Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015

Bài giảng ĐTC Phanxicô - Lễ Mẹ Thiên Chúa 1.1.2015


Sứ mạng của Giáo Hội là gieo rắc phúc lành của Thiên Chúa

Bài giảng lễ Thánh Maria Mẹ Thiên Chúa (toàn văn)

Rôma – 01/01/2015 (Zenit.org)


Sứ vụ của Giáo Hội  là "gieo rắc trên mọi dân tộc phúc lành của Thiên Chúa nhập thể nơi Đức Giêsu Kitô": quả vậy, chính Giáo Hội "đem Chúa Kitô đến… chính trong Giáo Hội mà Chúa Giêsu tiếp tục thực hiện các cử chỉ ân điển vốn là các phép bí tích", Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố trong Thánh Lễ sáng thứ Năm, 01/01/2015 này, lễ kính Thánh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa.
Đức Giáo Hoàng đã cử hành Thánh Lễ ngày đầu năm và cũng là Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 48, trong Đền Thánh Phêrô.
"Đức Kitô và Giáo Hội không thể phân ly… Không có Giáo Hội, Chúa Giêsu Kitô cũng chỉ là một ý niệm, một luân lý, một tình cảm. Không có Giáo Hội, quan hệ giữa chúng ta với Đức Kitô sẽ bị phó mặc cho óc tưởng tượng, sự diễn giải, tâm trạng vui buồn của chúng ta", ngài đã cảnh giác chúng ta trong bài giảng của ngài.

Bài giảng lễ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Tôi sực nhớ đến những lời mà bà Elisabeth nói ra để chúc phúc cho Đức Trinh Nữ: "Em được chúc phức hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa Tôi đến với tôi thế này ?" (Lc 1, 42-43).
Lời chúc tụng này là sự tiếp nối với lời chúc phúc tư tế mà Thiên Chúa đã gợi ý cho ông Mô-sê để ông truyền lại cho ông Aharon và cho toàn dân: "Nguyện xin Đức Chúa chúc lành và gìn giữ ngươi! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến ngươi và dủ lòng thương ngươi! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn ngươi và ban bình an cho ngươi!" (Ds 6, 24-26). Khi cử hành lễ kính Thánh Maria Mẹ Thiên Chúa, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta, Đức Maria là người nhận đầu tiên của sự chúc phúc này. Nơi Mẹ, lời chúc phúc được viên mãn; quả vậy, không có một tạo vật nào có thể thấy được dung nhan của Thiên Chúa chiếu sáng trên mình như Đức Maria, Đấng đã hiến tặng một khuôn mặt con người cho Ngôi Hai Thiên Chúa, để cho tất cả chúng ta có thể chiêm ngưỡng.
Ngoài sự chiêm ngưỡng dung nhan Thiên Chúa, chúng ta còn có thể ca tụng và vinh danh Người như các mục đồng, từ hang đá Bêlem trở về với lời ca cảm tạ sau khi đã được thấy Chúa Hài Đồng và người Mẹ trẻ của Người (x. Lc 2,16). Các Ngài ở cùng với nhau, cũng như các Ngài cũng ở cùng với nhau trên Đồi Thập Giá, bởi vì Chúa Giêsu và Mẹ Người không bao giờ chia lìa. Máu thịt Đức Kitô - vốn là cột trụ của sự cứu độ chúng ta (Tellurien) - đẵ được hình thành trong lòng Đức Maria (x. Tv 139, 13). Sự bất khả phân ly này cũng được minh chứng bởi sự kiện Đức Maria, được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, đã chia sẻ mật thiết toàn bộ sứ vụ [cứu độ] bằng cách luôn ở cạnh Con của Mẹ đến cuối cùng trên Đồi Thập Giá.
Đức Maria hiệp nhất với Chúa Giêsu bởi vì Mẹ đã có được từ Người sự hiểu biết về con tim, sự hiểu biết về đức tin, được nuôi dưỡng bởi kinh nghiệm từ mẫu và bởi quan hệ mật thiết với Con Mẹ. Đức Trinh Nữ Maria là người phụ nữ của đức tin, Mẹ đã dọn chỗ cho Thiên Chúa trong lòng Mẹ, trong các dự định của Mẹ; Mẹ là người nữ tín hữu có khả năng hiểu được trong ơn của Chúa Con sự xẫy đến của cái "thời viên mãn" này (Gl 4,4) trong đó Thiên Chúa, khi chọn con đường khiêm cung của sự sống con người, đã đích thân bước vào con đường lịch sử cứu độ. Bởi vậy người ta không thể hiểu Chúa Giêsu nếu không có Mẹ Người.
Đức Kitô và Giáo Hội cũng không hề tách biệt bởi vì Giáo Hội và Đức Maria luôn gắn liền với nhau. Đó chính là mầu nhiệm người phụ nữ trong cộng đoàn Giáo Hội. Và người ta không thể nào hiểu được công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu mà không kể đến tính từ mẫu của Giáo Hội. Tách biệt Chúa Giêsu với Giáo Hội tức là muốn đưa ra cái thuyết "lưỡng phân phi lý", như chân phước Phaolô VI đã nói (x. Tông huấn Evangelii nuntiandi, 16). Không thể "yêu mến Đức Kitô mà không yêu mến Giáo Hội, không thể nghe lời Đức Kitô mà không nghe lời Giáo Hội, không thể thuộc về Đức Kitô mà ở ngoài Giáo Hội" (Ibid). Quả vậy, chính Giáo Hội, gia đình to lớn của Thiên Chúa, Đấng đã đã ban Đức Kitô cho chúng ta. Đức tin của chúng ta không phải là một chủ thuyết trừu tượng hay một triết lý, mà là một mối quan hệ sống còn và tràn đầy với một đấng: Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa làm người, chịu chết và sống lại để cứu độ chúng ta và sống giữa chúng ta. Chúng ta có thể gặp Người ở đâu? Chúng ta có thể gặp người trong Giáo Hội, trong Mẹ Thánh Giáo Hội thứ bậc của chúng ta. Chính Giáo Hội ngày hôm nay đã nói "Đây Chiên Thiên Chúa"; chính Giáo Hội đã loan báo điều này; chính trong Giáo Hội mà Chúa Giêsu tiếp tục thực hiện các hành động ân điển là các Bí Tích.
Hoạt động và sứ vụ của Giáo Hội bầy tỏ tính từ mẫu của mình. Giáo Hội quả như một bà mẹ âu yếm bảo vệ Chúa Giêsu và vui vẻ và rộng lượng ban lại Người cho chúng ta. Không có sự thể hiện nào của Đức Kitô, dù là thể hiện mầu nhiệm nhất, mà có thể tách rời ra khỏi máu thịt của Giáo Hội, khỏi sự cụ thể hóa lịch sử của Thân Mình Đức Kitô bao giờ. Không có Giáo Hội, Chúa Giêsu Kitô rốt cuộc sẽ thu hẹp lại thành một tư tưởng, một luân lý, một cảm tính. Không có Giáo Hội, quan hệ giữa chúng ta với Đức Kitô sẽ bị phó mặc cho óc tưởng tượng, sự diễn giải, tâm trạng vui buồn của chúng ta.
Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu Kitô là sự chúc lành cho mỗi con người và cho toàn thể nhân loại. Giáo Hội, khi ban tặng Chúa Giêsu cho chúng ta, thì cũng ban tặng sự viên mãn và sự chúc lành của Chúa. Đó chính là sứ vụ của dân Thiên Chúa: gieo rắc tới mọi dân tộc sự chúc lành của Thiên Chúa nhập thể nơi Đức Giêsu Kitô. Và Đức Maria, môn đệ đầu tiên và hoàn hảo của Chúa Giêsu, người tín hữu đầu tiên và hoàn hảo, gương mẫu của Giáo Hội lữ hành, là đấng đã mở ra con đường từ mẫu của Giáo Hội và luôn phù trợ sứ vụ Mẹ hiền dành cho tất cả mọi người. Sự làm chứng kín đáo và từ mẫu của Mẹ đồng hành với Giáo Hội từ những ngày sơ khởi. Mẹ của Thiên Chúa, ngài cũng là Mẹ của Giáo Hội, và qua trung gian của Giáo Hội, ngài là Mẹ của tất cả mọi người và mọi dân tộc.
Mong rằng người Mẹ này hiền dịu và ân cần cầu xin được sự chúc lành của Chúa cho toàn thể gia đình nhân loại. Cách riêng trong ngày hôm nay, Ngày Hòa Bình Thế Giới, chúng ta hãy khẩn xin Mẹ cầu bầu để Chúa ban xuống an bình cho những ngày chúng ta đang sống: an bình trong mọi tâm hồn, an bình trong các gia đình, an bình giữa các quốc gia. Đặc biệt trong năm nay, sứ điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới là: "Không còn là nô lệ, mà là anh em". Chúng ta có quyền được sống tự do, được làm con cái, mỗi người tùy theo trách nhiệm, đấu tranh chống lại những hình thức hiện đại của nạn nô lệ. Mọi dân tộc, mọi văn hóa và tôn giáo, chúng ta hãy hiệp sức lại. Nguyện xin Đấng, để khiến tất cả chúng ta thành anh em, đã tự nguyện trở thành tôi tớ của chúng ta, dẫn dắt và nâng đỡ chúng ta. Chúng ta hãy trông lên Đức Maria, chúng ta hãy chiêm ngưỡng Mẹ Thánh của Thiên Chúa. Tôi muốn đề nghị anh chị em cùng nhau chào mừng Mẹ như dân chúng Êphêsô đã làm, họ đã la lớn trước các mục tử của họ khi họ bước vào nhà thờ: "Lậy Mẹ Thánh của Thiên Chúa!" Lời chào mừng thật là đẹp đối Mẹ chúng ta… Có một câu chuyện, tôi không biết có thật hay không, kể rằng có nhiều người trong hô đã cầm gậy trên tay, có lẽ để cho các vị giám mục hiểu rằng cái gì sẽ đến với các ngài nếu các ngài không có can đảm tuyên bố Đức Maria là "Mẹ Thiên Chúa". Tôi mời gọi tất cả anh chị em, đừng cầm gậy, hãy đứng lên và chào mừng ba lần, đứng lên, với lời chào mừng của Giáo Hội thời sơ khởi: "Lậy Mẹ Thánh của Thiên Chúa!"

Bản dịch tiếng Pháp: Anne Kurian (Zenit)
Mạc khải phỏng dịch tiếng Việt
(1 janvier 2015) © Innovative Media Inc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét