Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015

Giáo lý ĐTC Phanxicô về Gia đình: Vấn đề ly dị - tái hôn

"Không đóng cửa"

Buổi triều kiến chung đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sau một thời gian nghỉ hè, được dành cho chỗ đứng của những người ly dị tái hôn.
Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh là "những người này không hề bị rút phép thông công".

Vatican – 05/8/2015 (ZENIT.org) Staff Reporter

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục các buổi triều kiến chung vào ngày thứ Tư 05/8/2015 này; ngài đề cập đến tình trạng những người "đã tiến hành một cuộc kết hôn mới" "sau đổ vỡ hôn nhân lần trước". Ngài nhấn mạnh là họ "vẫn là thành phần của Giáo Hội" và đã mời gọi các khách hành hương hãy chăm sóc các "gia đình mang thương tích" này và đồng hành với họ "trong đời sống đức tin của cộng đoàn".
Khi chào mừng du khách nói tiếng Pháp, Đức Giáo Hoàng đã đưa ra lời kêu gọi: "Mong rằng chuyến hành hương của anh chị em đến viếng mộ các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô là dịp để làm lớn lên trong anh chị em sự quan tâm đến những con người, những gia đình bị thương tích trong tình yêu của họ".
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dành "một suy nghĩ đặc bìệt cho giới trẻ, cho các người bệnh và cho những cặp tân hôn". Ngài đã mời gọi họ hãy cầu nguyện Đức Mẹ Thiên Chúa "đê cảm nhận được sự êm dịu của tình yêu Mẹ", "trong những lúc vác Thánh Giá và những lúc khổ đau", và hãy nhìn lên Mẹ như "gương mẫu" của "con đường chồng vợ tận tụy và chung thủy".   
Bài giáo lý ngày thứ Tư này tiếp tục chuỗi Bài giáo lý về gia đình. Sau đây là bản dịch toàn văn:
***
Bài giáo lý bằng tiếng Ý
Thân chào quý anh chị em!
Với Bài giáo lý này, chúng ta tiếp tục suy nghĩ về gia đình. Sau khi nói, lần trước, về các gia đình bị thương tích vì vợ chồng không hiểu nhau, hôm nay tôi muốn lưu ý về một thực tế khác: làm sao săn sóc cho những cặp vợ chồng, sau một lần hôn nhân gẫy đổ không cứu vãn được, đã bắt đầu một cuộc kết hôn mới".
Giáo Hội biết rõ một tình trạng như thế là trái với bí tích Kitô giáo. Tuy nhiên, cái nhìn của bà thầy luôn đến từ trái tim của người mẹ; một trái tim được làm sinh động bởi Thánh Linh, luôn tìm cái tốt và cứu rỗi cho người ta. Đó là lý do tại sao Giáo Hội cảm thấy có bổn phận, "vì yêu chân lý", phải "phân định rõ từng tình huống". Chính vì thế mà Thánh Gioan-Phaolô II, trong tông huấn Familiaris consortio (số 84), đã nói lên khi lấy thí dụ sự khác biệt giữa người gánh chịu sự chia tay và kẻ gây ra đổ vỡ. Cần phải làm sự phân định này.

Rồi sau đó, nếu chúng ta nhìn lại những quan hệ mới này với con mắt của trẻ thơ – và các em bé cũng biết quan sát chứ - với con mắt của những em rất nhỏ, chúng ta càng thấy sự cấp bách phải phát triển trong các cộng đoàn của chúng ta một sự đón tiếp thực sự đối với những người đang sống trong các hoàn cảnh đó. Bởi thế, quan trọng là phương cách, ngôn từ, thái độ của cộng đoàn, luôn phải quan tâm đến con người, bắt đầu từ những em bé. Chính các em là những kẻ đau khổ nhất trong những cảnh huống như vậy. Hơn nữa, làm sao chúng ta có thể khuyên nhủ các cha mẹ dạy dỗ con cái họ theo đời sống Kitô giáo, bằng cách nêu gương đức tin xác tín và thực hành, nếu chúng ta lại đẩy họ ra xa với đời sống cộng đoàn, như thể là họ bị mất phép thông công? Phải làm thế nào để đừng thêm gánh nặng cho những trẻ em đã phải lãnh chịu nhiều rồi trong tình huống đó! Khốn nỗi, con số những trẻ em và thiếu nhi này thật là lớn. Quan trọng là các em phải cảm thấy rằng Giáo Hội là một bà mẹ quan tâm đến tất cả con cái, luôn sẵn sàng lắng nghe và đến với chúng.
Trong những thập niên này, thực chất, Giáo Hội đã không vô cảm và cũng không lười biếng. Nhờ vào những nghiên cứu sâu rộng của các đấng chăn dắt, được hướng dẫn và ghi nhận bởi các vị tiền nhiệm của tôi, đã lớn lên ý thức một sự đón tiếp huynh đệ và quan tâm là cần thiết, trong tình yêu thương và trong chân lý, đối với những người công giáo đã lập lại một cuộc sống mới sau lần thất bại của hôn nhân bí tích của họ; quả thật, những người đó không hề bị rút phép thông công: họ không bị rút phép thông công! Và họ nhất thiết không thể bị đối xử như thế : họ vẫn còn là thành phần của Giáo Hội.
ĐGH Biển Đức XVI đã có ý kiến về vấn đề này, yêu cầu có một sự thẩm định cẩn thận và một sự đồng hành mục vụ khôn ngoan, biết rằng không có "công thức đơn giản" (Diễn văn nhân cuộc gặp gỡ các gia đình toàn cầu lần thứ VIII, Milanô, ngày 02/6/2012, câu trả lời số 5).
Từ đó đã có những lời mời gọi liên tục của các đấng chăn dắt là hãy công khai thể hiện, một cách liên xuyến, sự sẵn sàng của cộng đoàn nhằm đón nhận họ, khuyến khích họ, để họ sống và luôn triển khai sự thống thuộc của họ vào Đức Kitô và vào Giáo Hội, bằng cầu nguyện, bằng lắng nghe Lời Thiên Chúa, bằng thường xuyên tham dự phụng vụ, bằng giáo dục Kitô giáo cho con cái họ, bằng tình bác ái và phục vụ đối với người nghèo, bằng sự dấn thân của họ cho công lý và hòa bình.
Hình ảnh Mục Tử Nhân Lành trong Thánh Kinh (Ga 10, 11-18) tóm tắt sứ vụ mà Chúa Giêsu đã nhận lãnh từ Cha Người: hình ảnh hy sinh mạng sống cho đoàn chiên của mình. Một thái độ như thế là gương mẫu cho Giáo Hội, để đón nhận con cái như một bà mẹ hy sinh mạng sống mình cho chúng. "Giáo Hội được kêu gọi luôn là một căn nhà cửa mở của Cha […]" Không có cửa đóng! "Tất cả mọi người có thể tham gia cách này hay cách khác vào đời sống Hội Thánh, tất cả mọi người có thể là thành phần của cộng đoàn. Giáo Hội […] là nhà tổ nơi có chỗ cho mỗi người với cuộc đời khó khăn của mình" (Tông Huấn Evangelii gaudium, số 47).
Cũng một thể thức đó, tất cả mọi Kitô hữu đều được kêu gọi hãy noi gương Đấng Mục Tử Nhân Lành. Các gia đình Kitô hữu, có thể hợp tác với Người khi chăm sóc các gia đình mang thương tích, bằng cách đồng hành với họ trong cuộc sống đức tin của cộng đoàn. Mong rằng mỗi người mang đến sự đóng góp của mình bằng cách nhận lấy thái độ Mục Tử Nhân Lành, Đấng biết rõ từng con chiên của Người và không loại bỏ con nào ra khỏi tình yêu thương vô bờ bến của Người!
Bản dịch tiếng Pháp của Zenit: Constance Roques
Bản dịch tiếng Việt: Mạc Khải (ghxhcg.com)
(5 août 2015) © Innovative Media Inc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét