Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

Bài giảng ĐTC Phanxicô - Lễ STTG 14.09.2014

Thánh Giá Chúa Giêsu, biểu tượng bạo lực của sự dữ và biểu tượng nhân lành của lòng thương xót.

Lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô giờ Kinh Truyền Tin (toàn văn)

Rôma – 14/9/2014 (Zenit.org)


Thánh Giá Chúa Giêsu nói lên hai điều, Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích: "tất cả sức mạnh tiêu cực của sự dữ, và tất cả sự nhân lành toàn năng của lòng thương xót Chúa".
Quả là Đức Giáo Hoàng đã dành bài huấn đức của ngài, trước Kinh Truyền Tin, để nói về ý nghĩa ngày lễ 14/9/2014, lễ kính Thánh Giá vinh hiển.
"Tại sao lại cần phải có Thánh Giá? Tại vì sự trầm trọng của điều ác đang bắt chúng ta làm nô lệ, Đức Giáo Hoàng đã dạy trước Kinh Truyền Tin trưa, trên quảng trường Thánh Phêrô.
Sau Kinh Truyền Tin, ngài đã minh họa thêm lời lẽ của ngài khi nêu lên cái xấu của chiến tranh – "một bài học mà nhân loại đã chưa học thuộc" sau cuộc Đại Chiến, cũng như cuộc chiến đang xẩy ra tại Cộng Hòa Trung Phi. Ngài đã chào mừng phái đoàn hòa bình của LHQ tại xứ đó.
Ngài cũng nói lên sự gần gũi cua ngài với các Kitô hữu đang bị bách hại vì lòng trung thành của họ với cây Thánh Giá Chúa Giêsu, dấu hiệu tình yêu nhân lành của Thiên Chúa.
A.B.
Lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước Kinh Truyền Tin
Thân chào quý anh chị em!
Ngày 14 tháng 9, Giáo Hội cử hành mừng lễ Vinh Danh Thánh Giá. Một người không phải là Kitô hữu có thể hỏi chúng ta: tại sao "vinh danh" Thánh Giá? Chúng ta có thể trả lời rằng chúng ta không vinh danh bất cứ cây thập giá nào: chúng tôi vinh danh cây Thánh Giá Chúa Giêsu, bởi vì nơi cây Thánh Giá đó biểu hiện tuyệt đỉnh tình yêu của Thiên Chúa dành cho loài người. Đó là điều Phúc Âm thánh Gioan nhắc nhở cho chúng ta trong kinh phụng vụ ngày hôm nay: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một" (Ga 3, 16). Chúa Cha đã "ban" Con của Người để cứu độ chúng ta, và điều này bao gồm cả cái chết của Chúa Giêsu và cái chết của Người trên cây thập giá.

Tại sao Thánh giá lại là cần thiết? Tại vì sự trầm trọng của điều xấu đang bắt chúng ta làm nô lệ. Thánh Giá Chúa Giêsu biểu đạt hai điều: tất cả sức mạnh tiêu cực của cái ác, và tất cả sự đau đớn toàn năng của lòng thương xót Thiên Chúa. Thánh giá có vẻ như nói lên sự phá sản của Chúa Giêsu, nhưng thực ra, Thánh Giá đánh dấu chiến thắng của Người.
Trên núi Can-ve, những kẻ chế diễu Người và nói rằng: "Nếu mi là con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem sao!" (x. Mt 27, 40). Nhưng chính trái ngược lại mới đúng: chính bởi vì Người là Con Thiên Chúa, mà Chúa Giêsu đã ở chỗ đó, trên cây thập giá, trung thành đến tận cùng với kế hoạch tình yêu của Chúa Cha. Và chính cũng vì thế mà Thiên Chúa đã "suy tôn" Chúa Giêsu (Pl 2, 9), bằng cách trao cho Người một vương quyền hoàn vũ.
Và khi chúng ta ngước mắt nhìn lên Thánh Giá, trên đó Chúa Giêsu bị đóng đinh, chúng ta chiêm ngắm dấu chỉ của tình yêu, tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta và là cội rễ của sự cứu độ chúng ta. Từ cây Thánh Giá này, tuôn chẩy lòng thương xót của Chúa Cha đang ôm lấy toàn thế giới. Bằng cây Thánh Giá Chúa Kitô quỷ dữ đã bị thua trận, sự chết đã bị đánh bại, sự sống đã được ban cho chúng ta, hy vọng được trao trở lại. Thật là quan trọng: nhờ Thánh Giá Chúa Kitô, chúng ta đã được trao lại niềm hy vọng. Thánh giá Chúa Giêsu là niềm hy vọng duy nhất của chúng ta!  Đó là lý do Giáo Hội "suy tôn" Thánh Giá, đó là tại sao Kitô hữu chúng ta, chúng ta chúc lành bằng dấu Thánh Giá. Nghĩa là chúng ta "không suy tôn" các cây thập giá khác, mà chỉ suy tôn Thánh Giá vinh quang của Chúa Giêsu, dấu chỉ của tình yêu bao la của Thiên Chúa, một chỉ dấu của sự cứu độ chúng ta và con đường dẫn tới Phục Sinh. Đó là niềm hy vọng của chúng ta.
Và khi chúng ta ngắm nhìn và cử hành tôn vinh Thánh Giá, chúng ta cảm động nghĩ tới rất nhiều anh chị em chúng ta đang bị bách hại và giết chóc vì đức tin của họ vào Chúa Giêsu Kitô. Đó là điều đã xẩy ra đặc biệt ở nơi mà tự do tôn giáo chưa được bảo đảm hay chưa được thực hiện đầy đủ. Nhưng điều này cũng xảy ra cả ở những quốc gia và những môi trường mà, trên nguyên tắc, tự do và nhân quyền được bảo vệ, nhưng cụ thể thì tín đồ các tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo phải đương đầu với những hạn chế và kỳ thị. Bởi vậy, hôm nay, chúng ta tưởng nhớ đến họ và đặc biệt cầu nguyện cho họ.
Trên núi Can-ve, Đức Trinh Nữ Maria đứng dưới chân Thánh Giá (x. Ga 19, 25-27). Đúng là Đức Mẹ Sầu Bi, mà chúng ta sẽ mừng lễ ngày mai theo lịch phụng vụ. Tôi phó thác nơi Mẹ, hiện tại và tương lai của Giáo Hội, để cho tất cả chúng ta biết luôn phải khám phá và đón nhận thông điệp tình yêu và cứu độ của Thánh Giá Chúa Giêsu. Tôi phó thác cách riêng cho Đức Mẹ các cặp hôn nhân mà tôi có hân hạnh tác hợp trong bí tí hôn phối hồi sáng nay tại đền Thánh Phêrô.
Sau Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến,
Ngày mai, tại nước Cộng Hòa Trung Phi, chính thức bắt đầu hoạt động ủy ban do Hội Đồng An Ninh Liên Hiệp Quốc thành lập để giúp bình định đất nước và bảo vệ thường dân, đang chịu những hậu quả trầm trọng của cuộc chiến đang diễn ra. Trong cam kết và lời cầu nguyện của Giáo Hội, tôi khuyến khích các nỗ lực của cộng đồng quốc tế, cứu trợ dân chúng Trung Phi có thiện tâm. Cầu mong bạo lực sớm nhường bước cho đối thoại; cầu mong các phe đối nghịch hãy để sang một bên những lợi nhuận riêng tư và làm việc để mỗi công dân, bất kể thuộc chủng tộc nào, hay tôn giáo nào, có thể hợp tác xây dựng công ích. Xin Chúa đồng hành với công việc xây dựng hòa bình!
Hôm qua, tôi đã tới Redipuglia, tại nghĩa trang người Áo và Hungari và thánh địa. Tôi đã cầu nguyện cho những người đã chết vì cuộc Đại Thế Chiến. Những con số khủng khiếp: người ta nói đến 8 triệu người lính trẻ đã gục ngã và khoảng chừng 7 triệu thường dân. Điều này cho chúng ta thấy chiến tranh là một sự điên rồ đến mức độ nào! Một sự điên rồ của nhân loại vẫn chưa học được bài học, bởi vì sau đó, đã có một cuộc chiến tranh thế giới thứ hai và bao cuộc chiến khác nữa, còn đang dai dẳng cho đến ngày hôm nay. Nhưng, chúng ta học bài học này lúc nào? Tôi mời gọi tất cả mọi người hãy nhìn lên Chúa Giêsu bị Đóng Đinh để hiểu rằng hận thù và sự ác đã bị đánh bại bởi tha thứ và bởi điều thiện, để hiểu rằng câu trả lời của chiến tranh chỉ làm gia tăng điều ác và sự chết.
Và bây giờ, tôi thân ái chào mừng tất cả mọi người, các anh chị em, những tín hữu của Rôma và khách hành hương người Ý và các quốc gia khác.
Tôi đặc biệt chào mừng hội "Los Amigos de Santa Teresita y de Madre Elisabeth" từ Colombia; các tín hữu đến từ Sotto il Monte Giovanni XXIII, từ Gênes, từ Collegno và từ Spolète, và ban hợp xướng các bạn trẻ ở Trebaseleghe (Pađôva)/ Tôi chào mừng các vị đại biểu những người lao động của nhóm IDI và những thành viên phong trào Arcobaleno-Santa Maria Addolorata.
Tôi xin anh chị em, vui lòng cầu nguyện cho tôi. Tôi chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt đẹp. Tạm biệt!
Bản dịch tiếng Pháp: Anita Bourdin (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt: Mạc Khải (ghxhcg.com)

(14 septembre 2014) © Innovative Media Inc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét