Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

Chia sẻ - Cursillistas và việc phục vụ


Trong bài Rollo “Giáo hữu là Giáo hội” có bàn đến thế nào là giáo hữu.
Giáo hữu không phải là người có thái độ tôn sùng giáo sĩ hơn bình thường và cũng không phải là người không xem trọng các linh mục chỉ vì họ là linh mục. Tìm hiểu mối tương liên giữa cursillista và giáo xứ cũng là nhiệm vụ chung của chúng ta.

1.    Chúa Giêsu là vị Linh mục Tiên Khởi, là người “Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và nhân lọai” (1Tm 2,5). Chúa đã truyền chức Linh mục cho các Thánh Tông đồ.  Các vị Linh mục, Giám mục qua các thời đại trong Giáo hội tiếp nối sứ mệnh mà Chúa Giêsu đã uỷ thác hay Tông Truyền:
“Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ đấng đã sai Thầy…Thầy ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực kẻ thù, mà chẵng làm hại gì được anh em” (Lc 10,16.19)
 “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,23)

2.    Người Cursillista đích thực cần am tường và thăng tiến sự liên hệ thiêng liêng và mật thiết giữa môi trường Giáo xứ và công tác tông đồ của Phong Trào vì:

(1) “Giáo Xứ là Gia đình của Chúa, một cộng đồng đầy tình huynh đệ chỉ có một linh hồn hay nói một cách khác, giáo xứ là một cộng đồng Thánh Thể, có năng cách cử hành bí tích Thánh Thể, một cộng đồng Đức Tin.     
 
(2) Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tuyên bố với hàng giáo phẩm ở Roma: “Ta tin tưởng cơ cấu cổ kính của giáo xứ là cộng đồng tiên khởi của dân Chúa. Chính giáo xứ đã khai sinh đời sống phục vụ và tập hợp dân Chúa. Giáo xứ có bổn phận bảo tồn và nung nấu đức tin. Giáo xứ còn là trường dạy dỗ giáo lý cứu rỗi của Chúa Kitô. Giáo xứ là nơi tích cực thực thi các công tác bác ái huynh đệ”.
 
(3) “Giáo xứ là giếng nước của thôn xóm để mọi người đến giải khát. Giáo dân là nguồn mạch làm cho giáo xứ càng ngày càng thêm phong phú. Mỗi giáo dân là một hữu thể cá biệt không thể thay thế được. Mỗi giáo dân có sở trường, sở đoản, có nhiều khả năng về nhiều khía cạnh khác nhau. Với tinh thần xây dựng và cởi mở, chúng ta có thể giải quyết thõa đáng mọi nhu cầu chính đáng của giáo dân.“
 
(4) “Giáo dân phải tôn kính, giúp đỡ và nâng đỡ vị chủ chăn trong tình nghĩa phụ tử của mình. (Christifideles Laci), Vị chủ chăn là nguyên lý hiển hiện và là nền móng của sự hợp nhất. Chúa phán: "Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy." (Mt 16,19)
 
(5) ĐGH Phaolô VI tuyên bố “Để xây dựng chắc chắn ngôi nhà chung, chúng ta phải khước từ óc chia rẽ, phe phái. Ngược lại, chúng ta phải tôn trọng và sẵn sàng cộng tác với nhau bằng một tâm hồn nhẫn nại, sáng suốt và sẵn sàng hy sinh”



3.    Ngoài môi trường giáo xứ, người tín hữu còn phải dấn thân vào các môi trường xã hội ngoài giáo xứ với nỗ lực “Làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan rộng đến tất cả mọi người, mọi nơi và mọi thời đại” (Hiến Chế Tín Lý về GH).
 
      Hai sứ mệnh chính yếu của Giáo hội, cũng là sứ mệnh của mỗi Kitô hữu:
 
(1)  Thánh hóa nhân loại bằng cách đào tạo cho con người một lương tâm Công giáo đích thực để họ có thể đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần mọi môi trường cũng như mọi lãnh vực của đời sống.
 
(2) Canh tân trật tự thế giới. Thế giới càng sống xa tinh thần Phúc Âm thì càng hỗn loạn. Kitô hữu có sứ mệnh canh tân trật tự hoàn vũ hầu cải thiện đời sống của nhân thế trong tình mến Chúa yêu người. 
 
“Giáo hội không thể tránh né sứ mệnh thường trực của mình là đem Phúc Âm đến cho hằng trăm triệu người cả nam lẫn nữ chưa nhận biết Chúa, đấng cứu rỗi con người.” Công đồng Vatican II đã khuyến khích Kitô hữu nên chu toàn công tác trần thế một cách nhiệt tình, trung tín và vâng theo tinh thần Phúc Âm. Sứ mệnh của Kitô hữu được Thiên Chúa uỷ thác là rao truyền Phúc Âm, thánh hoá nhân loại và đào luyện cho con người có một lương tâm Công giáo đích thực để họ có thể đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần mọi người, mọi nơi và mọi thời đại. “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!" (1Cr 9,16).

4.    Tông đồ là nhiệm vụ chính của Cursillista. Sứ mệnh nầy không thể thành công nếu không được quý vị Linh mục cai quản các giáo xứ hỗ trợ. Các môi trường Phúc Âm chính của Cursillista, trong thực tế, là gia đình, nơi làm việc, khu vực sinh sống, giáo xứ và giáo phận. Người cursillista không đủ khả năng và  phương tiện để đi hành đạo tại những nơi xa lạ như các đấng thừa sai.
 
Sở dĩ có sự hướng dẫn là Phong trào Cursillo sinh hoạt trong phạm vi giáo phận, vì Phong trào được hình thành bởi Cursillista từ nhiều Giáo Xứ. Tuy là một Phong trào của giáo dân, nhưng Phong trào được đặt để sinh hoat dưới quyền quản hạt của vị Giám Mục hay Tổng Giám Mục điạ phương. Giáo phận hay Tổng Giáo phận được hình thành bởi nhiều giáo xứ và giáo hữu trong giáo phận là thành viên của các giáo xứ trong địa phận. Do đó nói rằng cursillista không liên hệ gì đến giáo xứ là phủ nhận bản gốc của mình vì cursillista phải là giáo hữu thành viên của một giáo xứ theo giáo luật và hành đạo theo phương pháp Cursillo. Trên lý thuyết Cursillista được đào luyện không phải để phục vụ giáo xứ như thành viên các đoàn thể Công giáo Tiến Hành. Trong thực tế, một số Cursillista, vì là thành viên của giáo xứ phải có bổn phận với giáo xứ. Ngoài giờ sinh hoạt chính yếu trong Phong trào Cursillo, còn tham gia công tác mục vụ trong các giáo xứ, đúng với đường lối của Phong trào “quy về môi trường cũ để hoạt động”.
 
Ngoài ra, các sinh hoạt hội nhóm, Ultreya, tùy ngôn ngữ, thường được tổ chức tại các môi trường giáo xứ liên hệ thích hợp. Phần vì trước khi trở thành người lãnh đạo Cursillo trong các môi trường, các Cursillista đã là “người lãnh đạo của Giáo Hội trong các giáo xứ”. Phần khác, những ràng buộc nhân sinh về văn hoá, ngôn ngữ, tập quán…cũng thuận lợi cho sự giao tế, phát triển tình bằng hữu, một yếu tố thiết yếu trong công tác Phúc Âm hóa môi trường.

5.    Tuy vậy, cũng có trường hợp Cursillista không am tường sự liên hệ mật thiết giữa Giáo xứ và Phong trào Cursillo, hoặc bị ám ảnh bởi câu “Phong trào Cursillo không thuộc Giáo Xứ” đã tỏ thái độ “bất xứng” với quý vị Linh mục cai quản giáo xứ, mặc dù Phong trào Cursillo tại đa số các Giáo phận hay Tổng Giáo Phận thường có chính sách phối hợp với giáo xứ để tổ chức các Khóa Cursillo tại các giáo xứ, mời các vị Linh Mục, các tu sĩ nam, nữ, giáo dân đang sinh hoạt tại các giáo xứ tham gia các khoá học để trở thành cursillista và linh hướng cho Phong trào.
 
Sự kiện “bất kính” nầy có thể gây nên một sự ngộ nhận giữa Hội đồng Giáo Xứ, giáo dân trong giáo xứ và Phong trào Cursillo. Các hành vi thái quá nầy chẳng những đi ngược lại chủ trương của Phong trào mà còn phương hại đến uy tín của Phong trào Cursillo. Một khi Phong trào mất uy tín trước giáo hữu trong giáo xứ điạ phương, thì làm thế nào Phong trào tìm ra ứng viên để gởi đi tham dự khóa, làm sao để bành trướng sinh hoạt, hay chu toàn sứ  mệnh thiêng liêng như sùng đạo, học đạo và hành đạo…
 
Qua tiến trình hình thành và phát triển của Phong trào từ thập niên 1940, các trở ngại về nhân sự nêu trên cũng đã xảy ra từ khi Phong trào Cursillo mới được hình thành. Vì thế, Giám Mục Juan Hervas (1960) đã viết:
 
“Mục tiêu của Phong trào Cursillo là canh tân Cộng đồng Dân Chúa. Muốn vậy, nên lọại bỏ những ai không đủ khả năng trí tuệ vì chính những phản ứng tâm lý qua thái độ bất bình thường khiến cho họ chẵng những không giúp ích gì cho sự phát triển Vương Quốc Chúa mà còn có thể gây tác hại hơn nữa là ngăn trở những cursillista khác hoàn thành sứ mệnh của mình, như một cung đàn lạc điệu, chói tai trong Phong trào sống động Cursillo”.
 
Gần đây, trong khoá CDC Anh ngữ tại Wichita, Kansas, tháng 2/2014 trong giờ hội thảo, một khoá sinh, y sĩ  hưu trí, đã nêu lên trường hợp anh ta, vì “đức bác ái chân chính”, đã gởi một cursillista đi khám bệnh tâm thần vì thường có thái độ “gây rối” trong các phiên họp nhóm và Ultreya. Cũng có trường hợp, có người vì viện lý do “bác ái giả hiệu” để dung dưỡng những phần tử phá rối sinh hoạt của Phong trào hoặc dung dưỡng các cursillista có hành vi lạm dụng “đặc sủng” đã  khiến cho một Phong trào có trên 150 cursillista chán nản và ngưng sinh họat.!.
 
       “Công bằng đi trước bác ái đến sau”. Chúa là người công chính, thương yêu mọi người, nhưng Chúa không dung dưỡng tội phạm vì tội phạm là hành vi của Satan.
 
Sợ mất lòng người khác nên không dám nói lên sự thực để xây dựng Phong trào là hành vi thiếu bác ái vì “Biết mà không nói là bất nhân”. Sợ Satan hay sợ tha nhân thì không còn sợ Chúa. Không còn sợ Chúa thì không thể làm chứng nhân cho Chúa để thực sự xây dựng Phong trào, đoàn thể, Giáo Hội.

6.    Không phải ai cũng sáng suốt, phân biệt được phải, trái, lành, dữ nên trong Tông Thư “Il Fermo Proposito” gởi cho hàng giáo phẩm Ý Đại Lợi, ngày 11 tháng 6, năm 1905, ĐGH Pio X đã nhấn mạnh về vai trò của hàng giáo sĩ nhằm giáo huấn và hướng dẫn hoạt động của các đoàn thể theo đường hướng của Giáo hội dựa trên căn bản Kinh Thánh:
       "Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy." (Lc 10,16).
"Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha". (Cl 3,17)
"Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời! A-men." (Rm 11,36)
"Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình.4 Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác.5 Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su". (Pl 2, 3-5).

7.    Cũng có khi vì quan niệm sai về tinh thần bác ái, một số cursillista thiếu can đảm, thường tự bịt tai, che mắt trước những hành vi bất thường xảy ra trong Phong trào, nhưng nếu các phần tử “tự cao, tự đại, tự mãn” cứ lạm dụng tinh thần bác ái của các thành viên khác, vẫn tiếp tục gây phiền nhiễu đến sinh họat chung thì cấp lãnh đạo Phong trào  cần phải có thái độ thích ứng để thực thi sứ mệnh của Phong trào. Vì thế mà sách Cẩm Nang Lãnh Đạo khuyên nên chọn những cursillista sáng suốt, hiểu biết sách lược của Phong trào, những cursillsta can đảm không sợ mất chức vào Ban Điều hành của các Phong trào.
 
Thiên Chúa là tình yêu, là bác ái, nhưng Ngài cũng đã giáng xuống nhiều hình phạt như phạt Tổ Tông của nhân loại ra khỏi vườn Địa đàng, đốt thành Sodom, tạo nạn đại hồng thuỷ, hoặc xua đuổi các lái buôn làm ô uế Đền Thánh và các hình phạt khác…
"Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tuỳ theo việc họ làm…“ (x Rm 2, 6-8).
Tại sao? vì Thiên Chúa là tình yêu và cũng là Đấng Công Chính. “Sự công chính của Thiên Chúa được mặc khải" (Rm 1,17). Công chính nghĩa là có công thì thưởng, có tội thì phạt, để duy trì trật tự chung của Vương Quốc Chuá.

8.    Bác ái mà thiếu công chính không phải là bác ái chân chính. ĐGH Gioan XXIII đã nói ”phải thi hành đức công chính trước, rồi bác ái mới đến sau”. 
Bác ái là thương người. Nhưng ngược lại, chúng ta phải xử thế một cách công chính, mới xứng đáng được người thương. Thương người làm bậy chỉ là sự thương hại một cách tiêu cực, không phải là bác ái chân chính. Sự thương hại, hay im lặng, bao che sự sai trái, có khi khiến cho người làm việc sai trái tưởng mình là thánh, không biết lỗi lầm để tự hoán cải, tức là gián tiếp hại người, bỏ mặc “khôn nhờ, dại chịu”. Vì thế, như trên đã nói “Biết mà không nói là bất nhân, nói mà không nói hết cũng bất nghĩa”.                     
Bất nhân (không thương người), bất nghĩa (không giúp đỡ người) đều là lỗi đức bác ái.
Công chính tự nó có tính cách thuyết phục, bác ái tự nó có tính cách cảm hóa. Châm ngôn của Giáo hội Công giáo là sống đạo hạnh và thực thi đức công bằng và bác ái.

ĐGH Phaolô VI đã nói: Muốn có hòa bình trong xã hội, sự bình an trong tâm hồn, sự hạnh thông trong sinh hoạt đoàn thể trước hết phải tôn trọng đức công chính. Nghĩa là phải sinh hoạt đúng theo đướng hướng phục vụ nhân quân xã hội hay mục đích của tổ chức, không lợi dụng tổ chức mưu cầu lợi ích cho cá nhân hay phe phái.
Thánh Augustine cũng chủ trương ”Bác ái không thể thay thế cho sự công chính bị tước đoạt”.
Công chính là “luật lệ, bổn phận công dân” phải  thực thi ”để duy trì trật tự của đoàn thể, của xã hội, chống bất công, hầu tạo hạnh phúc, an vui cho thành viên, tha nhân”.
 Bác ái là “luân lý, đạo đức” mà mỗi cá nhân nên tuân thủ trong tinh thần ”Lý tưởng, Bác ái và Phó thác”.
Thánh Anselm of Canterbury (1033-1109) trong tác phẩm “Cur Deus Homo” Tại Sao Chúa xuống thế làm người?
 
“Chúa đến để chuộc tội cho nhân loại bằng cách thực thi “đức bác ái” trong tinh thần “công chính”.  

De Colores

    Trần Xuân Thời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét