NHƯ HẠT LÚA MÌ GIEO XUỐNG ĐẤT
Chuẩn bị Thiệp mời mừng lễ Suy tôn Thánh Giá 14.09.2013.
Chiêm ngắm Thiệp với những bông lúa trĩu hạt, chúng tôi nhớ đến bài chia sẻ về Cha Lee Tae Suk, Linh mục Dòng Donbosco người Đại Hàn, người mà cả cuộc đời đã sống theo tinh thần câu Lời Chúa “Hạt lúa mì gieo vào lòng đất, nếu chết đi, thì nó mới sinh nhiều hạt khác” (Ga 12,24b)...
Trong Năm Đức Tin, Giáo hội mời gọi mỗi người chúng ta hãy tham gia vào công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu cho mọi người qua chính đời sống chứng nhân của mình. Đó chính là tinh thần sống cần có của người cursillista.
Xin giới thiệu cùng quý anh chị bài chia sẻ....
Lee Tae Suk, Tae Suk Lee, Lee Tae Suk,
Tae Suk Lee,…
Tôi đang cố gắng
đánh vần và ghi nhớ cái tên này. Chắc bạn sẽ thắc mắc: nhân vật này là ai? ca sĩ
hay diễn viên? Và tại sao tôi phải ghi nhớ cái tên mà ngay cả đánh vần tôi cũng
không biết là ngược hay xuôi nữa? Thưa, nhân vật đặc biệt này không phải người
nổi tiếng trong giới showbiz mà là một Linh mục Dòng Don Bosco, một Linh mục
thánh thiện và tràn đầy nhiệt tâm tông đồ.
Tình cờ trong một
lần lên mạng tìm kiếm những hình ảnh nghèo đói của người dân Châu Phi cho bài
thuyết trình ở lớp Thần học, tôi gặp hình ảnh một linh mục Châu Á tươi tắn trẻ
đẹp hiện lên sinh động cùng với một nhóm người Phi Châu đen đủi, làm tôi hết sức
chú ý. Tôi tự hỏi: Cha là ai? Tại sao Cha đến Châu Phi?
Sau khi tìm hiểu,
tôi đã hết sức bất ngờ bởi Cha Lee Tae Suk đã qua đời ngày 14/01/2011 khi mới
48 tuổi vì căn bệnh ung thư. Bộ phim tài liệu “Xin Đừng Khóc Thương Tôi Sudan”
đã lược sử lại cuộc đời Cha Lee như một bằng chứng về một niềm tin hoàn toàn
phó thác vào Thiên Chúa.
Cha Gioan Lee là
một bác sĩ người Đại Hàn. Sau khi nghe tiếng Chúa mời gọi, Cha tiến tới thừa
tác vụ linh mục. Hơn thế nữa, sau khi chịu chức, Cha đã từ bỏ nếp sống tiện
nghi tại Nam Hàn, tình nguyện đi truyền giáo tại Nam Sudan, Phi Châu – một quốc
gia nghèo đói nhất trên thế giới và chiến tranh khốc liệt. Linh mục Lee đã trở
nên một nhân chứng sống động của Thiên Chúa qua những sinh hoạt bác ái, phục vụ
mọi người từ giới trẻ đến người già[1].
Nơi Cha Lee, niềm tin được gieo, lớn lên và sản sinh nhiều bông hạt đức tin
khác nơi mảnh đất Sudan, Phi Châu. Và có thể nói, toàn bộ cuộc đời Cha đã diễn
tả câu Lời Chúa: “Hạt lúa mì gieo vào
lòng đất, nếu chết đi, thì nó mới sinh nhiều hạt khác” (Ga 12,24b)
Sinh ra trong một
gia đình có 10 người con, cha mất sớm, mẹ phải tần tảo gánh vác mọi công việc
trong gia đình để nuôi các con ăn học, ngay từ khi còn nhỏ Cha Lee đã là một cậu
bé rất chăm chỉ học tập, ngoan ngoãn, không đua đòi và nhất là luôn biết quan
tâm giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình. Tuy là một cậu bé nghèo nhưng
không vì thế mà cậu làm ngơ trước những nghèo khác. Cụ thể, không có tiền cho
người ăn xin nhưng khi cậu phát hiện quần áo của người ăn xin này rách nát quá,
cậu liền chạy về mượn chị cây kim với cuộn chỉ để vá áo cho người ăn xin này. Cử
chỉ thân thiện đó cho thấy cậu đối xử với mọi người trong tinh thần anh em một
nhà, con cùng một cha trên trời. Đối với cậu không có sự ngăn cách giữa giàu với
nghèo, mọi người đều bình đẳng, mọi người đều phải được đối xử trân trọng, mến
yêu. Quả thật, ngay từ thiếu thời, một con người tràn ngập tình yêu Chúa với những
sáng kiến tuyệt vời đã được thể hiện nơi cậu bé Lee Tae Suk.
Và rồi những
sáng kiến đó ngày càng lớn dần lên và cuối cùng được thay bằng những từ bỏ to lớn
của vị bác sĩ trẻ tài ba Lee Tae Suk. Vươn lên từ cảnh nghèo, giờ đây, chàng
thanh niên Lee Tae Suk có thể ngẩng cao đầu với học vị bác sĩ. Chàng đáng được
những điều đó vì chàng đã gắng công học tập. Chàng trở thành niềm vui và hãnh
diện của người mẹ suốt một đời vất vả nuôi chàng ăn học. Tiếng gọi của danh vọng,
giàu sang sao có thể sánh bằng tiếng gọi tình yêu của Thiên Chúa. Chàng đã dứt
áo ra đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa trong sự tiếc nuối của người mẹ yêu dấu.
Chàng biết như thế là không công bằng với mẹ, nhưng làm sao chàng có thể làm
ngược lại với hạt mầm đức tin mà Thiên Chúa đã gieo vào tâm hồn chàng. Hình ảnh
những vị linh mục và nữ tu phục vụ bệnh nhân ở gần nhà, hình ảnh vị bác sĩ hiến
trọn cuộc đời phục vụ ở Châu Phi và cả hình ảnh người mẹ hy sinh một đời tận hiến
cho các con là những động lực thúc đẩy chàng quyết tâm theo ơn gọi linh mục, và
hơn nữa là đến truyền giáo tại Sudan, Phi Châu.
Tại Phi Châu, một
lần nữa, vị linh mục trẻ Lee Tae Suk phải đối diện với biết bao khó khăn nguy
hiểm. “Ra đi” đã là một vấn đề nan giải, nhưng giờ đây để “Ở lại” còn là vấn đề
khó khăn hơn nhiều. Tôi nghĩ, Cha Lee đã phải đấu tranh rất nhiều với sự cô đơn
và sợ hãi ban đầu khi mới đến một miền đất ngặt nghèo như thế. Nhưng không,
tình yêu và sự tin tưởng vào Thiên Chúa đã xóa mờ tất cả. Ngay khi đặt chân đến
Sudan, Cha Lee đã lên kế hoạch cho những công việc phải làm và làm thật nhanh
chóng. Bên cạnh việc khám chữa bệnh hàng ngày cũng như đi thăm và chăm sóc những
người phong cùi, Cha thúc đẩy và ra sức cho việc xây trường học, bệnh viện, nhà
thờ. Cha vừa là Thầy giáo cung cấp cho các em kiến thức, vừa là bác sĩ chăm sóc
sức khoẻ cho mọi người và nhất là một linh mục truyền rao Tin Mừng của Chúa.
Bên cạnh đó, Cha lập cả một đội kèn để tạo cho các em một môi trường sống lành
mạnh thay vì chỉ nghĩ đến chiến tranh và giết chóc. Còn biết bao sáng kiến,
công việc phải làm nhưng Cha không bao giờ từ chối bất kỳ ai đến với mình, dù
là đêm khuya. Cha Lee đã xoá mình ra không để cho thánh ý Thiên Chúa được nên
hoàn hảo.
Tưởng rằng một
môn đệ thân tín của Chúa như Cha Lee sẽ còn phục vụ bền lâu. Nhưng thánh ý Chúa
thật nhiệm mầu. Khi các hoạt động tông đồ của Cha đang rộng mở thì căn bệnh ung
thư bất ngờ ập đến với Cha. Và một lần nữa, Cha Lee đã thưa tiếng “Xin Vâng”. Cha vui vẻ đón nhận căn bệnh
với một thái độ hết sức bình thản và tín thác. Cha lo cho những con người Cha
đang phục vụ, cho những công việc Cha đang làm dở dang nhưng Cha không hối tiếc
bởi Cha tin Thiên Chúa sẽ liệu. Vì thế, dù phải trở về quê hương chữa bệnh với
những đau đớn thể xác, Cha vẫn tiếp tục tham gia các chương trình nhằm gây quỹ
cho Sudan thân yêu cho đến khi Cha không thể làm gì được.
Cha Lee đã ra đi
trong sự thương nhớ và tiếc nuối của người thân, bạn bè và đặc biệt là những
người dân Sudan, nơi Cha phục vụ. Những giọt nước mắt chân thành và sâu lắng của
người dân Sudan cho thấy tình thương và sự tận tuỵ của Cha Lee dành cho họ. Bởi
nhờ Cha họ được chăm sóc, dạy dỗ, yêu thương và nhất là được nhận biết Thiên
Chúa và tin tưởng vào Người. Nhờ sự dấn thân, quảng đại của Cha mà niềm tin vào
một vị Thiên Chúa duy nhất đã trổ sinh và phát triển lớn mạnh trên đất nước
Sudan.
Khi xem cuốn phim “Xin Đừng Khóc Thương Tôi
Sudan”, tôi đã khóc, phần vì cảm động trước những điều tốt đẹp mà Cha Lee đã
làm. Nhưng có lẽ tôi khóc cho chính bản thân mình nhiều hơn, bởi vì tôi đã nhát
đảm, ngại khó, chưa dám dấn thân để làm chứng cho niềm tin của mình như Chúa muốn.
Cảm
ơn Cha Lee Tae Suk. Tôi hạnh phúc vì được biết Cha. Tôi tự hào vì có Cha là một
thành viên trong gia đình Công Giáo. Cha quả thật là một chứng nhân hùng hồn của
niềm tin trong một thế giới đam mê vật chất và hưởng thụ như ngày hôm nay. Cha
đã và sẽ là mẫu gương cho biết bao người và cho chính bản thân tôi. Tuy Cha
không còn hiện diện cách hữu hình nơi trần gian này, nhưng tôi tin: tinh thần,
tình yêu và sự dấn thân không mệt mỏi của Cha còn mãi nơi những con người Cha
đã từng gặp gỡ.
[1] x. Video clip “Xin Đừng
Khóc Thương Tôi Sudan”
Nguồn: daminhtamhiep.net
Xem film:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét