình bằng hữu, họ sẽ khép kín tâm hồn lại, chỉ hé mở chút ít đến những gì họ muốn cho ta biết mà thôi.
Tìm hiểu và lượng giá là một việc làm tế nhị, không thúc bách và phải tự chế ngự chính mình, tránh khuynh hướng tò mò và hiếu kỳ.
"Chúng ta phải có trực giác bén nhậy và nhận thức đầy đủ về tha nhân để có thể đặt để họ vào đúng chỗ mà không cần đi sâu vào chi tiết" [2]
Tóm lại giai đoạn đánh động nhằm mục đích: quan sát - nghiên cứu - định vị trí và mở lối khai thông.
Phần hai của nghệ thuật tiếp xúc cá nhân là chuyển dịch mà ngôn từ Tây Ban Nha gọi là "stabbing" hay đâm thọc, tựa như động tác dùng mũi lao phóng vào con bò ở đấu trường.
Đối với chúng ta, stabbing là một hành vi phóng sự thật hay chân lý để cho chân lý ghim sâu vào đối tượng. Nó như là mũi tên quyết định được phóng ra xuyên trúng hồng tâm của vấn đề hầu khuấy động lương tri họ.
Nói một cách đơn giản, một khi ta quen một người, biết tính tình, sở thích và lối sống của họ, ta tìm cách chinh phục họ bằng cách nói chuyện với họ và nói những điều gì để ảnh hưởng tới họ.
Sứ mạng của ta là làm sao chuyển dịch một người từ một vị trí họ đang đứng sang vị trí họ phải đứng.
Xin hãy học hỏi nơi Chúa Kitô trong việc tiếp xúc cá nhân về 4 trường hợp trong Kinh Thánh mà Đức Phaolô VI đã nhắc tới:

Trường hợp ông Simon thuộc nhóm Pharisêu[3]:
"Có người thuộc nhóm Pharisêu mời Đức Giêsu dùng bữa với mình. Đức Giêsu đến nhà người Pharisêu ấy và vào bàn ăn. Và kìa một phụ nữ vốn là phụ nữ tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa trong nhà ông Pharisêu, liền đem một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đàng sau sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.
Thấy vậy, ông Pharisêu đã mời Người, liền nghĩ bụng rằng: "Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ nào: một người tội lỗi!" Đức Giêsu lên tiếng bảo ông: "Này ông Simon, tôi có điều muốn nói với ông." Ông ấy thưa: "Dạ xin Thầy cứ nói."Đức Giêsu nói: "Một chủ nợ kia có 2 con nợ, một người nợ 500 quan tiền, một người 50. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?" Ông Simon đáp: "Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn."Đức Giêsu bảo: "Ông xét đúng lắm."
“Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Simon: Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông, nước lã ông cũng không đổ lên chân tôi còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn chào tôi được một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế tôi nói cho ông hay: tội của chị ấy rất nhiều nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít, thì yêu mến ít. Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ: "Tội của chị đã được tha rồi."Bấy giớ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: "Ông này là ai mà lại tha được cả tội?" Nhưng Đức Giêsu nói với người phụ nữ: "Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an."
Chúa không quản ngại thái độ thù nghịch của người Pharisêu mà vẫn đến nhà họ khi được mời. Khi thấy người phụ nữ đến khóc lóc và rửa chân, Người giữ im lặng trước thân phận tội lỗi của chị. Khi người Pharisêu lên tiếng, Chúa mới nhân đó mà giải thích. Câu chuyện diễn ra thật đơn sơ nhưng lời giảng của Chúa lại chứa đựng một chân lý, có giá trị hơn một bài giảng hùng hồn. Trong cách tiếp xúc cá nhân này Chúa Kitô đã dùng một câu chuyện cụ thể vừa xảy ra để cho người chứng kiến tìm hiểu, thắc mắc và nhân đó Chúa chuyển dịch và hướng dẫn cả người phụ nữ lẫn ông Pharisêu và quan khách về sự hối cải và sự thứ tha.

Tiếp đến là trường hợp ông Gia kêu[4]:
''Sau khi vào Giêrikô, Đức Giêsu đi qua thành phố ấy. Và kìa, có một người tên là Giakêu; ông đứng đó xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được vì dân chúng thì đông mà ông lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: "Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông! "Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy mọi người xầm xì với nhau: "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!" Còn ông Giakêu thì đứng mà thưa với Chúa rằng: "Thưa Ngài, này đây phân nữa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn. Đức Giêsu nói với ông ta rằng: "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất."
Chúa thấy ông Giakêu, người giầu có và tội lỗi nhưng khao khát nhìn thấy Chúa. Khi đến chỗ cây sung, Người ngẩng mặt và lên tiếng trước: "Này ông Giakêu, xuống mau đi vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!". Ông mừng rỡ và đột nhiên biến đổi con người, theo chân Chúa và Chúa đã nói một điều quan trọng: "Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất."
Bài học quý giá ta học được nơi Chúa là sự quan tâm của Ngài đến đối tượng tiếp xúc cùng cách chuyển dịch ông Giakêu một cách rất đơn sơ nhưng đầy hiệu quả.

Thứ ba là trường hợp ông Nicôđêmo[5]:
"Trong nhóm Pharisêu, có một người tên là Nicôđêmô, một thủ lãnh của người Do thái. Ông đến gặp Đức Giêsu lúc đêm. Ông nói với Người: "Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy." Đức Giêsu trả lời: "Thật, tôi bảo thật ông, không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh lại bởi ơn trên." Ông Nicôđêmô thưa: "Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao? "
Đức Giêsu đáp: "Thật tôi bảo ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và thần khí. Cái gì bởi xác thịt mà sinh ra, thì là thần khí. Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần được sinh lại bởi ơn trên. Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần khí mà sinh ra cũng vậy."
Qua phần đối thoại trên đây và những phần kế tiếp ta học được bài học tiếp xúc của Chúa. Ngôn từ Ngài dùng với ông Nicôđêmô khác hẳn hai lần trước, hướng vào chiều sâu và chiều cao hơn.
Trước hết là gợi ý của Ngài về Nước Trời và sự tái sinh, gây cho ông Nicôđêmô sự tò mò, thắc mắc để rồi từ khởi điểm đó vấn đề được đào sâu đem đến chuỗi dài những ý niệm càng lúc càng lên cao về lời chứng, về Con Người, Đấng từ trời xuống, và ai tin vào Người thì được sống muôn đời, về Thiên Chúa yêu mến thế gian đến nỗi đã ban Con Một, về Ơn Cứu độ, về những kẻ không tin thì bị lên án, về người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng và về những kẻ theo sự thật thì đến cùng ánh sáng.

Sau hết ta bước sang trường hợp người đàn bà Samarita:[6]

''Có một người phụ nữ Samarita đến lấy nước. Đức Giêsu nói với người ấy: "Chị cho tôi xin chút nước uống!" Quả thế, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. Người phụ nữ Samarita liền nói: " Ông là người Do thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samarita, cho ông nước uống sao? "Quả thế, người Do thái không được giao thiệp với người Samarita. Đức Giêsu trả lời: "Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người nói với chị: "cho tôi chút nước uống", thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị nước hằng sống" (Ga, 4:7-10).
Để đáp lại câu hỏi về nước hằng sống, Đức Giêsu trả lời: "Ai uống nước này sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời" (Ga 4:13-14).
Sau cùng "Người phụ nữ đó để vò nước lại vào thành và nói với người ta: "Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao? "Họ ra khỏi thành và đến gặp Người" (Ga 4:28-30).
Trong cuộc tiếp xúc này, ta thấy Chúa đã lên tiếng trước như thể muốn làm quen. Chúa xin bà nước uống. Nghe lời ấy bà Samarita cảm thấy mình được chú ý, được kính trọng, là người có thể làm ơn và là người có tiềm năng tốt.
Đó là một tin mừng lớn lao đối với bà, một tin mừng giải thoát bà khỏi mặc cảm, mở lòng trí bà hưởng về Đấng có sức giải thoát bà khỏi tội lỗi và dẫn bà đến sự sống đời đời. Thế rồi cuộc trao đổi đi từng bước đi lên.
Sau cùng, người đàn bà tội lỗi ấy đã trở thành kẻ loan Tin mừng rất nhiệt tình cho dân ngoại: "Truyền giáo như vậy là dùng chính những người tội lỗi, yếu đuối hèn hạ làm người cộng tác để rao giảng ơn tha thứ, sự phục hồi nhân phẩm và niềm tin vào Chúa Kitô; chính họ là người đưa tin hấp dẫn khiến nhiều người suy nghĩ chú ý "[7].
Trên thực tế, việc tiếp xúc cá nhân có nhiều cách mà mỗi hoàn cảnh, mỗi cá nhân, nhờ sự khôn ngoan và nhất là nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Linh và lời cầu nguyện của chính mình sẽ thâu đạt kết quả.
Việc tiếp xúc cá nhân cần thực hiện ở cả ba giai đoạn: Tiền Cursillo, Khóa 3 Ngày và Hậu Cursillo. Mỗi giai đoạn được áp dụng uyển chuyển, nhưng nghệ thuật vẫn là đánh động và chuyển dịch.
Trong giai đoạn Tiền Cursillo, việc đánh động nhằm lôi kéo người ta chú ý tới việc cải tạo xã hội, lấy Phúc Âm làm tiêu chuẩn và từ đó mời gọi hay chuyển dịch họ tham gia Khóa Cursillo.
Trong Khoá Cursillo, ngày thứ năm và thứ sáu là giai đoạn đánh động, mà mục đích đầu tiên là làm quen với khóa sinh. Ngày thứ bẩy là thời gian giải tỏa những thiên kiến về chân lý, đặt ra mối liên hệ giữa chân lý và những hoàn cảnh riêng của khóa sinh. Ngày chúa nhật là giai đoạn chuyển dịch, giúp khóa sinh lập kế hoạch tái nhập môi trường hiện tại mà họ sống trước ngày nhập khóa.
Trong Ngày Thứ Tư, việc tiếp xúc cá nhân trong Phong trào nhấn mạnh vào các buổi họp nhóm, Ultreya và trường huấn luyện. Việc tiếp xúc ngoài Phong trào nhằm Phúc Âm hóa môi trường, và đối với một số trường hợp, lại là giai đoạn Tiền Cursillo.
Sau hết, muốn cho việc tiếp xúc cá nhân đạt được thành quả, điều cốt yếu là sự cầu nguyện và hi sinh. Ta nói với Chúa về người bạn trước khi nói với bạn về Chúa. Sự học hỏi trau dồi kiến thức thần học giáo dân là một khía cạnh cần cố gắng. Thái độ khiêm cung, nhã nhặn, lịch thiệp, vồn vã và chân tình là những đức tính cần có của chúng ta mỗi khi giao tiếp để, qua mỗi người, mọi người cùng dắt tay nhau phục vụ anh chị em và phụng sự Chúa.
Tài liệu của Phong trào cũng lưu ý chúng ta là việc xử dụng nghệ thuật tiếp xúc cá nhân nếu tỏ ra cẩu thả sẽ được coi là sự nhạo báng công trình của Thiên Chúa và nguy hại đến đời sống của tha nhân. Các nhà sáng lập Phong trào khuyến cáo rằng: "Khó mà tranh luận về những kỹ thuật này. Nó khá nguy hiểm vì trong lãnh vực này các giá trị dễ bị đánh giá sai lầm. Người thiếu sự hiểu biết đứng đắn sẽ vô tình nhìn cứu cánh là phương tiện."[8]
'Chúng ta ưu tư làm sao có thể minh định được sự việc mà ta lầm tưởng là kỹ thuật lại là sự việc gây tắc nghẽn tinh thần và giống như hòn đá cản đường tạo vấp ngã mà lẽ ra kỹ thuật này phải là mạch thông lưu."
 
Tóm lại, nghệ thuật tiếp xúc cá nhân là một biểu dương của lương tri. Nó phát hiện ngày càng rõ nét trong thời gian tiếp xúc với đối tượng để đem lại thành công. Có rất nhiều người đạt được kết quả một cách tự nhiên trong khi tiếp xúc. Tuy nhiên, dầu thành công chăng nữa cũng không tránh khỏi những nhược điểm ở một vài phương diện và không một ai có thể hoàn thiện phương pháp nếu không học hỏi, suy niệm, trao đổi kinh nghiệm với anh chị em khác và nhất là chú tâm cầu nguyện.
 


[1] Tông Huấn PAH, đoạn 46
[2] Structure of Ideas, trang 32
[3] Luc.7:36-49
[4] Luc. 19:1-10
[5] Ga. 3:1-21
[6] Ga. 4:1-30
[7] Đức Cha Bùi Tuần
[8] Structure of Ideas, tr. 49

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét