Ai quyết tâm tránh nói xấu sẽ trở nên thánh
Kinh Truyền Tin ngày 16 thàng 02 năm 2014, toàn văn.
Rôma – 16/02/2014 (Zenit.org)
"Tôi
xác tín rằng nếu mỗi người trong chúng ta lấy quyết định tránh nói xấu, cuối
cùng người đó sẽ trở nên thánh", Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố trong
giờ Kinh Truyền Tin ngày 16/02/2014 vừa rồi, trên quảng trường Thánh Phêrô.
Để bắt đầu
kinh Đức Mẹ, Đức Giáo Hoàng đã cảnh giác chống lại những lời ba hoa, đồn thổi,
nói xấu: "những lời nói đó cũng có thể giết người!".
Như vậy, cấm
giết người, không phải là chỉ "không được xâm hại mạng sống người
khác", mà còn là "không được đổ lên đầu họ thuốc độc của sự giận
dữ" hay là "đánh phá họ bằng sự vu khống hay "nói xấu về
họ", ngài nhấn mạnh.
Quả vậy,
"những lời nói xấu, cũng có thể giết người, bởi vì nó giết tiếng thơm của
người ta! Thật là quá xấu xa khi nói xấu (người khác)… Điều đó khiến trong lòng
chúng ta tràn đầy cay đắng, và cũng đầu độc chính chúng ta nữa".
Lời Đức Thánh Cha Phanxicô trước
Kinh Truyền Tin.
Thân chào
quý anh chị em,
Bài Tin Mừng
ngày Chúa Nhật này cũng còn là một phần của bài được gọi là "Bài Giảng
Trên Núi", bài giảng quan trọng đầu tiên của Chúa Giêsu. Hôm nay đề tài là
thái độ của Chúa Giêsu đối với lề luật Do Thái. Ngài khẳng định rằng: "Anh
em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến
không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn" (Mt 5, 17). Như thế, Chúa
Giêsu không muốn bãi bỏ những giới luật mà Chúa đã ban cho ông Mô-sê, nhưng
Ngài muốn đưa lề luật lên đến chỗ vẹn toàn. Và Ngài nói thêm ngay sau đó rằng
"sự kiện toàn" Lề Luật đòi hỏi một nền công lý cao hơn, một sự tuân
thủ chính đáng hơn. Ngài đã nói rõ ràng với các môn đệ của Ngài rằng: "Nếu
anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng
được vào Nước Trời" (Mt 5, 20).
Nhưng
"kiện toàn đầy đủ" Lề Luật có nghĩa là gì? Và cái nền công lý cao
hơn, nghĩa là thế nào? Chúa Giêsu đã trả lời cho chúng ta bằng vài thí dụ -
Chúa Giêsu rất thực tế, Ngài luôn phán dạy với thí dụ để làm cho chúng ta hiểu
Ngài. Ngài bắt đầu bằng điều răn thứ Năm trong 10 điều rằng: "Anh em đã
nghe Luật dạy người xưa rằng: 'Chớ giết người'… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em
biết: Ai giận anh em mình thì đáng bị đưa ra tòa" (Mt 5, 21-22). Qua đó,
Chúa Giêsu nhắc cho chúng ta rằng lời nói cũng có thể giết người! Khi nói về
một người nào đó là có miệng lưỡi độc địa thì có nghĩa là gì? Có nghĩa là lời
nói của hắn giết người! Bởi vậy, không phải chỉ không được mưu hại mạng sống
người khác, mà cũng không được đổ lên đầu người khác nọc độc của sự giận dữ
cũng như đánh phá người khác bằng lời vu khống. Cũng không được nói xấu người
khác. Chúng ta đề cập đến sự vu khống: những lời cáo gian cũng có thể giết
người, bởi vì chúng giết chết tiếng thơm của người khác! Thật là xấu xa khi nói
xấu người khác! Lúc đầu, có vẻ như là chuyện vui đùa, như ngậm viên kẹo. Nhưng
rốt cuộc, nó làm cho lòng mình đầy cay đắng, và làm chính chúng ta bị ngộ độc.
Tôi bảo thật anh chị em, tôi xác tín rằng nếu mỗi người trong chúng ta hạ quyết
tâm tránh việc nói xấu, cuối cùng rồi sẽ nên thánh! Đó là con đường tươi đẹp!
Chúng ta có muốn nên thánh không? Có hay không? [Đám đông : Có !] Chúng ta có muốn sống gắn liền với nói xấu như một
cái tật không Có hay không? [Đám đồng: Không !]. Như thế là chúng ta
đồng ý với nhau: không nói xấu! Chúa Giêsu đề nghị với kẻ đi theo Ngài tình yêu
toàn thiện: một tình yêu mà thước đo duy nhất là không có thước đo, phải vượt
xa hơn mọi tính toán. Tình yêu tha nhân là một thái độ nền tảng đến đỗi Chúa
Giêsu phải khẳng định rằng quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa không thể thành
thật nếu chúng ta không làm hòa với tha nhân: "Vậy, nếu khi anh sắp dâng
lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với
anh, thì hãy để của lễ lại đó, trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy
đã" (Mt 5, 23-24) Vì vậy, chúng ta đều được kêu gọi phải làm hòa với anh
em chúng ta trước khi biểu lộ lòng sùng kính với Chúa trong kinh nguyện.
Từ những
điều trên, có thể hiểu rằng Chúa Giêsu không chỉ quan tâm đến việc tuân giữ Lề
Luật và đến hạnh kiểm bề ngoài. Ngài đi đến nguồn gốc của Lề Luật, nhắm trước
hết vào chủ ý, nghĩa là lòng người, từ đó xuất phát những công việc tốt hay
xấu. Để có được những thái độ tốt lành và lương thiện, những tiêu chuẩn pháp lý
không đủ, mà cần phải có những động cơ sâu xa, thể hiện một sự khôn ngoan ẩn
dấu, Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, có để lãnh nhận được nhờ Chúa Thánh Thần. Và
chúng ta, nhờ đức tin vào Chúa Giêsu, chúng ta có thể mở lòng chúng ta cho tác
động của Chúa Thánh Thần, là Đấng khiến chúng ta có khả năng sống tình yêu
Thiên Chúa.
Dưới ánh
sáng của giáo huấn này, mỗi giới luật tỏ ra ý nghĩa đầy đủ của mình như sự đòi
hỏi tình yêu, và tất cả tụ hội trong giới răn quan trọng nhất: yêu mến Thiên
Chúa hết lòng và yêu thương anh em như chính mình vậy.
Lời Đức Giáo Hoàng sau Kinh
Truyền Tin
Tôi thân ái
chào mừng tất cả những cư dân Rôma và các khách hành hương có mặt, các gia
đình, các giáo xứ, những người trẻ từ bao quốc gia trên thế giới. Tôi đặc biệt
chào mừng nhiều giáo hữu của nước Cộng Hòa Séc đã tháp tùng các vị Giám Mục của
họ trong chuyến viếng thăm Ad Limina, và các giáo hữu Tây Ban Nha của các giáo
phận Orihuela-Alicante, Jerez de la Frontera, Cadix và Ceuta.
Tôi chào mừng
các nhóm giáo xứ và các phong trào thanh niên của Ý.
Tôi cũng
chào mừng các nhóm quân nhân Ý. Và tôi chúc toàn thể anh chị em một ngày Chúa
Nhật tốt đẹp.
Bản dịch tiếng Pháp : Anne Kurian (Zenit)
Bản dịch
tiếng Việt : Mạc Khải (GHXHCG)
(16 février 2014) © Innovative Media Inc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét