Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Sứ điệp ĐTC Phanxicô Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2015

Tầm vóc truyền giáo gắn liền
với mọi hình thức đời sống thánh hiến

Rôma – 24/5/2015 (ZENIT.org) Staff Reporter


Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2015 - sẽ được cử hành vào ngày 18/10/2015 sắp tới - nằm trong khuôn khổ của Năm Đời Sống Thánh Hiến: tầm vóc truyền giáo gắn liền với mọi hình thức đời sống thánh hiến, Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết.
Theo truyền thống, sứ điệp này được công bố vào ngày Chúa Nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống. Đức Giáo Hoàng đặc biệt đã viết: "Tầm vóc truyền giáo, vì là chính bản chất của Giáo Hội, cũng là thành phần nội tại của mọi hình thức đời sống thánh hiến, và không thể được coi thường mà không tạo một khoảng trống làm biến dạng đặc sủng".
Sau đây là bản dịch toàn văn sứ điệp này.
Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Anh chị em thân mến,
Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2015 xẩy ra trong khuôn khổ của Năm Đời Sống Thánh Hiến và nhận được từ đó, một đà vươn lên để cầu nguyện và chiêm niệm. Quả vậy, nếu mọi người tín hữu được ơn gọi làm chứng cho Chúa Giêsu bằng cách loan truyền đức tin đã lãnh nhận như quà tặng, điều đó đáng giá cách riêng cho người thánh hiến, bởi vì một sợi dây chắc chắn luôn tồn tại giữa đời sống thánh hiến và sứ vụ truyền giáo. Sự kiện "đi theo Đức Kitô" (Sequela Christi), đã khơi lên sự xuất hiện của đời sống thánh hiến trong lòng Giáo Hội, đáp lại lời kêu gọi hãy vác lấy thập giá và đi theo Người, hãy noi gương Người tận hiến cho Đức Chúa Cha và những cử chỉ phục vụ và đầy tình yêu thương của Người, hãy mất đi sự sống để tìm lại được sự sống. Và bởi vì tất cả cuộc đời dưới thế của Đức Kitô có một đặc tính truyền giáo, những người nam và nữ đi theo sát với Người đảm nhận đầy đủ đặc tính này.
Tầm vóc truyền giáo, vì nó thuộc về chính bản chất của Giáo Hội, cũng gắn liền với mọi hình thức đời sống thánh hiến, và không thể bị lãng quên mà không tạo một khoảng trống làm biến dạng đặc sủng. Sứ vụ truyền giáo không phải là lôi kéo hay là một chiến lược đơn giản. Nó là thành phần của "văn phạm" đức tin. Đó là một chuyện không thể thiếu được đối với kẻ lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Linh thì thầm "con lại đây" và "con hãy đi". Kẻ đi theo Đức Kitô chỉ có thể trở thành thừa sai, và người đó biết Chúa Giêsu "cùng đi với mình, nói chuyện với mình, cùng thở với mình, làm việc với mình. Người đó cảm nhận Chúa Giêsu sống động với mình ở giữa hoạt động truyền giáo" (Tông Huấn Evangelii gaudium, số 266).

Sứ vụ truyền giáo là sự đam mê đối với Chúa Giêsu, đồng thời cũng là đam mê đối với mọi người. Khi chúng ta cầu nguyện trước Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá, chúng ta nhìn nhận tình yêu cao cả của Người đã ban cho chúng ta phẩm giá và nâng đỡ chúng ta và, đồng thời, chúng ta cũng thấy được tình yêu đó xuất phát từ trái tim bị đâm thủng của Người lan trải ra cho toàn dân của Thiên Chúa và cho toàn thể nhân loại. Như thế, chúng ta cảm nhận được Người cũng muốn sử dụng chúng ta để luôn tới được gần hơn với dân chúng đáng yêu của Người (x. ibid., số 268) và với tất cả những ai đi tìm Người với tấm lòng chân thành. Trong mệnh lệnh "Anh em hãy đi"  của Chúa Giêsu, có nhiều kịch bản và nhiều thách thức lúc nào cũng mới mẻ trong sứ vụ rao truyền Phúc Âm của Giáo Hội. Trong Giáo Hội, mọi người được kêu gọi rao truyền Phúc Âm bằng chứng ngôn của đời mình. Với các người thánh hiến, họ được yêu cầu cách riêng là lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Linh đang kêu gọi họ hãy đi ra các vùng ngoại vi rộng lớn của xứ truyền giáo, giữa những dân tộc mà Phúc Âm chưa tới được.
Nhân ngày kỷ niệm 50 năm Sắc Lệnh Công Đồng Ad gentes mời gọi chúng ta đọc lại tài liệu này, nó đã từng dấy lên một đà vươn mạnh mẽ của sứ vụ truyền giáo của các Viện đời sống thánh hiến. Trong những cộng đoàn đời sống chiêm niệm, hình ảnh Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, bổn mạng các xứ truyền giáo, đã được làm nổi bật như đấng khởi xướng quan hệ mật thiết giữa đời sống chiêm niệm và sứ vụ truyền giáo. Đối với nhiều tu hội đời sống hoạt động, ước muốn truyền giáo xuất phát từ Công Đồng Vaticanô II được diễn dịch bởi một sự mở ra khác thường cho truyền giáo ad gentes (đến mọi người), thường đi kèm với một sự đón tiếp của anh chị em đến từ những vùng đất và nnhững nền văn hóa gặp được trong khuôn khổ Phúc Âm hóa, đến nỗi ngày hôm nay, có thể nói đến một liên hiệp văn hóa lan tỏa trong nội bộ đời sống thánh hiến. Vì vậy, thật là khẩn cấp phải đề nghị lại lý tưởng của sứ vụ truyền giáo trên mặt trung tâm: Chúa Giêsu Kitô, và trong sự đòi hỏi của nó: sự tận hiến chính mình cho việc loan truyền Phúc Âm. Không thể có sự nhân nhượng nào trên lãnh vực này: người nào, với ân sủng của Thiên Chúa, đón nhận sứ vụ truyền giáo, thì  được kêu gọi hãy sống vì sứ vụ truyền giáo.
Đối với những người này, việc loan truyền Đức Kitô, giữa vô số những vùng ngoại vi của thế giới, trở thành cách sống theo chân Người và là phần thưởng cho nhiều mệt mỏi và thiếu thốn. Mọi xu hướng làm trệch hướng ơn gọi này, kể cả khi nó kèm theo những động cơ cao cả gắn liền với nhiều nhu cầu mục vụ, Giáo Hội hay nhân đạo, đều không phù hợp với ơn gọi cá nhân của Chúa để phục vụ Phúc Âm. Trong các Viện Truyền Giáo, các nhà đào tạo được kêu gọi phải chỉ ra cách rõ ràng và lương thiện viễn cảnh sống và hoạt động cũng như mẫu mực khi liên quan đến sự phân định ơn gọi truyền giáo đích thực. Tôi đặc biệt nói với các bạn trẻ, còn có khả năng can đảm làm chứng và làm những công trình đại lượng và đôi khi đi ngược dòng: các bạn đừng để bị đánh cắp mất giấc mơ một sứ vụ truyền giáo đích thực, giấc mơ một cuộc đi theo Đức Kitô (sequela Christi) đòi hỏi sự tận hiến thân mình. Trong cái thầm kín của lương tâm anh chị em, anh chị em hãy tự hỏi lý do anh chị em lựa chọn cuộc đời tu trì thừa sai là gì và anh chị em hãy đo lường sự sẵn sàng nhận lãnh nó: một quà tặng tình yêu để phục vụ việc loan truyền Phúc Âm, và nhớ rằng, trước khi là một nhu cầu cho những ai không biết Phúc Âm, sự loan truyền Phúc Âm là một sự cần thiết cho chính người yêu mến Thầy mình.
Ngày nay, sứ vụ truyền giáo đứng trước thách đố phải tôn trọng nhu cầu của mọi dân tộc cần tái xuất phát từ những cội nguồn riêng của mình và bảo tồn những giá trị của các nền văn hóa riêng của họ. Điều này có nghĩa là nhận biết và tôn trọng những truyền thống khác và những hệ thống triết học khác và công nhận nơi mỗi dân tộc và mỗi văn hóa, cái quyền được giúp đỡ bởi chính truyền thống của họ trong sự hiểu biết mầu nhiệm Thiên Chúa và trong sự đón nhận Phúc Âm của Chúa Giêsu, vốn chính là ánh sáng cho các nền văn hóa và sức mạnh đổi mới cho các nền văn hóa này.
Bên trong động lực phức tạp này, chúng ta đặt câu hỏi; "Ai là sẽ là những người nhận ưu tiên sự loan truyền Phúc Âm?" Câu trả lời thật là rõ ràng và chúng ta tìm thấy nó ngay trong Phúc Âm: "những người nghèo khó, những người bé mọn và những người tật nguyền, những người thường hay bị khinh thường và bị lãng quên, những người không có cái gì để đáp lễ (x. Lc 14, 13-14). Phúc Âm hóa ưu tiên hướng tới họ là dấu chỉ của Vương Quốc mà Chúa Giêsu đã mang đến: "Có một mối quan hệ bất khả phân giữa đức tin của chúng ta và những người nghèo khó. Đừng bao giờ bỏ họ một mình" (Tông Huấn Evangelii gaudium, số 48). Điều này phải được minh bạch, đặc biệt là cho những người đã ôm ấp cuộc đời thánh hiến thừa sai: bằng lời khấn hứa khó nghèo, họ đã chọn lựa đi theo Đức Kitô, không phải một cách giáo điều, mà là như Người, đồng hóa với người nghèo khó, và sống như họ trong sự tạm bợ của cuộc đời hàng ngày và trong sự từ bỏ tham vọng làm được mọi việc để trở thành anh chị em của những người này, mang lại cho họ chứng ngôn của niềm vui Phúc Âm và sự thể hiện lòng bác ái của Thiên Chúa.
Để sống chứng nhân Kitô giáo và những chỉ dấu của tình yêu Chúa Cha giữa những người bé mọn và những người khó nghèo, người thánh hiến được kêu gọi phải phát huy sự hiện diện của các tín hữu giáo dân trong sứ vụ truyền giáo. Ngay từ Công Đồng Vaticanô II đã khẳng định: "Các tín hữu giáo dân cộng tác vào công trình Phúc Âm hóa của Giáo Hội và tham gia với tư cách chứng nhân và đồng thời với tư cách là khí cụ sống động, vào sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội" (Ad gentes, số 41). Cần thiết là các vị tận hiến thừa sai phải luôn có can đảm để mở ra cho những người sẵn sàng hợp tác với mình, dù là chỉ trong thời gian giới hạn, cho một sự trải nghiệm trên hiện trường. Đó là các anh chị em có mong muốn chia sẻ ơn gọi truyền giáo gắn liền với Phép Rửa. Các nhà dòng và các cấu trúc truyền giáo là những nơi chốn tự nhiên để đón nhận họ và nâng đỡ họ trên bình diện nhân bản, thiêng liêng và tông vụ.
Các Cơ Chế và các Công Trình truyền giáo của Giáo Hội hoàn toàn được đặt vào việc phục vụ những người không biết Phúc Âm của Chúa Giêsu. Để thực hiện hữu hiệu mục tiêu đó, các cơ quan này cần có các đặc sủng và cần sự dấn thân truyền giáo của những người thánh hiến, cũng như những người thánh hiến cần có một cấu trúc phục vụ, thể hiện yêu cầu của Đức Giám Mục Rôma, để bảo đảm koinonia (giáo hội học hiệp thông), để cho sự hợp tác và sự đồng vận trở nên thành phần cơ hữu của việc làm chứng truyền giáo. Chúa Giêsu đã đặt sự hợp nhất các môn đệ như là điều kiện để thế gian tin (x. Ga 17, 21). Một sự hội tụ như thế không phải là một sự phục tùng mang tính pháp lý và tổ chức đối với các cơ quan hiến định hay đối với một sự hành xác tùy theo ngẫu hứng của Chúa Thánh Thần, Đấng dấy lên sự khác biệt; nhưng có nghĩa là cho thêm sự hữu hiệu cho thông điệp Phúc Âm và phát huy sự hợp nhất chủ định vốn cũng là hoa quả của Thánh Thần.
Công trình truyền giáo của Người Kế Vị Thánh Phêrô có mục đích tông vụ hoàn vũ. Bởi vậy nó cũng có nhu cầu có nhiều đặc sủng của đời sống thánh hiến để hướng tới chân trời rộng lớn của Phúc Âm hóa và có khả năng đảm bảo một sự hiện diện thích đáng ở biên cương và trong các lãnh thổ tới được.
Anh chị em thân mến, đam mê của người truyền giáo là Phúc Âm. Thánh Phaolô đã khẳng định: "Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng" (1 Cr 9, 16). Phúc Âm là nguồn mạch niềm vui, nguồn mạch giải thoát và nguồn mạch cứu độ cho hết mọi người. Giáo Hội ý thức ơn phúc này và không ngừng rao giảng cho tất cả mọi người "Điều vẫn có ngay từ lúc đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt" (1 Ga 1, 1). Sứ vụ của các tôi tớ Lời Chúa – các giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân – là tất cả mọi người, không ngoại trừ ai, phải đặt quan hệ cá nhân với Đức Kitô. Trong cánh đồng truyền giáo mênh mông của Giáo Hội, mỗi người đã chịu Phép Rửa đều được kêu gọi hãy sống tốt sự dấn thân của mình, tùy theo hoàn cảnh cá nhân. Một lời đáp trả rộng lượng ơn gọi hoàn vũ này có thể được dâng lên bởi những người nam, nữ thánh hiến trong suốt một cuộc đời kinh nguyện tích cực và hiệp nhất với Chúa và với sự hy sinh cứu chuộc của Người.
Trong lúc tôi ký thác cho Đức Rất Thánh Trinh Nữ Maria, Mẹ của Giáo Hội và gương mẫu truyền giáo, tất cả những người, ad gentes hay trên lãnh vực của họ, trong mọi tình huống của cuộc đời, cộng tác vào việc rao giảng Tin Mừng, tôi hết lòng gửi đến từng người Phép Lành Tòa Thánh.
Từ Vatican, ngày 24 tháng 5 năm 2015
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Mạc Khải phỏng dịch
© Librairie éditrice du Vatican
(24 mai 2015) © Innovative Media Inc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét