Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội lần 49 - 2015


Gia Đình, môi trường thuận lợi nhất để gặp gỡ
trong sự nhưng không của tình yêu

Sứ Điệp nhân Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội (toàn văn)

Rôma – 23/01/2015 (Zenit.org)

 

"Truyền thông gia đình: môi trường thuận lợi nhất cho sự tụ họp trong tính nhưng không của tình yêu": đó là nhan đề của Sứ Điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhân Ngày Thế Gii Truyn Thông Xã Hi  lần thứ 49.
Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng đã được giới thiệu ngày 23/01/2015 tại Rôma bởi Đức Cha Claudio Maria Celli, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Về Truyền Thông Xã Hội, bởi bà Chiara Giaccardi, của Phân Khoa Văn Chương, Viện Đại Học công giáo Thánh Tâm ở Milan, và bởi giáo sư Magatti, thuộc Phân Khoa Khoa Học Chính Trị Xã Hội của cùng Viện Đại Học này.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi Giáo Hội hãy suy nghĩ về gia đình nhằm chuẩn bị Công Nghị thứ nhì của Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình vào tháng 10/2015. Chủ đề này cũng đã là trung tâm các buổi làm việc của các phát ngôn nhân của các Hội Đồng Giám Mục, hội họp tại Lisbonne (Bồ Đào Nha) từ ngày 11 đến 14/6/2014
Văn bản sứ điệp được phổ biến bằng tiếng Pháp, Ý, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ba Lan.
Sứ điệp hàng năm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường được phổ biến nhân dịp lễ phụng vụ mừng thánh bổn mạng của các nhà báo, thánh Phanxicô Salê, ngày 24/01.
Sau đây là toàn văn nguyên bản chính thức bằng tiếng Pháp

Sứ điệp của Đức Thánh Cha

Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội lần thứ 49

Truyền thông gia đình:

môi trường ưu đãi của sự gặp gỡ trong tính nhưng không của tình yêu

Chủ đề gia đình nằm ở Trung Tâm của một sự suy nghĩ sâu sắc của Giáo Hội và của một diễn trình Thượng Hội Đồng Giám Mục bao gồm hai công nghị, một công nghị ngoại thường - vừa được cử hành – và một công nghị thường kỳ, được triệu tập vào tháng 10 sắp tới đây. Trong bối cảnh này, tôi nhận thấy gia đình có vẻ thích hợp là điểm chuẩn cho chủ đề của Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội sắp tới đây. Gia đình, hơn nữa, là nơi chốn đầu tiên con người học cách truyền thông. Quay trở lại cái lúc đầu tiên đó có thể giúp chúng ta khiến cho truyền thông trở thành đích thực hơn và nhân bản hơn đồng thời cũng nhìn về gia đình từ một quan điểm mới.
Chúng ta có thể được soi sáng bởi ảnh tượng Tin Mừng về cuộc thăm viếng của Đức Maria với bà Ê-li-sa-bét (Lc 1, 39-56). "Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhẩy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng mà nóí rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc" (Lc 1, 41-42)
Trước hết, giai đoạn này chỉ cho chúng ta thấy truyền thông như là một cuộc đối thoại gắn liền với ngôn ngữ của cơ thể. Quả vậy, đáp lại lời chào mừng của Đức Maria, đầu tiên chính là đứa con trong lòng bà Elizabeth đã nhẩy mừng. Hớn hở mừng vui khi gặp gỡ là khuôn mẫu và biểu tượng của một trong những cách truyền thông mà chúng ta học được ngay cả trước khi ra đời. Cung lòng đón nhận chúng ta là "trường học" truyền thông đầu tiên, được làm bằng nghe ngóng và bằng tiếp xúc thân thể, nơi chúng ta bắt đầu làm quen với thế giới bên ngoài trong một môi trường được bap bọc và theo nhịp điệu an toàn của nhịp đập trái tim bà mẹ. Cuộc gặp gỡ này giữa hai con người vừa rất thân mật, vừa cũng vẫn xa lạ với nhau, một cuộc gặp gỡ đầy hứa hẹn, là kinh nghiệm truyền thông đầu tiên của chúng ta. Và đó là kinh nghiệm kết hợp tất cả chúng ta, bởi vì mỗi người trong chúng ta đều được sinh ra từ một người mẹ.
Kể cả sau khi chào đời, trong một mức độ nào đó, chúng ta vẫn còn ở trong "cung lòng" gia đình. Một cung lòng được làm bằng nhiều người khác nhau, trong quan hệ: gia đình là "nơi chốn người ta học sống chung trong sự khác biệt" (Tông huấn Evangelii gaudium, số 66). Những khác biệt giới tính và thế hệ, trước hết đã truyền thông qua lại nhằm để đón nhận lẫn nhau, bởi vì có một quan hệ giữa họ với nhau. Và, lãnh vực quan hệ này rộng lớn hơn, tuổi tác khác biệt hơn, khuôn khổ đời sống của chúng ta lại còn phong phú hơn nữa. Chính quan hệ này là nền tảng của lời nói, và lời nói lại tăng cường lại cho quan hệ đó. Chúng ta không sáng chế ra lời nói: chúng ta chỉ sử dụng chúng bởi vì chúng ta đã được truyền thụ. Chính trong gia đình, người ta học nói "tiếng mẹ đẻ", nghĩa là tiếng nói của tổ tiên chúng ta (x. 2 M 7, 25.27). Trong gia đình, chúng ta thấy có những người đến trước chúng ta, họ đã để lại cho chúng ta những điều kiện để sinh sống và đến lượt chúng ta, chúng ta có thể sản sinh sự sống và làm những điều tốt đẹp. Chúng ta có thể cho đi bởi vì chúng ta đã nhận lãnh, và cái vòng ân nghĩa này nằm ở trung tâm khả năng của gia đình để truyền đạt và truyền thông; và một cách chung, đó là hệ biến hóa của mọi truyền thông.

Trải nghiệm quan hệ "đi trước" chúng ta cũng làm cho gia đình trở thành bối cảnh nơi được truyền đạt hình thức căn bản này của truyền thông: đó là cầu nguyện. Khi má hoặc ba dỗ bé sơ sinh đi ngủ, ba má thường phó dâng cho Thiên Chúa, để Người trông chừng chúng; và khi chúng lớn lên một chút, chúng cùng đọc với ba má những kinh đơn giản, trong khi yêu thương tưởng nhớ đến những người khác, các bậc ông bà, các thành viên khác của gia đình, những người đau ốm và những người đau khổ, tất cả những người đang cần đến sự phù giúp của Thiên Chúa. Như vậy, trong gia đình, phần đông chúng ta đã học được tầm vóc tôn giáo của truyền thông. Trong Kitô giáo, tầm vóc này tràn đầy tình yêu, tình yêu của Thiên Chúa là Đấng đã tự hiến cho chúng ta và chúng ta hiến tặng Người cho tha nhân.
Chính trong gia đình đã phát triển khả năng ôm ấp, nâng đỡ, đồng hành, giải mã những ánh mắt, những im lặng, khả năng cùng cười và cùng khóc, giữa những người không hề chọn lựa nhau và tuy thế rất quan trọng đối với nhau; điều này làm cho chúng ta hiểu rằng truyền thông thực sự là khám phá và xây dựng sự gần gũi. Thâu ngắn những khoảng cách, gặp gỡ và đón nhận lẫn nhau là một lý do của sự biết ơn và niềm vui sướng: lời chào của Đức Maria và sự nhẩy mừng của đứa trẻ trong lòng mẹ đã tuôn đổ phép lành trên bà Elizabeth, tiếp đó là bài Ca Magnificat, trong đó, Đức Maria ca ngợi chương trình tình yêu của Thiên Chúa trên bà và trên dân tộc bà. Từ một câu "xin vâng" được thốt lên với lòng tin, đã dẫn đến những hậu quả vượt lên khỏi chúng ta và lan tràn trên khắp thế giới. Như thế gia đình sẽ sống động nếu gia đình biết hít thở bằng cách mở ra xa hơn là bản thân, và các gia đình làm điều này, có thể truyền đạt thông điệp sự sống và hiệp thông của mình, có thể hiến tặng an ủi và hy vọng cho các gia đình bị thương tích và làm tăng trưởng Giáo Hội vốn là gia đình của các gia đình.
Gia đình là nơi hơn hết mọi nơi, khi cùng chung sống với nhau hàng ngày, người ta có thể trải nghiệm những giới hạn của chính mình và của người khác, những vấn đề lớn, nhỏ của sự sống chung, của thỏa hiệp lẫn nhau. Không có gia đình toàn hảo, nhưng chúng ta không nên sợ sự bất toàn, sự mỏng manh, kể cả những xung đột; cần phải học cách đối phó với chúng một cách xây dựng. Như vậy gia đình là nơi người ta yêu thương nhau mặc cho những giới hạn và tội lỗi của riêng mình, trở thành một trường học tha thứ. Tha thứ là một lối truyền thông năng động, một truyền thông có thể bị soi mòn, có thể bị gẫy đổ, nhưng qua xám hối được tỏ lộ và đón nhận, có thể nối lại và làm lớn lên. Một đứa trẻ trong gia đình, mà học tập biết nghe lời người khác, ăn nói lễ độ, trình bầy quan điểm của mình và không từ khước quan điểm người khác, sẽ trở thành một người xây dựng đối thoại và hòa giải ngoài xã hội.
Về những giới hạn và về truyền thông, Các gia đình với những đứa con bị mắc một hay nhiều khuyết tật có nhiều điều dậy cho chúng ta. Khuyết tật vận động, khuyết tật giác quan hay khuyết tật trí tuệ, luôn bao gồm cám dỗ tự khép kín; nhưng nó có thể trở thành, nhờ tình yêu của cha mẹ, của anh chị em và những người bạn bè khác, một sự khuyến khích chia sẻ, truyền đạt một cách bao gồm; và nó có thể giúp đỡ cho học đường, cho giáo xứ, cho các hội đoàn trở nên niềm nở hơn đối với mọi người, không loại trừ ai.
Sau đó, trong một thế giới, nơi người ta thường nguyền rủa, nói xấu, gieo rắc bất hòa, nơi mà tật ngồi lê đôi mách làm ô nhiễm môi trường sinh thái của con người, gia đình có thể là trường học của truyền thông như là chúc lành. Và điều này, dù là ở nơi dường như khó có thể tránh được hận thù và bạo lực, khi các gia đình bị chia cách với nhau bởi những vách đá, hay những bức tường cũng kiên cố không vượt qua được của định kiến và oán giận, khi có thể có những lý do để nói "như thế đủ rồi"; thực chất, chúc lành thay vì nguyền rủa, thăm viếng thay vì gạt bỏ, đón mừng thay vì chống đối, thì đó là phương thức duy nhất để bẻ gẫy cái vòng lẩn quản của điều ác, để chứng minh rằng điều thiện luôn có thể và để giáo dục các con cái về tình bạn.
Ngày nay các phương tiện hiện đại hơn, nhất là đối với giới trẻ, đã trở thành không thể thiếu được, nhưng chúng cũng có thể vừa cản trở, vừa giúp đỡ cho việc truyền thông trong gia đình và giữa các gia đình. Chúng có thể cản trở nếu chúng trở thành một phương tiện ngăn cản lắng nghe, tự cô lập không chịu tiếp xúc, cô lập với những khoảnh khắc của im lặng và chờ đợi, quên đi không học hỏi được rằng "im lặng cũng là một phần quan trọng của truyền thông và không có nó, không hề có một lời nói nào có ý nghĩa có thể hiện hữu" (ĐGH Biển Đức XVI, Sứ điệp cho Ngày Truyền Thông Xã Hội thứ 46, 24/01/2012). Chúng có thể giúp đỡ cho truyền thông nếu chúng có thể khiến người ta nói và chia sẻ với nhau, tiếp cận với những người ở xa, khiến người ta biết cảm ơn và xin lỗi, khiến cho người ta luôn có thể gặp gỡ nhau trở lại. Bằng cách mỗi ngày mỗi tái khám phá ra rằng trung tâm điểm cốt lõi này là sự gặp gỡ, cái "khởi đầu sống động", chúng ta sẽ điều hướng quan hệ của chúng ta nhờ những kỹ năng, còn hơn là để chúng điều khiển chúng ta. Trong lãnh vực này cũng vậy, cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên. Nhưng cha mẹ không nên bị bỏ mặc một mình; cộng đoàn Kitô giáo được kêu gọi ở bên cạnh họ để họ biết dậy dỗ con cái cách sống trong một thế giới của truyền thông, phù hợp với những tiêu chuẩn của phẩm giá con người và của công ích.
Sự thách thức đối với chúng ta ngày hôm nay là học lại cách nói, chứ không phải chỉ là làm ra và sử dụng thông tin. Chính trong chiều hướng này mà những phương tiện truyền thông mạnh mẽ và quý giá của thời hiện đại đang thôi thúc chúng ta. Thông tin là quan trọng, nhưng nó không đủ, bởi vì nó thường đơn giản hóa, đối chọi các mâu thuẫn với nhau và những cách nhìn khác nhau, khích động việc đứng vào phe này hoặc phe khác, thay vì khuyến khích một cách nhìn chung.
Như vậy, gia đình, rốt cuộc không phải là một là một đồ vật trên đó người ta truyền đạt ý kiến; hay một địa thế nơi người ta có những trận chiến tư tưởng, nhưng là một môi trường nơi người ta học tập truyền đạt trong sự gần gũi, và là một đề tài truyền thông, một "cộng đồng thông truyền". Một cộng đồng biết đồng hành, biết tôn vinh và sinh hoa kết quả. Trên chiều hướng này, có thể tái lập một nhãn quan có khả năng nhận ra rằng gia đình vẫn tiếp tục là một tài nguyên phong phú, chứ không chỉ là một vấn đề hay một cơ chế đang bị khủng hoảng. Giới truyền thông có xu hướng đôi khi trình bầy gia đình như một khuôn mẫu trửu tượng để chấp nhận hay là loại bỏ, để bảo vệ hay là đả kích, chứ không phải là một thực tế cụ thê để sống; hoặc như thể một hệ tư tưởng của người này chống người kia, chứ không phải là nơi chốn mà tất cả chúng ta học hỏi truyền thông là gì trong tình yêu đã đón nhận hay đã cho đi. Nói có nghĩa là hiểu rõ đời sống chúng ta được thêu dệt trên cùng một khổ vải duy nhất, rằng có nhiều tiếng nói và mỗi tiếng nói đều không thể thay thế được.
Gia đình đẹp nhất, chủ chốt chứ không phải vấn đề, là gia đình biết truyền thông, xuất phát từ việc làm chứng, từ vẻ đẹp và sự phong phú của quan hệ giữa người nam với người nữ, và giữa cha mẹ với con cái. Chúng ta không đấu tranh để bảo vệ quá khứ, mà chúng ta kiên trì và tin tưởng làm việc trong mọi môi trường hàng ngày của chúng ta, để xây dựng tương lai.
Vatican, ngày 23 tháng 01 năm 2015
Áp Lễ Thánh Phanxicô Salê
Phanxicô
[Bản gốc bằng tiếng Ý]
Mai Khôi phỏng dịch từ ấn bản tiếng Pháp
(c) Librairie éditrice du Vatican
(23 janvier 2015) © Innovative Media Inc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét