Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Palanca


Ý Nghĩa Palanca
(Nguyễn Đức Tuyên)

“PALANCA” theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “cái đòn bẩy”, như quí anh /chị đã biết, đòn bẩy là một dụng cụ thô sơ, nhưng rất hữu ích. Người xưa đã nghĩ ra đòn bẩy để nâng, bẩy một vật nặng, thay thế cho sức người. Trong ngôn ngữ phong phú của chúng ta, danh từ “BÓ HOA THIÊNG”, cũng mang một ý nghĩa như chữ “PALANCA”.

Như vậy, chữ PALANCA đem áp dụng cho một khóa Cursillo mang một ý nghĩa rất cao đẹp. Khóa Cursillo của chúng ta được hàng ngàn, hàng vạn chiếc đòn bẩy, từ khắp mọi phương trời bẩy lên, nâng lên để mọi người chúng ta tiến tới, vươn lên và kết hợp mật thiết với Chúa Kitô.
Trong buổi chiều thứ năm, buổi chiều khai mạc vừa qua, tôi đã có dịp thưa cùng quí anh rằng, một trong bốn yếu tố làm cho khóa Cursillo thành công là ƠN CHÚA. Muốn có Ơn Chúa, phải cầu nguyện.

Cầu nguyện không chỉ có nghĩa là ngồi đọc kinh. Cầu nguyện diễn ra dưới nhiều hình thức như: tham dự Thánh Lễ, rước mình Thánh Chúa, đi đàng Thánh Giá, lần chuỗi Mân Côi, suy niệm Thánh Kinh, viếng Thánh Thể, làm những việc hy sinh, hãm mình, thi hành các công tác bác ái, nói lời đạo đức, giảm bớt những đam mê, từ bỏ những thói hư tật xấu, như tính nóng nảy, tính lười biếng, tính kiêu ngạo v.v... Tóm lại, tất cả những hành vi đạo đức, những cử chỉ hãm mình nếu làm với ý cầu nguyện cho khóa Cursillo, thì đó là một Palanca, một Bó Hoa Thiêng tuyệt vời.
Để cầu xin cho sự thành công của Khóa Cursillo này, văn phòng Cursillo đã gởi thơ đi khắp mọi nơi, cho các Phong Trào bạn, cho các đoàn thể Công giáo Tiến hành bạn, chẳng những thuộc Tổng Giáo Phận này, mà còn các Giáo Phận khác, chẳng những Quốc Gia này, mà còn các Quốc Gia khác, kể cả Việt Nam thân yêu, để xin dâng lời cầu nguyện cho khóa Cursillo của chúng ta. Cầu nguyện chung, cầu nguyện liên nhóm, cầu nguyện từng nhóm và cầu nguyện cá nhân một.
Các trợ tá khóa học chúng tôi đã sốt sắng cùng nhau thực hiện 8 tuần tĩnh huấn để cầu nguyện cho khóa học của chúng ta hôm nay. Suốt trong thời gian 8 tuần qua, dù ở nhà, ở sở làm, ở nơi công cộng v.v.. mỗi người chúng tôi đều thực hành một số nhân đức và hướng tâm hồn về Khóa Cursillo này.
Với Đức Tin và với niềm xác tín vào lời hứa của Chúa “Hãy xin thì sẽ được, hãy gõ thì sẽ mở,...... tất cả những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Ngài sẽ ban cho các con”, ( Luca 11: 9, 13) và với lời cầu xin của hàng ngàn người, tôi xin khẳng định rằng Thiên Chúa đã và đang đổ tràn đầy hồng ân xuống cho qui anh và Ngài cũng đang hiện diện nơi đây để nâng đỡ khích lệ và dìu dắt quí anh trong 3 ngày tĩnh huấn này.
Bằng chứng là Ban Điều Hành chúng tôi đã nhận được rất nhiều Palanca từ khắp mọi nơi gởi về chứa chất đầy những lời cầu nguyện cho tất cả quí anh/chị cũng như cho từng anh/chị một. Quí anh/chị có thể bỡ ngỡ, có lẽ có anh/chị nghi ngờ, nhưng tôi xin đoan quyết rằng thói quen của người Cursillista là sự cầu nguyện trước mọi hành động - đặc biệt là những hoạt động tín ngưỡng. Vì vậy, những cánh thư thân yêu mà quý anh/chị sẽ nhận được lát nữa đây, những tấm Palanca dán tường mà quí anh/chị sẽ có dịp ngắm nhìn sau đo, đều chứa đựng những lời cầu nguyện thành tâm và tha thiết nhất.”
Như vậy,
Các thơ palanca cá nhân, tự nó, không có gì sai trái. Vấn đề là VPĐH Phong Trào và người viết đã thực hiện palanca ra sao và nội dung thơ palanca như thế nào. Nếu palanca được viết cho có số lượng và nếu nội dung thơ palanca viết cho có hình thức, bôi bác, thậm chí lạm dụng thì việc loại bỏ những palanca  như vậy là đúng. Người viết palanca không quen biết người khóa sinh cũng là truyện bình thường nếu trong thơ chỉ nói về việc mình cầu nguyện và những việc thiêng liêng mình làm. Tôi nhớ, có nhiều lần, người khóa trưởng cũng nói rõ cho khóa sinh biết, có nhiều người không biết anh/chị nhưng trong tinh thần “hiệp thông”, họ đã làm những bó hoa thiêng gửi cho anh/chị. Nói palanca cũng là một cách tiếp xúc cá nhân cũng đúng, nếu ta hiểu về ý nghĩa việc tiếp xúc cá nhân.

Vấn đề còn lại của Phong Trào Cursillo nói chung và Khóa Ba Ngày, nói riêng, theo thiển ý, cần lưu tâm đến 6 yếu tố, đó là: Ơn Chúa, sự tác động của Chúa Thánh Thần, sự cám dỗ của ma quỉ, hoàn cảnh thế gian, tấm lòng người thực hiện và sự Cầu Nguyện.
1. Ơn Chúa là sức mạnh tuyệt vời, cùng với Đức tin son sắt, ta có thể làm được những việc mà tự thân ta, không thể làm được.
2. Chúa Thánh Thần dõi theo từng bước ta đi, hiểu thấu từng ý nghĩ của ta và đồng hành với ta trong mọi hành động. Trong Khóa Ba Ngày, tác động của Chúa Thánh Thần như những “phép lạ” nho nhỏ, đến như những bất ngờ mà nhiều khi ta không hiểu nổi. (Cũng xin lưu ý là cũng có một số người nêu ra những phép lạ giả tạo trong khóa học).
3. Ma quỉ cũng tìm cách cản bước ta đi, cám dỗ những ý nghĩ, hành động tốt đẹp của ta trở thành những ý nghĩ không tốt, hành động xấu. Chúng xúi ta kiêu căng, chia rẽ, kể cả những hành động “phản đạo đức” trong Phong Trào hay trong khóa học. (Trường hợp biến palanca thành “tội lỗi” và những hành động khác). Chúng ta không làm gì, ma quỉ để yên. Nếu chúng ta tích cực xây dựng, ma quỉ cũng tích cực phá phách. Đây là một cuộc chiến nội tâm mà phần thắng chỉ dành cho những người biết cảnh giác và biết nắm chặt tay Chúa.
4. Thế gian ở đây là những cá nhân hay những nhóm người không ưa Phong Trào hay Đạo Chúa. Xin hãy coi chừng.
5. Tấm lòng người thực hiện, nói cụ thể là thành viên Phong Trào và những trợ tá khóa học. Tấm lòng chúng ta làm sao thể hiện được sự trong sáng. Chúng ta làm việc chỉ vì Chúa, vì Giáo Hội và vì Phong Trào. Chúng ta theo đuổi việc Phúc Âm hóa thế gian. Cụ Nguyễn Du nói “Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ Tài”, cũng để đề cao Tấm Lòng mình. Mặt khác, đúng như một nhận xét, palanca phù hợp với tâm tình đông phương, thiên về tình cảm và dễ đánh động. Nên nhớ rằng, Khóa Ba Ngày là một sự tổng hợp Ơn Sủng, khoa sư phạm và tâm lý. Hơn nữa, chứng nhân là điều quan trọng. Ta làm và nói những gì trong khóa học mà ta không thực sự thể hiện ở đời thường hàng ngày, tất nhiên là phản chứng.
6. Về vấn đề Cầu Nguyện, xin trích một đoạn của Đức Gioan Phaolô II trong cuốn Đón Mừng Năm thánh 2000: “Để luôn luôn kết hợp với Thiên Chúa trong sự chu toàn các trách nhiệm trên vai mình là điều thiết yếu để làm chứng tình yêu của Chúa. Chỉ có đời sống nhiệm tích và cầu nguyện mới có thể làm cho sự mật thiết với Chúa tăng trưởng.
Anh chị em cần dành thì giời để cầu nguyện, để nuôi dưỡng việc cầu nguyện và các hành động qua việc học hỏi Phúc Âm, thần học, và triết thuyết; để sống nhờ Chúa Kitô và ân sủng của Người do siêng năng lãnh nhận các bí tích Giao Hòa và Thánh Thể - đó là những đòi hỏi căn bản của mọi cuộc sống Kitô hữu đậm đà. Như thế Chúa Thánh Linh sẽ là nguồn gốc mọi hành động và suy gẫm của anh chị, khi đó hành động và suy gẫm đó sẽ thấm sâu vào nhau, hỗ trợ nhau, và đem lại kết quả mỹ mãn.
Việc kết hợp mật thiết giữa cầu nguyện và hành động hệ tại căn bản toàn bộ canh tân tinh thần, đặc biệt là giữa anh em tín hữu giáo dân. Sự kết hợp này hệ tại căn bản của những công cuộc lớn lao về rao giảng Tin Mừng và xây dựng thế gian theo chương trình của Thiên Chúa. [OR 5-5-80, 5]”


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét