Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Giáo lý ĐTC Phanxicô - 12.02.2014

Thánh Thể thôi thúc mở lòng ra với tha nhân
 

Bài giáo lý ngày 12 tháng 02 năm 2014, toàn văn

Rôma – 12/02/2014 (Zenit.org)

Thánh Thể phải thôi thúc người Công Giáo coi tha nhân "như anh chị em mình", phải làm lớn lên nơi người Công Giáo "khả năng vui với người đang vui và khóc với người đang khóc", và khả năng "đi tới những người nghèo khổ, những người bệnh tật, những người ngoài lề xã hội", Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố.
Ngài đánh giá rằng "cách chúng ta nhin và đối xử với tha nhân" quả là "một dấu chỉ cho chúng ta thấy, chúng ta có sống bí tích Thánh Thể cách đúng đắn, hay là không".
Trong buổi triều kiến chung ngày thứ Tư 12/02/2014, Đức Giáo Hoàng đã tiếp nối loạt bài giáo lý mà ngài đã khởi sự hồi đầu năm về các phép bí tích. Sau bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, Đức Giáo Hoàng đã dành buổi sáng nay cho bài giáo lý thứ hai của ngài về bí tích Thánh Thể.
Ngài đã mời gọi hàng ngàn khách hành hương tụ tập trên quảng trường Thánh Phêrô hãy xét mình: "tôi đi dự Thánh Lễ, nhưng tôi có lo giúp đỡ những người đang bị vấn đề, có lo đến với họ, có lo cầu nguyện cho họ không? Hay là tôi có chút vô cảm?".
Đức Thánh Cha cũng đưa ra hai chỉ dấu khác để biết nếu người Công Giáo sống bí tích Thánh Thể cách đích thự : "ơn phúc cảm thấy mình được tha thứ và sẵn sàng tha thứ" và "sự xuyên suốt giữa phụng vụ và đời sống".
 
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Thân chào quý anh chị em!
Trong bài giáo lý lần trước, tôi đã chứng minh sự kiện là bí tích Thánh Thể dẫn dắt chúng ta vào trong sự hiệp thông thật sự với Chúa Giêsu và mầu nhiệm của Ngài. Bây giờ, chúng ta có thể tự đặt cho mình vài câu hỏi về mối quan hệ giữa Thánh Lễ mà chúng ta cử hành và cuộc đời chúng ta, với tư cách Hội Thánh và cá nhân, với tư cách người Kitô hữu. Chúng ta hãy tự hỏi: Chúng ta sống Thánh Thể như thế nào? Khi chúng ta đi lễ ngày Chúa Nhật, chúng ta trải nghiệm thánh lễ như thế nào? Có phải đó chỉ là một khoảnh khắc lễ hội, có phải là tập tục đã có từ trước, có phải đó là một cơ hội để chúng ta gặp nhau hay để chúng ta an tâm làm đúng lề luật, hay còn cái gì hơn thế nữa?
Có những dấu chỉ rất cụ thể cho ta hiểu được chúng ta trải nghiệm điều đó như thế nào, trải nghiệm Thánh Thể như thế nào; những dấu chỉ cho chúng ta biết chúng ta có trải nghiệm Thánh Thể cách đúng đắn không, hay chúng ta trải nghiệm chưa được đúng đắn lắm.
Dấu chỉ thứ nhất là cách chúng ta nhìn và coi tha nhân. Trong bí tích Thánh Thể, Đức Kitô thực hiện, một cách luôn luôn mới mẻ, sự hiến tặng chính mình trên cây Thánh Giá. Suốt cả cuộc đời Ngài là một hành động chia sẻ ban hết thân Ngài vì tình yêu; chính vì thế mà Ngài ưa ở với các môn đệ của Ngài và với những người mà Ngài tiếp xúc. Điều này có nghĩa để họ chia sẻ với Ngài những ước muốn, những vấn đề, những gì đang giao động trong tâm hồn và cuộc sống của họ. Và chúng ta, khi chúng ta tham dự Thánh Lễ, chúng ta cũng ở chung với những người nam nữ đủ mọi thành phần: người trẻ, người già, trẻ em, người nghèo và người khá giả, người cùng xóm hay người xa lạ, cả gia đình hay chỉ một mình… Nhưng Thánh Lễ mà tôi tham dự có khiến cho tôi coi tất cả những người đó thực sự như những người anh chị em của tôi không? Thánh Lễ có làm lớn lên trong tôi khả năng vui được với người đang vui và khóc được với người đang khóc không? Thánh Lễ có thôi thúc tôi đến với những người nhèo khổ, những người bệnh tật, những người bên lề xã hội không? Thánh Lễ có giúp tôi nhận ra nơi họ dung nhan của Chúa Giêsu không?
Tất cả chúng ta đều đi Lễ bởi vì chúng ta yêu mến Chúa Giêsu và vì chúng ta muốn chia sẻ, trong Thánh Lễ, cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Ngài. Nhưng liệu chúng ta có, như thánh ý Chúa Giêsu muốn, yêu mến những người anh chị em nghèo khổ nhất này không? Thí dụ, tại Rôma, trong những ngày gần đây, chúng ta đã thấy nhiều thảm cảnh xã hội, vì thời tiết mưa bão, đã làm thiệt hại nhiều khu dân cư, hay vì thiếu công ăn việc làm, vốn là hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế trên toàn thế giới. Tôi tự đặt cho tôi câu hỏi, và mỗi người trong chúng ta cũng có thể tự hỏi: tôi là người Lễ, tôi trải nghiệm tất cả chuyện này như thế nào? Tôi có lo giúp đỡ những người đang gặp những vấn đề này không, có đến với họ không? có cầu nguyện cho họ không? Hay là, tôi có đôi chút dửng dưng? Hay, tệ hơn nữa, tôi ưa những chuyện đàm tiếu: anh có thấy cái bà kia ăn mặc như thế không? em thấy cái ông kia ăn mặc kiểu gì vậy? Đôi khi, đó là những gì xẩy ra sau Thánh Lễ và đáng lẽ ra không nên như thế ! Chúng ta phải bận tâm cho những người anh chị em chúng ta đang cần sự giúp đỡ vì bệnh hoạn hay vì một vấn đề nào đó. Điều này, hôm nay sẽ làm cho chúng ta cảm thấy thoải mái khi nghĩ đến những người anh chị em chúng ta đang có vấn đề, ở ngay đây, tại Rôma này: vì thảm họa do trời mưa lũ, hay những vấn đề xã hội và việc làm. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu, trong phép Thánh Thể chúng ta lãnh nhận, giúp cho chúng ta giúp đỡ họ.
Một dấu chỉ thứ nhì, rất quan trọng, là ơn cảm thấy mình được tha thứ và thấy mình sẵn sàng tha thứ. Đôi khi, có câu hỏi này: "Tại sao phải đi nhà thờ, vì những người thường dự Thánh Lễ cũng phạm tôi như bao người khác?" Có biết bao lần chúng ta đã nghe câu hỏi này! Thực ra, người dâng Thánh Lễ không phải vì tự coi mình hay muốn làm ra vẻ mình tốt lành hơn người khác, mà chính là bởi vì người đó công nhận rằng mình luôn cần được đón nhận và tái sinh bởi lòng thương xót của Thiên Chúa làm người nơi Đức Giêsu Kitô. Nếu có người nào trong chúng ta không cảm thấy cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa, không cảm thấy rằng mình là tội nhân, tốt hơn hết, người đó đừng đi Lễ! Chúng ta đi Lễ bởi vì chúng ta là những kẻ tội lỗi và vì chúng ta muốn nhận được sự tha thứ từ Thiên Chúa, muốn được can dự vào công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu, và sự tha thứ của Ngài.
Kinh "Cáo Mình" mà chúng ta đọc lúc đầu Lễ không phải chỉ là "hình thức", đó chính là một hành động sám hối ! Tôi là kẻ có tộ và tôi thú nhận tội lỗi mình, Thánh Lễ đã bắt đầu như thế! Chúng ta không bao giờ được quên rằng bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu đã diễn ra "đêm Ngài bị giao nộp" (1 Cr 11, 23). Trong tấm bánh và chén rượu mà chúng ta tụ tập xung quanh để dâng tiến, mỗi lần đều lập lại sự hiến tặng Mình và Máu của Đức Kitô để đền tội cho chúng ta. Chúng ta phải đi Lễ với lòng khiêm nhường, như những kẻ tội lỗi, và Chúa hòa giải chúng ta. Điều này nhắc lại rõ ràng nhất ý nghĩa thâm sâu của sự hiến tế của Chúa Giêsu, và mở lòng chúng ta ra để đến lượt chúng ta cũng tha thứ cho các anh em và để hòa giải.
Một dấu chỉ cuối cùng và quý giá đã được ban cho chúng ta bởi mối quan hệ giữa việc cử hành Thánh Lễ và đời sống của các cộng đoàn Kitô hữu chúng ta. Phải luôn ghi nhớ trong lòng rằng bí tích Thánh Thể không phải là cái gì do chính chúng ta làm ra; chúng ta cũng không làm một cuộc tưởng niệm điều mà Chúa Giêsu đã nói và làm. Đây đích thực là một hành động của Đức Kitô! Chính Đức Kitô đã hành động ở đây, trên bàn thờ. Đây là một tặng phẩm của Đức Kitô, là Đấng đang hiện diện và tụ tập chúng ta xung quanh Ngài, để nuôi sống chúng ta bằng Lời của Ngài và bằng mạng sống của Ngài. Điều này có nghĩa là sứ vụ và chính căn cước của Giáo Hội toát ra và hình thành từ đó, từ bí tích Thánh Thể. Một nghi thức bề ngoài có thể được cửa hành rất hoành tráng, rất đẹp, nhưng nếu nó không dẫn đưa chúng ta đến gặp gỡ với Chúa Giêsu, nó có thể chẳng mang đến cho tấm lòng và đời sống chúng ta một chút lương thực nào. Trái lại, thông qua bí tích Thánh Thể, Đức Kitô muốn đi vào trong cuộc sống chúng ta và thẩm thấu đời sống chúng ta bằng ân sủng của Ngài hầu cho, trong mọi cộng đoàn Kitô hữu, luôn có một sự kết cố giữa phụng vụ và đời sống.
Lòng chúng ta tràn đầy tin tưởng và hy vọng khi nghĩ tới những lời phán dạy của Chúa Giêsu đã được các Phúc Âm ghi lại cho chúng ta: "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta sẽ được sống đời đời và Ta sẽ làm cho sống lại trong ngày sau hết" (6, 54). Chúng ta hãy sống Phép Thánh Thể trong tinh thần đức tin và cầu nguyện, tinh thần tha thứ, thống hối, tinh thần vui tươi cộng đồng, tinh thần bận tâm đến những người cùng khổ đến những nhu cầu của tất cả anh chị em chúng ta, với lòng xác tín rằng Chúa sẽ thực hiện điều Ngài đã hứa với chúng ta: sự sống đời đời. Amen!
Bản dịch tiếng Pháp : Hélène Ginabat (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt : Mạc Khải (GHXHCG)
(12 février 2014) © Innovative Media Inc.
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét