Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

Giáo lý ĐTC Phanxicô về Giáo Hội (7) - 17.09.2014

Cộng đoàn Kitô hữu không đi ra thì sẽ chết

Bài giáo lý ngày 17 tháng 9 năm 2014 (Toàn Văn)

Rôma – 18/9/2014 (Zenit.org)

Cộng đoàn Kitô hữu không đi ra thì sẽ chết: đó là cụ thể lời cảnh báo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong buổi triều kiến chung ngày 17/9/2014, trên quảng trường Thánh Phêrô.
Sáng hôm thứ Tư vừa qua, Đức Giáo Hoàng đã đọc bài giáo lý thứ bẩy của ngài dành nói về Hội Thánh: sau bài "Thiên hứng của Chúa" (1), "Sự thống thuộc của các Kitô hữu vào Giáo Hội" (2), "Giáo Hội là một giao ước mới và một dân tộc mới" (3), "Giáo Hội là duy nhất và thánh thiện" (4), "tính từ mẫu của Giáo Hội" (5) và "Giáo Hội giáo dục về lòng nhân từ" (6), Đức Giáo Hoàng đã suy niệm về "Giáo Hội công giáo và tông truyền" (7).  
"Nếu Giáo Hội được phát sinh là công giáo, điều này có ý nói rằng, Giáo Hội được sinh ra để "đi ra ngoài", được sinh ra là thừa sai", ngài đã giải thích khi lưu ý rằng "nếu các Tông Đồ cứ ở trong Phòng Tiệc Ly, không bước ra ngoài để mang đi Tin Mừng, thì Giáo Hội sẽ chỉ là giáo hội của một dân tộc, một thị xã, một phòng tiệc nào đó mà thôi".  
Ngày hôm nay, những người đã chịu Phép Rửa đứng ở vị trí "tiếp nối liên tục với nhóm các Tông Đồ này, đã nhận lãnh Thánh Thần và đã "đi ra ngoài để giảng dạy": Họ cũng được "sai đi để mang đến cho mọi người sự loan báo Tin Mừng này, cùng với những chỉ dấu của lòng nhân lành và quyền năng của Thiên Chúa", Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh.
Ngược lại, cộng đoàn mà "tự khép kín, giữa một số những người được chọn lựa" tự coi mình "là những người duy nhất được lãnh nhận sự chúc lành của Thiên Chúa", sẽ chết: "Trước tiên, họ sẽ chết về linh hồn và rồi đến thể xác, bởi vì họ không có sự sống, họ không có khả năng sinh ra sự sống, cho những người khác, cho những dân tộc khác: họ không là tông đồ".
Sau cùng, ngài kết luận, tham gia vào một Giáo Hội "công giáo và tông truyền", tức là "ôm lấy trong lòng sự cứu độ của nhân loại, là không cảm thấy dửng dưng hay bàng quan trước số phận của bao nhiêu anh em khác, mà mở lòng ra và liên đới với họ… tức là hiểu đưọc sự sung mãn, sự bù đắp, sự hài hòa của đời sống Kitô giáo, luôn gạt bỏ những lập trường riêng lẻ, đơn phương, tự khép kín".
A.K.
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Thân chào quý anh chị em,
Tuần này, chúng ta tiếp tục nói về Giáo Hội. Khi chúng ta tuyên xưng đức tin, chúng ta khẳng định rằng Giáo Hội là "công giáo và tông truyền". Nhưng thực chất ý nghĩa hai từ này, hai tĩnh từ gán cho Giáo Hội là thế nào? Giá trị của hai từ này đối với cộng đoàn Kitô hữu và với mỗi người chúng ta như thế nào?
1. Công Giáo có nghĩa là hoàn vũ. Một định nghĩa đầy đủ và rõ ràng đã được một trong những Thượng Phụ của Giáo Hội trong những thế kỷ đầu để lại cho chúng ta, là thánh Cyril thành Giêrusalem, khi ngài xác định: "Giáo Hội được gọi là công giáo, khẳng định có nghĩa là hoàn vũ, bởi sự kiện là Giáo Hội được truyền đạt cho tất cả mọi nguời từ đầu đến cuối trái đất; bởi vì mang tính phổ quát, không loại trừ ai, Giáo Hội giảng dạy tất cả mọi chân lý mà mọi người đều phải biết, những chân lý liên quan đến chuyện trên trời cũng như chuyện dưới đất".

Một chỉ dấu hiển nhiên tính công giáo của Giáo Hội là Giáo Hội nói đủ các thứ tiếng. Đó là hiệu quả của lễ Ngũ Tuần (Cv 2, 1-13): quả vậy, Chúa Thánh Thần, Đấng đã làm cho các Tông Đồ và toàn Giáo Hội được mọi người đến tận cùng trái đất, nghe được Tin Mừng của Đấng Cứu Thế và tình yêu Thiên Chúa. Như vậy, Giáo Hội được sinh ra là công giáo, nghĩa là "mang tính giao hưởng" ngay từ nguồn gốc, và chỉ có thể là công giáo, nhằm Phúc Âm hóa và gặp gỡ mọi người. Ngày hôm nay, người ta đọc được Lời Chúa bằng mọi thứ tiếng, mỗi người đều có một cuốn Tin Mừng để có thể đọc bằng ngôn ngữ của mình. Tôi xin trở lại ý tưởng này: Thật luôn là điều tốt khi mang theo bên mình một cuốn Phúc Âm nhỏ, trong túi hay trong xách tay, để thỉnh thoảng trong ngày, lấy ra mà đọc. Điều này có ích lợi cho chúng ta. Tin Mừng được loan truyền bằng mọi thứ tiếng, loan truyền Chúa Cứu Thế Giêsu Kitô bởi vì Giáo Hội ở trên toàn thế giới. Chính vì thế mà người ta nói, Giáo Hội là công giáo, bởi vì Giáo Hội mang tính hoàn vũ.
2. Nếu Giáo Hội được sinh ra là công giáo, điều này có nghĩa là Giáo Hội được sinh ra để "đi ra ngoài", sinh ra là thừa sai. Nếu các Tông đồ cứ ở trong nhà Tiệc Ly, không bước ra ngoài để mang đi Tin Mừng, thì Giáo Hội chỉ là Giáo Hội của một dân tộc, của một thị xã, của một nhà tiệc nào đó mà thôi. Nhưng tất cả các ông đã bước ra ngoài cho toàn thế giới, ngay từ khi Giáo Hội mới sinh ra, vào lúc mà Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các ông. Giáo Hội sinh ra để "bước ra ngoại", nghĩa là thừa sai. Đó chính là điều chúng ta biểu lộ khi gọi Giáo Hội là "Tông Truyền", bởi vì tông đồ là người mang đến Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Giêsu. Thành ngữ này nhắc nhở chúng ta, Giáo Hội được xây dựng trên các Tông Đồ và tiếp nối liên tục với các ông – chính các Tông Đồ đã đi và đã xây dựng những Giáo Hội mới, đã lập nên những giám mục mới và như thế, trên toàn thế giới, liên tục. Ngày hôm nay, tất cả chúng ta đều tiếp nối liên tục với nhóm Tông Đồ này, đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, và đã "bước ra ngoài" để giảng dậy, [chúng ta được] sai mang đến cho tất cả mọi người sự loan báo Tin Mừng này, cùng với những chỉ dấu nhân lành và quyền năng của Thiên Chúa. Điều này cũng bắt nguồn từ biến cố Lễ Ngũ Tuần: quả vậy, chính Chúa Thánh Thần đã vượt thắng mọi đề kháng, đã chiến thắng cám dỗ tự khép mình lại, giữa một số người được tuyển chọn, và tự coi mình là những người duy nhất nhận được sự chúc lành của Thiên Chúa. Thí dụ, nếu có người nói: "chúng tôi là những người duy nhất được tuyển chọn", cuối cùng họ sẽ chết. Trước tiên, họ sẽ chết về phần linh hồn và rồi về phần thể xác, bởi vì họ không có sự sống, họ không có khả năng sinh ra sự sống, cho những người khác, các dân tộc khác : họ không phải là tông đồ. Chính đích thực là Chúa Thánh Thần đã dẫn đưa chúng ta tới gặp anh em chúng ta, kể cả những người ở xa xôi nhất trong đầy đủ ý nghĩa của thành ngữ này, để họ có thể chia sẻ với chúng ta tình yêu, sự an bình, niềm vui mà Chúa Giêsu Phục Sinh đã để lại cho chúng ta như là quà tặng.
3. Đối với cộng đoàn chúng ta và mỗi người trong chúng ta, là thành phần của Giáo Hội công giáo và tông truyền có nghĩa là gì? Trước hết, điều này có nghĩa là ôm lấy trong lòng sự cứu độ của nhân loại, là không cảm thấy dửng dưng hay bàng quan trước số phận của bao nhiêu anh em khác, mà mở lòng ra và liên đới với họ. Ngoài ra, điều đó nghĩa là hiểu được sự sung mãn, sự bù đắp, sự hài hòa của đời sống Kitô giáo, luôn gạt bỏ những lập trường riêng lẻ, đơn phương, tự khép kín.
Là thành phần của Giáo Hội tông truyền có nghĩa là chúng ta ý thức được rằng đức tin của chúng ta được gắn chặt vào việc loan báo và làm chứng của chính các Tông Đồ Chúa Giêsu - gắn chặt vào đó, chính là một chuỗi dài xuất phát từ đó -; như vậy, chính là luôn cảm thấy mình được sai đi, cảm thấy mình được giao phó nhiệm vụ, trong niềm hiệp thông với những người kế vị các Tông Đồ, để loan báo, với con tim tràn đầy niềm vui, Đức Kitô và tình yêu của Người với toàn thể nhân loại. Ở đây, tôi muốn nhắc tới cuộc sống anh hùng của nhiều vị thừa sai, đã rời bỏ quê hương mình để đi loan báo Tin Mừng ở nhiều quốc gia khác, nhiều châu lục khác. Một vị Hồng Y người Brasil đã nói với tôi là ngài làm việc nhiều cho vùng Amazôn và khi ngài đi tới một nơi nào đó, trong một quốc gia hay một thành phố trong vùng này, ngài luôn đi tới nghĩa trang và ở đó, ngài thấy mộ của các vị thừa sai, các linh mục, các tu sĩ nam, nữ, đã tới giảng dạy Phúc Âm của các Tông Đồ. Và ngài nghĩ: tất cả những vị này đều có thể được phong thánh tức khắc, các vị đã bỏ lại tất cả để đi loan truyền Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa về điều này. Có lẽ rằng trong các người trẻ, các thanh niên nam nữ đang có mặt ở đây, có người muốn trở thành thừa sai: các bạn hãy tiến lên đi! Thật là đẹp khi mang đi Tin Mừng Chúa Giêsu. Các bạn nam cũng như nữ hãy can đảm lên!
Bây giờ, chúng ta hãy cầu xin Chúa canh tân nơi chúng ta ân điển của Thần Khí Người để mỗi cộng đoàn Kitô hữu và mỗi tín hữu trở thành sự thể hiện của Mẹ Thánh Giáo Hội công giáo và tông truyền.
Bản dịch tiếng Pháp: Hugues de Warren (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt: Mạc Khải (ghxhcg.com)
(18 septembre 2014) © Innovative Media Inc.
http://www.zenit.org/fr/articles/la-communaute-chretienne-qui-ne-sort-pas-meurt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét