Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Sứ điệp Phục Sinh 2015

Phục Sinh 2015:

"Sự dũng cảm khiêm nhường của tha thứ và hòa bình"

Phép lành Urbi et Orbi (toàn văn)

Rôma – 05/4/2015 (Zenit.org)


"Chúng ta hãy khẩn cầu Chúa Phục Sinh, ơn không bị sa ngã trước sự kiêu căng đang nuôi dưỡng bạo lực và chiến tranh, và ơn có sự dũng cảm khiêm nhường của tha thứ và hòa bình": đó là lời cầu chúc của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngày Chúa Nhật Lễ Phục Sinh 05/4/2015 này.
Đức Giáo Hoàng đã cử hành Thánh Lễ Chúa Sống Lại, hồi sáng nay trên quảng trường thánh Phêrô, trước sự hiện diện của rất đông tín hữu, mặc dù trời mưa. Như mọi năm, sân thềm trước Thánh Đường đã được trang hoàng bởi rất nhiều loại hoa đủ mầu sắc, được các nhà sản xuất hoa ở Hòa Lan chuẩn bị.
Sau bài Phúc Âm, Đức Giáo Hoàng đã ban huấn từ. Nhưng sau lễ, lúc giữa trưa, ngài đã tới bao lơn phép lành trên Đền Thánh Phêrô, trông xuống quảng trường, để ban phép lành "Urbi et Orbi", cho thành phố Rôma và cho thế giới.
Dẫn nhập cho phép lành bởi sứ điệp Phục Sinh truyền thống của ngài, ngài đã nhắc đến những cuộc bách hại đối với các Kitô hữu và nhiều cuộc xung đột trên thế giới, và cầu nguyện cho hòa bình ở Syria, Urak, Thánh Địa, Libya, Yemen, Nigeria, Nam Suđan, Suđan và Cộng Hòa Dân Chủ Congo, ở Kenya, ở Ukraina.

Video Sứ điệp Phục Sinh 2015: 


Sứ điệp Phục Sinh 2015 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Lễ Phục Sinh vui vẻ!
Chúa Giêsu Kitô đã sống lại!
Tình yêu đã chiến thắng hận thù, sự sống đã chiến thắng cái chết, ánh sáng đã xua đuổi bóng đêm!
Chúa Giêsu Kitô, vì tình yêu đối với chúng ta, đã lột hết vinh quang Thiên Chúa của mình; Người đã xả bỏ hết chính mình; Người đã mặc lấy thân phận tôi đòi và đã tự hạ mình đến chết, và chết trên cây Thập Giá. Vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người và đặt Người làm Chúa Tể vũ trụ. Đức Giêsu là Chúa!
Nhờ cái chết và sự sống lại của Người, Chúa Giêsu chỉ cho tất cả chúng ta con đường của sự sống và của hạnh phúc: con đường đó là lòng khiêm nhường, bao gồm cả sự nhục nhã. Đó là con đường dẫn đến vinh quang. Chỉ người tự hạ mình mới có thể đến với "những gì thuộc thượng giới", đến nơi Thiên Chúa ngự (x. Cl 3, 1-4). Kẻ kiêu căng "đứng trên nhìn xuống dưới", người khiêm nhường "đứng dưới nhìn lên trên".  

Sáng ngày lễ Vượt Qua, được các bà thông báo, các ông Phêrô và Gioan chạy ra mộ và đã thấy mộ mở toang và trống rỗng. Lúc đó, các ông lại gần và "cúi mình" để vào trong mộ. Để đi vào mầu nhiệm, cần phải "cúi mình", tự hạ. Chỉ người nào hạ mình mới hiểu được sự tôn vinh của Chúa Giêsu và có thể theo chân Người trên con đường của Người.
Thế giới mong muốn áp đặt bằng mọi giá, cạnh tranh, trục lợi… Nhưng người Kitô hữu, nhờ ơn phúc của Đức Kitô đã chết và sống lại, là những mầm mống của một nhân loại khác, trong đó chúng ta tìm cách sống trong sự phục vụ lẫn nhau, tìm cách không ngạo nghễ mà sẵn sàng phục vụ và có lòng tôn trọng.
Điều này không phải là yếu đuối, mà là sức mạnh đích thực! Người nào có trong lòng sức mạnh Thiên Chúa, có tình yêu và công lý của Người, không cần dùng đến bạo lực, mà dùng lời nói và hành động của chân lý, vẻ đẹp và tình yêu.
Ngày hôm nay, chúng ta hãy khẩn cầu Chúa Phục Sinh, ơn không bị sa ngã trước sự kiêu căng đang nuôi dưỡng bạo lực và chiến tranh, và ơn có sự dũng cảm khiêm nhường của tha thứ và hòa bình. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu vinh thắng làm nhẹ bớt những đau khổ cho bao người anh em chúng ta đang bị bách hại chỉ vì danh Người, cũng như cho tất cả những người đang khổ sở một cách bất công vì những hậu quả của các cuộc xung đột và những bạo lực hiện tại. Có rất nhiều vụ!
Chúng ta hãy cầu xin hòa bình, nhất là cho các quốc gia thân yêu là Syria và Irak, để chấm dứt tiếng bom đạn và để tái lập sự sống chung tốt đẹp giữa các nhóm khác nhau làm thành các quốc gia này. Mong rằng cộng đồng quốc tế đừng bất động trước thảm kịch nhân đạo to lớn trong các nước này, và trước bi kịch của bao người tỵ nạn.
Chúng ta hãy khẩn xin cho tất cả các cư dân trên Thánh Địa. Mong rằng có thể tăng trưởng giữa người Do Thái và người Palestin nền văn hóa hội ngộ, và tiếp nối tiến trình hòa bình để như thế, chấm dứt những năm tháng khổ đau và chia rẽ.
Chúng ta hãy cầu xin cho nước Libya, để chấm dứt cuộc đổ máu phi lý đang diễn ra, và mọi hành vi bạo lực dã man, và để tất cả những ai nắm vận mệnh của quốc gia, làm tất cả những gì có thể để giúp cho sự hòa giải và để xây dựng một xã hội có tình huynh đệ, biết tôn trọng phẩm giá con người. Cũng tại Yemen, chúng ta hy vọng có một ý chí chung về bình định, vì lợi ích của toàn dân.
Đồng thời, với niềm hy vọng, chúng ta hãy phó thác cho Chúa là Đấng giầu lòng thương xót, sự thỏa thuận đã đạt được tại Lausanne những ngày gần đây, để nó có thể là một bước quyết định dẫn đến một thế giới an toàn và có tình huynh đệ hơn.
Chúng ta hãy khẩn cầu Chúa Phục Sinh ban ơn hòa bình cho nước Nigeria, cho Miền Nam Su-đăng và các vùng khác nhau của nước Su-đăng và nước Cộng Hòa Dân Chủ Congo. Mong rằng một lời cầu nguyện không ngừng được dâng lên từ những người thiện chí cho những ai đã mất mạng - bị sát hại hôm thứ năm vừa qua tại Trường Đại Học Garissa, tại Kenya -, cho tất cả những người đã bị bắt cóc, cho những người đã phải bỏ cả nhà cửa và những người thân.
Mong rằng sự Phục Sinh của Chúa mang lại ánh sáng cho nước Ukraina đáng thương, nhất là cho tất cả những người đã chịu những bạo lực của cuộc xung đột trong những tháng qua. Mong rằng nước này có thể tìm lại được hòa bình và niềm hy vọng, nhờ vào sự tham gia của mọi bên liên hệ.
Chúng ta hãy cầu xin bình an cho nhiều người nam và nữ, đã bị áp đặt nhiều hình thức nô lệ cũ và mới, đến từ những người và những tổ chức tội ác. Bình an và tự do cho những nạn nhân của bọn buôn bán ma tuý, thường gắn liền với quyền lực đáng lẽ phải bảo vệ hòa bình và sự hài hòa trong gia đình nhân loại. Và chúng ta hãy cầu xin hòa bình cho thế giới này, đang bị lũng đoạn bởi bọn buôn bán vũ khí, kiếm lợi nhuận trên máu xương của con người nam nữ.
Cho những người bên lề xã hội, các tù nhân, những người nghèo và những di dân nhiều khi bị xua đuổi, ngược đãi và bỏ rơi; cho các người bệnh hoạn và những người đau khổ; cho các trẻ em, đặc biệt là những em bị bạo lực: cho tất cả những người ngày hôm nay đang chịu tang chế; mong rằng cho tất cả mọi người nam, nữ có thiện chí, lời Chúa Giêsu đầy an ủi và chữa lành: "Bình an cho anh em!" (Lc 24, 36) "Anh em đừng sợ hãi, Thầy đã chỗi dậy và Thầy sẽ ở với anh em mãi mãi" (x. Sách Lễ Rôma, điệp khúc nhập lễ ngày Lễ Phục Sinh).
Mai Khôi phỏng dịch từ bản tiếng Pháp của Tòa Thánh do Zenit phổ biến
© Librairie éditrice du Vatican
(5 avril 2015) © Innovative Media Inc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét