Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Giáo lý ĐTC Phanxicô về trẻ em - 18.03.2015

"Trẻ em là món quà to lớn cho nhân loại"

Bài giáo lý ngày 18 tháng 3 năm 2015

Rôma – 18/3/2015 (Zenit.org)

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc "trẻ em là món quà to lớn cho nhân loại"
Để kết thúc chuỗi bài giáo lý mỗi ngày Thứ tư về gia đình, Đức Giáo Hoàng đã trình bầy sáng ngày 18/3/2015 về trẻ nhỏ, và mời gọi hãy đón nhận sự sống nhiều hơn nữa. Ngài đã loan báo một bài giáo lý thứ nhì cũng về chủ đề này vào thứ Tư tuần sau.
Đức Giáo Hoàng chỉ rõ, qua phong cách đón nhận trẻ em người ta có thể thấy được thước đo tình trạng của một xã hội: "Chính qua cách thức đối xử với trẻ em mà người ta có thể phán đoán về xã hội, không chỉ trên mặt luân lý, mà còn xã hội, xem đó có phải một xã hội tự do hay một xã hội nô lệ các lợi nhuận quốc tế".
Sau đây là bản dịch toàn văn Bài giáo lý được đọc bằng tiếng Ý
A.B.
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Thân chào quý anh chị em!
Sau khi đã duyệt qua các khuôn mặt khác nhau trong đời sống gia đình - người mẹ, người cha, con cái, anh chị em, ông bà – tôi muốn kết thúc tổng hợp đầu tiên các Bài giáo lý về gia đình khi nói đến các em nhỏ.
Tôi sẽ nói trong hai kỳ: ngày hôm nay, tôi sẽ dừng ở chuyện các em nhỏ là món quà to lớn cho nhân loại - thật đó, chúng là một tặng phẩm to lớn cho loài người, nhưng đó cũng chính là những kẻ bị thải loại bởi vì người ta đã không để chúng được sinh ra – và lần sau, tôi sẽ dừng ở những vết thương, khốn nỗi, làm hại cho tuổi trẻ.
Tôi có trong đầu nhiều đứa trẻ mà tôi đã gặp trong chuyến tông du châu Á vừa qua: tràn đầy nhựa sống, lòng hăng hái và mặt khác, tôi thấy trên thế giới, có nhiều đứa trẻ đang sống trong những điều kiện không xứng đáng… Quả vậy, cứ coi cái cách các em bị đối xử, chúng ta có thể phán đoán xã hội, nhưng không chỉ trên mặt đạo đức, mà cả mặt xã hội, xem đó có phải là một xã hội tự do hay một xã hội nô lệ cho lợi nhuận quốc tế.

Trước hết, các em nhỏ nhắc cho chúng ta rằng tất cả chúng ta, trong những năm đầu của cuộc đời, chúng ta lệ thuộc hoàn toàn vào sự săn sóc và lòng nhân ái của người khác. Và Con Một Thiên Chúa cũng không thoát khỏi giai đoạn này. Đó là mầu nhiệm mà chúng ta chiêm ngắm hàng năm vào mùa Giáng Sinh. Máng cỏ là hình tượng truyền đạt cho chúng ta thực trạng này cách đơn giản và trực tiếp nhất. Nhưng thật là lạ: Thiên Chúa không có khó khăn gì khiến trẻ em hiểu về Người, và trẻ em cũng không có vấn đề để hiểu về Thiên Chúa. Không phải ngẫu nhiên mà trong Phúc Âm, có những lời lẽ rất đẹp và rất mạnh của Chúa Giêsu về những người "bé mọn". Từ ngữ "bé mọn" chỉ những con người còn phải lệ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác, và cách riêng là các trẻ em. Ví dụ, Chúa Giêsu phán: "Lậy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn" (Mt 11, 25) và còn nữa: "Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật Thầy nói cho anh em biết, các thiên thần của họ ở trên trời, không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy" (Mt 18, 10).
Bởi vậy, trẻ em tự thân đã là một sự giầu có cho nhân loại và cũng cho Hội Thánh, vì họ luôn nhắc nhở điều kiện cần thiết để vào được Nước Thiên Chúa: đừng tự coi như mình tự mãn mà như đang cần đến sự giúp đỡ, đến tình yêu thương, đến sự tha thứ. Và tất cả, chúng ta đều cần giúp đỡ, cần tình yêu và cần tha thứ!
Trẻ em còn nhắc nhở chúng ta chuyện đẹp khác: chúng nhắc cho chúng ta rằng chúng ta luôn là những trẻ thơ: dù rằng người ta đã trở nên trưởng thành, hay lớn tuổi, dù cả khi đã làm cha hay làm mẹ, dù đã có địa vị trách nhiệm, ở bên dưới tất cả những thứ này, căn tính trẻ thơ vẫn còn tồn tại. Chúng ta tất cả đều là trẻ thơ. Và điều này luôn dẫn đến sự kiện là chúng ta không tự cho chúng ta sự sống được mà chúng ta phải nhận nó từ người khác. Món quà to lớn mà chúng ta nhận được đầu tiên là sự sống. Đôi khi, chúng ta có thể sống mà quên đi điều này, làm như chúng ta làm chủ đời sống của mình, hay ngược lại chúng ta hoàn toàn lệ thuôc. Trên thực tế, đó là lý do của niềm vui lớn khi cảm nhận được rằng ở mọi độ tuổi của cuộc đời, trong mọi hoàn cảnh, trong mọi điều kiện xã hội, chúng ta là và vẫn còn là trẻ thơ. Đó là thông điệp chính mà các trẻ em gửi cho chúng ta, bởi chính sự hiện diện của chúng: chỉ với sự hiện diện của chúng, chúng nhắc nhở chúng ta rằng tất cả và mỗi người trong chúng ta đều là trẻ thơ.
Nhưng có biết bao quà tặng, biết bao sự giầu có mà trẻ em đã mang lại cho nhân loại. Tôi chỉ kể ra một vài thứ.
Chúng mang lại cách nhìn thực tế của chúng, với một cái nhìn tin tưởng và trong sáng. Trẻ em có niềm tin tưởng tự nhiên nơi cha và mẹ mình; nó có niềm tin tưởng tự nhiên vào Thiên Chúa, vào Chúa Giêsu, vào Đức Trinh Nữ Maria. Đồng thời, cái nhìn nội tâm của nó rất trong sáng, chưa bị hoen ố bởi mưu mô, giả dối, bởi những "bám víu" của cuộc đời khiên lòng chai đá. Chúng ta biết rằng trẻ em cũng mắc tội tổ tông, rằng chúng cũng có những ích kỷ của chúng, nhưng chúng giữ được một sự trong sạch và đơn sơ trong lòng. Nhưng trẻ em không có tài ngoại giao, chúng nói điều chúng cảm nhận, điều chúng nhìn thấy, trực tiếp. Và rất thường khi chúng đặt cha mẹ chúng trong tình thế khó khăn khi nói lên trước người khác: "Cái này con không thích bởi vì nó không đẹp". Nhưng trẻ em nói lên điều chúng nhìn thấy, chúng không phải là những người hai mặt, chúng chưa học được cái khoa học hai mặt mà chúng ta, những người lớn, rất tiếc, chúng ta đã học được.
Mặt khác, trong sự đơn sơ nội tâm của chúng, trẻ em mang trong mình khả năng lãnh nhận và cho đi sự âu yếm. Âu yếm, chính là có con tim "bằng thịt" chứ không "bằng đá", như Thánh Kinh đã nói (x. Êd 36, 26). Sự âu yếm cũng là bài thơ: đó là "cảm" được sự vật và biến cố, không đối xử với những thứ đó như vật dụng đơn giản, chỉ để xử dụng, bởi vì chúng để dùng…
Trẻ em có khả năng cười và khóc. Khi tôi ẵm chúng để hôn, có đứa cười; đứa khác thấy tôi mặc đồ trắng và tưởng rằng tôi là bác sĩ và tôi tới để chích thuốc, và chúng khóc… nhưng rất tự nhiên! Trẻ em là như thế đó: chúng cười và chúng khóc, hai chuyện mà nơi chúng ta, người lớn, thường hay "bị chặn lại", chúng ta không còn khả năng… Quá nhiều khi nụ cười của chúng ta trở thành cười gượng, không có sức sống, nụ cười không sống động, và kể cả nu cười giả tạo, nụ cười của con rối.
Trẻ em cười hồn hiên và khóc cũng hồn nhiên. Điều này luôn tùy thuộc con tim, và thường khi trái tim chúng ta bị tắc nghẽn và mất đi khả năng cười hay khóc. Và khi đó trẻ em có thể dậy lại cho chúng ta cười và khóc. Nhưng, chính chúng ta, chúng ta cũng phải tự hỏi: có phải tôi cười hồn nhiên, với sự tươi tắn, với lòng yêu thương hay nụ cười của tôi lại là giả tạo? Tôi có còn khóc được không hay tôi đã mất đi khả năng khóc lóc rồi? Hai câu hỏi rất nhân bản mà trẻ em dậy cho chúng ta.
Vì tất cả những lý do đó, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ Người hãy "trở nên như trẻ nhỏ" bởi vì "Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng" (x. Mt 18, 3; Mc 10, 14).
Anh chị em thân mến, trẻ em mang đến sự sống, niềm vui, hy vọng và cả buồn phiền. Nhưng cuộc đời là thế. Đương nhiên, chúng cũng mang lại, những lo lắng và đôi khi nhiều vấn đề; nhưng thà rằng có một xã hội với những lo lắng và vấn đề này còn hơn là một xã hội buồn bã và xám xịt bởi vì không có trẻ em! Và khi chúng ta thấy tỷ lệ sinh sản của một xã hội chỉ đạt 1%, chúng ta có thể nói rằng cái xã hội đó buồn bã, xám xịt vì nó không có trẻ em.
Bản dịch tiếng Pháp : Constance Roques (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt : Mạc Khải (ghxhcg.com)
(18 mars 2015) © Innovative Media Inc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét