Lòng
nhân từ giúp tái hội nhập xã hội
Bởi vì lòng nhân từ làm thay đổi lòng người, cuộc
đời và thế giới.
Rôma -10/9/2014 (Zenit.org)
Theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô, lòng nhân từ cũng giúp cho những người
từng bị tù tội tái hội nhập xã hội.
Chính lòng nhân từ có thể làm thay đổi lòng
người và cuộc đời, có thể tái sinh một con người và giúp cho con người tái hội
nhập xã hội một cách mới mẻ", Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích trong bài
giáo lý ngày thứ tư 10/9/2014 này về Mẹ Giáo Hội, dạy dỗ con cái, cách cụ thể,
về lòng nhân từ.
"Để thay đổi thế giới cho tốt hơn, phải
làm điều tốt cho những người không có đủ điều kiện để đáp trả cho chúng ta, như
Chúa Cha đã làm cho chúng ta, khi ban cho chúng ta Chúa Giêsu. Chúng ta đã đền
trả được bao nhiêu cho ơn cứu độ chúng ta? Chẳng được gì, tất cả đều là miễn
phí. Làm điều tốt không chờ đợi đáp trả.
Đó là chính những gì Cha chúng ta đã làm với chúng ta và chúng ta cũng phải làm
như thế. Hãy làm điều tốt và tiến lên!", Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh.
Sau đây là bản dịch toàn văn bài giáo lý do
Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên ban bằng tiếng Ý sáng nay trên quảng trường Thánh
Phêrô.
A.B.
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng
Phanxicô
Thân chào quý anh chị
em,
Trong chương trình giáo
lý của chúng ta về Giáo Hội, chúng ta đã dừng lại để nghiên cứu xem Giáo Hội là
Mẹ như thế nào. Lần trước, chúng ta đã nhấn mạnh sự kiện Giáo Hội làm cho chúng
ta lớn lên, và dưới ánh sáng và sức mạnh của Lời Thiên Chúa, Giáo Hội chỉ cho
chúng ta con đường cứu độ và bảo vệ chúng ta chống lại sự dữ. Ngày hôm nay, tôi
muốn đề cập một khía cạnh đặc biệt của hoạt động giáo dục này của Mẹ Giáo Hội
chúng ta: Mẹ đã dậy chúng ta về lòng nhân từ như thế nào.
Một nhà giáo dục giỏi
đi vào điều cốt yếu. Ông ta không lan man trong những chi tiết vụn vặt, mà muốn
truyền thụ những điều đáng kể để đứa con hay đứa học trò mình tìm thấy ý nghĩa
và niềm vui sống. Đó là sự thật. Và điều cốt yếu, theo Tin Mừng, chính là lòng
nhân từ. Điều cốt yếu của Tin Mừng, chính là lòng nhân từ.
Thiên Chúa đã gửi Con
của Người, cũng là Thiên Chúa xuống làm người để cứu độ chúng ta, nghĩa là để
ban cho chúng ta lòng nhân từ (thương xót). Chúa Giêsu đã phán bảo rõ ràng, tóm
tắt giáo huấn của Người cho các môn đệ: "Anh em hãy có lòng nhân từ như
Cha anh em là Đấng nhân từ" (Lc 6, 36). Liệu có thể có một người Kitô hữu
không có lòng nhân từ không? Không. Nhất thiết người Kitô hữu là phải nhân từ,
bởi vì đó là trung tâm của Tin Mừng. Và trung thành với giáo huấn này, Giáo Hội
chỉ biết nhắc lại chuyện đó với con cái mình: "Anh chị em hãy nhân
từ", như Chúa Cha và như Chúa Giêsu. Lòng Nhân Từ.
Như thế, Giáo Hội hành
xử như Chúa Giêsu. Giáo Hội không đưa ra các bài học lý thuyết về tình yêu, về
lòng nhân từ. Giáo Hội không phổ biến trên thế giới một triết lý, một đường lối
khôn ngoan… Đương nhiên, Kitô giáo cũng là tất cả những thứ đó, nhưng đó chỉ là
một hậu quả, một phản ánh. Mẹ Giáo Hội của chúng ta, như Chúa Giêsu, dạy chúng
ta bằng cách làm gương, và lời lẽ của Giáo Hội dùng để soi sáng ý nghĩa những
cử chỉ của mình.
Mẹ Giáo Hội của chúng
ta dạy chúng ta hãy cho những người đói khát ăn uống, cho những người trần trụi
quần áo. Và Giáo Hội làm thế nào? Giáo Hội đã thực hiện bằng gương các thánh
nam, nữ đã sống như thế cách gương mẫu; nhưng Giáo Hội cũng làm bằng gương sáng
của tất cả mọi người: các bậc cha, mẹ đã dậy dỗ con cái mình rằng những cái
mình dư thừa thì đối với những người nghèo khó là điều cần thiết. Thật là quan
trọng phải biết điều này.
Trong các gia đình Kitô
giáo đơn sơ nhất, thì nguyên tắc hiếu khách đã luôn được coi là thiêng liêng:
không bao giờ thiếu một cái bát hay một chỗ ngủ cho người cơ nhỡ. Có lần, một
bà mẹ đã kể cho tôi, trong một giáo phận khác của tôi, là bà muốn dạy dỗ điều
này cho con cái bà và bà bảo chúng hãy giúp đỡ và cho những người thiếu đói ăn
uống. Bà ta có 3 con. Và một ngày kia, giữa bữa ăn, người cha đi làm bên ngoài,
và bà đang ở cùng với 3 đứa con còn rất nhỏ của bà – 7 tuổi, 5 tuổi và 4 tuổi,
cỡ đó -, và bỗng có tiếng gõ cửa: đó là một ông đến xin ăn. Bà mẹ nói với ông
ta: "Ông đợi một lát". Bà quay vào trong nhà nói với các con bà:
"- Có một ông ở ngoài kia xin mình cái gì để ăn, mình làm sao đây ? – Má
ơi, mình cho ông cái gì đi, mình cho ông cái gì đi !" Mỗi đứa con có trong
đĩa của mình một miếng bí-tết khoai tây chiên. "- Được lắm, người mẹ nói,
chúng mình hãy lấy phân nửa của mỗi người chúng mình để cho ông ta mỗi người
nửa miếng bí-tết. - Ô, không được má à, như thế không được! - Phải như thế chứ,
con phải cho cái gì của con chứ". Và như thế, bà má đã dạy cho các con bà
cho đi cái gì của chúng. Đó là một thí dụ đã giúp cho tôi rất nhiều. "-
Nhưng tôi không có dư thừa… - Hãy cho cái gì bạn có !" Chính đó là điều mà
Mẹ Giáo Hội dạy cho chúng ta. Và các chị em, tất cả các bà mẹ đang có mặt ở
đây, các chị biết phải làm gì để dạy cho con cái các chị biết chia sẻ đồ dùng
của mình cho những kẻ đang cần thiết.
Mẹ Giáo Hội của chúng
ta dạy phải gần gũi với những người đau ốm. Đã có biết bao vị thánh nam, nữ đã
phục vụ Chúa Giêsu bằng cách này! Và đã có biết bao người nam, nữ đơn sơ, hàng
ngày, thể hiện công việc nhân từ trong các phòng bệnh viện, các nhà hưu dưỡng
hay tại gia, chăm lo cho một người bệnh!
Mẹ Giáo Hội chúng ta
dạy phải gần gũi những người đang bị tù tội. "Nhưng, thưa cha, không,
chuyện này nguy hiểm, đó là những người dữ tợn!" Nhưng tất cả chúng ta đều
có khả năng… Anh chị em hãy nghe đây: tất cả chúng ta đều có khả năng làm điều
mà người nam hay nữ tù nhân đã làm và bây giờ đang ở trong tù. Tất cả chúng ta
đều có thể phạm tội và làm chuyện tương tự, lầm lạc trong cuộc đời. Họ không
xấu hơn bạn và tôi! Lòng nhân từ vượt qua mọi bức tường, mọi hàng rào, và thúc
đẩy bạn luôn tìm khuôn mặt của người ta, của con người. Và chính là lòng nhân
từ đã làm thay đổi tâm hồn và đời sống, có thể làm tái sinh một con người và
giúp cho họ hội nhập trong xã hội một cách mới mẻ.
Mẹ Giáo Hội chúng ta
dạy phải gần gũi những người bị bỏ rơi và những người chết trong cô độc. Đó là
điều mà Chân Phước Têrêxa đã làm trên đường phố Calcutta: đó là những gì biết
bao Kitô hữu đã làm và đang làm, họ không sợ nắm tay người trong lúc hấp hối.
Và ở đây cũng thế, lòng nhân từ mang tới bình an cho người ra đi và người ở
lại, làm cho chúng ta thấy được Thiên Chúa lớn hơn sự chết, và ở lại trong
Người, sự chia lìa cuối cùng chỉ là một lần "tạm biệt"… Chân Phước
Têrêxa đã thấu hiểu điều này! Người ta nói với bà: "Thưa Mẹ, đây là chuyện
làm mất thời giờ!". Mẹ đã tìm tới những người đang hấp hối trên đường phố,
bình an, với một sự vuốt ve, bình an. Và mẹ nói với tất cả những người đó
"tạm biệt"… và đã có biết bao nhiêu người nam hay nữ đã làm chuyện
giống như mẹ. Và họ, họ chờ đợi những người này, trên kia [ngài chỉ tay lên
trời], ở cửa, để mở cửa trời cho những người đó. Giúp đỡ người ta chết trong sự
tốt lành và bình an.
Anh chị em thân mến,
chính như thế Giáo Hội đã là mẹ, khi dạy dỗ con cái mình những công tác nhân
từ. Giáo Hội đã học con đường này từ Chúa Giêsu, Giáo Hội đã học được rằng đó
là điều cốt yếu cho sự cứu độ. Chỉ yêu thương những người thương yêu mình thi
không đủ. Chúa Giêsu phán rằng những kẻ ngoại cũng làm như thế. Làm điều tốt
cho những người làm tốt với mình cũng không đủ. Để thay đổi thế giới này thành
tốt hơn, phải làm điều tốt cho những người không có điều kiền đáp trả lại chúng
ta, như Chúa Cha chúng ta đã làm cho chúng ta, khi Người ban Chúa Giêsu cho
chúng ta. Chúng ta đã đền trả được bao nhiêu cho ơn cứu độ chúng ta? Chẳng được
gì, tất cả đều là miễn phí! Làm điều tốt không chờ đợi đáp trả. Đó là chính
những gì Cha chúng ta đã làm với chúng ta và chúng ta cũng phải làm như thế.
Hãy làm điều tốt và tiến lên!
Thật là đẹp biết bao
khi được sống trong Giáo Hội, trong Mẹ Giáo Hội của chúng ta, đã dạy cho chúng
ta tất cả những gì Chúa Giêsu đã phán dạy chúng ta! Chúng ta hãy tạ ơn Chúa, đã
ban cho chúng ta ơn phúc có Giáo Hội là mẹ, Giáo Hội dạy chúng ta con đường
nhân từ, vốn là con đường của sự sống. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa.
Bản dịch tiếng Pháp : Constances
Roques (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt : Mạc Khải
(ghxhcg.com)
© Zenit.org 2014
pour la traduction (10
septembre 2014) © Innovative
Media Inc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét