NHẬT KÝ TÂM HỒN CỦA THÁNH GIÁO HOÀNG
LỜI
GIỚI THIỆU [1]
Quyển sách không cần đề tựa dài
dòng, chỉ cần đọc những dòng đầu, đủ khiến bạn suy nghĩ và biết đâu bạn sẽ có
nhiều quyết định đổi mới đời sống, vì chỉ riêng tên gọi Gioan XXIII đã gây niềm
thông cảm và tin tưởng sâu xa nơi lòng bạn.
Đây là những dòng tâm huyết
trong ngần của một con người, của người linh mục, đơn sơ nhưng chứa đựng sức
sống bên trong dồi dào với những vẻ đẹp hấp dẫn, an ủi và khích lệ người đọc.
Đây những trang nhật ký, tác
giả đã tự ghi lại khi tuổi vừa 14, từ năm 1895 đến vài tháng trước khi về cùng
Chúa (lễ Hiện xuống 1962), BẢY MƯƠI NĂM dài của con người từ chủng sinh đến
cương vị Giáo hoàng.
Chính Đức Gioan XXIII đề tên
cho quyển sách là “Tâm hồn Nhật ký” từ năm 1902, dưới ánh đèn dầu leo lét của
chủng viện, sau giờ nguyện ngắm. Những quyển Nhật ký được ngài đọc lại luôn để
tự kiểm thảo và nhìn thẳng vào tâm hồn mình.
Mùa xuân 1961, một năm trước
khi về Nhà Cha, Đức Gioan XXIII, rơi lệ khi đọc lại những nét chữ của quyển
Nhật ký số 1, tức những gì đã được ghi khi ngài vừa 14 tuổi, và ngài bảo vị thư
ký: “Khi tôi chết rồi, cha có thể phổ biến những quyển Nhật ký nầy. Biết đâu nó
có ích cho những bạn trẻ đang tiến về chức linh mục và những ai muốn sống liên
kết với Thiên Chúa”.
Ai cũng nói đến lòng “đạo đức”
của Đức Gioan XXIII, nó chính là nguồn của tính đơn sơ, uy tín của đời linh
mục, bình tĩnh và can đảm. Chính ngài đã tiết lộ vào năm 1959: “Cảm ơn Chúa đã
gìn giữ tôi khỏi tính nhát sợ, âu lo vô ích, bao giờ tôi cũng sẵn sàng vâng
lời, từ việc lớn đến việc nhỏ. Nhờ đó Chúa đã ban cho dù nhỏ hèn yếu đuối vẫn
được can đảm đến độ mạo hiểm một cách đơn sơ, đúng tinh thần Tin mừng, khiến ai
cũng phải nể, và cảm hóa được nhiều người”.
Vì vậy mà mọi người đều gọi
ngài là Giáo hoàng nhân hậu, Giáo hoàng của mọi người, cha xứ của thế giới, nói
gì ai cũng nghe, mọi người qua ngài mà xích gần lại nhau. Và, hôm dự đám táng
của ngài, mọi người nhìn nhau, thông cảm, tự hỏi lòng mình: “Cái chết không
buồn thảm, mà lại long trọng, đáng cái chết. Tại sao gần bên xác ngài, chúng ta
lại thấy mình rất gần nhau, là anh em nhau hơn một cách cụ thể, thật khó tả!”
Câu thắc mắc đã được trả lời:
vì Gioan XXIII là một linh mục cao cả, luôn luôn phục vụ, bất cứ ở đâu, bất cứ
ở cương vị nào, sức phục vụ của ngài không vơi đi với không gian và thời gian.
Gioan XXIII chết, đã đem lại
hòa bình, hòa bình cho các tâm hồn, cho các gia đình, cho tuổi trẻ sa đọa, giúp
họ lấy lại được niềm tin và cầu nguyện chân thành như thuở còn thơ. Vợ chồng
hứa sẽ yêu thương nhau chân thành hơn, ý thức hòa bình sẽ lan rộng khắp thế
giới, mọi người đang tìm về sum họp đúng như câu “bốn biển anh em một nhà”. Câu
này từ lâu đã bị chiến tranh, và ý thức hệ đã làm mất đi ý nghĩa.
Nhật ký thuật lại nhiều vấn đề
cụ thể.
Từ một gia đình gương mẫu, nơi
tuổi thơ của ngài đã hấp thụ giáo huấn đầu tiên.
Chuyện một ông chú tuy sức học
Sơ cấp, giáo lý rất thường do cha sở dạy, nhưng đối xử với hàng xóm theo tinh
thần Kinh Thánh, ông chú sống đời độc thân gương mẫu, đạo đức sâu xa.
Chuyện các linh mục: từ cha sở
già đã rửa tội và cho ngài rước lễ lần đầu, đến Cha Dòng Chúa Cứu Thế linh
hướng chủng viện, cha Giám đốc chủng viện, những gương sống động của Tin mừng
đã xây dựng đời thánh thiện cho ngài.
Một cậu bé 14 tuổi, chữ viết
rất xấu, mà đã mở đầu Nhật ký bằng câu của Công đồng Trentô dạy các linh mục
rằng: “Linh mục phải tránh tội nhẹ, vì tội nhẹ đối với linh mục vẫn gây thiệt
hại nặng nề”. Và suốt đời Gioan XXIII không bao giờ phạm một tội nhẹ cố ý.
Còn bao nhiêu câu chuyện đơn sơ
nhưng thiết thực ta sẽ gặp trong Nhật ký. Chưa kể những nét về địa dư và lịch
sử của 70 năm dưới mắt Gioan XXIII.
Lãnh sứ vụ Giáo hoàng, ngài vui
vẻ can đảm bước lên đoạn chót gay go, đứng thẳng của đồi Calvê. Càng già, nhân
đức càng cao: luôn tin Chúa, nối gót Đức Kitô, yêu tất cả với lòng vị tha quảng
đại.
Gioan XXIII đơn sơ, dịu hiền,
trong trắng, hy sinh can đảm đến mạo hiểm, một vĩ nhân.
Đọc xong bộ Nhật ký, ta càng
thấy rõ hướng đi mới, vừa rõ ràng, vừa can đảm của Giáo hội “trước cái thế giới
tân tiến và phức tạp” trong lối suy tư, trong sự quyết định, và cách xử thế.
[1] Lời giới thiệu này cha Trần Văn Thông lược dịch của Đức ông Loris
Capovilla, về sau là giám mục.
Xem và download tại link:
http://cursillovn.net/TY/SachDao/DTCGioanXXIII/NhatKyTamHonCuaThanhGH.GIOAN%20XXIII.pdf
http://cursillovn.net/TY/SachDao/DTCGioanXXIII/NhatKyTamHonCuaThanhGH.GIOAN%20XXIII.pdf
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét