ĐỨC TIN BỪNG SÁNG VÀO CUỐI TRIỀU
ĐẠI
Bầu
khí an bình, vui tươi, đầy sức sống của những ngày đầu năm bỗng nhiên bị rúng
động bởi những lời tuyên bố của Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI vào ngày
11/2/2013:
“Rất nhiều lần suy đi nghĩ lại, theo lương tâm,
trước Thiên Chúa, tôi được soi sáng biết chắc chắn rằng, khi tuổi càng thêm, sức
lực của tôi không còn thích hợp cho việc thi hành tác vụ trên Tòa Thánh Phêrô
cách xứng hợp nữa… Tôi rất ý thức về hành động quan trọng này, với sự tự do hoàn
toàn, tôi tuyên bố từ chức khỏi tác vụ Giám Mục Giáo Phận Rôma, khỏi Tác Vụ
Người Kế Vị Thánh Phêrô”.
Là
người đầu tiên tuyên bố từ nhiệm với đầy đủ ý thức sáng suốt và tự do (sau ĐGH
Celestinô V Dòng Thánh Biển Đức với 161 ngày trị vì Giáo Hội 5/7/1294 –
13/12/1294), ĐGH Bênêđitô XVI đã để lại ấn tượng khó phai, những nuối tiếc xen
lẫn lòng ngưỡng mộ và tâm tình tri ân sâu xa của muôn triệu con tim trên khắp
thế giới. Người đã lãnh đạo Giáo Hội không chỉ bằng sự sáng ngời sâu sắc phi
thường về thần học trong 8 năm qua, mà còn bằng sự trải nghiệm và thử thách về
đức tin, sự trong sáng, liêm chính, tình yêu đối với chân lý, kể cả cái giá đau
khổ riêng tư mà ngài đã gánh chịu. Qua hành vi tuyên bố từ chức và những tâm
tình của ngài gửi gắm trong những ngày cuối cùng của triều đại giáo hoàng, chúng
ta sẽ thấy toát lên một mẫu gương đức tin, những chứng từ sống động cho tất cả
mọi người: về chiều kích cá nhân, ngài đặt thánh ý Thiên Chúa lên trên hết mọi
sự; về chiều kích Giáo Hội, ngài xác tín vào tình thương và sự lãnh đạo tối cao
của Chúa trong Giáo Hội hiệp thông; về chiều kích sứ vụ người kế vị thánh Phêrô,
ngài hiến trao trọn cả cuộc đời.
1.
Chứng từ đức tin trong quyết định thoái vị Giáo hoàng
Lời
loan báo chấm dứt triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđitô XVI thoạt tiên không
khỏi gây cho nhiều người ngạc nhiên và choáng váng. Một số người khâm phục vì
nhận ra sự khiêm tốn, hành động đầy can đảm và khôn ngoan của ngài. Một số khác
chỉ nhìn thấy sự phức tạp của tình hình Giáo Hội hiện nay. Trong làn sóng phản
ứng đó, phải kể đến một vấn nạn đụng chạm đến đức tin: Việc Đức Giáo Hoàng từ
nhiệm cho thấy Giáo Hội đang trở nên già yếu hay trỗi dậy trong hoạt động của
Chúa Thánh Thần? Câu trả lời được tìm thấy ngay trong lời giải thích của Giáo
Hoàng cách đây không lâu. Quả thực, vào năm 2010, ngài đã nói về một giả thuyết
từ chức trong cuộc đối thoại với ký giả người Đức Peter Seewald, khi Giáo Hội
rơi vào tình cảnh khủng khiếp của cơn bão tố, liên quan đến những lạm dụng tình
dục trong Giáo Hội:
“Mình không được bỏ chạy trong cơn nguy lớn. Chính
đây là lúc mình phải đứng vững để giải quyết tình thế khó khăn. Người ta có thể
từ chức trong thời điểm yên hàn hoặc khi thấy mình không còn kham nổi nữa. Trong
cơn nguy biến không được chạy trốn để lại của nợ cho người khác giải quyết”
(ĐGH Bênêđitô XVI, Ánh Sáng Thế Gian. Trao đổi với Peter Weewald, NXB
Tôn Giáo, 2011, nguyên tác 2010, tr. 49)
Vì
thế nếu Đức Giáo Hoàng hôm nay tiến tới quyết định lịch sử này, thì không chỉ
bởi vì ngài cảm thấy không đủ sức gánh vác giang sơn, mà còn bởi vì Giáo Hội lúc
này đây không bị nhận chìm trong nước lũ, để mà nghĩ rằng sự thoái vị của Giáo
Hoàng là một cú sốc khủng khiếp cho Giáo Hội.
Nhưng
đối với những ai đã biết ngài là con người của đức tin, là một thần học gia thực
thụ, thì sẽ không còn ngỡ ngàng chi nữa. Ngay trong lời tuyên bố từ nhiệm, ngài
cũng thể hiện một mẫu gương chói lọi của tình yêu dành cho Đức Kitô và Giáo Hội,
một người sống đức tin quả cảm, một mục tử rất đặc biệt hơn bao giờ hết. Dẫu
biết rằng có nhiều cách để lãnh đạo Giáo Hội, trong đó cầu nguyện và chịu đau
khổ là một điều rất cần thiết, nhưng Đức Thánh Cha đã nói với chúng ta bằng
những lời ngài đã nói với các Hồng Y, rằng ngài ý thức rất rõ về thời đại chúng
ta trước những thách thức và khó khăn; Giáo Hội phải đối mặt với những thay đổi
nhanh chóng và bị xáo trộn bởi các vấn đề quan trọng cho đời sống đức tin. Để
lèo lái con thuyền của Thánh Phêrô, cũng cần phải có sức lực phần xác và phần
hồn, trong khi đó ngài thấy sức khỏe của mình đã giảm sút đến nỗi dường như bất
lực không thể thi hành tác vụ đã được trao phó trong cương vị Giáo
hoàng.
Đức
Bênêđictô XVI tỏa sáng cho chúng ta thấy ngài yêu mến Giáo Hội và Thánh Ý Thiên
Chúa trên tất cả mọi sự, trên danh dự, lợi ích và những giới hạn riêng tư. Đàng
khác ngài tin tưởng rằng Giáo Hội sẽ sống bước chuyển tiếp này bằng đức tin mạnh
mẽ vào Thiên Chúa với sự đỡ nâng của Chúa Thánh Thần.
2.
Chứng từ cho niềm tin vào Giáo Hội của Đức Kitô
Nhìn
lại gần 8 năm triều đại giáo hoàng, ngài xác tín đó là một đoạn đường của Giáo
Hội có những lúc vui, có ánh sáng, nhưng cũng có những lúc chập chùng bóng đêm.
Ngài đã cảm thấy giống như thánh Phêrô và các Tông Đồ ngồi trong con thuyền trên
biển hồ Galilea: Chúa đã cho Giáo Hội nhiều ngày có mặt trời và gió mát hiu hiu,
những ngày kéo được đầy ắp cá; nhưng cũng có những lúc biển động, gió ngược và
xem ra Chúa vẫn ngủ yên. Tuy nhiên, Đức Bênêđíctô XVI luôn luôn biết rằng trong
con thuyền ấy có Chúa:
“Con thuyền Giáo Hội không phải của tôi, không phải
của chúng ta, nhưng là của Chúa, và Người không để cho nó chìm. Chính Chúa điều
khiển nó, chắc chắn cả qua những người mà Chúa đã chọn, bởi vì Người đã muốn như
thế” (Huấn dụ trong buổi tiếp kiến chung cuối cùng
27/2/2013)
Giáo
Hội không phải là của Giáo Hoàng hay là của riêng ai, bởi vì Giáo Hội là thân
thể sống động của Đức Kitô, vừa mang chiều kích mầu nhiệm xuất phát từ Thiên
Chúa Ba Ngôi, vừa mang chiều kích hiệp thông giữa các thành phần trong dân Chúa,
nhất là giữa những người đơn sơ, nhỏ bé. Từ cảm nghiệm thâm sâu về tình thương
của những người này dành cho Đức Giáo Hoàng, ngài bày tỏ tình tri ân đối với họ,
đồng thời chia sẻ một kinh nghiệm cụ thể có thể đụng chạm được về Giáo Hội hiệp
thông như một gia đình thực thụ.
“Có
đúng thật là tôi đã nhận được rất nhiều thư của các nhân vật quan trọng trên thế
giới, từ các quốc trưởng các nước, từ các vị lãnh đạo tôn giáo, từ các đại diện
của thế giới văn hóa vv… Nhưng tôi cũng nhận được rất nhiều thư của những người
đơn sơ viết cho tôi một cách đơn sơ từ trái tim của họ, và khiến cho tôi cảm
thấy lòng thương mến của họ, nảy sinh từ việc cùng nhau ở với Chúa Giêsu Kitô,
trong Giáo Hội. Những người này không viết cho tôi, ví dụ như viết cho một ông
hoàng hay cho một người lớn mà họ không quen biết. Họ viết cho tôi như các anh
chị em hay như con cái, với ý thức về một mối dây gia đình rất yêu mến. Ở đây
người ta có thể sờ mó được bằng tay Giáo Hội là gì – không phải là một tổ chức,
một hiệp hội có các mục đích tôn giáo hay nhân đạo – nhưng là một thân thể sống
động, một sự hiệp thông giữa các anh chị em với nhau trong Thân Mình của Chúa
Giêsu Kitô, là Đấng hiệp nhất tất cả chúng ta. Sống kinh nghiệm Giáo Hội trong
kiểu này, và hầu như có thể sờ mó được bằng tay sức mạnh chân lý và tình yêu của
nó, là lý do vui sướng, trong một thời đại, trong đó biết bao nhiêu người đang
nói về sự suy tàn của Giáo Hội” (Sđd).
3.
Chứng từ cho sứ vụ thánh Phêrô: luôn luôn và vĩnh viễn
Về
ngày đắc cử 19/4/2005 Đức Bênêđíctô đã có lần ví von về sứ mạng nặng nề khủng
khiếp của biến cố này trong cuốn Ánh Sáng Thế Gian (tr.17) như một
“lưỡi đao” rơi xuống trên cổ, nhưng ngài vẫn vâng phục Thánh Ý bằng đức tin. Lần
này vào ngày tiếp kiến chung cuối cùng của triều đại mình, ngài muốn nêu lên về
trách nhiệm nghiêm trọng của Giáo Hoàng với tính chất luôn luôn và vĩnh viễn dấn
thân cho Chúa: “Luôn luôn, bởi vì bất cứ ai lãnh sứ vụ Phêrô thì không
còn có sự tư riêng nào nữa. Người ấy luôn luôn và hoàn toàn thuộc về tất cả mọi
người, thuộc về toàn thể Giáo Hội. Chiều kích riêng tư bị lấy mất khỏi cuộc sống
giáo hoàng”. Ngài như đã kinh nghiệm trao đi tất cả cuộc sống của mình, nhưng
được nhận lại tất cả điều đó. Khi luôn luôn dấn thân cho Chúa và Giáo Hội, ngài
không bao giờ cô đơn. Ngài thuộc về tất cả mọi người, và biết bao người cảm thấy
gần gũi ngài. Trái tim của một Giáo Hoàng mở rộng ra cho toàn thế
giới.
Luôn luôn cũng là vĩnh viễn. Việc
Ngài từ bỏ thi hành quyền bính Phêrô cũng không thu hồi tính chất ấy. Ngài không
còn trở lại thế giới riêng tư của mình nữa, một đời sống gồm các cuộc du hành,
hồi hương, gặp gỡ, hội họp, giảng dạy, vv… Ngài sẽ không từ bỏ thập giá, nhưng ở
lại trong Chúa Giêsu bị đóng đinh theo cách thức mới mẻ, kề cạnh. Từ bỏ quyền
bính tông tòa cai quản Giáo Hội, ngài sẽ phục vụ Giáo Hội bằng cầu nguyện, sống
cô tịch ở bên trong ranh giới của thánh Phêrô. Lối sống của ngài dù tích cực hay
thụ động, vẫn hoàn toàn tùy thuộc vào công việc của Thiên Chúa.
Qua
hành vi và những lời giảng dạy rất chân thành, khiêm tốn, can đảm của Đức
Bênêđictô XVI vào những ngày cuối cùng của triều đại giáo hoàng, chúng ta chứng
kiến một niềm tin tỏa sáng, một chứng nhân sống động của tình yêu say mê Đức
Kitô và Giáo Hội, một người cha và người thầy dạy con đường tâm linh thật sâu
sắc bằng chính cuộc đời. Điều này không thể không để lại trong chúng ta những
xúc động và ngưỡng mộ, những chứng từ về lòng tín thác và tin tưởng vào Thiên
Chúa, vị Mục Tử đích thực, Người sẽ tiếp tục trợ giúp và ban cho Giáo Hội tất cả
những gì cần thiết nhất để lèo lái con thuyền vượt qua sóng gió thời
gian.
Buông
bỏ ngai tòa, phẩm phục, dây Stola giáo hoàng và tất cả những gì gắn liền với địa
vị ấy, ngài trở về căn cước của một Kitô hữu, một lữ khách giản đơn đang thực
hiện những chặng cuối cùng của cuộc hành trình, như ngài lời phát biểu lần cuối
với dân chúng tại Castel Gandolfo trước thời khắc trống ngôi:
“Các bạn thân mến, tôi rất vui được ở với các bạn.
Sự cảm thông chia sẻ của các bạn làm cho tôi thật ấm lòng. Xin cám ơn tình cảm
thân hữu của các bạn.… Như các bạn đã biết hôm nay khác với những ngày
trước, vì từ sau 8 giờ tối, tôi không còn là Giáo Hoàng của Giáo hội Công giáo
nữa, mà chỉ là một người lữ hành bình thường trên dương thế mà thôi. Nhưng với
tất cả con tim, tình yêu, suy tư, cầu nguyện và sức mạnh nội tâm, tôi vẫn muốn
phục vụ cho thiện ích của Giáo Hội và nhân
loại”.
Nt.
Maria Đinh Thị Sáng, OP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét