Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

Giáo lý ĐTC Phanxicô về Gia đình (tt) - Cầu nguyện

"Cầu nguyện đưa chúng ta về với thời gian
của Thiên Chúa"

Đức Giáo Hoàng đã kết thúc, trong khuôn khổ chuỗi Bài giáo lý về gia đình, suy niệm tập trung chung quanh ba yếu tố cốt lõi: ngày lễ, lao động và cầu nguyện.

Rôma – 27/8/2015 (ZENIT.org)

Đức Giáo Hoàng đã dành Bài giáo lý ngày thứ Tư 26/8/2015, trên quảng trường Thánh Phêrô, cho cầu nguyện trong gia đình vốn "đưa chúng ta trở về với thời gian của Thiên Chúa"
Sau đây là bản dịch toàn văn Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng.
***
Thân chào quý anh chị em!
Sau khi suy ngẫm về cách mà gia đình sống trong những ngày lễ và trong lao động, bây giờ  chúng ta sẽ xét về thời gian cầu nguyện. Điều mà người Kitô hữu thường than phiền, chính là liên quan đến thời gian; "Đáng lẽ tôi phải cầu nguyện nhiều hơn…: tôi muốn làm như thế, nhưng nói chung, tôi không có thời gian". Chúng ta nghe điều này liên tục. Sự hối tiếc, đương nhiên là thành thật, bởi vì tâm hồn luôn đi tìm cầu nguyện, kể cả có khi vô thức, và nếu tâm hồn không tìm được thì nó sẽ không yên. Nhưng để cho tâm hồn và cầu nguyện gặp được nhau, cần phải vun trồng trong tâm hồn một tình yêu "nồng nhiệt", một tình yêu cảm xúc đối với Thiên Chúa.
Chúng ta có thể tự đặt cho mình một câu hỏi đơn giản. Không có vấn đề để hết lòng tin vào Thiên Chúa, không có vấn đề để hy vọng sự trợ giúp của Người trong những khó khăn, không có vấn đề để cảm thấy như một bổn phận phải tạ ơn Nguời. Tất cả suy nghĩ trên đều đúng cả. Nhưng liệu chúng ta có thực tình yêu mến Chúa một chút hay không? Nghĩ tới Thiên Chúa, chúng ta có thấy mình bị đánh động hay không, có làm chúng ta tư lự hay không, có sưởi ấm chúng ta hay không?
Chúng ta hãy nghĩ tới cách trình bầy của điều răn lớn, chỗ dựa cho những điều răn khác: "Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng hết dạ, hết sức ngươi" (Đnl 6, 5; x. Mt 22, 37). Công thức đã phải dùng đến ngôn ngữ mạnh mẽ của tình yêu, khi áp dụng vào Thiên Chúa. Như thế, nơi đó mới chính là nơi mà tinh thần cầu nguyện cư ngụ. Và nếu nó cư ngụ ở đó, nó sẽ ở đó vĩnh viễn và sẽ không trở ra nữa. Liệu chúng ta có thể nghĩ tới Thiên Chúa như nghĩ tới sự ve vuốt mà chúng ta có trong đời, trước đó, chúng ta chưa hề hiện hữu? Một sự ve vuốt mà chẳng cái gì, kể cả cái chết, cũng không có thể tách rời ra khỏi chúng ta được? Hay ngược lại, chúng ta có hình dung Người chỉ là một Đấng cao trọng, Đấng Toàn Năng đã làm nên mọi sự, Vị Quan Tòa kiểm soát từng hành động? Đương nhiên là rất chính xác. Nhưng chỉ khi Thiên Chúa là trung tâm của tất cả những gì chúng ta yêu thích, thì ý nghĩa của những câu nói trên mới tỏ ra trọn vẹn. Như thế, chúng ta hạnh phúc và kèm thêm một chút bối rối bởi vì Người nghĩ đến chúng ta, và nhất là, Người yêu thương chúng ta! Điều này không phải là gây ấn tượng sao? Không phải là đáng xúc động khi Thiên Chúa vuốt ve chúng ta bằng tình yêu của một người cha hay sao? Thật quá đẹp! Người có thể chỉ tỏ ra là Đấng Tối Cao, ban ra các điều răn và chờ đợi kết quả. Nhưng Thiên Chúa đã làm và tiếp tục làm nhiều hơn điều đó vô cùng. Người đồng hành trên đường đời với chúng ta, Người che chở chúng ta, Người yêu thương chúng ta.

Nếu tình yêu đối với Thiên Chúa không đốt lên ngọn lửa, thì tinh thần cầu nguyện không sưởi ấm thời gian. Chúng ta sẽ có thể cứ lải nhải "như dân ngoại", Chúa Giêsu phán; hay đứng phô trương giữa nơi công cộng cho người ta thấy khi chúng ta cầu nguyện "như những người Pharisêu" (x. Mt 6, 5-7). Một tâm hồn được tình yêu Thiên Chúa cư ngụ, sẽ biến một tư tưởng, dù không nói ra lời, hay một ý khẩn cầu trước một hình tượng thánh, hay một nụ hôn gió gửi cho Giáo Hội… thành lời cầu nguyện. Thật là đẹp, khi các bà mẹ dạy cho các con nhỏ gửi những cái hôn gió lên Chúa Giêsu hay Đức Mẹ. Âu yếm biết bao trong cử chỉ này! Lúc đó, tâm hồn trẻ em biến thành nơi cầu nguyện. Và đó là một ơn của Chúa Thánh Thần. Chúng ta đừng bao giờ quên cầu xin ơn này cho mỗi người chúng ta! Bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa có cách đặc biệt của chỉ riêng Người để nói trong tâm hồn chúng ta rằng "Abba" – "Cha", Người dạy chúng ta gọi tiếng "Cha" đúng như cách Chúa Giêsu đã gọi, một cách mà chúng ta không thể nào tự mình tìm ra được (x. Gl 4, 6). Ơn này của Chúa Thánh Thần, chính trong gia đình chúng ta mới có thể học cách cầu xin và nếm trải ơn đó được. Nếu bạn học với cùng một sự tự nhiên như khi bạn học gọi "Ba" và "Má", bạn sẽ nhớ mãi mãi. Khi điều này xẩy ra, toàn bộ thời gian sống trong gia đình được đặt ngay trong lòng tình yêu của Thiên Chúa, và nó tự nhiên sẽ đi tìm thời gian cầu nguyện.
Thời gian trong gia đình, chúng ta đều biết rõ, là một thời gian phức tạp và thúc bách, bận bịu và lo âu. Nó thường quá ngắn ngủi, không bao giờ đủ cả, có bao nhiêu việc phải làm. Ai là người có một gia đình đều mau chóng học được cách phân giải một phương trình mà chính những nhà toán học vĩ đại cũng không biết cách phân giải: có 24 giờ mà phải làm thành gấp đôi! Có những ông cha, bà mẹ đáng được giải Nobel về chuyện này. Có 24 giờ, họ làm thành 48 giờ; tôi không biết họ làm cách nào, nhưng họ cựa quậy và họ đã làm được! Có biết bao công việc trong một gia đình!
Tinh thần cầu nguyện đưa chúng ta trở lại với thời gian của Thiên Chúa, nó thoát ra khỏi nỗi ám ảnh của một cuộc đời luôn thiếu thời gian, nó cho lại sự bình an của những điều cần thiết và khám phá ra niềm vui của những ơn phúc bất ngờ. Có nhiều nữ hướng dẫn viên trên con đường này như cô Martha và bà Maria, kể trong Tin Mừng chúng ta mới nghe. Các cô học được từ Thiên Chúa sự hài hòa của nhịp sống trong gia đình: cái đẹp của ngày lễ, sự thanh thản của công việc được chu toàn, tinh thần cầu nguyện (x. Lc 10, 38-42). Các cô yêu mến Chúa Giêsu và sự kiện Người ngự đến nhà vui như một ngày lễ. Tuy thế, một ngày kia, cô Martha đã thấy rằng những công việc tiếp đón, dù quan trọng đến mấy, cũng không phải là tất cả và việc lắng nghe lời Chúa; như cô Maria đã làm, mới là sự cốt yếu, "phần tốt nhất" của thời gian. Cầu nguyện toát lên từ sự lắng nghe Chúa Giêsu, từ việc đọc Phúc Âm. Anh chị em đừng quên: mỗi ngày đọc một đoạn Phúc Âm. Cầu nguyện phát ra từ sự thân cận với Lời của Thiên Chúa. Liệu có còn tình thân mật đó trong gia đình chúng ta hay không? Ở nhà chúng ta có cuốn Phúc Âm không? Chúng ta có cùng nhau mở nó ra không? Chúng ta có suy ngẫm khi chúng ta lần chuỗi Mân Côi không? Phúc Âm được đọc và suy niệm trong gia đình cũng như lương thực tốt lành nuôi sống tâm hồn mọi người. Và sớm, tối, và khi chúng ta vào bàn dùng bữa, chúng ta hãy tập đọc một kinh, thật đơn giản: chính Chúa Giêsu ngự đến giữa chúng ta, cũng như Người đã ngự đến trong gia đình Martha, Maria và Lazarô. Một điều mà tôi canh cánh trong lòng và đã nhìn thấy trong nhiều thành phố: có những em bé không biết làm dấu Thánh Giá! Nhưng bạn, là má, là ba, bạn hãy dậy cho các con cầu nguyện, làm dấu Thánh Giá; đó là một sứ mạng cao đẹp đối với các bậc làm cha mẹ.
Trong kinh nguyện gia đình, trong những thời điểm mạnh mẽ cũng như trong những giai đoạn khó khăn, chúng ta hãy phó thác cho nhau, để mỗi người chúng ta, trong gia đình, được gìn giữ bởi tình yêu thương của Thiên Chúa.
Bản dịch tiếng Pháp: Matthieu Gourrin (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt: Mạc Khải (ghxhcg.com)
(27 août 2015) © Innovative Media Inc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét