Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

Giáo lý về BT Thánh Thể - ĐTC Phanxicô 05-02-2014

Đi lễ ngày Chúa Nhật bởi vì "trải nghiệm điều này thật là đẹp!"

Bài giáo lý ngày 05-02-2014 về Bí Tích Thánh Thể

Rôma – 05/02/2014 (Zenit.org) 


Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuyến khích giáo dân đi lễ ngày Chúa Nhật : "trải nghiệm điều này, thật là đẹp"
Đức Thánh Cha đã tiếp tục chuỗi bài giáo lý của ngài về các bí tích và đã dành buổi triều kiến ngày thứ tư 05/02/2014 này, trên quảng trường Thánh Phêrô, cho bài về bí tích Thánh Thể.
"Các bạn thân mến, ngày nói, chúng ta không bao giờ cảm ơn Chúa cho đủ vì hồng ân của Ngài đã ban cho chúng ta qua phép Thánh Thể! Đây là một hồng ân quá to lớn, và vì lẽ đó, thật quá là quan trọng phải đi lễ ngày Chúa Nhật. Đi lễ không phải chỉ là để cầu nguyện, mà còn là để Rước Lễ, rước tấm bánh vốn chính là thánh thể của Chúa Giêsu Kitô, đấng đã cứu chuộc chúng ta, đã tha thứ cho chúng ta, đã kết hợp chúng ta với Đức Chúa Cha. Trải nghiệm điệu này thật là đẹp!"
Sau đây là bản dịch toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô được ngài đọc bằng tiếng Ý, kể cả những đoạn ngài ứng khẩu.
A.B.
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Thân chào quý anh chị em!
Hôm nay, tôi sẽ trình bầy với anh chị em về Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể, là trung tâm của công cuộc "khai tâm Kitô giáo", cùng với bí tích Rửa Tội và bí tích Thêm Sức, và là chính nguồn mạch sự sống của Giáo Hội. Quả vậy, từ bí tích tình yêu này, đã tuôn ra mọi con đường đức tin đích thực, con đường hiệp thông và chứng tá.
Điều chúng ta nhìn thấy khi chúng ta tề tựu để cử hành bí tích Thánh Thể, trong Thánh Lễ, đã khiến chúng ta cảm nhận được ngay là chúng ta sẽ được sống. Ở giữa không gian dành cho việc cử hành, là bàn thờ, vốn là một cái bàn được trải bằng khăn bàn làm cho chúng ta liên tưởng đến một bàn tiệc. Trên bàn, có cây Thánh Giá để chỉ rõ là trên bàn thờ, chúng ta dâng Đức Kitô lên như của hy tế : chính Ngài là của ăn thiêng liêng mà chúng ta lãnh nhận, dưới hình thể của bánh và rượu. Bên cạnh bàn thờ, có bục giảng, nghĩa là nơi chúng ta tuyên đọc Lời Chúa : điều này cho thấy rằng chúng ta tập họp lại để nghe Chúa phán với chúng ta qua các Thánh Kinh, và như thế, lương thực mà chúng ta nhận được cũng là Lời của Ngài.

Lời Chúa và tấm bánh trong Thánh Lễ trở thành một điều duy nhất, cũng như trong bữa "tiệc ly", khi mọi lời phán dạy của Chúa Giêsu, khi tất cả những dấu chỉ mà Ngài đã làm, đã cô đọng trong cử chỉ bẻ bánh và ban chén của Ngài, để tiên báo cho hy tế trên Thánh Giá, và trong những lời này: "Các con hãy nhận mà ăn, này là Mình Ta… Các con hãy nhận mà uống, này là Máu Ta".
Cử chỉ mà Chúa Giêsu làm trong bữa "tiệc ly" là một sự cảm tạ tối hậu dâng lên Đức Chúa Cha vì tinh yêu thương của Ngài, vì lòng thương xót của Ngài. "Cảm tạ", tiếng Hy Lạp, đọc là "eucaristia" (nd : nguồn gốc của từ Thánh Lễ). Và vì thế bí tích được gọi là bí tích Thánh Thể: có nghĩa là lời cảm tạ tối thượng dâng lên Chúa Cha, là Đấng đã yêu thương chúng ta đến độ, vì tình yêu đó, ban cho chúng ta Con của Ngài. Đó là lý do từ ngữ "Eucharistie" (Thánh Lễ) nhắc lại toàn bộ cử chỉ đó, vốn là cử chỉ của Thiên Chúa và của con người, cử chỉ của Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và con người thật.
Cử hành bí tích Thánh Thể, như thế, không chỉ là một bữa tiệc : chính là cử hành tưởng niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, mầu nhiệm trung tâm của sự cứu độ. "Tưởng niệm" không chỉ có nghĩa là "kỷ niệm", một kỷ niệm đơn giản, mà điều này có ý nghĩa là mỗi lần chúng ta cử hành bí tích này, chúng ta tham gia vào mầu nhiệm khổ nạn, vào cái chết và sự sống lại của Đức Kitô. Thánh Thể là tột đỉnh hành động cứu độ của Thiên Chúa: quả vậy, khi biến mình thành tấm bánh bị bẻ ra vì chúng ta, Chúa Giêsu đổ lại xuống cho chúng ta tất cả lòng thương xót và lòng nhân ái của Ngài, canh tân trái tim, cuộc sống và cách sống của chúng ta trong quan hệ với Ngài và với các anh em chúng ta. Chính vì thế mà người ta thường nói, khi tiếp cận với bí tích này, là "Chịu Lễ", là "Rước Lễ" : điều này có nghĩa, trong quyền phép của Chúa Thánh Thần, là sự tham dự vào bữa tiệc Thánh Thể làm cho chúng ta phù hợp với Đức Kitô cách đặc biệt và sâu đậm; chịu lễ cho chúng ta nếm trước sự hiệp thông đầy đủ với Chúa Cha, dự vào bữa tiệc trên trời, nơi cùng với tất cả các thánh, chúng ta sẽ có niềm vui không thể tưởng tượng nổi khi được trực tiếp chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa.
Các bạn thân mến, chúng ta không bao giờ cảm tạ Chúa cho đủ vì ơn phúc Ngài đã ban cho chúng ta trong bí tích Thánh Thể! Đó là một ân điển to lớn đến độ, và chính vì lý do này mà đi lễ ngày chúa nhật là hết sức quan trọng. Đi lễ, không chỉ để cầu nguyện, mà để được Rước Lễ, miếng bánh là chính Mình Thánh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã cứu độ, đã tha thứ và đã kết hợp chúng ta với Đức Chúa Cha. Thật là đẹp khi trải nghiệm điều này!
Và mỗi Chúa Nhật, chúng ta đi lễ bởi vì đó chính là ngày Chúa phục sinh. Chính vì thế mà ngày Chúa Nhật là ngày quan trọng đối với chúng ta. Và với Thánh Thể, chúng ta thực sự cảm nhận được sự thống thuộc của chúng ta đối với Giáo Hội, đối với Dân Chúa, đối với Nhiệm Thể Thiên Chúa, đối với Đức Giêsu Kitô. Và chúng ta không thể nào hiểu được hết giá trị và sự phong phú của phép Thánh Thể.
Chúng ta hãy cầu xin cho bí tích này có thể tiếp tục duy trì sự hiện dìện sống động của mình trong Giáo Hội và đào luyện các cộng đoàn chúng ta trong tình bác ái và hiệp thông, theo tấm lòng của Chúa Cha. Và điều này, phải làm trong suốt cuộc đời chúng ta, nhưng thực ra chúng ta chỉ khởi sự vào ngày Rước Lễ Lần Đầu của chúng ta. Thật là quan trọng phải chuẩn bị tốt để các em nhỏ Rước Lễ Lần Đầu và tất cả các em đều được Rước Lễ, bởi vì đó là bước đầu của sự thống thuộc mạnh mẽ của các em đối với Đức Giêsu Kitô, sau phép Rửa Tội và phép Thêm Sức.
Bản dịch tiếng Pháp : Hélène Ginabat (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt : Mạc Khải (GHXHCG)

(5 février 2014) © Innovative Media Inc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét