Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Giáo lý ĐTC Phanxicô về Gia đình - 28.1.2015 - bài tiếp theo


"Vắng hình ảnh người cha
tạo ra vết thương rất trầm trọng"

Bài giáo lý ngày 28 tháng 01 năm 2015 (toàn văn)

Rôma – 28/01/2015 (Zenit.org)


Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi các cộng đoàn Kitô hữu hãy "chú ý hơn" đến "sự vắng bóng người cha trong đời sống của những trẻ em và thanh thiếu niên", tạo ra "những lỗ hổng và những thương tích có thể rất trầm trọng".
"Những lầm lạc của trẻ em và thanh thiếu niên có thể phần nào là vì sự thiếu vắng này, sự thiếu thốn gương mẫu và hướng dẫn trong cuộc đời hàng ngày của họ, vì thiếu đi sự gần gũi, vì thiếu đi tình yêu từ cha mẹ", Đức Giáo Hoàng khẳng định trong buổi triều kiến chung sáng hôm thứ Tư 28/01/2015, trong hội trường Phaolô VI của điện Vatican.
Tiếp tục các bài giáo lý của ngài về gia đình, Đức Giáo Hoàng đã suy nghĩ về hình ảnh của người cha, "vắng mặt tượng trưng, bị tan biến, bị tiêu hủy" trong xã hội, "đặc biệt trong văn hóa tây phương".
Nếu trước đây, "trong nhiều gia đình, có một sự độc tài nào đó thống trị, trong một số trường hợp còn có cả sự lạm dụng chuyên quyền", tuy nhiên xã hội đã chuyển từ "thái cực này sang thái cực khác", ngài nhận định: "Vấn đề của thời đại chúng ta có vẻ không phải là sự hiện diện lấn lướt của người cha, nhưng là sự vắng mặt, sự lánh mặt của các ông".
Hậu quả là, con cái "bị mồ côi trong gia đình của chúng, bởi vì cha chúng thường vắng nhà… nhưng nhất là bởi vì, khi các ông có nhà, các ông đã không hành xử như những người cha, các ông không đảm nhiệm vai trò giáo dục của mình, các ông không cho con cái mình, bằng gương mẫu kèm theo lời dậy dỗ của mình, những nguyên tắc, những giá trị, những quy luật đời sống mà con cái cần có cũng như chúng cần cơm ăn".
"Đôi khi, dường như người cha cũng còn không biết rõ vị trí của mình trong gia đình nữa… Như thế, trong nghi nan, các ông né tránh, rút lui và bỏ qua trách nhiệm của mình, bằng cách ẩn nấp trong một thứ quan hệ viển vông "bình đẳng" với con cái mình", Đức Giáo Hoàng nói thêm.
Ngài đã tố cáo vấn đề giống như vậy "trong cộng đoàn dân sự", đã "bỏ qua" trách nhiệm của mình đối với giới trẻ: "Người ta cho họ đầy rẫy thần tượng, nhưng người ta lại lấy mất trái tim của họ; người ta khuyến khích họ mơ tưởng tới những giải trí và thú vui, nhưng người ta không cho họ công ăn việc làm; người ta lừa dối họ với ông thần tiền bạc và người ta từ chối họ của cải đích thực".
A.K.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô
Thân chào quý anh chị em!
Chúng ta tiếp tục hành trình giáo lý về gia đình. Hôm nay, chúng ta hãy để được hướng dẫn bởi tiếng "cha". Một tiếng quen thuộc với chúng ta, với chúng ta là những Kitô hữu, hơn ai hết, bởi vì đó là tên mà Chúa Giêsu đã dậy chúng ta để gọi Thiên Chúa: Cha. Ý nghĩa của chữ này đã có một chiều sâu mới, chính xác là từ cách mà Chúa Giêsu dùng để thưa với Thiên Chúa và để thể hiện quan hệ đặc biệt của Người với Thiên Chúa. Mầu nhiệm thân cận đầy ơn phúc của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, được mặc khải bởi Chúa Giêsu, là trung tâm đức tin Kitô giáo của chúng ta.
"Cha" là một chữ mà tất cả chúng ta đều biết, một chữ hoàn vũ. Nó chỉ một mối quan hệ cốt lõi mà thực tế cũng kỳ cựu như lịch sử loài người. Tuy nhiên, ngày hôm nay, có thể khẳng định rằng xã hội chúng ta là một "xã hội không cha". Nói cách khác, đặc biệt trong nền văn hóa tây phương, hình ảnh người cha dường như vắng mặt tượng trưng, tan biến, bị tiêu hủy. Trong thời gian đầu, điều này được coi như một sự giải thoát: giải thoát khỏi người cha - chủ nhân, người cha như người đại diện luật pháp áp đặt từ bên ngoài, người cha như người giám sát hạnh phúc con cái và trở ngại cho sự giải phóng và quyền tự chủ của giới trẻ. Đôi khi, trong nhiều nhà, trước đây đã có một quyền độc tài ngự trị, trong một số trường hợp còn có cả một sự lạm dụng chuyên quyền: cha mẹ đối xử với con cái như với đầy tớ, không tôn trọng những đòi hỏi cá nhân cho sự tăng trưởng của chúng, những người cha không giúp đỡ con cái để chúng tự do tiến tới - thật không dễ để giảo dục con cái trong sự tự do -, những người cha không giúp đỡ con cái đảm nhận những trách nhiệm của chúng để xây dựng tương lai của chúng và của xã hội.
Thái độ này khẳng định là không tốt rồi; tuy thế, vì nó thường xẩy ra, nên người ta đã chuyển từ thái cực này qua thái cực khác. Vấn đề của thời đại chúng ta dường như không còn phải là sự hiện diện lấn lướt của người cha, mà là sự vắng mặt, sự lánh mặt của các ông. Các người cha đôi khi quá tập trung cho chính mình hay cho công việc làm ăn của mình, và đôi khi cũng cho những thực hiện riêng tư, đến độ quên đi cả gia đình mình. Và các ông bỏ rơi những đứa con lớn nhỏ của mình. Khi tôi còn là giám mục Buenos Aires, tôi đã thấy được cái cảm tưởng mình là mồ côi của nhiều thiếu niên đang trải nghiệm trong ngày hôm nay; tôi thường đã yêu cầu các bậc làm cha hãy chơi đùa với con cái mình, nếu các ông có đủ cản đảm và tình yêu để mất đôi chút thời gian với các con cái của mình. Và câu trả lời trong đa số trường hợp đã không tốt: "Nhưng, con không thể, vì con bận quá nhiều việc…". Và người cha đã vắng mặt với đứa con đang lớn lên, ông đã không chơi với nó, không, ông đã không chịu mất thời giờ với nó.
Bây giờ, với hành trình suy nghĩ chung về gia đình, tôi muốn nói với tất cả các cộng đoàn Kitô hữu rằng chúng ta cần phải chú ý hơn nữa: sự thiếu vắng hình ảnh của người cha trong đời sống của các em nhỏ và thiếu niên tạo ra những lỗ hổng và những thương tích có thể trở nên rất trầm trọng. Và, quả thế, những lầm lạc của trẻ em và thanh thiếu niên có thể phần nào là vì sự thiếu vắng này, sự thiếu thốn gương mẫu và hướng dẫn trong cuộc đời hàng ngày của họ, vì thiếu đi sự gần gũi, vì thiếu đi tình yêu từ cha mẹ. Cảm tưởng là mồ côi mà nhiều người trẻ đang trải nghiệm sâu đậm hơn là chúng ta tưởng tượng.
Chúng là mồ côi trong gia đình của chúng, bởi vì cha chúng thường vắng mặt, kể cả lúc có ông ở trong nhà, nhưng nhất là bởi vì, khi các ông có nhà, các ông đã không hành xử như những người cha, các ông không nói chuyện với con cái mình, các ông không đảm nhiệm vai trò giáo dục của mình, các ông không cho con cái mình, bằng gương mẫu kèm theo lời dậy dỗ của mình, những nguyên tắc, những giá trị, những quy luật đời sống mà con cái cần có cũng như chúng cần cơm ăn. Phẩm chất giáo dục của sự hiện diện người cha càng cần thiết hơn khi người cha bắt buộc phải xa nhà vì công ăn việc làm của minh. Đôi khi, dường như có những người cha không biết vị trí của mình trong gia đình, không biết dậy dỗ con cái mình như thế nào. Lúc đó, trong nghi nan, các ông né tránh, rút lui và bỏ qua trách nhiệm của mình, bằng cách ẩn nấp trong một thứ quan hệ viển vông "bình đẳng" với con cái mình. Đúng là bạn phải là "người bạn đồng hành" với con bạn, nhưng đừng quên rằng bạn là cha chúng! Nếu bạn không hành xử như người bạn đường bình đẳng với con bạn, điều đó sẽ  không có lợi cho con bạn đâu.
Và chúng ta cũng thấy vấn đề này trong cộng đoàn dân dự. Cộng đoàn dân sự, các cơ chế của nó, có phần nào trách nhiệm – chúng ta có thể gọi là trách nhiệm người cha - đối với người trẻ, một trách nhiệm mà đôi khi cộng đoàn lơ là hay đảm nhiệm không tốt. Cộng đoàn cũng đôi khi bỏ chúng mồ côi và không đề nghị một chân lý trong tương lai. Cách này, những người trẻ sẽ mồ côi không có con đường an toàn để đi, mồ côi không có một vị thầy để có thể tin tưởng được, mồ côi không có một lý tưởng để sưởi ấm con tim mình, mồ côi không có những giá trị và hy vọng để nâng đỡ chúng hàng ngày. Có thể người ta cho họ đầy rẫy thần tượng, nhưng người ta lại lấy mất trái tim của họ; người ta khuyến khích họ mơ tưởng tới những giải trí và thú vui, nhưng người ta không cho họ công ăn việc làm; người ta lừa dối họ với ông thần tiền bạc và người ta từ chối họ của cải đích thực.
Điều này có ích cho mọi người, cho những người cha và con cái, để nghe lại lời hứa mà Chúa Giêsu đã phán với các môn đệ của Người: "Thầy sẽ không để anh em mồ côi" (Ga 14, 18). Chính Người quả thật là Đường phải đi, là Thầy phải nghe theo, niềm Hy Vọng theo đó thế giới có thể thay đổi, tình yêu chiến thắng hận thù, có thể có một tương lai huynh đệ và hòa bình cho mọi người. Có người trong anh chị em có thể nói với tôi rằng: "Nhưng thưa cha, hôm nay, cha đã quá tiêu cực. Cha chỉ nói đến sự vắng mặt của những người cha, đến những gì xẩy ra khi những người cha không ở gần con cái… Đúng vậy, tôi đã muốn nhấn mạnh điều này bởi vì, thứ tư tuần tới, tôi sẽ tiếp tục bài giáo lý này khi soi sáng nét đẹp của thiên chức làm cha. Chính vì thế mà tôi đã chọn xuất phát từ bóng tối để đến với ánh sáng. Mong Chúa giúp đỡ chúng ta hiểu rõ tất cả điều này. Cảm ơn.
Traduction de Zenit, Constance Roques
Bản dịch tiếng Pháp: Constance Roques (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt: Mạc Khải (ghxhcg.com)
(28 janvier 2015) © Innovative Media Inc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét